cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 107/CT-UB ngày 13/08/1979 Về việc khôi phục và phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn; ổn định đời sống ngư dân huyện Duyên Hải do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 107/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 13-08-1979
  • Ngày có hiệu lực: 13-08-1979
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6948 ngày (19 năm 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Chỉ thị số 107/CT-UB ngày 13/08/1979 Về việc khôi phục và phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn; ổn định đời sống ngư dân huyện Duyên Hải do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 107/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 8 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ ĐÁNH BẮT, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NƯỚC LỢ VÀ NƯỚC MẶN ; ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NGƯ DÂN HUYỆN DUYÊN HẢI

Nhiệm vụ cấp thiết của nghề cá huyện Duyên Hải từ nay đến năm 1980, tập trung vào mấy vấn đề sau đây :

- Trên cơ sở củng cố và phát triển mạnh việc sản xuất thủy hải sản để tăng thu nhập mà ổn định và từng bước cải thiện đời sống của ngư dân lao động và của nhân dân huyện Duyên Hải ; (còn các nghề khác như nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trừng, v.v.. thì theo chỉ thị đã có).

- Cung cấp một phần tôm cá cải thiện bữa ăn của nhân dân nội thành và một phần nguyên liệu tôm cho chế biến xuất khẩu.

- Nhanh chóng phục hồi và phát triển nghề cá của huyện Duyên Hải một cách toàn diện (cả đánh bắt, lẫn nuôi trồng), bằng cách vừa tận dụng có hiệu quả cao các lực lượng, phương tiện hiện có, vừa phải tăng cường đầu tư vật tư, phương tiện đánh bắt (tàu, thuyền, lưới, ..) trực tiếp cho ngư dân lao động và khu vực tập thể. Từng bước xây dựng lực lượng tập trung của Sở Thủy sản và huyện Duyên Hải để đánh bắt tôm xuất khẩu.

Để đảm bão thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu trên đây, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp huyện Duyên Hải và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan cần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, các công việc cụ thể đã được nhận ; đồng thời có kế hoạch triển khai ngay những công việc đã được phân côn bổ sung theo nội dung, kế hoạch và biện pháp dưới đây :

A. MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU VÀ TIẾN ĐỘ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1.Từ nay đến hết quý 1/1980

Phải đạt được sản lượng đánh bắt và nuôi trồng bình quân 25-30 tấn/ngày và thu mua được 50-70% sản lượng.

2. Trong 6 tháng đầu năm 1980

Phải đạt được sản lượng đánh bắt và nuôi trồng bình quân 30-50 tấn/ ngày và thu được 70-80% sản lượng.

3. Từ giữa năm 1980 trở đi

Phấn đấu đạt được sản lượng đánh bắt và nuôi trồng bình quân 50-80 tấn/ngày và thu mua được trên 80% sản lượng.

B. NHỮNG CÔNG TÁC CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Sở Thủy sản cùng với Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải phải có kế hoạch toàn diện và thật cụ thể để phát huy mọi thuận lợi, tận dụng triệt để mọi khả năng hiện có về tài nguyên thiên nhiên, về công cụ sản xuất, về lao động, vật tư vốn liếng v.v... để nhanh chóng đưa toàn lực vào thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khôi phục và phát triển sản xuất trên ba mặt chính : khai thác thủy sản ở biển, ở sông ; nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn ; chế biến thủy sản phục vụ cho yêu cầu của thành phố ; dành một phần tôm cho xuất khẩu. Mặt khác, phải dành một phần đầu tư thích đáng (về vật tư kỹ thuật, máy móc, thiết bị, .. ) cho nghề cá quần chúng trên cả hai mặt đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

