Chỉ thị số 52/CT-UB ngày 10/10/1978 Ban hành Quy định nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 52/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 10-10-1978
- Ngày có hiệu lực: 10-10-1978
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7255 ngày (19 năm 10 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 52/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 10 năm 1978 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH NHẰM KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRONG THÀNH PHỐ
Thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ I về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề cá, nhằm giải quyết nhu cầu về thịt, cá, trứng, sữa cho nhân dân thành phố và một phần phục vụ cho xuất khẩu;
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kèm theo đây một số quy định nhằm khuyến khích phát triển mạnh mẽ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá – đặc biệt là chăn nuôi heo để phục vụ cho yêu cầu trên.
Yêu cầu các cơ quan, các đơn vị thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với các đoàn thể quần chúng tổ chức phổ biến sâu rộng trong các cơ quan, các đơn vị và toàn thể nhân dân trong thành phố những quy định này, để tích cực hưởng ứng thi hành, đạt kết quả tốt.
Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan tổ chức và chỉ đạo việc thực hiện.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
MỘT SỐ QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo chỉ thị số 52 ngày 10 tháng 10 năm 1978 của UBND thành phố Hồ Chí Minh)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV và Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ nhứt về phát triển chăn nuôi gia súc (heo, trâu bò, dê, ngựa…), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng…) và cá, giải quyết nhu cầu thịt, trứng, cá, sữa cho nhân dân và có phần xuất khẩu.
- Căn cứ tuyên bố ngày 25 tháng 9 năm 1976 của Chánh phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chánh sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam.
- Căn cứ vào chỉ thị số 20/CT/TV ngày 7/1/1978 của Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về việc đẩy mạnh phát triển nuôi heo gia đình giải quyết nhu cầu thực phẩm cho nhân dân thành phố.
- Căn cứ chỉ thị số 93/TTg ngày 3/2/1978 của Phủ Thủ tướng về việc thi hành một số chánh sách cụ thể trong công tư hợp doanh ở các tỉnh miền Nam.
- Căn cứ thông tư số 291/TTg ngày 5/8/1978 của Thủ tướng Chánh phủ về vấn đề đất trồng cây thức ăn gia súc phát triển chăn nuôi.
- Căn cứ vào yêu cầu và nguyện vọng phát triển chăn nuôi của nhân dân, cán bộ, cơ quan thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành một số quy định nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi trong phạm vị thành phố Hồ Chí Minh như sau :
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích mọi gia đình, mọi cơ quan, đơn vị, các nhà chăn nuôi ra sức đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi geo, góp phần tích cực vào việc giải quyết nhu cầu thịt, cá, trứng, sữa cho nhân dân thành phố và cung cấp nguồn hàng xuất khẩu.
Điều 2. Đối với các cơ sở chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, trạm ấp, các cơ sở sản xuất, cung cấp trang thiết bị chuyên dùng phục vụ chăn nuôi thú y… mà chủ đã bỏ ra nước ngoài hoặc tư sản mại bản đã bị xử lý qua các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh nay chuyển thành công quản, là cơ sở quốc doanh của Nhà nước chịu sự quản lý thống nhất của Sở Nông nghiệp thành phố.
- Các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc… trước của tư nhân, nay do Nhà nước và người chủ cũ (hoặc người đại diện có đủ tư cách pháp nhân) của xí nghiệp cùng nhau quản lý, gọi là xí nghiệp công tư hợp doanh. Nhà nước giữ địa vị lãnh đạo, quyền lợi hợp pháp của các cổ phần tư nhân được Nhà nước bảo hộ, các quyền lợi cơ bản của công nhân, viên chức trong xí nghiệp được Nhà nước bảo đảm.
Quyền lợi của chủ cũ và các chuyên viên kỹ thuật như việc chia lãi, giải quyết công ăn việc làm, quyền cư trú… được thực hiện đúng tinh thần bản tuyên bố của Chánh phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 25/9/1976.
- Đối với các chủ trại chăn nuôi, xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc… muốn hiến hoặc giao nộp cơ sở sản xuất của mình cho Nhà nước sẽ được nghiên cứu và giải quyết cụ thể từng trường hợp.
