Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 63/2015/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Ngày ban hành: 05-11-2015
- Ngày có hiệu lực: 01-02-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 881 ngày (2 năm 5 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-07-2018
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2015/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Căn cứ Luật Đường sắt năm 2005;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc thẩm định thiết kế, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi và trong quá trình khai thác trên các mạng đường sắt sau:
a) Đường sắt quốc gia;
b) Đường sắt đô thị;
c) Đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia;
d) Đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia có đi qua khu dân cư, giao cắt với đường bộ.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết kế, nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi và khai thác phương tiện giao thông đường sắt sử dụng trên các mạng đường sắt quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là phương tiện) là đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
2. Toa xe động lực là toa xe có lắp động cơ để tự di chuyển trên đường sắt.
3. Phương tiện chuyên dùng là ô tô ray, goòng máy, cần trục, máy chèn đường, máy kiểm tra đường và phương tiện khác có thể di chuyển trên đường sắt.
4. Tổng thành bao gồm thân xe, giá chuyển hướng, van hãm, bộ móc nối đỡ đấm, động cơ diesel, bơm gió, máy phát điện chính, động cơ điện kéo, bộ tiếp điện, bộ biến đổi điện, bộ truyền động thủy lực.
5. Hệ thống bao gồm hệ thống hãm, hệ thống điện chính, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển, hệ thống tín hiệu trên đoàn tàu, hệ thống thiết bị vệ sinh tự hoại.
6. Sản phẩm là phương tiện hoặc tổng thành, hệ thống.
7. Thời gian sử dụng (tính theo năm) là thời gian được xác định từ năm sản xuất đến năm đang sử dụng của phương tiện.
8. Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận) là chứng chỉ xác nhận phương tiện đã được kiểm tra theo quy định, đủ điều kiện tham gia giao thông đường sắt.
9. Tem kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là tem kiểm định) là biểu trưng cấp cho phương tiện giao thông đường sắt đã kiểm định đạt tiêu chuẩn.
10. Cơ sở thiết kế là tổ chức có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh phù hợp với các quy định hiện hành.
11. Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi, sửa chữa phương tiện giao thông đường sắt có đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
Chương II
THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ
Điều 3. Hồ sơ thiết kế
1. Đối với phương tiện sản xuất, lắp ráp mới, hồ sơ thiết kế bao gồm:
a) Bản vẽ kỹ thuật: bản vẽ tổng thể của phương tiện; bản vẽ lắp đặt của tổng thành, hệ thống trên phương tiện; bản vẽ và thông số kỹ thuật của tổng thành sản xuất trong nước; bản thông số kỹ thuật của tổng thành nhập khẩu.
b) Bản thuyết minh, tính toán: thuyết minh đặc tính kỹ thuật cơ bản của phương tiện, giá chuyển hướng; thuyết minh, tính toán kiểm nghiệm động lực học: tính êm dịu vận hành, tính an toàn chống lật và chống trật bánh; thuyết minh, tính toán kiểm nghiệm sức kéo (áp dụng đối với đầu máy, toa xe động lực hoặc phương tiện động lực khác); thuyết minh, tính toán kiểm nghiệm sức bền của khung giá chuyển hướng, bộ trục bánh xe, bệ xe, thân toa xe và giá xe của đầu máy, phương tiện động lực; thuyết minh, tính toán kiểm nghiệm hãm.
2. Đối với tổng thành sản xuất, lắp ráp, hồ sơ thiết kế bao gồm:
a) Bản vẽ tổng thể của tổng thành;
b) Bản thuyết minh đặc tính kỹ thuật của tổng thành;
c) Tính toán kiểm nghiệm sức bền đối với khung giá chuyển hướng, bộ trục bánh xe, móc nối đỡ đấm.
3. Đối với phương tiện hoán cải, hồ sơ thiết kế bao gồm:
a) Bản vẽ tổng thể của phương tiện trước và sau hoán cải;
b) Tài liệu kỹ thuật của tổng thành, hệ thống được hoán cải;
c) Bản thuyết minh, tính toán liên quan đến nội dung hoán cải.
Điều 4. Thủ tục thẩm định thiết kế
1. Việc thẩm định hồ sơ thiết kế được thực hiện đối với:
a) Phương tiện, tổng thành sản xuất, lắp ráp mới;
b) Phương tiện hoán cải.
2. Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế
a) Giấy đề nghị thẩm định thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 03 bộ hồ sơ thiết kế quy định tại Điều 3 của Thông tư này;
c) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở thiết kế (đối với trường hợp thẩm định thiết kế lần đầu của cơ sở thiết kế).
3. Nội dung thẩm định thiết kế
Thực hiện việc xem xét, kiểm tra đối chiếu các nội dung của hồ sơ thiết kế phương tiện, tổng thành với các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
4. Trình tự thực hiện
a) Cơ sở thiết kế lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam;
b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả;
c) Việc thẩm định thiết kế được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp phải kéo dài thời gian thẩm định do yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở thiết kế;
d) Sau khi thẩm định, nếu không đạt yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở thiết kế và nêu rõ lý do; nếu đạt yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Hồ sơ thiết kế sau khi được cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế, sẽ được chuyển cho cơ sở thiết kế và lưu trữ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Chương III
KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 5. Căn cứ để kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Căn cứ để Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là kiểm tra) bao gồm:
1. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;
2. Hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ kỹ thuật của phương tiện, tổng thành.
Điều 6. Loại hình kiểm tra
Việc kiểm tra bao gồm các loại hình sau:
1. Kiểm tra sản phẩm sản xuất, lắp ráp;
2. Kiểm tra sản phẩm nhập khẩu;
3. Kiểm tra phương tiện hoán cải;
4. Kiểm tra phương tiện định kỳ;
5. Kiểm tra bất thường.
Điều 7. Kiểm tra sản phẩm sản xuất, lắp ráp
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:
a) Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Hồ sơ thiết kế của phương tiện, tổng thành đã được thẩm định;
c) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực chứng chỉ chất lượng và tài liệu kỹ thuật của tổng thành, hệ thống liên quan được sử dụng;
d) Hồ sơ kiểm tra phương tiện, tổng thành của cơ sở sản xuất.
2. Nội dung kiểm tra
Kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và hồ sơ thiết kế đã thẩm định.
3. Phương thức kiểm tra
Kiểm tra từng phương tiện, tổng thành. Riêng phương tiện đường sắt đô thị kiểm tra từng phương tiện và khi được ghép thành đoàn tàu.
Điều 8. Kiểm tra phương tiện hoán cải
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:
a) Hồ sơ thiết kế hoán cải phương tiện đã được thẩm định;
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ, chứng chỉ chất lượng và tài liệu kỹ thuật của tổng thành, hệ thống liên quan được sử dụng;
c) Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực đã được cấp cho phương tiện;
d) Hồ sơ kiểm tra phương tiện hoán cải của cơ sở sản xuất.
2. Nội dung kiểm tra bao gồm xem xét, đánh giá, kiểm tra sự thay đổi hình dạng bên ngoài, tính năng sử dụng của phương tiện hoặc thay đổi cấu tạo và đặc tính kỹ thuật khác với thiết kế ban đầu của tổng thành, hệ thống.
3. Phương thức kiểm tra: kiểm tra từng phương tiện.
Điều 9. Kiểm tra sản phẩm nhập khẩu
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:
a) Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng nhập khẩu và các phụ lục hợp đồng (nếu có);
c) Tài liệu giới thiệu đặc tính kỹ thuật của phương tiện, tổng thành;
d) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của sản phẩm;
đ) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực chứng chỉ chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất.
2. Nội dung kiểm tra
Kiểm tra theo các nội dung quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
3. Thời điểm kiểm tra
Thời điểm kiểm tra đối với phương tiện, tổng thành nhập khẩu được thực hiện sau khi đã có tờ khai hải quan và hàng hóa đã được đưa về địa điểm đề nghị kiểm tra.
4. Phương thức kiểm tra
Kiểm tra từng phương tiện, tổng thành. Riêng phương tiện đường sắt đô thị kiểm tra từng phương tiện và khi được ghép thành đoàn tàu.
Điều 10. Kiểm tra định kỳ phương tiện
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:
a) Hồ sơ kiểm tra phương tiện của cơ sở sản xuất;
b) Bản sao giấy đăng ký phương tiện (đối với trường hợp phương tiện sản xuất, lắp ráp mới và phương tiện nhập khẩu kiểm tra định kỳ lần đầu hoặc phương tiện có thay đổi số đăng ký).
2. Thời điểm kiểm tra phương tiện định kỳ
a) Thời điểm kiểm tra phương tiện định kỳ được thực hiện theo chu kỳ kiểm tra quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Đối với phương tiện đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, việc kiểm tra được thực hiện cùng thời điểm phương tiện được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ theo các cấp nhưng không được vượt quá thời hạn theo chu kỳ kiểm tra quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Nội dung kiểm tra
Kiểm tra theo các nội dung quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
4. Phương thức kiểm tra
Kiểm tra từng phương tiện. Riêng phương tiện đường sắt đô thị kiểm tra từng phương tiện và khi được ghép thành đoàn tàu.
Điều 11. Kiểm tra bất thường
Kiểm tra bất thường được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phương tiện bị tai nạn hoặc khi có khiếu nại về chất lượng, an toàn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải và khai thác phương tiện.
1. Hồ sơ sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:
a) Hồ sơ kỹ thuật của phương tiện;
b) Giấy chứng nhận của phương tiện đang còn hiệu lực.
2. Nội dung kiểm tra
Kiểm tra theo các nội dung quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
3. Phương thức kiểm tra
Kiểm tra từng phương tiện. Riêng phương tiện đường sắt đô thị kiểm tra từng phương tiện và khi được ghép thành đoàn tàu.
Chương IV
THỦ TỤC CẤP, SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ TEM KIỂM ĐỊNH
Điều 12. Cấp, cấp lại giấy chứng nhận và tem kiểm định
1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định:
a) Tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ, trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại. Nếu hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn kiểm tra thống nhất về thời gian và địa điểm kiểm tra phương tiện tại hiện trường.
c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường. Nếu kết quả kiểm tra đạt thì cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này và dán tem kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này cho phương tiện trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với phương tiện kiểm tra định kỳ, 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với phương tiện, tổng thành nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, phương tiện hoán cải.
Nếu kết quả kiểm tra phương tiện không đạt thì Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp thông báo không đạt chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận, tem kiểm định:
Trong trường hợp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định bị hư hỏng hoặc mất mà vẫn còn hạn đăng kiểm, chủ phương tiện gửi đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này trực tiếp đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Căn cứ hồ sơ đăng kiểm của phương tiện, tổng thành, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp lại giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định cho chủ phương tiện theo thời hạn của giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định đã mất trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Điều 13. Việc sử dụng và hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định
1. Sử dụng giấy chứng nhận, tem kiểm định:
a) Giấy chứng nhận cấp cho tổng thành được sử dụng làm thủ tục hải quan và làm căn cứ cho phép lắp ráp trên phương tiện;
b) Giấy chứng nhận cấp cho phương tiện được sử dụng làm thủ tục hải quan, thủ tục đăng ký và lưu hành phương tiện;
c) Vị trí dán tem kiểm định trên phương tiện được quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định:
a) Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định cấp theo chu kỳ kiểm tra quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trường hợp phương tiện bị tai nạn, giấy chứng nhận, tem kiểm định cấp cho phương tiện sẽ hết hiệu lực sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận phương tiện không còn đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
1. Tổ chức thực hiện việc đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt trong phạm vi cả nước.
2. Tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành khi thực hiện việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật của sản phẩm.
3. Thực hiện kiểm tra và thống nhất quản lý việc phát hành, cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định theo quy định cho các đối tượng kiểm tra, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.
4. Thực hiện việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu theo quy định tại Điều 45 Luật Đường sắt và các quy định tại Thông tư này.
5. Lưu trữ hồ sơ đăng kiểm, riêng hồ sơ đăng kiểm định kỳ lưu trữ trong thời hạn 03 năm.
6. Thu, sử dụng phí và lệ phí đăng kiểm theo quy định hiện hành.
7. Định kỳ hàng năm, báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.
Điều 15. Trách nhiệm của cơ sở thiết kế, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện
1. Trách nhiệm của cơ sở thiết kế
a) Thực hiện các quy định về hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm thiết kế do mình thực hiện.
2. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, lắp ráp
a) Chịu sự giám sát về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong quá trình sản xuất, lắp ráp;
b) Tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành khi sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, phục hồi sản phẩm;
c) Xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm và đầu tư thiết bị kiểm tra phù hợp với các quy định liên quan. Thiết bị kiểm tra phải được kiểm chuẩn định kỳ;
d) Tổ chức kiểm tra chất lượng cho từng sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm xuất xưởng.
3. Trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu
a) Tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
4. Trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện
a) Chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam;
b) Theo dõi và kiểm tra đối với các sản phẩm nhập khẩu có thiết kế mới lần đầu đang trong quá trình thử nghiệm vận dụng;
c) Xây dựng quy trình kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện và trình Cục Đăng kiểm Việt Nam trước khi kiểm tra định kỳ lần đầu;
d) Bảo quản hồ sơ kỹ thuật, chứng chỉ chất lượng, giấy chứng nhận, tem kiểm định và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Trách nhiệm chi trả phí, lệ phí đăng kiểm
Cơ sở thiết kế, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện chi trả phí, lệ phí đăng kiểm theo quy định hiện hành và các chi phí liên quan đến quá trình kiểm tra.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2016.
2. Bãi bỏ các Thông tư sau:
a) Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT ngày 03/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt;
b) Thông tư số 36/2011/TT-BGTVT ngày 06/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2009/TT-BGTVT ngày 03/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.
3. Các giấy chứng nhận cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị đến hết thời hạn hiệu lực đã ghi trên giấy chứng nhận.
Điều 17. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
GIẤY ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ / KIỂM TRA SẢN PHẨM SẢN XUẤT, LẮP RÁP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Ngày ……. tháng ….. năm …… |
GIẤY ĐỀ NGHỊ
KÍNH GỬI: CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
Tên tổ chức, cá nhân:.........................................................................................................
Địa chỉ:..............................................................................................................................
Điện thoại:………………………Fax :…………………………….Email:.......................................
Nội dung đề nghị:
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
Hồ sơ kèm theo:
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
Địa điểm và thời gian:.........................................................................................................
.........................................................................................................................................
| TỔ CHỨC / CÁ NHÂN |
PHỤ LỤC 2
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ Số: (Liên số: ) Căn cứ Thông tư số 63/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt; Căn cứ kết quả tại Báo cáo thẩm định số: …….. ngày: ….../…./20... CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN Tên thiết kế: Ký hiệu thiết kế: Cơ sở thiết kế: Địa chỉ: ĐÃ ĐƯỢC CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM THẨM ĐỊNH Nội dung chính của bản thiết kế: THÔNG SỐ KỸ THUẬT (Theo loại phương tiện, tổng thành)
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể
PHỤ LỤC 3
GIẤY ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA SẢN PHẨM NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Ngày ……. tháng ….. năm …… |
GIẤY ĐỀ NGHỊ
KÍNH GỬI: CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
Tên tổ chức, cá nhân:.........................................................................................................
Địa chỉ:..............................................................................................................................
Điện thoại:………………………Fax:…………………………….Email:........................................
Nội dung đề nghị:
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
Hồ sơ kèm theo:
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
Số tờ khai hải quan (nếu có):..............................................................................................
Địa điểm và thời gian:.........................................................................................................
.........................................................................................................................................
XÁC NHẬN CỦA CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM | TỔ CHỨC / CÁ NHÂN (Ký tên, đóng dấu) |
PHỤ LỤC 4
CHU KỲ KIỂM TRA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Loại phương tiện | Chu kỳ kiểm tra (tháng) | ||
Chu kỳ đầu | Chu kỳ định kỳ | ||
1. Đường sắt quốc gia | |||
1.1. Phương tiện nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp | a) Đầu máy, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng có động cơ | 18 | - |
b) Toa xe khách | 28 | - | |
c) Toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không có động cơ | 36 | - | |
1.2. Phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng dưới 30 năm | a) Đầu máy, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng có động cơ | - | 18 |
b) Toa xe khách | - | 14 | |
c) Toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không có động cơ | - | 20 | |
1.3. Phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng từ 30 năm trở lên | a) Đầu máy, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng có động cơ | - | 15 |
b) Toa xe khách | - | 12 | |
c) Toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không có động cơ | - | 15 | |
1.4. Phương tiện đang khai thác ít sử dụng | a) Đầu máy không dùng kéo tàu gồm: đầu máy dồn, đẩy tại ga hoặc xưởng chế tạo, sửa chữa) | - | 24 |
b) Toa xe công vụ, nhiệm sở | - | 24 | |
2. Đường sắt đô thị | |||
2.1. Phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới | 24 | - | |
2.2. Phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng dưới 15 năm | - | 12 | |
2.3. Phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng từ 15 năm trở lên | - | 9 | |
3. Đường sắt chuyên dùng | |||
3.1. Phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới | 30 |
| |
3.2. Phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng dưới 30 năm | - | 18 | |
3.3. Phương tiện đang khai thác có thời gian sử dụng từ 30 năm trở lên | - | 15 | |
4. Tất cả các phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng | 12 | - |
PHỤ LỤC 4
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
1. Mẫu giấy chứng nhận cấp cho phương tiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu
GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
(Liên số: ) Căn cứ Thông tư số 63/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt; Căn cứ Biên bản kiểm tra số: ……….. ngày: ..../.../20... CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN
THÔNG SỐ KỸ THUẬT (Theo loại phương tiện)
Phương tiện này thỏa mãn ... Giấy chứng nhận này có hiệu lực đến hết ngày: ...
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
2. Mẫu giấy chứng nhận cấp cho phương tiện kiểm tra định kỳ
GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA ĐỊNH KỲ AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Căn cứ Thông tư số 63/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt; Căn cứ Biên bản kiểm tra số: ………….. ngày: ..../.../20... CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN
THÔNG SỐ KỸ THUẬT (Theo loại phương tiện)
Phương tiện này thỏa mãn ... Giấy chứng nhận này có hiệu lực đến hết ngày: ...
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
3. Mẫu giấy chứng nhận cấp cho phương tiện hoán cải
GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT HOÁN CẢI Số: (Liên số: ) Căn cứ Thông tư số 63/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt; Căn cứ Biên bản kiểm tra số: ………. ngày: ..../.../20... CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN
THÔNG SỐ KỸ THUẬT (Theo loại phương tiện)
Phương tiện này thỏa mãn ...
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
4. Mẫu giấy chứng nhận cấp cho tổng thành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu
GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỔNG THÀNH CỦA PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT Số: (Liên số: ) Căn cứ Thông tư số 63/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt; Căn cứ Biên bản kiểm tra số: ………….. ngày: ..../.../20... CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM CHỨNG NHẬN
THÔNG SỐ KỸ THUẬT (Theo loại tổng thành)
Tổng thành này thỏa mãn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về chất lượng, an toàn kỹ thuật.
|
Ghi chú: Màu sắc và hoa văn trên Giấy chứng nhận do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cụ thể.
PHỤ LỤC 6
MẪU TEM KIỂM ĐỊNH VÀ VỊ TRÍ DÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
1. Mẫu tem kiểm định
2. Vị trí dán tem kiểm định
a) Đối với phương tiện có kính chắn gió phía trước bàn điều khiển hoặc tay máy: tem được dán ở mặt trong, góc trên, ngoài cùng phía bên phải của kính (nhìn từ vị trí người lái tàu), ở vị trí dễ quan sát.
b) Đối với toa xe khách:
- Đối với toa xe ghế ngồi, tem được dán ở vị trí bên trái cách biển số trong xe khoảng 50 mm.
- Đối với toa xe giường nằm, tem được dán ở vị trí phía trên lối ra vào của hành lang thuộc đầu xe số 1.
c) Đối với toa xe hàng: tem được dán tại xà dọc giữa bệ xe (ở phía bên có bố trí hãm tay) ở vị trí bên trái cách biển số chìm của toa xe 50 mm. Vị trí trên có thể thay đổi tùy theo kết cấu của bệ xe nhưng tem phải ở vị trí thuận lợi cho việc dán cũng như dễ quan sát từ phía ngoài xe.
d) Đối với các loại phương tiện chuyên dùng, nếu không có kính chắn gió phía trước bàn điều khiển hoặc tay máy thì tem được dán ở vị trí dễ quan sát, ít bị va chạm và ít bị ảnh hưởng của mưa gió, thời tiết.
PHỤ LỤC 7
MẪU THÔNG BÁO KHÔNG ĐẠT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
THÔNG BÁO KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT Căn cứ Thông tư số 63/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt; Căn cứ Biên bản kiểm tra số: ……….. ngày: ..../.../20... CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM THÔNG BÁO Tình trạng phương tiện/tổng thành
Phương tiện/tổng thành này đã được kiểm tra và không đạt yêu cầu theo Thông tư số 63/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Lý do không đạt:
|
PHỤ LỤC 8
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN, TEM KIỂM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TỔ CHỨC/CÁ NHÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Ngày ….. tháng ….. năm …… |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN / TEM KIỂM ĐỊNH
KÍNH GỬI: CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
Tên tổ chức, cá nhân:.........................................................................................................
Địa chỉ:..............................................................................................................................
Điện thoại:………………………….Fax:…………………………Email:........................................
Nội dung đề nghị: Cấp lại giấy chứng nhận / tem kiểm định cho phương tiện.
Loại phương tiện: Số hiệu:
Số đăng ký:
Số giấy chứng nhận / tem kiểm định:
Thời hạn giấy chứng nhận / tem kiểm định:
Lý do cấp lại:.....................................................................................................................
.........................................................................................................................................
| TỔ CHỨC / CÁ NHÂN |