Chỉ thị số 18/CT-UB ngày 19/04/1977 Về việc đẩy mạnh cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 18/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 19-04-1977
- Ngày có hiệu lực: 19-04-1977
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7909 ngày (21 năm 8 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 4 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
Dưới chế độ cũ, dân số của thành phố chúng ta tăng quá nhanh. So với năm 1945, dân số hiện nay tăng gấp 6-7 lần. Hiện nay tính bình quân mỗi gia đình trong thành phố có 6 con, rất nhiều gia đình có 10 con. Theo số liệu cũ thì hằng năm có gần 140 ngàn trẻ em ra đời, tức gần bằng số dân của huyện Gò Vấp hiện nay. Nhiều bà mẹ không đầy 30 tuổi đã phải sống nheo nhóc với 7-8 con. Rải rác ở quận nào cũng có những bà mẹ đã sanh từ 20 đến 26 lần.
Tình hình sanh đẻ không kế hoạch đã gây ra mất cân đối nghiêm trọng giữa sự phát triển kinh tế và gia đình tăng dân số ; trong cơ cấu dân số, hình thành một tỷ lệ không hợp lý giữa số người có khả năng lao động và số người chưa có khả năng lao động. Với tốc độ gia tăng dân số như vừa qua, thành phố chúng ta không có điều kiện để cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.
Sau ngày giải phóng, Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố rất quan tâm giải quyết những khó khăn về kinh tế do chế độ cũ để lại, chăm lo mở rộng mạng lưới y tế, đẩy mạnh công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bước đầu tiến hành vận động kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, tốc độ tăng dân số ở thành phố chúng ta vẫn còn ở mức cao như trước. Tình hình đó không phù hợp với yêu cầu xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa và con người mới ở nước ta. Chính vì vậy, phương hướng kế hoạch 5 năm 1976 – 1980 của Nhà nươc ta đã nêu ra sự cần thiết phải “đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hằng năm”, và “mọi ngành, mọi cấp phải coi cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là một công tác có tầm quan trọng to lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân ta”.
Chấp hành Nghị quyết Đaị hội đại biểu lần thứ tư của Đảng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương, từ đầu năm 1977, xúc tiến mạnh mẽ trong toàn thành phố cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, lấy tên là cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG
Cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình trong toàn thành phố nhằm 3 mục đích :
1- Giảm tỷ lệ sanh đẻ và tỷ lệ tăng dân số cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố.
2- Bảo vệ sức khỏe của các bà mẹ, đảm bảo cho người phụ nữ có sức khoẻ lâu dài để tham gia lao động, công tác, học tập, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy vai trò làm chủ tập thể của phụ nữ trong xã hội.
3- Bảo vệ sức khoẻ của trẻ em, tạo điều kiện cho xã hội và gia đình nuôi dưỡng, giáo dục tốt thế hệ trẻ.
Yêu cầu cơ bản là phấn đấu đến năm 1980, tỷ lệ tăng dân số còn khoảng từ 2 đến 2,5% hằng năm.
II. CÁC PHƯƠNG HƯỚNG LỚN CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG
Cuộc vận động cần được xúc tiến theo hai phương hướng lớn sau đây :
1- Phát động một phong trào quần chúng rộng rãi làm cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và các tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch và vận động người khác thực hiện trên cơ sở nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng về mặt kinh tế, chính trị và xã hội của việc kế hoạch hóa gia đình, coi đây là biểu hiện của nếp sống văn minh và đầy tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ ngày nay và mai sau, nhận rõ tác hại của việc sanh đẻ không kế hoạch đối với xã hội, gia đình và bản thân.
2- Ngành y tế phấn đấu tạo những điều kiện cần thiết giúp cho nhân dân thưc hiện dễ dàng và có hiệu quả việc sinh đẻ có kế hoạch, cũng cố và từng bước hoàn chỉnh màng lưới y tế, hộ sinh trong toàn thành phố, nhất là các cơ sở y tế xã, phường ; tăng cường công tác bảo vệ sức khoẻ của các bà mẹ và trẻ em ; bằng nhiều hình thức, phổ biến rộng rãi và hướng dẫn nhân dân những biện pháp khoa học để kế hoạch hóa gia đình.
III. NHỮNG BIỆN PHÁP TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Dưới sự chỉ đạo của ban tuyên huấn Thành ủy, ngành thông tin văn hóa, y tế phối hợp với các đoàn thể tiến hành tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc kế hoạch hóa gia đình và những hiểu biết cần thiết về vấn đề này. Mặt khác, cần chú ý đề phòng và kịp thời đánh tan mọi luận điệu xuyên tạc có y đồ kềm hãm sức mạnh tự giải phóng về mặt tư tưởng của quần chúng.
2- Kết hợp chặt chẽ cuộc vận động sinh đẻ có kế họach với phong trào bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Ngành y tế thành phố cần nhanh chóng kiện toàn mạng lưới hộ sinh từ cấp thành đến phường, xã, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu của công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em như thực hiện vệ sinh phụ nữ, quản lý thai sản, khámm và chữa bịnh phụ khoa, phòng và chữa bịnh cho trẻ em, phục vụ tốt việc kế hoạch hóa sinh đẻ trong nhân dân thông qua một hệ thống biện pháp phòng tránh thai với những cơ sở vật chất, cán bộ và phương tiện, thuốc men cần thiết.
3- Ở mỗi quận, huyện cần tiến hành thí điểm cuộc vận động này tại một phường, một xã, một xí nghiệp để rút kinh nghiệm làm cơ sở triển khai cuộc vận động trên diện rộng.
4- Chi cục thống kê tổ chức điều tra nắm tình hình, số liệu cơ bản điển hình về tình hình phát triển dân số để làm cơ sở theo dõi đánh giá, sơ kết, tổng kết cuộc vận động.
Các cấp, các ngành trong thành hố cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cuộc vận động, có kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện chỉ thị này cho phù hợp với tình hình của các địa phương và đơn vị, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, đưa cuộc vận động tiến lên những bước mới nhằm đạt yêu cầu đề ra.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |