cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5208-3:2008 (ISO 10972-3:2003) về Cần trục - Yêu cầu đối với cơ cấu công tác - Phần 3: Cần trục tháp (năm 2008)

  • Số hiệu văn bản: TCVN 5208-3:2008 (ISO 10972-3:2003)
  • Loại văn bản: TCVN/QCVN
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Ngày ban hành: 30-11--0001
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-1970
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 20053 ngày (54 năm 11 tháng 13 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 5208-3 : 2008

ISO 10972-3 : 2003

CẦN TRỤC - YÊU CẦU ĐỐI VỚI CƠ CẤU CÔNG TÁC - PHẦN 3: CẦN TRỤC THÁP

Cranes - Requirements for mechanisms - Part 3: Tower cranes

Lời nói đầu

TCVN 5208-3 : 2008 và TCVN 5208-1 : 2008, TCVN 5208-4 : 2008, TCVN 5208-5 : 2008 thay thế TCVN 5208 : 1990.

TCVN 5208-3 : 2008 hoàn toàn tương đương với ISO 10972-3 : 2003.

TCVN 5208-3 : 2008 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 96 Cần cẩu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ tiêu chuẩn TCVN 5208 (ISO 10972), Cần trục - Yêu cầu đối với cơ cấu công tác, gồm các phần sau:

- TCVN 5208-1 : 2008 (ISO 10972-1 : 1998), Phần 1: Yêu cầu chung.

- TCVN 5208-3 : 2008 (ISO 10972-3 : 2003), Phần 3: Cần trục tháp.

- TCVN 5208-4 : 2008 (ISO 10972-4 : 2007), Phần 4: Cần trục kiểu cần.

- TCVN 5208-5 : 2008 (ISO 10972-5 : 2006), Phần 5: Cầu trục và cổng trục.

 

CẦN TRỤC - YÊU CẦU ĐỐI VỚI CƠ CẤU CÔNG TÁC - PHẦN 3: CẦN TRỤC THÁP

Cranes - Requirements for mechanisms - Part 3: Tower cranes

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này qui định các yêu cầu cho các cơ cấu công tác và các bộ phận liên quan của cần trục tháp, bổ sung vào các yêu cầu chung trong TCVN 5208-1.

Các yêu cầu bổ sung bao gồm:

a) bố trí, đặc điểm và đặc tính của các cơ cấu cần trục, và

b) các yêu cầu tối thiểu đối với một số bộ phận trong cơ cấu.

Các qui định về thử nghiệm tính toán các trạng thái giới hạn khác nhau (giới hạn chảy, mỏi, mòn) không được qui định trong tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho cơ cấu nâng đẩy tháp và các bộ phận liên quan được sử dụng trong cần trục tháp và cả khung nâng đẩy tháp.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi (nếu có).

TCVN 5208-1 (ISO 10972-1,) Cần trục - Yêu cầu đối với cơ cấu công tác - Phần 1: Yêu cầu chung.

ISO 4301-3 : 1986, Cranes and lifting appliances - Classification - Part 1: Tower cranes (Cần trục và thiết bị nâng - Phân loại - Phần 1: Cần trục tháp).

ISO 4302, Cranes - Wind load assessment (Cần trục - Đánh giá tải trọng gió).

ISO 4306-1 : 1990, Cranes - Vocabulary - Part 1: General (Cần trục - Từ vựng - Phần 1: Yêu cầu chung).

ISO 4306-3 : 1991, Cranes - Vocabulary - Part 3: Tower cranes (Cần trục - Từ vựng - Phần 3: Cần trục tháp).

ISO 4413, Hydraulic fluid power - General rules for the application of equipment to transmission and control systems (Truyền dẫn thủy lực/ khí nén - Qui định chung áp dụng cho thiết bị truyền động và hệ thống điều khiển).

ISO 9374-3, Cranes - Information to be provided for enquiries, orders, offers and supply - Part 3: Tower cranes (Cần trục - Thông tin cung cấp cho việc thẩm tra, đặt hàng, chào hàng và cung ứng - Phần 3: Cần trục tháp).