a/ Về mặt đánh bắt phải giữ vũng và phát huy tác dụng các phương tiện đánh bắt hiện có (thuyền, lưới, lao động đang hành nghề..) ; đồng thời nhanh chóng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gần 1.000 ngư dân đã bỏ nghề vì thiếu ngư cụ có thể trở lại tiếp tục sản xuất. Ngoài việc động viên ngư dân tự lực giải quyết vốn liếng, phương tiện ; Nhà nước cần có sự đầu tư giúp đỡ thích đáng cho họ về vật tư kỹ thuật chủ yếu như cột đáy, dây thép, gỗ sửa chữa, đóng thuyền, lưới, phụ tùng sửa chữa máy, cơ sở sửa chữa, đóng mới thuyền đánh cá, v.v..; tập trung giải quyết kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của khoảng 200 khẩu đáy sông cầu đang chuẩn bị bước vào thời vụ chính. Việc cung cấp vật tư, cho vay vốn phải kịp thời vụ, đến tận tay người sản xuất công bằng và thuận tiện, đơn giản về thủ tục. Tận tình giúp đỡ, khuyến khích thiết thực nghề đánh bắt của cá thể, tập thể quốc doanh để tăng năng suất, tăng thu nhập, qua đó nghiên cứu có hình thức từng bước tổ chức lại nghề đánh bắt, nuôi trồng phù hợp với từng ngành, từng nghề theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Chú ý hướng dẫn, giải quyết những người trong gia đình ngư dân chưa có việc làm hay đang làm nghề buôn bán sang làm các nghề sản xuất khác, hoặc nghề phụ, hoặc lựa chọn đưa vào cơ quan thu mua của Nhà nước.

Thống nhứt lại tổ chức cung cấp vật tư và thu mua thủy hải sản của Nhà nước từ thành phố đến cơ sở nhằm bảo đảm phục vụ kịp thời các yêu cầu sản xuất của ngư dân và bảo đảm kế hoạch thu mua nắm nguồn hàng của Nhà nước ; sử dụng lực lượng ngư dân lao động tham gia đấu tranh và cải tạo thương buôn mua bán cá, phá rối thị trường.

Ủy ban nhân dân thành phố giao việc tổ chức thu mua thủy sản nước lợ, nước mặn tại huyện Duyên Hải từ Sở Thương nghiệp sang Sở Thủy sản đảm nhận. Sở Thủy sản có trách nhiệm cùng Sở Thương nghiệp. Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải bàn bạc kế hoạch thống nhất để nhanh chóng giao nhận, tổ chức thực hiện theo hướng bảo đảm quyền quản lý kinh doanh của Sở Thủy sản đồng thời bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải, phát huy vai trò giám sát tập thể của ngư dân lao động đối với các cơ sở phụ trách cung ứng vật tư và thu mua sản phẩm của Sở Thủy sản tổ chức tại các điểm ở huyện Duyên Hải.

b) Về nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn.

Đi đôi với việc đánh bắt thủy hải sản, cần hết sức coi trọng khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và tổ chức tốt việc khai thác, bảo vệ các loại đặc sản khác ở từng triều. Có kế hoạch động viên gây thành phong trào nuôi trồng thủy sản rộng rãi trong từng gia đình, từng tổ sản xuất, từng cơ quan, trường học, công nông trường, doanh trại quân đội... tại huyện Duyên Hải. Có chánh sách và biện pháp kỹ thuật giúp đỡ các cơ sở sẵn có của các nông trường đã nuôi trên quy mô lớn ; đồng thời nghiên cứu, quy hoạch xây dựng mới một số cơ sở nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn có tính chất công nghiệp. Trong vận động lấy tinh thần vận động phong trào xây dựng “ao cá Bác Hồ” làm động lực thúc đẩy, coi trọng giải quyết các biện pháp kỹ thuật để không ngừng nâng cao năng suất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

c) Về chế biến – tổ chức và phát triển nghề chế biến vừa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân huyện Duyên Hải và thành phố, vừa giải quyết công ăn việc làm cho gia đình ngư dân, tạo cơ sở để chuyển tiểu thương sang sản xuất. Chú trọng tổ chức lại nghề chế biến mắm ruốc, trang bị thêm phương tiện (máy xay, sân phơi...) bảo đảm vệ sinh thực phẩm, bảo quản tốt, giải quyết việc vận chuyển và phân phối.

2. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất thủy hải sản huyện Duyên Hải.

a) Mạnh dạn đầu tư vốn theo kế hoạch từng bước để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghề cá ; cần hoàn thành vượt mức thời gian các công trình, hạng mục đã có kế hoạch đầu tư trước đây ; song song với việc tính toán vốn cần đầu tư từ nay đến cuối năm 1979 cho những yêu cầu mới của nghề cá huyện Duyên Hải, cả hai khâu khai thác và nuôi trồng ; tập trung bước đầu chủ yếu vào lực lượng của quần chúng ngư dân, giải quyết các phương tiện đánh bắt (thuyền, lưới, vật tư khác,... lao động đắp đập, khoanh vùng nuôi tôm cá) quyết giữ cho được năng lực đánh bắt hiện có ; có kế hoạch xây dựng từng bước vững chắc lực lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản quốc doanh của huyện.

Sở Thủy sản cùng Ủy ban Kế hoạch thành phố tính toán, cân đối, để kịp thời báo cáo kế hoạch điều chỉnh về vốn đầu tư, vật tư kỹ thuật, máy móc, thiết bị lên Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.

b) Giải quyết, thỏa đáng các chánh sách , nhất là chánh sách lương thực cung cấp vật tư, bảo đảm hậu cần, giá cả, thu mua sản phẩm, hợp đồng kinh tế hai chiều, v.v...

Sở Thủy sản có trách nhiệm cùng với các ngành có liên quan của thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải tiếp tục nghiên cứu và báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố để xét duyệt kịp thời.

c) Tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Muốn đạt được nội dung yêu cầu đã nêu trên, trước hết các cấp, các ngành có liên quan cần nhận thức tầm quan trọng của vấn đề được đặt ra để tổ chức và chỉ đạo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình trên tinh thần trách nhiệm cao, có sáng tạo ; trong đó huyện Duyên Hải, Sở Thủy sản và Ủy ban Kế hoạch thành phố có vai trò và trách nhiệm chính giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo.

Trong tổ chức thực hiện phải hết sức coi trọng giải quyết tốt về nhận thức tư tưởng của cán bộ và nhân dân làm nghề cá ; trước hết là trong cán bộ của Sở Thủy sản và huyện Duyên Hải. Làm cho mọi người hiểu rõ tiềm năng thiên nhiên, hướng phát triển kinh tế chung của huyện Duyên Hải, thấy vị trí và lợi ích của nghề cá trong đời sống hàng ngày của nhân dân làm nghề cá nói riêng và nhân dân huyện Duyên Hải nói chung và thấy được phần nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước để cung cấp cho nhân dân thành phố.

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh việc vận động ngư dân lao động và nhân dân trong huyện ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ và đề cao vai trò làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân làm nghề cá.

Sở Thủy sản có trách nhiệm hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải lên kế hoạch triển khai thực hiện đầy đủ chỉ thị này ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan đảm bảo thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ các kế hoạch đã được xét duyệt theo sự phân công phục vụ cho nghề cá của huyện Duyên Hải.

C- PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CÁC CÔNG TÁC LỚN CẤP THIẾT.

(Xem phần phụ lục kèm theo chỉ thị này).

D- TỔ CHỨC KIỂM TRA, ĐÔN ĐỐC VÀ MỘT VÀI QUY ĐỊNH VỀ LỀ LỐI LÀM VIỆC.

1. Về tổ chức.

Để giúp Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện chỉ thị này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân thành phố phân công:

Mỗi ngành liên quan cử một đồng chí lãnh đạo đặc trách về ngoại thành, nay tập trung đi chuyên sâu lo cho huyện Duyên Hải, ít nhứt trong một thời gian để hoàn thành cơ bản các công việc được giao.

Sở Thủy sản (đồng chí Giám đốc Nguyễn Võ Danh) và Ủy ban Kế hoạch (đồng chí Phó Chủ nhiệm Nguyễn Công Ái) làm nhiệm vụ thường trực, tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trong việc kiểm tra, đôn đốc, hợp đồng các ngành, trực tiếp giải quyết những việc thuộc phạm vi chức năng hoặc đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện chỉ thị (đồng thời được giao làm nhiệm vụ thường trực kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch khối thủy sản toàn thành phố, gồm đánh bắt, nuôi trồng khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cá thể).

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố (khối theo dõi ngành thủy sản) nắm sát tình hình, báo cáo kịp thời và đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết nhanh, gọn, chính xác mọi thủ tục, công văn liên quan.

2. Một vài quy định về lề lối làm việc

Định kỳ hàng tuần của giai đoạn đầu, bộ phận thường trực mời các ngành liên quan họp giao ban để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ công việc một cách gọn nhẹ (địa điểm Văn phòng Sở Thủy sản) ; một số buổi giao ban có sự đề xuất trước, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố sẽ phân công tham dự.

