Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6278:2003/SĐ2:2005 về Quy phạm trang bị an toàn tàu biển (năm 2005)
- Số hiệu văn bản: TCVN 6278:2003/SĐ2:2005
- Loại văn bản: TCVN/QCVN
- Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
- Ngày ban hành: 30-11--0001
- Ngày có hiệu lực: 01-01-1970
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 20003 ngày (54 năm 9 tháng 23 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
TCVN 6278:2003
QUY PHẠM TRANG BỊ AN TOÀN TÀU BIỂN
Rules for the Safety Equipment
Lời nói đầu
Sửa đổi 2:2005 cập nhật những quy định, chỉ tiêu và yêu cầu trong năm 2005 cho TCVN 6278:2003.
Sửa đổi 2:2005 biên soạn dựa trên các Thông báo sửa đổi năm 2004 về hệ thống Quy phạm của Đăng kiểm NK (Nhật bản) Nghị định thư của IMO về công ước Quốc tế Mạn khô-66, các Công ước, quy ước quốc tế và khu vực có liên quan.
Sửa đổi 2:2005 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC8 Đóng tàu và Công trình biển phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
QUY PHẠM TRANG BỊ AN TOÀN TÀU BIỂN
Rules for the Safety Equipment
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
Điều 1.2.6 được sửa đổi như sau:
1.2.6. Hồ sơ Đăng kiểm
1. Hồ sơ Đăng kiểm cấp khi giám sát chế tạo mới trang thiết bị an toàn
(1) Các trang thiết bị an toàn được chế tạo mới để lắp đặt, trang bị cho tàu biển phải được Đăng kiểm giám sát kỹ thuật theo các yêu cầu của Quy phạm này hoặc các yêu cầu cho công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74) tương ứng.
(2) Các trang thiết bị an toàn được nhập khẩu thì chủ tàu phải xuất trình hồ sơ giám sát kỹ thuật của cơ quan giám sát nước ngoài và khi cần thiết vẫn phải thực hiện các thử nghiệm mà Đăng kiểm yêu cầu theo Quy định của Quy phạm này hoặc các yêu cầu của SOLAS 74 tương ứng.
(3) Căn cứ vào kết quả giám sát kỹ thuật khi chế tạo mới nêu ở (1) hoặc hồ sơ giám sát kỹ thuật và thử nghiệm ở (2) Đăng kiểm sẽ cấp các giấy chứng nhận phù hợp ( Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp) chứng nhận trang thiết bị là thỏa mãn điều kiện lắp đặt, trang bị cho tàu biển.
2. Hồ sơ Đăng kiểm cấp khi giám sát việc trang bị, lắp đặt va sử dụng trên tàu biển.
Đăng kiểm giám sát kỹ thuật việc trang bị, lắp đặt và sử dụng các trang thiết bị an toàn khi đóng mới tàu biển cũng như trong quá trình khai thác tàu và cấp các giấy chứng nhận an toàn như sau:
(1) Đối với các tàu chạy tuyến quốc tế nằm trong phạm vi áp dụng của SOLAS 74.
Đăng kiểm giám sát kỹ thuật theo các yêu cầu của SOLAS 74 và cấp các giấy chứng nhận tương ứng nêu tại Quy định 12 Phần B Chương I của SOLAS 74 và các phụ bản đi kèm giấy chứng nhận cụ thể như sau:
(a) Tàu khách mọi kích thước: được cấp giấy chứng nhận an toàn tàu khách (mẫu P).
(b) Tàu hàng có tổng dung tích bằng 500 và lớn hơn được cấp giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị tàu hàng (mẫu E).
(c) Tàu hàng có tổng dung tích bằng 300 và lớn hơn được cấp giấy chứng nhận an toàn vô tuyến điện tàu hàng ( mẫu R).
(2) Đối với các tàu chạy tuyến quốc tế nhưng không thuộc phạm vi áp dụng của Công ước SOLAS 74 và các tàu chỉ hoạt động ở vùng biển Việt Nam.
Đăng kiểm giám sát kỹ thuật theo các yêu cầu của Quy phạm này và cấp các giấy chứng nhận như sau:
(a) Tàu khách chỉ hoạt động ở vùng biển Việt Nam: được cấp giấy chứng nhận an toàn tàu khách.
(b) Tàu hàng chạy tuyến quốc tế có Tổng dung tích nhỏ hơn 500 và mọi tàu hàng chỉ hoạt động ở vùng biển Việt Nam: được cấp giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị.
* Lưu ý: Tàu hàng chạy tuyến quốc tế có Tổng dung tích bằng và lớn hơn 300 phải được giám sát và cấp giấy chứng nhận an toàn vô tuyến điện tàu hàng như nêu ở mục 1.2.6-2(1)(c) ở trên.
3. Hiệu lực của các giấy chứng nhận, gia hạn và xác nhận
(1) Các giấy chứng nhận nêu tại 1.2.6-2(a),(b),(c) có hiệu lực và được gia hạn, xác nhận như nêu trong Quy định 14 Phần B Chương I và các phần liên quan của SOLAS 74
(2) Giấy chứng nhận an toàn trang bị nêu ở mục 1.2.6-2(2)(b) có hiệu lực tối đa 5 năm với điều kiện trang thiết bị phải được kiểm tra như quy định tại 1.2.7 Chương I của Quy phạm này.
1.2.7. Kiểm tra trang thiết bị trên tàu đang khai thác
Mục -3 sửa đổi như sau:
3. Kiểm tra trang thiết bị an toàn.
(1) Kiểm tra
(a) Các loại kiểm tra theo Quy phạm “ Trang bị an toàn tàu biển” và SOLAS 74. Trang thiết bị an toàn được trang bị, lắp đặt và sử dụng trên tàu biển đang khai thác phải được Đăng kiểm kiểm tra theo các loại hình như sau:
(i) Kiểm tra lần đầu
Kiểm tra lần đầu được thực hiện trước khi đưa tàu vào hoạt động để đảm bảo rằng các trang thiết bị an toàn của tàu hoàn toàn thỏa mãn Quy phạm hoặc công ước quốc tế SOLAS 74 mà tàu phải áp dụng. Việc kiểm tra được thực hiện đối với việc bố trí, thử hoạt động cũng như số lượng các trang thiết bị lắp đặt trên tàu. Sau khi hoàn thành kiểm tra lần đầu thông thường tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị với thời hạn 5 năm.
(ii) Kiểm tra định kỳ
Kiểm tra định kỳ được thực hiện 5 năm một lần tại thời điểm hết hạn giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị. Mục đích của đợt kiểm tra định kỳ là để xác định trạng thái kỹ thuật của trang thiết bị an toàn tiếp tục được duy trì thỏa mãn Quy phạm hoặc công ước quốc tế SOLAS 74 mà tàu áp dụng. Sau khi hoàn thành kiểm tra định kỳ tàu được cấp mới giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị với thời hạn 5 năm.
(iii) Kiểm tra hàng năm
Kiểm tra hàng năm được thực hiện một năm một lần trong khoảng thời gian ±3 tháng so với ngày ấn định kiểm tra hàng năm. Mục đích của đợt kiểm tra hàng năm là để xác nhận các trang thiết bị an toàn của tàu được bảo dưỡng đầy đủ và ở trạng thái thỏa mãn. Sau khi hoàn thành kiểm tra hàng năm giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị của tàu được xác định hàng năm, là điều kiện để đảm bảo hiệu lực của giấy chứng nhận theo quy định.
(iv) Kiểm tra bất thường
Kiểm tra bất thường được thực hiện khi có sự hoán cải, thay đổi, hư hỏng, sửa chữa trang thiết bị an toàn trên tàu. Kiểm tra bất thường cũng được thực hiện theo các yêu cầu của Đăng kiểm khi thấy cần thiết nhằm khắc phục các khiếm khuyết để đảm bảo trang thiết bị an toàn của tàu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Quy phạm và công ước quốc tế SOLAS 74.
(b) Kiểm tra chu kỳ
Kiểm tra chu kỳ là loại hình kiểm tra trang thiết bị an toàn được yêu cầu theo các quy định của SOLAS 74.
Kiểm tra chu kỳ có yêu cầu về khối lượng kiểm tra tương đương với kiểm tra định kỳ đưa ra ở phần trên.
Kiểm tra chu kỳ yêu cầu phải thực hiện
(i) Đối với kiểm tra trang thiết bị an toàn ( trừ phần vô tuyến điện)
Phải được thực hiện thay thế cho đợt kiểm tra hàng năm lần thứ hai hoặc đợt kiểm tra hàng năm lần thứ 3 để xác nhận giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị tàu hàng (mẫu E).
(ii) Đối với trang bị an toàn vô tuyến điện
Thực hiện kiểm tra chu kỳ thay thế cho các đợt kiểm tra hàng năm để xác nhận hàng năm giấy chứng nhận an toàn vô tuyến điện tàu hàng.
(2) Chuẩn bị kiểm tra
(a) Chủ trang thiết bị xin kiểm tra phải có trách nhiệm thực hiện tất cả các công việc chuẩn bị cần thiết phục vụ cho công việc kiểm tra và phải bố trí người có hiểu biết về các yêu cầu kiểm tra để thực hiện các công việc phục vụ kiểm tra.
(b) Đăng kiểm có thể từ chối kiểm tra, nếu:
(i) Khi chưa chuẩn bị chu đáo cho việc kiểm tra;
(ii) Khi không có mặt mặt những người của chu trang trại thiết bị có trách nhiệm khi kiểm tra;
(iii) Khi Đăng kiểm thấy không đảm bảo an toàn để thực hiện kiểm tra.
(c) Qua kết quả kiểm tra, nếu Đăng kiểm thấy cần thiết phải sửa chữa thì chủ trang thiết bị phải thực hiện công việc sửa chữa cần thiết thỏa mãn các yêu cầu của Đăng kiểm.
(3) Hoãn kiểm tra thay mới và gia hạn giấy chứng nhận
(a) Đăng kiểm có thể xem xét và cho hoãn đợt kiểm tra thay mới và gia hạn Giấy chứng nhận. Thời hạn cho phép hoãn kiểm tra thay mới và gia hạn Giấy chứng nhận cấp theo quy định 1.2.6-1(2)(a) được thực hiện như quy định tương ứng tại Phần B Chương I của Công ước.
(b) Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị nêu ở mục 1.2.6-2(2)(b) không được hoãn kiểm tra và gia hạn Giấy chứng nhận đã cấp cho tàu.
Chương 2
PHƯƠNG TIỆN CỨU SINH
Bổ sung mới mục 2.6 Chương 2 nội dung cụ thể như sau:
2.6. Trang bị phương tiện cứu sinh đối với tàu biển không hoạt động tuyến quốc tế.
2.6.1. Yêu cầu đối với tàu hàng
1. Phương tiện cứu sinh và xuồng cấp cứu:
(1) Tàu hàng có chiều dài nhỏ hơn 85 m, trừ các tàu dầu, tàu chở xô hóa chất và tàu chở xô khí hóa lỏng phải thỏa mãn những yêu cầu sau:
a) Tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 500 phải bố trí dụng cụ nổi ở mỗi mạn tàu đủ để chở toàn bộ số người có ở trên tàu;
b) Tàu có tổng dung tích từ 500 đến nhỏ hơn 1600, phải bố trí phao bè mỗi mạn tàu đủ để chở toàn bộ số người có ở trên tàu;
c) Tàu có tổng dung tích từ 1600 trở lên, ngoài các quy định 2.6.1-1(1)(b) nêu trên, phải trang bị thêm một xuồng cấp cứu ở trên tàu.
(2) Tàu hàng có chiều dài từ 85 m trở lên, trừ các tàu dầu, tàu chở xô hóa chất và tàu chở xô khí hóa lỏng phải thỏa mãn những yêu cầu sau:
a) Một hoặc nhiều xuồng cứu sinh ( có thể là xuồng hở) bố trí ở mỗi mạn tàu đủ để chở toàn bộ số người trên tàu. Trong đó phải có ít nhất một xuồng cứu sinh thỏa mãn yêu cầu của xuồng cấp cứu ở trên tàu;
b) Một hoặc nhiều bè cứu sinh phải được bố trí ở mỗi mạn tàu đủ để chở được toàn bộ số người trên tàu. Nếu bè cứu sinh được bố trí tại boong hở dễ dàng di chuyển sang mạn tàu bất kỳ, thì một hoặc nhiều bè cứu sinh được bố trí trên tàu đủ để chở được toàn bộ số người có ở trên tàu.
2. Số lượng phao tròn và các quy định đối với các phao tròn cần phải thỏa mãn quy định 2.4.2-1 và 2.2.2-1 Chương 2
3. Ngoài số lượng phao áo cứu sinh quy định cho mỗi người trên tàu, tàu phải trang bị thêm phao áo cứu sinh cho những người trực ca được cất giữ tại buồng lái, buồng điều khiển máy hoặc các trạm có người trực khác.
4. Một thiết bị phóng dây tối thiểu có hai đầu phóng.
5. Không yêu cầu trang bị quần áo bơi và dụng cụ chống mất nhiệt.
2.6.2. Yêu cầu đối với tàu khách
1. Phương tiện cứu sinh và xuồng cấp cứu
(1) Tàu khách có tổng dung tích nhỏ hơn 300 thỏa mãn những yêu cầu sau:
a) Tàu hoạt động vùng biển hạn chế III, phải bố trí dụng cụ nổi ở mỗi mạn tàu đủ chở được 75% toàn bộ số người trên tàu. Khi một dụng cụ nổi bị mất hoặc bị hỏng, thì số dụng cụ nổi còn lại vẫn đảm bảo chở được 100% số người trên tàu;
b) Tàu hoạt động vùng biển hạn chế II, phải bố trí bè cứu sinh ở mỗi mạn tàu đủ chở được 75% toàn bộ số người trên tàu. Khi một bè cứu sinh bị mất hoặc bị hỏng, thì số bè cứu sinh còn lại vẫn đảm bảo chở được 100% số người trên tàu;
c) Tàu hoạt động vùng biển hạn chế I, ngoài các quy định 2.6.2-1(1)(b) nêu trên, phải trang bị bổ sung ít nhất một xuồng cấp cứu ở trên tàu.
(2) Tàu khách có tổng dung tích từ 300 trở lên nhưng nhỏ hơn 500 thỏa mãn những yêu cầu sau:
a) Tàu hoạt động vùng biển hạn chế III, phải bố trí dụng cụ nổi ở mỗi mạn tàu đủ chở được 75% toàn bộ số người trên tàu. Khi một dụng cụ nổi bị mất hoặc bị hỏng, thì số dụng cụ nổi còn lại vẫn đảm bảo chở được 100% số người trên tàu;
b) Tàu hoạt động vùng biển hạn chế I và II, ngoài việc bố trí bè cứu sinh
ở mỗi mạn tàu đủ chở được 75% toàn bộ số người trên tàu, phải bổ sung một xuồng cấp cứu ở trên tàu. Khi một bè cứu sinh bị mất hoặc bị hỏng, thì số bè cứu sinh còn lại vẫn đảm bảo chở được 100% số người trên tàu.
(3) Tàu khách có tổng dung tích từ 500 trở lên phải thỏa mãn quy định 2.3 và Bảng 2/1 Chương 2.
2. Số lượng phao tròn và các quy định đối với các phao tròn cần phải thỏa mãn quy định 2.3.2-1 và 2.2.2-1 Chương 2.
3. Ngoài số lượng phao áo cứu sinh quy định cho mỗi người trên tàu, thì tàu khách phải trang bị bổ sung 5% phao áo cứu sinh và 10% phao áo cứu sinh trẻ em cho tổng số người có ở trên tàu.
4. Một thiết bị phóng dây tối thiểu có hai đầu phóng.
5. Không yêu cầu trang bị quần áo bơi và dụng cụ chống mất nhiệt.
2.6.3. Yêu cầu đối với tàu chở hàng lỏng dễ cháy( xăng, dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ), tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm.
1. Tàu chở hàng lỏng dễ cháy có tổng dung tích nhỏ hơn 500 phải được trang bị như quy định 2.6.1-1(1)(a), 2.6.1-2, 2.6.1-3, 2.6.1-4, 2.6.1-5.
2. Tàu chở hàng lỏng dễ cháy có tổng dung tích lớn hơn 500, tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm phải thỏa mãn các yêu cầu nêu trong 2.4.1-1 (6), (7), (8) chương 2.