cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN ngày 30/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế-xã hội, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư

  • Số hiệu văn bản: 03/2016/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Ngày ban hành: 30-03-2016
  • Ngày có hiệu lực: 15-05-2016
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-11-2019
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 10-02-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3113 ngày (8 năm 6 tháng 13 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2016/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ, NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC THẨM ĐỊNH CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là thẩm định cơ sở khoa học); thẩm định công nghệ của dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư hoặc dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật về đầu tư công và xây dựng (sau đây gọi tắt là thẩm định công nghệ).

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng cho cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định chương trình phát triển kinh tế - xã hội và dự án đầu tư.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là chương trình phát triển) là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, môi trường, cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức để thực hiện một hoặc một số mục tiêu đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phươngquy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực trong một thời gian nhất định.

2. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp lấy ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành và địa phương liên quan để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan chủ trì thẩm định chương trình phát triển là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp lấy ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành và địa phương liên quan để trình Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình phát triển.

Điều 3. Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định và thực hiện thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền sau: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương.

2. Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định và thực hiện thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển của địa phương không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này; thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền của địa phương hoặc dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của địa phương mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.

Điều 4. Kinh phí phục vụ công tác thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ

Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để chi cho các nhiệm vụ thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ theo quy định hiện hành.

Chương II

HỒ SƠ, NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC THẨM ĐỊNH CƠ SỞ KHOA HỌC

Điều 5. Hồ sơ thẩm định cơ sở khoa học

Hồ sơ thẩm định cơ sở khoa học bao gồm:

1. Văn bản đề nghị của Cơ quan chủ trì thẩm định chương trình phát triển.

2. Tài liệu thuộc hồ sơ trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chương trình phát triển theo quy định của pháp luật về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

3. Báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chương trình phát triển.

4. Biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu (nếu có).

5. Danh mục các dự án đầu tư thuộc chương trình phát triển (nếu có).

Điều 6. Nội dung thẩm định cơ sở khoa học

1. Luận chứng về sự cần thiết của chương trình phát triển.

2. Phân tích điều kiện phát triển và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội (về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, khí hậu thuỷ văn, tình hình kinh tế, tình hình xã hội, …); đánh giá việc thực hiện chương trình phát triển của giai đoạn trước đó (nếu có); luận giải về lợi thế so sánh, khó khăn, hạn chế; kinh nghiệm quốc tế (nếu có).

3. Cơ sở pháp lý, luận cứ khoa học, độ tin cậy của các thông tin, số liệu, tư liệu sử dụng để lập, xây dựng chương trình phát triển.

4. Quan điểm và mục tiêu phát triển của chương trình phát triển.

5. Đánh giá tác động của chương trình phát triển đến phát triển bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng lãnh thổ và đất nước.

6. Xem xét sự phù hợp và tính đồng bộ của chương trình phát triển đối với các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, lãnh thổ; quy hoạch ngành, lĩnh vực và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt.

7. Xem xét các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của chương trình phát triển; phương án, giải pháp để thực hiện chương trình phát triển.

8. Xem xét các giải pháp khoa học và công nghệ, nguồn lực thực hiện; tính khả thi và các biện pháp quản lý thực hiện chương trình phát triển; luận cứ danh mục các dự án đầu tư thành phần, ưu tiên (nếu có).

9. Những vấn đề khác có liên quan (nếu có).

Phiếu thẩm định cơ sở khoa học được lập theo Mẫu 1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung văn bản thẩm định theo Mẫu 3 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học

1. Cơ quan chủ trì thẩm định chương trình phát triển gửi 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này đến Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định, Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học gửi văn bản thẩm định đến Cơ quan chủ trì thẩm định chương trình phát triển.

3. Trong trường hợp chương trình phát triển có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và có phạm vi ảnh hưởng rộng, Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học quyết định việc lấy ý kiến chuyên gia hoặc của tổ chức tư vấn độc lập hoặc lập hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ để xem xét:

a) Đối với trường hợp lấy ý kiến của chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập, Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học gửi hồ sơ đến chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập để lấy ý kiến. Chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập phải là tổ chức, cá nhân có đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn. Ý kiến của chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập là cơ sở giúp Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học có ý kiến thẩm định về chương trình phát triển.

Phiếu đánh giá của chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập thực hiện theo Mẫu 5 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với trường hợp lấy ý kiến hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, thời gian thẩm định được kéo dài hơn nhưng không quá 30 ngày làm việc và Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học phải thông báo trước cho Cơ quan chủ trì thẩm định chương trình phát triển. Thủ trưởng Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học ra quyết định thành lập hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ. Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ được thành lập, làm việc theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

Phiếu đánh giá của thành viên hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và Biên bản hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thực hiện theo Mẫu 7 và Mẫu 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Việc lựa chọn hình thức thẩm định quy định tại điều này sẽ do Thủ trưởng Cơ quan thẩm định cơ sở khoa học quyết định.

Chương III

HỒ SƠ, NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ

Điều 8. Hồ sơ thẩm định công nghệ

Hồ sơ thẩm định công nghệ bao gồm:

1. Văn bản đề nghị của Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư.

2. Hồ sơ dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Trong hồ sơ dự án đầu tư, tại nội dung về khoa học và công nghệ cần nêu rõ: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ, phân tích và lựa chọn phương án công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính (danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; đặc tính, tính năng kỹ thuật, công suất, mới hay đã qua sử dụng).

3. Báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng dự án đầu tư (nếu có).

4. Biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu (nếu có).

5. Đánh giá tác động của công nghệ đến hiệu quả kinh tế - xã hội.

6. Đánh giá sơ bộ tác động của công nghệ đến môi trường.

7. Dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có nội dung góp vốn bằng công nghệ).

8. Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu (nếu có).

Điều 9. Nội dung thẩm định công nghệ

1. Công nghệ của dự án đầu tư:

a)  Xem xét công nghệ thuộc Danh mục công nghệ (khuyến khích chuyển giao, hạn chế chuyển giao hoặc cấm chuyển giao) theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

b)  Xem xét dây chuyền công nghệ bảo đảm sản xuất được các sản phẩm đã dự kiến cả về số lượng và chất lượng;

c)  Xem xét dây chuyền công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động và vệ sinh môi trường;

d)  Xem xét phương án lựa chọn công nghệ nêu trong hồ sơ dự án đầu tư: phân tích, so sánh ưu nhược điểm của từng phương án và trên cơ sở xem xét tính hoàn thiện của công nghệ, mức độ tiên tiến của dây chuyền công nghệ, tính phù hợp của dây chuyền công nghệ để nhận xét về phương án công nghệ được chọn;

đ) Đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao, ngoài các quy định nêu tại Thông tư này, công nghệ của dự án phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.

2. Các sản phẩm do công nghệ tạo ra, thị trường sản phẩm:

a)  Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được áp dụng;

b)  Dự báo nhu cầu thị trường (trong và ngoài nước) có tính đến các sản phẩm cùng loại, độ tin cậy của dự báo;

c)  Dự báo thị phần của sản phẩm do công nghệ tạo ra, tỷ lệ xuất khẩu;

d) Khả năng cạnh tranh (về chất lượng, mẫu mã, giá thành) của sản phẩm do công nghệ tạo ra.

3. Thiết bị trong dây chuyền công nghệ:

a)   Thiết bị trong dây chuyền công nghệ bảo đảm có tính năng, chất lượng phù hợp với yêu cầu của công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và số lượng như dự kiến;

b)   Tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ (danh mục thiết bị của dự án đầu tư thể hiện khả năng thực hiện các công đoạn trong dây chuyền công nghệ, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm). Trong trường hợp nhà đầu tư tham gia góp vốn bằng thiết bị, thiết bị cần bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với công nghệ;

c)    Trên cơ sở danh mục các thiết bị chính của dự án đầu tư, cần xem xét cụ thể các nội dung chủ yếu sau: Các đặc tính, tính năng kỹ thuật của thiết bị; công suất của thiết bị; tình trạng thiết bị (mới hay đã qua sử dụng); thời gian bảo hành;

d)   Đối với dự án đầu tư có liệt kê danh sách máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu, cần thẩm định theo các nội dung nêu tại điểm a, b khoản này và các nội dung sau:

- Xem xét tình trạng của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (tuổi thiết bị (năm sản xuất), thời gian đã sử dụng, thời gian sử dụng còn lại,...);

- Nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ;

- Xem xét mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

4. Nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng trong dự án đầu tư:

a)  Xem xét khả năng khai thác, cung ứng, vận chuyển, lưu giữ nguyên, nhiên, vật liệu để cung cấp cho dự án đầu tư;

b)  Xem xét chủng loại, khối lượng, giá trị các loại linh kiện, phụ tùng hoặc bán thành phẩm phải nhập ngoại hay sử dụng trong nước để gia công, lắp ráp, sản xuất ra sản phẩm;

c)  Xem xét chủng loại, khối lượng, giá trị nguyên, nhiên, vật liệu phải nhập ngoại, khả năng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu tại địa phương và trong nước, khả năng sử dụng nguyên liệu ít gây ô nhiễm môi trường.

5. Tác động của công nghệ đến hiệu quả kinh tế - xã hội:

Xem xét sự tác động của công nghệ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực (nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực, góp phần đổi mới công nghệ sản xuất của địa phương, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương).

6. Tác động của công nghệ đến môi trường:

Xem xét sự tác động của công nghệ đến môi trường tự nhiên, xã hội, sức khỏe cộng đồng…

7. Những vấn đề khác có liên quan theo yêu cầu của Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư (nếu có).

Điều 10. Quy trình, thủ tục thẩm định công nghệ

1. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị thẩm định theo quy định tại Điều 8 Thông tư này đến Cơ quan thẩm định công nghệ theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Trong thời gian 15 ngày làm việc (đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư) hoặc 10 ngày làm việc (đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư) kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định, Cơ quan thẩm định công nghệ gửi văn bản thẩm định đến Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư.

Phiếu thẩm định công nghệ được lập theo Mẫu 2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung văn bản thẩm định theo Mẫu 4 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong trường hợp dự án đầu tư có nội dung công nghệ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và có phạm vi ảnh hưởng rộng, Cơ quan thẩm định công nghệ tổ chức lấy ý kiến chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập hoặc hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ để xem xét:

a) Đối với trường hợp lấy ý kiến của chuyên gia, Cơ quan thẩm định công nghệ gửi hồ sơ đến chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập để lấy ý kiến. Chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập phải là tổ chức, cá nhân có đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn. Ý kiến của chuyên gia là cơ sở để Cơ quan thẩm định công nghệ có ý kiến thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.

Phiếu đánh giá của chuyên gia đối với công nghệ của dự án đầu tư theo Mẫu 6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với trường hợp cần lấy ý kiến hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, Thủ trưởng Cơ quan thẩm định công nghệ ra quyết định thành lập hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ. Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ được thành lập, làm việc theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

Phiếu đánh giá của thành viên hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và Biên bản hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thực hiện theo Mẫu 7 và Mẫu 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Việc lựa chọn hình thức thẩm định quy định tại điều này do Thủ trưởng Cơ quan thẩm định công nghệ quyết định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ là đầu mối triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Trước ngày 31/01 hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết, đánh giá tình hình thẩm định cơ sở khoa học và thẩm định công nghệ của năm trước, báo cáo theo Mẫu 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp chung.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2016.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 10/2009/TT-BKHCN ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa đổi , bổ sung Thông tư này cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư
pháp);
- Công báo, Website Chính phủ;
- Lưu: VT,
VP, Vụ ĐTG.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

 

PHỤ LỤC

CÁC BIỂU MẪU
(Ban hành kèm theo Thông tư s03/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

1. Phiếu thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội: Mẫu 1.

2. Phiếu thẩm định công nghệ của dự án đầu tư: Mẫu 2.

3. Văn bản thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội: Mẫu 3.

4. Văn bản thẩm định công nghệ của dự án đầu tư: Mẫu 4.

5. Phiếu đánh giá của chuyên gia, tổ chức tư vấn về cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội: Mẫu 5.

6. Phiếu đánh giá của chuyên gia, tổ chức tư vấn về công nghệ của dự án đầu tư: Mẫu 6.

7. Phiếu đánh giá của thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ: Mẫu 7.

8. Biên bản Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ: Mẫu 8.

9. Báo cáo tình hình thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ: Mẫu 9.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN