Thông tư số 84/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về tổ chức giao thông và đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ
- Số hiệu văn bản: 84/2014/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Ngày ban hành: 31-12-2014
- Ngày có hiệu lực: 01-03-2015
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3515 ngày (9 năm 7 tháng 20 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/2014/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC GIAO THÔNG VÀ ĐẶT BIỂN BÁO HIỆU HẠN CHