cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 26/CT-UB ngày 24/05/1978 Về việc tiến hành quy hoạch tổ chức lại sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 26/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 24-05-1978
  • Ngày có hiệu lực: 24-05-1978
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7394 ngày (20 năm 3 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Chỉ thị số 26/CT-UB ngày 24/05/1978 Về việc tiến hành quy hoạch tổ chức lại sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 26/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 5 năm 1978

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾN HÀNH QUY HOẠCH TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sau 3 năm cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa nhằm tạo tiền đề cơ bản cho việc tổ chức lại sản xuất theo phương hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã có những biến chuyển bước đầu, những tiến bộ đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của thành phố vẫn còn phân tán, chịu sự quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều công ty chuyên doanh. Một số sở, ban, ngành, quận, huyện đã thấy tầm quan trọng của việc tổ chức lại sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nên đã tiến hành công tác quy hoạch trong chừng mực nào đó, nhằm thỏa mãn một phần yêu cầu cấp thiết trước mắt của mình; song, những đề án quy hoạch này chưa toàn diện, chưa hoàn chỉnh, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với nhau, nhất là giữa trung ương với địa phương, chưa nêu lên được mối quan hệ gắn bó giữa quản lý ngành với quản lý lãnh thổ, nên dễ gây ra tình trạng quản lý phân tán, cục bộ, làm ảnh hưởng đến sản xuất, chưa tận dụng hết tiềm năng và phát huy các thế mạnh sẵn có của thành phố. Do đó, trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, việc quy hoạch và tổ chức lại sản xuất trở thành yêu cầu cấp bách, nhằm tạo cơ sở phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo ra cơ cấu ngành công nghiệp hợp lý, kết hợp hữu cơ giữa công tác cải tạo, xây dựng và phát triển để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và đẩy mạnh xuất khẩu.

Để thực hiện các mục tiêu trên, nhằm biến thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm công nghiệp, một trung tâm văn hóa, một trung tâm giao dịch quốc tế lớn của cả nước; và để kết hợp chỉ thị số 142-TTg ngày 14-3-1978 của Thủ tướng Chính phủ với các chỉ thị khác của các ngành trung ương có liên quan đến vấn đề quy hoạch tổ chức lại sản xuất công nghiệp, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện các công tác cấp thiết sau đây:

1) Quán triệt tinh thần chỉ thị số 142-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Ủy ban Kế hoạch cụ thể hóa bằng “kế hoạch tiến hành” và “gợi ý nội dung quy hoạch tổ chức lại sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp” mà sở, ban, ngành, quận huyện đã được phổ biến thảo luận.

2) Các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện cần nhận thức rằng đây là một công tác có tính chất kế tục cho bước cải tạo quan hệ sản xuất mà tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy các cấp, kết hợp một cách khoa học và có kế hoạch cụ thể, gắn công tác này với các công tác khác đang tiến hành ở cơ sở, nhằm xúc tiến hoàn thành nội dung quy hoạch này.

3) Sở, ban, ngành, quận, huyện phải tổ chức điều tra năng lực sản xuất và phát hiện các tiềm năng sẵn có ở cơ sở để làm tiền đề cho bước quy hoạch tổ chức lại sản xuất.

4) Nghiên cứu đề ra phương hướng, mục tiêu quy hoạch theo từng ngành, từng địa phương, và các trọng tâm trong từng giai đoạn phát triển kinh tế (từ 1976-1980, và từ 1981-1985).

5) Đối với thành phố chúng ta, đây là một công tác mới mẻ, nội dung khá phong phú, và đòi hỏi nhiều thời gian. Vì vậy, các sở, ban, ngành, quận, huyện từ đây đến hết tháng 7 năm 1978, cần có sự chỉ đạo tập trung, chỉ đạo điểm để hoàn thành những vấn đề then chốt, cấp bách, hoàn thành các đề án có thể đưa ngay vào phục vụ thiết thực cho sản xuất trước mắt; tích cực trình Ủy ban Nhân dân duyệt càng sớm càng tốt. Sở, ban, ngành, quận, huyện nào trước đây đã có dự thảo một số đề án cần bổ sung thì xem xét lại, kết hợp với các ngành trung ương, thống nhất thành một đề án chung; cần lấy công ty chuyên ngành làm cơ sở, phối hợp với công ty chuyên ngành trung ương, nghiên cứu, điều hòa và tổng hợp để đi đến một sự thống nhất, trình cấp trên phê duyệt. Đối với quy hoạch theo lãnh thổ (quận, huyện), “Nhóm quy hoạch” của quận, huyện cùng với công ty chuyên ngành (trung ương, thành phố) nghiên cứu, kết hợp và tổng hợp trên địa bàn lãnh thổ.

6) Trong đợt này, Ủy ban Nhân dân thành phố nêu ra hướng phân công cụ thể sau:

a. Mọi sở, ban, ngành đều phải tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất các ngành và nhóm sản phẩm thuộc ngành mình đang trực tiếp quản lý và gia công.

b. Sở Công nghiệp có trách nhiệm tổng hợp các ngành và nhóm sản phẩm công nghiệp. Sở Xây dựng tổng hợp ngành vật liệu xây dựng trong toàn thành phố.

c. Ủy ban Kế hoạch có trách nhiệm tổng hợp toàn diện các ngành kinh tế ở thành phố.

d. Trong quá trình quy hoạch và tổ chức sản xuất ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong toàn thành phố, mọi vấn đề về điều hòa, phân cấp quản lý giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, nếu không tự dàn xếp được với nhau, sẽ được một nhóm nghiên cứu tổng hợp quy hoạch nghiên cứu và đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định (sẽ nói ở phần sau).

7) Các quận, huyện (trừ Củ Chi và Duyên Hải có hướng dẫn riêng) phải hoàn thành công tác điều tra số liệu theo biểu mẫu đã hướng dẫn trên lãnh thổ mình là chủ yếu; các số liệu này bao gồm các xí nghiệp công nghiệp của trung ương, thành phố, và toàn bộ lực lượng tiểu thủ công nghiệp nằm trên lãnh thổ mình. Các xí nghiệp của trung ương cũng như của thành phố tại quận, huyện, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các số liệu này khi có yêu cầu của địa phương. Các ngành của trung ương và thành phố, khi sử dụng các số liệu này trong các đề án quy hoạch của mình, cần kết hợp tốt với quận, huyện để bảo đảm thống nhất về tài liệu.

8) Các sở, ban, ngành ở thành phố phải chủ động phối hợp với các ngành trung ương để hoàn thành các tờ trình về những đề án quy hoạch tổ chức lại sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong phạm vi mình đang trực tiếp quản lý và gia công. Mỗi đề án cần gởi về Sở Công nghiệp một bản và Ủy ban Kế hoạch thành phố một bản để được nghiên cứu, tổng hợp, và trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt.

Trước mắt, Ủy ban Nhân dân thành phố quy định trách nhiệm dự thảo các đề án cấp thiết như sau:

a) Sở Công nghiệp

1. Ngành công nghiệp dệt thoi

2. Ngành dệt kim

3. Ngành thủy tinh

4. Ngành sành sứ

5. Ngành may mặc

6. Ngành chế biến thực phẩm

7. Hàng mây tre đan, lác

8. Ngành công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và thủy lợi

9. Ngành sản xuất phụ tùng dệt

10. Ngành sản xuất đồ điện các loại (trừ quạt)

11. Ngành sản xuất các loại quạt điện

12. Ngành sản xuất xe đạp

13. Ngành đóng tàu của Sở Công nghiệp, các quận và Sở Thủy sản

14. Ngành điện lạnh

15. Ngành sản xuất mặt hàng bằng cao su

16. Ngành sản xuất mặt hàng bằng nhựa

17. Ngành sản xuất đồ chơi trẻ em

b) Phòng Công nghiệp Ủy ban Kế hoạch thành phố

1. Ngành công nghiệp sản xuất nước đá

2. Ngành công nghiệp sản xuất bao bì bằng nhựa dẻo

c) Sở Xây dựng

1. Ngành công nghiệp sản xuất các loại gạch, ngói

2. Ngành sản xuất các loại tấm lợp, tấm trần nhà, nhà lắp ghép…

3. Ngành sản xuất tiểu ngũ kim (bản lề, đinh, vít, équerre, khóa…)

4. Ngành T, vanne, coude, dụng cụ vệ sinh, kết cấu bê – tông xây dựng…

d) Sở Giao thông vận tải

1. Ngành công nghiệp đóng, sửa chữa phương tiện thủy thuộc Sở quản lý

2. Ngành công nghiệp sửa chữa phương tiện bộ

3. Ngành sản xuất và đóng mới phương tiện bộ

4. Ngành phục hồi và sản xuất phụ tùng phương tiện bộ

e) Sở Nông nghiệp

1. Ngành công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc

2. Ngành công nghiệp sản xuất phân hữu cơ

f) Sở Ngoại thương

Các ngành công nghiệp xuất khẩu do Sở trực tiếp quản lý và gia công

g) Ty Lâm nghiệp

1. Ngành công nghiệp cưa xẻ gỗ

2. Ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ

h) Sở Văn hóa và thông tin

Ngành công nghiệp in và sản xuất các loại văn hóa phẩm

i) Sở Lương thực

1. Ngành công nghiệp chế biến bột mì (bánh mì, mì sợi)

2. Ngành công nghiệp xay xát

j) Sở Giáo dục

Ngành công nghiệp sản xuất học cụ

k) Sở Y tế

1. Ngành công nghiệp sản xuất dụng cụ y tế

2. Ngành công nghiệp sản xuất thuốc đông, tây y

l) Sở Thể dục thể thao

Ngành công nghiệp sản xuất dụng cụ thể dục thể thao

m) Sở Thương nghiệp

Ngành sản xuất thực phẩm do Sở trực tiếp quản lý và gia công

n) Sở Thủy sản

Ngành sản xuất thực phẩm do Sở trực tiếp quản lý và gia công

9) Công tác quy hoạch và tổ chức lại sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sẽ do một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trực tiếp chỉ đạo.

Để giúp cho công tác này tiến hành tốt và theo tiến độ chung, một nhóm nghiên cứu tổng hợp quy hoạch sẽ được thành lập mà thành phần gồm có:

Ủy ban Kế hoạch, Sở Công nghiệp, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Viện Quy hoạch tổng hợp, Ban Khoa học và kỹ thuật, và thường xuyên có sự theo dõi và chỉ đạo cụ thể của các bộ, ngành trung ương.

Nhóm nghiên cứu tổng hợp này thường trực tại Ủy ban Kế hoạch thành phố có nhiệm vụ:

a. Giúp Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo cụ thể công tác này,

b. Tổng hợp và điều hòa các phương án mang tính chất liên ngành,

c. Tổng hợp chung các ngành kinh tế toàn thành phố, bảo đảm tiến độ chung.

10) Cấp sở, ban, ngành, quận, huyện sẽ do đồng chí Phó Giám đốc và Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp hoặc nông nghiệp trực tiếp chỉ đạo và cử cán bộ thường trực. Ở quận, huyện công tác này sẽ do một “Nhóm quy hoạch” gồm các cán bộ kế hoạch, công nghiệp và quy hoạch đảm trách, do cán bộ lãnh đạo phòng kế hoạch chủ trì (hoặc ai khác, tùy sự dàn xếp trong nội bộ quận, huyện). Ở các sở, gồm cán bộ có liên quan đến sở và các công ty chuyên ngành cùng với các phái viên của các Bộ Công nghiệp trực tiếp tham gia.

11) Chi phí về công tác này tính vào sự nghiệp phí của sở, ban, ngành, quận, huyện như thường lệ.

12) Các sở, ban, ngành, quận, huyện cần bảo đảm tiến độ như sau:

- Từ nay đến 30-5-1978: Tiến hành tổ chức, phổ biến nội dung công tác này đến các cấp.

- Từ đầu tháng 6 đến 31-7-1978: Điều tra năng lực sản xuất theo nội dung của Ủy ban Kế hoạch thành phố hướng dẫn. Đồng thời phúc tra bổ sung, hoàn chỉnh các đề án sẵn có.

- Từ 1-8-1978 đến cuối tháng 9-1978: Các sở cùng với các công ty trực thuộc, các tổng công ty, công ty trung ương tổng hợp dự thảo theo 9 ngành công nghiệp mà nội dung đã phổ biến. Các quận, huyện tiến hành quy hoạch theo lãnh thổ, trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Vũ Đình Liệu