IEC 60204-32, Safety of machinery - Electrical equipment of machines - Part 32: Requirements for hoisting machines (An toàn máy - Trang bị điện cho máy - Phần 32: Yêu cầu đối với máy nâng).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong ISO 4306-1 và ISO 4306-3 và các thuật ngữ, định nghĩa sau

3.1. Khớp nối (coupling)

Cơ cấu dùng để liên kết hai bộ phận với nhau và truyền mômen xoắn giữa chúng.

3.2. Áp lực làm việc lớn nhất (maximum working presure)

Áp lực lớn nhất trong bất kỳ mạch thủy lực nào hoặc bộ phận riêng lẻ trong suốt quá trình vận hành bình thường.

4. Qui định riêng đối với cần trục tháp

4.1. Tiêu chí thiết kế

4.1.1. Cơ cấu nâng/hạ tải

Cơ cấu dẫn động máy được sử dụng để nâng và hạ tải trọng với tốc độ được kiểm soát. Không cho phép dịch chuyển tải trọng chỉ nhờ trọng lượng bản thân.

Nhóm phân loại của cơ cấu nâng/hạ tải phải theo qui định trong ISO 4301-3.

4.1.2. Cơ cấu nâng/ hạ cần

Cơ cấu nâng/ hạ cần dẫn động máy được sử dụng để nâng/ hạ có cùng tải trọng với tốc độ được kiểm soát. Không cho phép dịch chuyển tải trọng chỉ nhờ trọng lượng bản thân.

Nhóm phân loại của cơ cấu nâng/ hạ cần phải theo qui định trong ISO 4301-3.

4.1.3. Hệ thống thủy lực

Các đặc tính của hệ thống thủy lực và các bộ phận liên quan phải được thiết kế theo qui định trong ISO 4413.

4.1.4. Cơ cấu di chuyển xe con

Cơ cấu cho phép di chuyển xe con cùng tải trọng dọc theo cần nằm ngang hoặc nghiêng.

Nếu cơ cấu còn dùng để nâng tải thì phải tuân theo các tiêu chuẩn liên quan đến cơ cấu nâng.

Hệ thống phải đảm bảo kiểm soát được chuyển động của xe con cùng tải trọng theo cả hai chiều, phù hợp với hình dạng hình học của cần (bất kể độ nghiêng của cần).

Không cho phép di chuyển xe con cùng tải trọng chỉ nhờ trọng lượng bản thân.

Nhóm phân loại của cơ cấu di chuyển xe con phải theo qui định trong ISO 4301-3.

4.1.5. Cơ cấu di chuyển cần trục

Nếu cơ cấu di chuyển của cần trục được lắp đặt, cần trục tháp có thể di chuyển trên:

a) ray thẳng;

b) ray cong.

Cơ cấu di chuyển cần trục tháp phải được trang bị ít nhất hai cụm bánh xe dẫn động tại hai góc, bao gồm động cơ điện, khớp nối, phanh, hộp giảm tốc và các bánh xe di chuyển trên ray.

Phải đảm bảo khả năng tra dầu mỡ, bôi trơn các bộ phận của cơ cấu.

Đường kính và số lượng bánh xe phải được chọn theo lực nén bánh tác dụng lên mỗi cụm bánh xe tại các góc.

Cần trục phải được trang bị thiết bị neo giữ để không bị kéo đi do tác dụng của lực gió trong trạng thái không làm việc.

Lực neo giữ được tính toán theo lực tác động của gió trong trạng thái không làm việc, theo qui định trong ISO 4302.

Nhóm phân loại của cơ cấu di chuyển cần trục phải theo qui định trong ISO 4301-3.

4.1.6. Cơ cấu quay

Cơ cấu quay được sử dụng để thay đổi vị trí của móc treo và tải trọng bằng cách quay quanh trục thẳng đứng để đạt được vị trí mong muốn.

Cơ cấu quay được cấp nguồn năng lượng bằng vòng góp điện (dạng cổ góp). Khi không sử dụng vòng góp điện thì phải giới hạn góc quay của cần theo cả hai chiều. Cáp điện phải được bố trí sao cho nó không bị làm hỏng.

Nhóm phân loại của cơ cấu quay phải theo qui định trong ISO 4301-3.

4.2. Nguồn động lực (động cơ)

4.2.1. Cơ cấu nâng/hạ tải và cơ cấu nâng/hạ cần

Động cơ điện phải theo qui định trong IEC 60204-32.