Điều 3. Nhà nước thừa nhận và bảo hộ những quyền lợi và tài sản chánh đáng của các nhà chăn nuôi đang kinh doanh và yêu cầu các chủ trại chăn nuôi phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, và thi hành nghiêm túc mọi luật pháp của Nhà nước.
- Các nhà tư sản thương nghiệp muốn chuyển sang sản xuất chăn nuôi bằng cách bỏ vốn, máy móc, lao động ra xây dựng các trại chăn nuôi mới, nhứt là chăn nuôi heo, Nhà nước giúp đỡ về đị điểm xây dựng, kỹ thuật và các yêu cầu phục vụ sản xuất.
- Các nhà tư sản thương nghiệp muốn bỏ vốn, máy móc của mình ra hợp doanh với các cơ sở chăn nuôi hoặc phục vụ chăn nuôi của Nhà nước, hoặc mở rộng sản xuất các trại tư doanh tập đoàn chăn nuôi, Nhà nước tiếp nhận hoặc thừa nhận quyền sở hữu chánh đáng của cổ đông mới.
Điều 4. Các nhà tư sản từ bỏ bóc lột, từ bỏ cách làm ăn có hại cho quốc kế dân sinh, toàn tâm toàn ý cải tạo mình bằng cách bỏ vốn, tài sản tham gia sản xuất chăn nuôi, chấp hành nghiêm túc luật pháp của Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố xét và giải quyết cho gia đình và con cái ở lại thành phố cải tạo tại chỗ bằng nghề chăn nuôi hoặc phục vụ chăn nuôi.
Phần II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Giải quyết thức ăn gia súc và phân phối thức ăn gia súc :
1. Toàn thành phố dành ra 15 – 20% đất canh tác trồng các loại cây làm thức ăn gia súc. Đất này sẽ phân bổ cho các quân, huyện, xã, nông trường sản xuất tập trung theo kế hoạch thống nhất của thành phố.
2. Sau khi cân đối đủ yêu cầu lương thực cho số nhân khẩu nông nghiệp, phần lương thực còn lại sẽ được chuyển sang phục vụ phát triển chăn nuôi, lấy sản phẩm chăn nuôi giao nộp Nhà nước thay cho việc giao nộp lương thực.
3. Tất cả các nguyên liệu dùng làm thức ăn gia súc của Nhà nước từ các nguồn, đều giao cho Sở Nông nghiệp thành phố quản lý và sử dụng thống nhất theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Tất cả các nguồn phế phụ phẩm công nghiệp có thể làm thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi có trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh cần giao cho Sở Nông nghiệp quản lý và sử dụng vào mục đích phát triển chăn nuôi theo kế hoạch của thành phố.
4. Ngoài nguồn thức ăn gia súc của Nhà nước ra, các trại chủ, các cơ quan, các gia đình chăn nuôi được phép mua, bán, vận chuyển thức ăn gia súc một cách tự do trong phạm vi thành phố và từ các tỉnh bạn vào thành phố.
5. Nhà nước cung cấp thức ăn gia súc cho các trại chăn nuôi và người chăn nuôi theo nguyên tắc có thu hồi lại sản phẩm chăn nuôi theo tỷ lệ mà chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã quy định và tương xứng với số lượng thức ăn Nhà nước cấp.
6. Việc cung cấp thức ăn gia súc cho các trại chăn nuôi và người chăn nuôi tùy thuộc vào khả năng thực có của thành phố mà ra kế hoạch cung cấp cụ thể. Thứ tự ưu tiên cung cấp thức ăn gia súc được quy định như sau :
a) Các cơ sở chăn nuôi quốc doanh, các trại nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm của Nhà nước…
b) Gia súc giống (cái và đực làm giống, hậu bị).
c) Chăn nuôi gia công giao nộp sản phẩm cho Nhà nước.
d) Chăn nuôi gia đình của các tập đoàn sản xuất, tổ hợp và Hợp tác xã.
