Thông tư số 07/2015/TT-BTP ngày 15/06/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số quy định của Nghị định 113/2014/NĐ-CP về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật
- Số hiệu văn bản: 07/2015/TT-BTP
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp
- Ngày ban hành: 15-06-2015
- Ngày có hiệu lực: 01-08-2015
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3460 ngày (9 năm 5 tháng 25 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2015/TT-BTP | Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 113/2014/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài;
Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật.
Mục I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết và biện pháp thi hành các quy định về quy trình, hồ sơ thẩm định, cho ý kiến chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật; chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật; trình tự, thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật và một số biểu mẫu về hợp tác quốc tế về pháp luật theo Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật (sau đây gọi là Nghị định số 113/2014/NĐ-CP).
Mục II. QUY TRÌNH, HỒ SƠ THẨM ĐỊNH, CHO Ý KIẾN VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, VIỆN TRỢ PHI DỰ ÁN VỀ PHÁP LUẬT
Điều 2. Quy trình thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ
1. Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản (đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với chương trình, dự án sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài) có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật kèm theo công văn đề nghị thẩm định.
2. Trong trường hợp chương trình, dự án có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành hoặc chương trình, dự án do Bộ Tư pháp làm cơ quan chủ quản, Bộ Tư pháp tiến hành tổ chức họp tư vấn thẩm định.
Thành phần tham dự cuộc họp tư vấn thẩm định bao gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
3. Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm gửi văn bản thẩm định cho cơ quan chủ quản và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 3. Hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật
1. Hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án sử dụng nguồn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 26 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ (sau đây gọi là Nghị định số 38/2013/NĐ-CP).
2. Hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật sử dụng nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 12 của Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 (sau đây gọi là Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài).
3. Cơ quan chủ quản (đối với văn kiện chương trình, dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với văn kiện chương trình, dự án sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài) có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp một (01) bộ hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật bằng bản giấy và bản điện tử. Bản điện tử được gửi tới Bộ Tư pháp theo địa chỉ qlhtqtpl@moj.gov.vn.
Điều 4. Quy trình cho ý kiến văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản
1. Trong quá trình thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, đồng thời gửi Bộ Tư pháp hồ sơ văn kiện chương trình, dự án để cho ý kiến.
2. Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản cho cơ quan chủ quản.
Điều 5. Hồ sơ cho ý kiến văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật
1. Hồ sơ cho ý kiến văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật sử dụng nguồn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ bao gồm:
a) Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền.
b) Dự thảo văn kiện chương trình, dự án bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu có).
c) Ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, nhà tài trợ (nếu có) trong quá trình lập văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật.
2. Hồ sơ cho ý kiến đối với văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật sử dụng nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài bao gồm:
a) Văn bản thông báo hoặc cam kết xem xét của nhà tài trợ đối với nội dung khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
b) Dự thảo văn kiện chương trình, dự án bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu có).
c) Ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập văn kiện chương trình, dự án.
3. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp một (01) bộ hồ sơ cho ý kiến văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật bằng bản giấy và bản điện tử. Bản điện tử được gửi tới Bộ Tư pháp theo địa chỉ qlhtqtpl@moj.gov.vn.
Điều 6. Quy trình cho ý kiến viện trợ phi dự án về pháp luật
1. Trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, cơ quan chủ quản (đối với viện trợ phi dự án về pháp luật sử dụng nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ), cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định (đối với viện trợ phi dự án về pháp luật sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài) có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp hồ sơ viện trợ phi dự án về pháp luật để cho ý kiến.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản cho cơ quan chủ quản hoặc cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định.
Điều 7. Hồ sơ cho ý kiến viện trợ phi dự án về pháp luật
1. Hồ sơ cho ý kiến viện trợ phi dự án về pháp luật sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ bao gồm:
a) Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền.
b) Dự thảo văn kiện viện trợ phi dự án về pháp luật đối với viện trợ phi dự án có quy mô tương đương từ 20.000 đô la Mỹ trở lên.
c) Ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, nhà tài trợ (nếu có) trong quá trình xây dựng hồ sơ viện trợ phi dự án về pháp luật.
2. Hồ sơ cho ý kiến viện trợ phi dự án về pháp luật sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 9 của Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
3. Cơ quan chủ quản hoặc cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp một (01) bộ hồ sơ cho ý kiến viện trợ phi dự án về pháp luật bằng bản giấy và bản điện tử. Bản điện tử được gửi tới Bộ Tư pháp theo địa chỉ qlhtqtpl@moj.gov.vn.
Mục III. CHIA SẺ THÔNG TIN, KẾT QUẢ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT
Điều 8. Nguyên tắc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật
1. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật được chia sẻ.
2. Việc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 9. Nội dung chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật
Căn cứ từng hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật bao gồm một hoặc nhiều các nội dung sau đây:
1. Các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác pháp luật bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
2. Các văn kiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật; các văn kiện viện trợ phi dự án về pháp luật bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu có).
3. Các loại báo cáo: báo cáo kết thúc chương trình, dự án, viện trợ phi dự án; báo cáo kết quả nghiên cứu; báo cáo kết quả khảo sát.
4. Thông tin về chuyên gia tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.
5. Báo cáo kết quả hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế về pháp luật, chương trình, tham luận và các tài liệu khác được phát hành tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm.
6. Các thông tin khác có liên quan.
Điều 10. Thòi hạn chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc hoạt động hợp tác, cơ quan chủ quản thực hiện việc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP. Bản điện tử được gửi tới Bộ Tư pháp theo địa chỉ qlhtqtpl@moj.gov.vn.