Vị trí lắp đặt động cơ phải đảm bảo cho phép thông gió đầy đủ.

4.2.2. Cơ cấu di chuyển xe con

Động cơ phải có đủ công suất và mô men để dẫn động xe con chuyển động trong mọi điều kiện vận hành và thử tải, có tính đến các thành phần lực cản di chuyển sau:

a) lực cản do độ nghiêng của cần (cần của cần trục không bao giờ hoàn toàn nằm ngang);

b) lực cản lăn;

c) lực cản do ma sát vành bánh xe với đường ray;

d) lực cản do ma sát gây ra bởi cáp nâng tải;

e) lực cản do tải trọng bị nâng lên khi di chuyển xe con (loại cần trục với cần nằm nghiêng không có hệ thống đảm bảo cho tải trọng dịch chuyển ngang khi thay đổi tầm với);

f) lực cản do tác động của gió;

g) lực cản do quán tính và hiệu suất của cơ cấu.

4.2.3. Cơ cấu di chuyển cần trục

Động cơ phải có đủ công suất yêu cầu, được xác định trên cơ sở:

a) ma sát và khối lượng lớn nhất;

b) ma sát giữa ray và phần bên của bánh xe (vành bánh xe hoặc con lăn bên);

c) độ dốc nhỏ nhất của đường ray;

d) số lần mở máy trong một đơn vị thời gian;

e) lực gió trong trạng thái làm việc.

4.2.4. Cơ cấu quay

Động cơ phải cung cấp đủ công suất yêu cầu cho:

a) phần khối lượng chuyển động;

b) số lần mở máy trong một đơn vị thời gian, trong trường hợp dùng động cơ điện.

Động cơ phải có mômen đủ lớn để khắc phục:

- gió trong trạng thái làm việc tác dụng lên cần;

- gió trong trạng thái làm việc tác dụng lên các phần kết cấu quay khác;

- gió trong trạng thái làm việc tác dụng lên tải trọng;

- ma sát.

4.3. Khớp nối

4.3.1. Cơ cấu nâng / hạ tải và cơ cấu nâng / hạ cần

Sự hư hỏng của các phần tử đàn hồi trong khớp nối giữa động cơ và hộp giảm tốc không được là nguyên nhân gây chuyển động nguy hiểm.

Việc lựa chọn khớp nối trong sơ đồ truyền động phải được thực hiện trên cơ sở thiết kế chung của cơ cấu, mục đích và tính năng sử dụng, để:

a) tránh rung động;

b) giảm giá trị mô men cực đại không mong muốn (do tải trọng động);

c) bù trừ các sai lệch có thể khi lắp ráp.

Các phần quay không đồng nhất phải được cân bằng động.

4.3.2. Cơ cấu di chuyển cần trục

Trong trường hợp dùng khớp nối thủy lực hoặc thiết bị tương đương để liên kết với động cơ rô to lồng sóc thì phanh hoặc hệ thống hãm phải được đặt phía sau khớp nối.

Đối với các loại khớp nối khác, xem 4.3.1.

4.3.3. Cơ cấu quay

Trong trường hợp dùng khớp nối thủy lực hoặc thiết bị tương đương để liên kết với động cơ rô to lồng sóc thì phanh hoặc hệ thống hãm phải được đặt phía sau khớp nối.

Đối với các loại khớp nối khác, xem 4.3.1.

4.4. Phanh

4.4.1. Yêu cầu chung

Khi ngắt nguồn động lực nâng tải thì phanh phải tự động đóng lại. Phanh phải có khả năng chịu nhiệt phù hợp với số giờ làm việc, môi trường xung quanh và nhiệt độ cho phép.

Phanh phải được thiết kế sao cho khi hạ tải khẩn cấp thì có thể điều chỉnh được lực phanh để đảm bảo kiểm soát được tốc độ hạ tải. Thiết kế phanh phải tính đến khả năng thoát nhiệt khi cho phép hạ tải trọng lớn nhất từ độ cao lớn nhất.

Mạch điện của động cơ và phanh phải được thiết kế sao cho trong mọi trường hợp, lực điện động do động cơ sinh ra không làm ảnh hưởng đến bất kỳ quá trình phanh yêu cầu nào.