Các đề án công tác do các ngành dự thảo nhằm thi hành chỉ thị này, cần thông qua bộ phận thường trực trước khi chuyển đến Ủy ban nhân dân thành phố duyệt ký.

Nói chung mọi hoạt động kinh tế  đều phải chấp hành đúng đắn các thủ tục, chế độ về quản lý kinh tế mà Nhà nước đã quy định ; nhưng để đáp ứng thời vụ, chiếu cố hoàn cảnh địa lý của huyện Duyên Hải, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép thủ trưởng liên ngành được thỏa thuận cùng thực hiện trước một số việc cấp bách đã có chủ trương của lãnh đạo thành phố, rồi tiến hành làm đầy đủ thủ tục liền sau đó ; nhưng phải có bút tích của thủ trưởng liên ngành ghi ký vào văn bản làm chứng từ gốc.

Nhận được chỉ thị này, huyện Duyên Hải và các sở, ban, ngành liên quan cần soát xét lại nhiệm vụ kế hoạch, bổ sung kịp thời và đẩy mạnh việc triển khai tổ chức chỉ đạo thực hiện, quan hệ chặt chẽ với bộ phận, thường trực và định kỳ báo cáo tình hình về Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Công

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Chỉ thị số 107/CT-UB ngày 13-8-1979 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CÁC CÔNG TÁC LỚN CẤP THIẾT

Huyện Duyên Hải và các sở, ban, ngành tiếp tục hoàn thành các việc đã được giao trước đây, đồng thời quan tâm thực hiện những công tác mà các cuộc hội nghị thượng tuần tháng 7-1979 đã bàn bạc và phân công.

+ Sở Thủy sản.

- Tổ chức một bộ phận chuyên trách nằm tại huyện Duyên Hải và tổ chức phụ trách đầu mối tại thành phố lo cho huyện Duyên Hải toàn bộ các mặt có liên quan về ngành thủy hải sản.

- Giải quyết vật tư, thiết bị, máy móc phụ tùng, ngư lưới cụ (Công ty Vật tư tổng hợp, Sở Thương nghiệp, Sở Công nghiệp lo phần liên quan) ; làm xong trước mùa đánh bắt tôm cá tới đây (thời vụ từ tháng 9-1979 đến tháng 4-1980).

- Dự thảo chánh sách đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn tại huyện Duyên Hải ; cùng với huyện Duyên hải đi sâu nghiên cứu về tổ chức, nhằm khai thác hết tiềm năng còn rất lớn của địa phương.

+ Ủy ban Kế hoạch, Sở tài chánh, Ngân hàng thành phố.

- Chủ động đôn đốc, xem xét giải quyết nhanh việc điều chỉnh kế hoạch, xét duyệt đề án của các ngành, cấp vốn, cho vay vốn, chi tiền mặt, v.v... theo chế độ ưu tiên cho huyện Duyên Hải.

+ Ty Lâm nghiệp.

- Giải quyết cọc đáy, nguyên vật liệu lâm sản (Sở Thủy sản, Sở Giao thông vận tải cùng lo phần liên quan) ; làm xong trong tháng 7-1979.

- Cử ngay xuống huyện Duyên Hải (Cần Giờ) một tổ mộc sửa chữa ghe tàu.

- Lập một cụm máy cưa xẻ gỗ, đóng mới, sửa chữa ghe tàu gỗ tại xã Tam Thôn Hiệp ; xây dựng một xưởng đóng cửa ghe tàu gỗ tại Cần Giờ nhận ván gỗ xẻ từ Tam Thôn Hiệp xong giao cho huyện quản lý ; hoàn thành trong qúy III/1979.

+ Sở Công nghiệp.

- Đến tháng 8-1979 hoàn thành và đưa vào hoạt động máy phát điện, xưởng cơ khí, xưởng làm nước đá tại Cần Giờ (Sở Xây dựng hoàn thành hệ thống cột điện, dây điện).

- Xây dựng các điểm cơ khí sửa chữa tại các xã, sửa chữa cả ngư cụ và nông lâm cụ; chuẩn bị xong toàn bộ, kể cả phần nhà cửa cần thiết, tại thành phố xong đem xuống lắp đặt cho địa phương.

- Nghiên cứu để sớm tổ chức xây dựng một vài cụm cơ khí cho huyện Duyên Hải.

- Cung cấp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật cho huyện, xã; lấy phần lớn người do địa phương chọn tại chỗ giao cho Sở đào tạo, bồi dưỡng ; kinh phí do Sở đài thọ, cùng với Ban tổ chức chánh quyền, Sở Lao động nghiên cứu, đề xuất các chánh sách, chế độ thỏa đáng đối với cán bộ, công nhân viên đến công tác tại huyện Duyên Hải.

Ban Kiểm tra và phân phối vật tư và Công ty Vật tư tổng hợp có nhiệm vụ hỗ trợ phần vật tư và thiết bị trưng thu được để trang bị cho Duyên Hải theo yêu cầu của Sở Thủy sản, Công nghiệp và huyện Duyên Hải.

+ Sở Giao thông vận tải.

- Trao đổi với huyện Duyên Hải và Sở Thủy sản, nghiên cứu xây dựng gấp bến cá dã chiến tại Cần Giờ, trong khi chờ quy hoạch xây dựng bến cá kiên cố.

- Bàn bạc với huyện Duyên Hải để bổ sung phương tiện lập ngay đội vận tải nhỏ cho huyện (xe cộ, ghe tàu).

- Tu sửa lại đoạn đường Cần Giờ - Long Hòa và trải cán đá xanh.

- Từ nay đến cuối 1979, dành một phần ưu tiên phương tiện, nhứt là phương tiện đường sông, cho các ngành đến hợp đồng phục vụ huyện Duyên Hải.

+ Sở Xây dựng :

- Trao đổi với huyện Duyên Hải, xây dựng sân phơi mắm ruốc.

- Đưa ngay 4 bể xây chứa nước ngọt, loại tròn 10m3 và 18 xà lan chứa nước ngọt loại 25m3 ; tiếp tục hoàn thành bể xây gạch chứa nước đang thi công dở dang.

- Cuối 1979 hoàn thành xây dựng 200m2 nhà ở cho cán bộ, công nhân viên huyện Duyên Hải.

+ Sở Lương thực.

- Nghiên cứu đề xuất sớm về chánh sách, tiêu chuẩn, phương thức phân phối, lượng dự trữ tại huyện cho phù hợp tình hình huyện Duyên Hải.

- Nghiên cứu áp dụng ngay cách giải quyết gọn về lương thực cho cán bộ, công nhân viên đi công tác dài ngày ở huyện Duyên Hải.

+ Sở Thương nghiệp.

- Đề xuất việc giải quyết nhu yếu phẩm và các nhu cầu khác thuộc chức năng ngành phải lo cho huyện Duyên Hải, có chế độ ưu tiên.

- Cùng Sở Thủy sản tiến hành giao nhận việc thu mua tôm cá hải sản tại huyện Duyên Hải một cách thận trọng từng bước nhanh, gọn, tránh xảy ra trục trặc ảnh hưởng chung.

+ Sở Y tế.

- Cử ngay một bác sĩ đến công tác lâu dài tại huyện Duyên Hải.

- Trong khi chờ đợi xây dựng kiên cố bịnh viện 100 giường ; trước mắt cải tạo, bổ sung ngay bệnh xá huyện khoảng 20 – 30 giường bằng vật liệu nhẹ (gỗ, fibrociment) ; xây dựng một dãy liền nhà ở cho bác sĩ, nhân viên y tế bằng khung nhà tiền chế (Sở Y tế hợp đồng Sở Xây dựng làm).

+ Ủy ban Vật giá.

- Cùng huyện Duyên Hải, Sở Thủy sản, Sở Thương nghiệp nghiên cứu đề xuất gấp về giá cả thu mua tôm cá hải sản tại huyện Duyên Hải, theo tinh thần đã nêu trên.

+ Ban Tổ chức chánh quyền.

- Giải quyết sớm việc tăng cường cán bộ, công nhân viên cho huyện Duyên Hải theo chủ trương đã có.

- Phối hợp các ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất nhanh các chánh sách, chế độ có ưu tiên cho cán bộ, công nhân viên tại huyện Duyên Hải và đối với cán bộ, công nhân viên từ thành phố đến công tác tại huyện Duyên Hải, theo từng thời gian ngắn hạn, dài hạn.