Đối với các hộ nông dân ngoại thành, thức ăn gia súc lấy từ lúa và hoa màu được tính cân đối để lại gia đình, hoa màu phụ, phế phụ phẩm nông nghiệp và rau cỏ khai thác trong thiên nhiên. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho đàn heo đã được đăng ký nuôi giống và chịu sự quản lý, phân phối giống của chánh quyền địa phương.
Điều 6. Cung cấp vật tư phục vụ chăn nuôi (xăng, dầu, xi măng,…) khả năng vật tư của Nhà nước có hạn, Nhà nước cố gắng cung cấp những vật tư thiết yếu cho các nhà chăn nuôi như xăng, dầu, thuốc thú y, xi măng, gỗ theo nguyên tắc :
+ Cấp cho những trại và người chăn nuôi có ký hợp đồng bán sản phẩm lại cho Nhà nước.
+ Sản xuất thật sự cần dùng đến đâu cấp đến đấy, cần loại gì cấp loại nấy. Sử dụng đúng mục đích, đúng yêu cầu.
Điều 7. Thuế
1. Bãi bỏ thuế 10% trị giá gia tăng đối với sản phẩm làm thức ăn gia súc và sản phẩm chăn nuôi.
2. Miễn mọi thứ thuế đối với những người chăn nuôi từ 1 đến 20 heo/năm.
3. Đối với những cơ sở chăn nuôi kinh doanh trên 20 heo/năm chỉ nộp 2 loại thuế :
+ Thuế kinh doanh : 2,7%
+ Thuế lợi tức : 25,0% phần lời.
- Mỗi đầu heo khi giết mổ chịu thuế sát sinh theo quy định là 6đ/con và trâu bò 8đ/con, ngoài ra không phải nộp thuế gì khác nữa.
- Đối với các trại chăn nuôi mới xây dựng dù của Nhà nước hay của tư nhân đều được miễn thuế trong 2-3 năm đầu vì sản xuất chưa ổn định.
Điều 8. Cho vay vốn.
Trong lúc thành phố còn nhiều khó khăn, nhiều công trình phải đầu tư xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố kêu gọi các nhà tư sản, bà con chăn nuôi cần kiệm, tập trung vốn sẵn có của mình vào công cuộc phát triển chăn nuôi. Trong trường hợp đã tập trung mọi khả năng rồi mà vẫn thiếu vốn để sản xuất kinh doanh thì Nhà nước sẽ xét cho vay thêm với lãi suất thấp và thỏa mãn yêu cầu chánh đáng của người vay, nếu được chánh quyền địa phương xác nhận, thủ tục cho vay đơn giản và dễ dàng.
Điều 9. Chánh sách giá cả.
1. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung cũng như chăn nuôi gia đình, nếu có nhận thức ăn gia súc, vật tư phục vụ chăn nuôi của Nhà nước thì phải bán sản phẩm lại cho Nhà nước theo giá Nhà nước quy định. Phần sản phẩm bán vượt kế hoạch thì được mua giá khuyến khích cao hơn giá quy định từ 30-40%.
2. Phần sản phẩm làm ra bằng thức ăn gia súc mua theo giá thị trường tự do thì được bán theo giá thỏa thuận cho Nhà nước (tức giá phải chăng, nhưng phải bán cho Nhà nước).
3. Giá mua sản phẩm chăn nuôi phải bảo đảm cho người chăn nuôi có được phần lời thỏa đáng, bảo đảm đời sống gia đình ổn định và sản xuất không ngừng tái mở rộng, giá bán thỏa thuận do nhân dân bàn bạc tập thể quy định 6 tháng 1 lần.
4. Hạ giá thức ăn gia súc từ bình quân 55 xu/kg hiện nay xuống bình quân 40-45 xu/kg với chất lượng sản phẩm cao. Nhà nước bù lỗ khâu nguyên liệu làm thức ăn gia súc.
Điều 10. Thu mua phân phối.
1. Các cơ sở công quản (trại, xí nghiệp quốc doanh) sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước và giao nộp cho Nhà nước toàn bộ sản phẩm.
2. Đối với các cơ sở chăn nuôi gia công, chăn nuôi cơ quan, chăn nuôi gia đình các quận nội thành và ven nội có nghĩa vụ bán lại cho Nhà nước số sản phẩm chăn nuôi làm ra tương ứng với thức ăn gia súc và vật tư đã được nhận của Nhà nước. Phần sản phẩm làm ra bằng thức ăn gia súc chạy tự do theo giá thị trường thì được bán theo giá thỏa thuận cho thương nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ, hoặc giết mổ chia nhau tiêu dùng.
3. Đối với các hộ nông dân ngoại thành, sản phẩm chăn nuôi được làm ra trên cơ sở đất đai sản xuất trồng trọt. Do đó có nghĩa vụ bán cho Nhà nước 50% sản phẩm theo giá Nhà nước, 50% còn lại được tiêu dùng hoặc bán theo giá thỏa thuận.
4. Đối với các cơ sở chăn nuôi thí nghiệm, thực nghiệm của Nhà nước, phân sản phẩm làm ra do kết quả thí nghiệm phải bán cho cơ quan thương nghiệp để tăng nguồn hàng phân phối cho dân.
5. Đối với những người chăn nuôi heo đực giống sẽ được Nhà nước bán thức ăn gia súc để bảo đảm chất lượng giống tốt, hoạt động phối giống theo sự hướng dẫn về giá, về địa bàn hoạt động và thực hiện định kỳ giám định kiểm tra chất lượng con giống.
6. Đối với những người nuôi heo nái, có nhận thức ăn gia súc của Nhà nước thì phải cung cấp giống cho nhân dân theo giá Nhà nước quy định, hoặc bán sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế đã ký kết.
7. Trong phạm vị thành phố, nhân dân được tự do mua bán, chuyên chở heo giống từ nơi này sang nơi khác, không được tự do bán con giống ra ngoài phạm vi thành phố. Mọi việc vận chuyển gia súc ra khỏi thành phố, nhứt là con giống nếu không có giấy phép xuất khỏi thành phố của Sở Nông nghiệp, sẽ bị bắt giữ - Sở Nông nghiệp cùng với Ban quản lý thị trường Quận có trách nhiệm xét xử lý theo chánh sách.
Điều 11. Về thú y.
1. Tất cả các trại chăn nuôi, người chăn nuôi, các cơ quan có trách nhiệm thu mua, giết mổ, vận chuyển gia súc sống và thịt phải tuân thủ nghiêm túc và triệt để luật pháp thú y của Nhà nước đã ban hành. Ai vi phạm các luật pháp thú y hiện hành sẽ bị xử lý theo pháp luật.
2. Công ty vật tư nông nghiệp và Trạm thú y thành phố có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các loại thuốc cần thiết thông thường để chữa trị gia súc và dụng cụ phục vụ công tác thú y trong phạm vi toàn thành phố theo giá Nhà nước quy định.
Mỗi phường, xã được trang bị một tủ thuốc thú y, mỗi quận, huyện có trạm thú y lo việc phòng chống dịch bệnh và chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm.
3. Chỉ những thú y sĩ, Bác sĩ thú y do Nhà nước hoặc nhân dân cử ra làm nhiệm vụ bảo vệ đàn gia súc, gia cầm mới được quyền hoạt động hành nghề và được thu lệ phí theo quy định của Nhà nước.
4. Đối với các gia đình quá nghèo, gia đình thương binh, liệt sĩ, neo đơn, Sở Nông nghiệp sẽ xét miễn lệ phí thú y theo đề nghị của địa phương.
5. Tất cả các loại gia súc (heo, trâu, bò, chó…), và gia cầm (vịt, gà nuôi tập trung), nuôi trong thành phố đều phải thực hiện tiêm phòng dịch theo định kỳ hàng năm – tiền thuốc do Nhà nước đài thọ.
Phần III.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Các quy định trên đây có giá trị thi hành trong phạm vi toàn thành phố kể từ ngày Ủy ban nhân dân thành phố ký ban hành.
Điều 13. Những quy định đã ban hành trước đây về vấn đề này trái với các quy định trên đều bị bãi bỏ.