Độ tin cậy của lò xo phải phù hợp với thời gian sử dụng có hiệu quả của phanh và số lần phanh dự tính. Hệ thống phanh phải được thiết kế sao cho ứng suất trước trong lò xo đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hằng số đàn hồi của lò xo.

Phanh phải được bảo vệ chống lại việc nhiễm dầu, nước mưa hoặc chất gây ô nhiễm.

4.4.2. Cơ cấu nâng / hạ tải

Mômen động lực của phanh phải ít nhất gấp 1,5 lần mômen do tải trọng danh nghĩa gây ra trên trục đặt phanh.

Bề mặt ma sát của phanh phải ôm sát và tiếp xúc đều với bánh phanh hoặc đĩa phanh để tránh mòn không đều, và không được làm từ vật liệu nguy hiểm (ví dụ: Amiăng).

4.4.3. Cơ cấu nâng / hạ cần

Phanh phụ có thể được lắp trực tiếp trên tang cuốn cáp cho phép người vận hành điều khiển trực tiếp trong trường hợp phanh chính hoặc cơ cấu điều khiển bị hỏng.

Việc trang bị phanh phụ cho phép có thể bảo dưỡng, thay thế động cơ và phanh chính của cơ cấu.

Phải đảm bảo việc điều khiển tự động thời gian vận hành của hai phanh một cách tuần tự để tránh gây ra tải trọng động quá mức trong xích động học.

Mômen động lực của phanh phải ít nhất gấp 1,5 lần mômen do tải trọng danh nghĩa gây ra trên trục đặt phanh.

Khi ngắt nguồn động lực nâng cần thì phanh chính phải tự động đóng lại, và phanh phụ được đóng lại sau một khoảng thời gian trễ.

Sổ tay hướng dẫn phải quy định chu kỳ tối thiểu và qui trình kiểm tra độ mòn của phanh.

Bề mặt ma sát của phanh phải ôm sát và tiếp xúc đều với bánh phanh hoặc đĩa phanh để tránh mòn không đều, và không được làm từ vật liệu nguy hiểm (ví dụ: Amiăng).

4.4.4. Cơ cấu di chuyển xe con

Phanh phải có khả năng dừng và giữ xe con ở vị trí yêu cầu trong điều kiện vận hành và thử tải xấu nhất.

Đối với cần trục có tải trọng nâng nhỏ hơn 1000 kg và mômen tải nhỏ hơn 40000 Nm, và tải trọng chỉ dịch chuyển theo phương ngang khi thay đổi tầm với thì có thể dừng và giữ xe con ở vị trí yêu cầu nhờ tính chất tự hãm của hộp bánh răng.

Thiết bị giới hạn hành trình phải được lắp đặt để xe con không thể rời khỏi cần ở cuối hành trình di chuyển.

Các bánh xe được dẫn hướng trên ray bằng vành bánh xe hoặc con lăn để chúng không bị trật khỏi ray trên cần.

Khi xe con bị kéo lệch tâm bởi cáp kéo xe con, phải sử dụng bánh xe không vành với con lăn bên nằm ngang.

4.4.5. Cơ cấu di chuyển cần trục

Phanh phải có khả năng dừng cần trục một cách êm. Mức gia tốc phanh phải được tính toán bởi nhà chế tạo.

Tổng mômen động lực của phanh phải có khả năng giữ cần trục không bị dịch chuyển do lực gió trong trạng thái làm việc tác dụng lên kết cấu, theo qui định trong ISO 4302.

4.4.6. Cơ cấu quay

Mô men tĩnh của phanh phải đủ để giữ phần quay của cần trục tại vị trí yêu cầu, chống lại tác động của lực gió trong trạng thái làm việc.

4.5. Thiết bị cho cơ cấu quay trong trạng thái không làm việc

Thiết bị này có thể cho phép nhả phanh bằng tay hoặc bằng cách điều khiển từ xa để đưa cần trục vào trạng thái không làm việc.

Trong trường hợp điều khiển từ xa thì, phải được trang bị công tắc an toàn và thiết bị chỉ báo để đảm bảo rằng phanh thực sự được nhả ra.