Mục IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TẠM ĐÌNH CHỈ, ĐÌNH CHỈ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, VIỆN TRỢ PHI DỰ ÁN VỀ PHÁP LUẬT
Điều 11. Tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ
1. Cơ quan chủ quản trong quá trình quản lý thực hiện chương trình, dự án, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi kiểm tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương, Bộ Tư pháp khi tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi cả nước khi phát hiện hành vi thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 18 của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện hành vi thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 18 của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, các cơ quan nêu tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 12. Tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản
1. Cơ quan chủ quản khi phát hiện hành vi thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 18 của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP có trách nhiệm xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi kiểm tra việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương, Bộ Tư pháp khi tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trong phạm vi cả nước khi phát hiện hành vi thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 18 của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản có trách nhiệm xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc không tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật.
Điều 13. Thông báo kết quả xử lý kiến nghị tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xử lý việc tạm đình chỉ, đình chỉ, cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan Quyết định về việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật hoặc thông báo kết quả xử lý kiến nghị trong trường hợp không đình chỉ, tạm đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật.
Điều 14. Thông báo cho nhà tài trợ và đối tác nước ngoài về Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật
Cơ quan chủ quản có trách nhiệm thông báo cho nhà tài trợ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật.
Điều 15. Nội dung Quyết định tạm đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật
1. Căn cứ tạm đình chỉ.
2. Thời hạn tạm đình chỉ.
3. Điều kiện chấm dứt việc tạm đình chỉ.
4. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức khi chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật bị tạm đình chỉ.
5. Nội dung khác (nếu có).
Điều 16. Nội dung Quyết định đình chỉ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật
1. Căn cứ đình chỉ.
2. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức khi chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật bị đình chỉ.
3. Nội dung khác (nếu có).
Điều 17. Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế
Đối với chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật được ký kết dưới danh nghĩa điều ước quốc tế bị tạm đình chỉ, đình chỉ, cơ quan đề xuất ký điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có trách nhiệm tiến hành thủ tục chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Mục V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015 và thay thế Thông tư số 10/2008/TT-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
2. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu về Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và Báo cáo tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật hàng năm.
Điều 19. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để xem xét, giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Biểu mẫu số 1
CƠ QUAN/TỔ CHỨC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BC-... | Hà Nội, ngày tháng năm |
BÁO CÁO TÓM TẮT
KẾT QUẢ HỘI NGHỊ, HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật)
I. Thông tin cơ bản về hội nghị, hội thảo quốc tế
1. Tên hội nghị, hội thảo
2. Mục đích hội nghị, hội thảo
3. Nội dung, chương trình của hội nghị, hội thảo
4. Thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị, hội thảo
5. Người chủ trì, đồng chủ trì (nếu có)
6. Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức (phía Việt Nam và phía nước ngoài)
7. Thông tin về báo cáo viên người nước ngoài
8. Thành phần tham dự, số lượng và cơ cấu thành phần đại biểu Việt Nam và đại biểu có quốc tịch nước ngoài (đề nghị cung cấp đầy đủ thông tin về tên, quốc tịch, nơi làm việc, lĩnh vực công tác...)
9. Trong khuôn khổ chương trình, dự án, viện trợ phi dự án
10. Nguồn kinh phí; tổng số kinh phí thực hiện
11. Kèm theo chương trình, dự án, viện trợ phi dự án, đề án/kế hoạch tổ chức hội thảo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
II. Nội dung của hội nghị, hội thảo quốc tế
- Một số nội dung chủ yếu được trao đổi tại hội nghị, hội thảo.
- Các tham luận được trình bày tại hội nghị, hội thảo.
III. Nhận xét, đánh giá, đề xuất, kiến nghị
1. Kết quả đã đạt được sau khi kết thúc hội nghị, hội thảo:
Đánh giá tóm tắt kết quả hội nghị, hội thảo trên cơ sở mục đích tổ chức hội nghị, hội thảo đã đặt ra.
2. Những hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc chưa được xử lý (nếu có).
3. Các nội dung, vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch hội nghị, hội thảo (về nội dung, thành phần tham dự…).
4. Các đề xuất, kiến nghị (nếu có).
IV. Tài liệu kèm theo
| NGƯỜI KÝ |
Biểu mẫu số 2
CƠ QUAN/TỔ CHỨC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BC-... | Hà Nội, ngày tháng năm |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, VIỆN TRỢ PHI DỰ ÁN VỀ PHÁP LUẬT NĂM ……….
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật)
I. Thông tin về chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật do cơ quan chủ quản thực hiện trong năm báo cáo.
II. Đánh giá về tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật của cơ quan chủ quản.
1. Những kết quả đạt được trong hợp tác quốc tế về pháp luật
2. Những hạn chế, vướng mắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật.
3. Các vấn đề cần lưu ý trong quá trình hợp tác quốc tế về pháp luật (về trình tự, thủ tục hình thành, phê duyệt, triển khai chương trình, dự án, viện trợ phi dự án; về năng lực của cơ quan thực hiện; về đối tác nước ngoài; về đảm bảo an ninh).
III. Kiến nghị, giải pháp.
| NGƯỜI KÝ |
Phụ lục Biểu mẫu số 2
BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, VIỆN TRỢ PHI DỰ ÁN VỀ PHÁP LUẬT NĂM ...
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật)
STT | Tên chương trình/dự án/viện trợ phi dự án | Nguồn hỗ trợ | Cơ quan phê duyệt | Tên nhà tài trợ | Tình hình thực hiện chương trình, dự án, hoạt động hợp tác trong năm báo cáo | Đóng góp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật | Ghi chú |
A | Chương trình, dự án |
| |||||
1 | ... |
|
|
|
|
|
|
2 | ... |
|
|
|
|
|
|
B | Viện trợ phi dự án |
| |||||
1 | ... |
|
|
|
|
|
|
2 | ... |
|
|
|
|
|
|