4.6. Hệ thống thủy lực và khí nén

4.6.1. Yêu cầu chung

Đặc tính của hệ thống thủy lực và các bộ phận liên quan phải được thiết kế theo qui định trong ISO 4413.

4.6.2. Dầu thủy lực

Các tính chất lý hóa của dầu thủy lực phải phù hợp với mục đích sử dụng và số chu kỳ làm việc dự tính.

Độ nhớt của dầu thủy lực phải đảm bảo sự làm việc chính xác của hệ thống, trong phạm vi nhiệt độ làm việc của cần trục.

4.6.3. Thùng dầu

Mức dầu lớn nhất và nhỏ nhất phải được chỉ báo.

Kích cỡ và vị trí của ống hút dầu phải được chọn để giới hạn chỉ số lưu lượng của dòng thủy lực, tránh dòng chảy rối.

4.6.4. Bộ lọc

Khả năng lọc dầu của bộ lọc phải đáp ứng đủ cho các bộ phận thủy lực mà nó phục vụ.

Kích cỡ của bộ lọc phải cho phép thông qua lượng dầu cần thiết trong mọi điều kiện vận hành, trong khoảng độ nhớt dự tính và có tính đến độ sai lệch nhiệt độ cho phép.

Khi bộ lọc được lắp trên máy chỉ để phục vụ cho một số chu trình, có thể không có đồng hồ chỉ báo độ bít tắc của bộ lọc, nếu trong hướng dẫn sử dụng qui định lịch trình làm sạch và thay thế chúng. Trong trường hợp này bộ lọc có thể được tháo từng phần theo thứ tự trong hệ thống và làm cạn thùng dầu. Nếu không trang bị đồng hồ chỉ báo độ bít tắc của bộ lọc, có thể lắp đường dầu vòng để cho phép chất lỏng đi qua đường dầu vòng này khi bộ lọc trở nên bị tắc hẳn.

4.6.5. Mạch thủy lực

Mạch thủy lực phải được thiết kế và chế tạo sao cho có thể giảm thiểu rủi ro trong trường hợp xảy ra sự cố, hỏng hóc của một hoặc một số bộ phận.

Thiết kế đặc tính của mạch thủy lực phải cho phép kiểm soát được tốc độ chuyển động của xilanh và các thiết bị vận hành còn lại trong điều kiện làm việc bình thường.

Việc đo áp lực phải được thực hiện tại các điểm chính của mạch thủy lực.

Phải có biện pháp ngăn chặn bất kỳ sự tạo bọt khí nào trong chất lỏng và xem xét sự kém hoạt động của hệ khởi động.

4.6.6. Bơm

Bơm phải có khả năng đáp ứng được lưu lượng yêu cầu trong phạm vi khoảng lưu lượng làm việc được thiết kế.

Áp lực giới hạn của bơm phải ít nhất bằng giá trị đặt của van giới hạn áp lực. Chuyển động đảo ngược của động cơ phải được ngăn chặn hoặc giới hạn, đặc biệt nếu điều đó có thể gây thiệt hại cho bơm hoặc các bộ phận khác. Nếu thiệt hại là không đáng kể thì chỉ cần có chỉ dẫn hoặc cảnh báo về cách kiểm tra nhanh chiều chuyển động là đủ.

4.6.7. Ống dẫn và đầu nối

Ống dẫn và đầu nối phải có trạng thái giới hạn không nhỏ hơn 4 lần áp lực lớn nhất tương ứng.

Van dừng phải được nối với xilanh bằng ống cứng, hoặc tốt hơn là lắp đặt ngay trên xilanh.

Các ống dẫn và đầu nối có chức năng an toàn phải dễ dàng tiếp cận.

4.6.8. Xy lanh thủy lực

Lực lớn nhất mà xilanh có thể tạo ra được có tính đến áp lực dư do thay đổi nhiệt độ phải đảm bảo ngăn chặn được bất kỳ sự thiệt hại nào cho kết cấu của nó trong điều kiện vận hành bình thường.

Khi sử dụng xilanh tác dụng một chiều, phải đảm bảo an toàn cho hành trình hồi lại của cần pittông.

Mạch thủy lực phải được thiết kế sao cho có thể ngăn chặn được một phần hay toàn bộ khoang rỗng xuất hiện trong buồng xilanh. Phải hướng dẫn cách kiểm tra và biện pháp sửa chữa khoang rỗng có thể có trong hệ thống trước mỗi chu kỳ làm việc.

Cần pittông phải được bảo vệ chống ăn mòn, có tính đến ảnh hưởng của môi trường làm việc của máy và chu kỳ thanh lý.

Xilanh phải được trang bị van dừng để ngừng vận hành trong trường hợp thiếu nguồn dẫn động hoặc hư hỏng ống dẫn. Van dừng cũng phải có khả năng giảm nhẹ bất kỳ sự quá áp nguy hiểm nào.

Phải trang bị thiết bị duy trì tốc độ ổn định của cần pittông, khi bộ phận này chuyển động do tác dụng của tải trọng, phải có biện pháp ngăn chặn mọi sự dao động của kết cấu.

Xilanh phải được lắp ráp sao cho có thể dễ dàng tiến hành bảo dưỡng cần trục và các bộ phận liên quan, cũng như dễ dàng tháo các bộ phận.

4.6.9. Van

Các van đòi hỏi sự điều chỉnh của người sử dụng, phải được lắp đặt tại vị trí có thể dễ dàng tiếp cận.

4.7. Truyền động bánh răng

4.7.1. Cơ cấu nâng/ hạ tải

Thiết kế truyền động bánh răng phải căn cứ vào ứng suất xác định được dưới tác dụng của tải trọng, mômen dẫn động và mômen phanh.

Trục phải tương thích với mômen xoắn, mômen uốn và lực cắt gây ra bởi lực căng cáp tác dụng lên tang.

Các chi tiết lắp ghép của truyền động bánh răng và sự liên kết giữa truyền động bánh răng với tang phải được tính toán có kể đến các tải trọng do sai lệch lắp ráp trục, biến dạng của kết cấu,…

Việc kiểm tra và thay dầu bôi trơn phải đảm bảo có thể thực hiện được mà không cần tháo bộ truyền bánh răng.

Khi bộ truyền bánh răng được thiết kế để dẫn động lần lượt một số tang thì phải đảm bảo kiểm soát được chuyển động của mỗi tang.

Phải trang bị thiết bị cho phép động cơ khởi động chỉ khi xích động học bị ngắt truyền chuyển động.

4.7.2. Cơ cấu nâng / hạ cần

Thiết kế tời nâng cần phải căn cứ vào ứng suất xác định được trong quá trình nâng cần cùng tải trọng và các phụ kiện dưới tác dụng của mômen dẫn động và mômen phanh.

Trục phải tương thích với mômen xoắn, mômen uốn và lực cắt gây ra bởi lực căng cáp tác dụng lên tang.

Các chi tiết lắp ghép của truyền động bánh răng và sự liên kết giữa truyền động bánh răng với tang phải được tính toán có kể đến các tải trọng do sai lệch lắp ráp trục, biến dạng của kết cấu,…

Việc kiểm tra và thay dầu bôi trơn phải đảm bảo có thể thực hiện được mà không cần tháo bộ truyền bánh răng.

4.7.3. Cơ cấu di chuyển cần trục

Cơ cấu di chuyển trên ray của cần trục phải được lắp đặt thiết bị chống lật hoặc chống đổ sập thậm chí trong trường hợp ổ trục bánh xe bị hỏng.

4.7.4. Cơ cấu quay

Phải sử dụng cơ cấu quay không tự hãm, để cho phép cần quay theo chiều gió nếu cần thiết.

Các chi tiết truyền động phải được lựa chọn theo mômen xoắn lớn nhất của động cơ hoặc phanh.

4.8. Yêu cầu đối với cáp và xích

4.8.1. Cơ cấu nâng / hạ tải

Bề mặt tang phải trơn nhẵn để tránh cho cáp bị mòn quá nhanh.

Tang phải có rãnh cáp để đảm bảo cho cáp có thể cuốn chính xác trên tang. Tang trơn được sử dụng khi cuốn một lớp cáp và phải trang bị bộ phận dẫn cáp riêng để đảm bảo cáp cuốn lên tang được chính xác và gọn.

Bước của rãnh cáp P phải tuân theo mối quan hệ sau: 1,04 d < P < 1,15 d, với d là đường kính cáp.

Độ sâu rãnh cáp phải trong khoảng từ 0,25 d đến 0,40 d. Bán kính rãnh cáp phải trong khoảng từ 0,525 d đến 0,650 d.

Chiều cao vành tang tính từ bề mặt lớp cáp ngoài cùng không nhỏ hơn hai lần đường kính cáp.

4.8.2. Cơ cấu nâng / hạ cần

Bề mặt tang phải trơn nhẵn để tránh cho cáp bị mòn quá nhanh.

Tang phải có rãnh cáp để đảm bảo cho cáp có thể cuốn chính xác trên tang, để hạn chế độ mòn bề mặt tang và sự biến dạng của tang, có thể do mỏi hoặc do hỏng.

Bước của rãnh cáp P phải tuân theo mối quan hệ sau: 1,04 d < P < 1,15 d với d là đường kính cáp

Độ sâu rãnh cáp phải nằm trong khoảng từ 0,25 d đến 0,40 d. Bán kính rãnh cáp phải nằm trong khoảng từ 0,525 d đến 0,650 d.

Chiều cao vành tang tính từ bề mặt lớp cáp ngoài cùng không nhỏ hơn hai lần đường kính cáp.

4.8.3. Cơ cấu di chuyển xe con

Cáp kéo xe con di chuyển theo cả hai chiều phải được thiết kế riêng biệt. Tang cuốn cáp phải được xẻ rãnh.

Cáp với puly ma sát nhiều rãnh phải được thiết kế sao cho mômen truyền bằng ma sát gấp hai lần mômen yêu cầu trong điều kiện vận hành nặng nhất.

Hệ truyền động bằng puly ma sát nhiều rãnh chỉ được phép dùng để mang tải theo phương ngang hoặc gần như nằm ngang.

Puly dẫn động phải có ít nhất ba rãnh cáp, puly chạy không phải cấu tạo như một đơn nguyên. Puly nhiều rãnh, và các rãnh này có thể là dạng hình thang.

Cáp kéo xe con có thể phải chịu ứng suất trước do phải có thiết bị duy trì lực căng ban đầu của cáp để có thể truyền lực nhờ ma sát theo điều kiện vận hành của cơ cấu.

Hệ số ma sát tính toán giữa cáp và puly được quy định không vượt quá 0,1.

Cáp kéo xe con được thiết kế có tính đến các yếu tố sau:

a) góc nghiêng của cần (cần của cần trục không bao giờ hoàn toàn nằm ngang);

b) lực cản lăn;

c) ma sát trên vành bánh xe;

d) ma sát gây ra bởi cáp nâng tải;

e) tải trọng bị nâng lên khi di chuyển xe con (loại cần trục với cần nằm nghiêng không có hệ thống đảm bảo cho tải trọng dịch chuyển ngang);

f) ảnh hưởng của thiết bị duy trì độ căng ban đầu của cáp;

g) tác động của gió;

h) quán tính và hiệu suất của cơ cấu.

Phải đảm bảo duy trì vị trí xe con trong trường hợp cáp kéo xe con bị hỏng.

4.9. Bảo dưỡng và hướng dẫn sử dụng

4.9.1. Bảo dưỡng

Các cơ cấu phải được thiết kế để có thể dễ dàng tiếp cận và thay thế các bộ phận mà không cần phải tháo toàn bộ cơ cấu.

Các cơ cấu phải được kiểm tra định kỳ, đặc biệt là các bulông của vòng tựa quay và bôi trơn bánh răng dẫn động và vành răng.

4.9.2. Hướng dẫn sử dụng

Hướng dẫn sử dụng phải cung cấp sự lựa chọn và chu kỳ thay dầu.

Sổ tay hướng dẫn phải qui định chu kỳ tối thiểu và qui trình kiểm tra độ mòn. Hướng dẫn cũng phải qui định mức mòn tối đa của các bộ phận.

Sơ đồ mạch phải được cung cấp.

Sổ tay hướng dẫn phải cung cấp kèm theo máy tất cả các chỉ dẫn cần thiết cho quá trình vận hành và bảo dưỡng theo qui định trong ISO 9374-3.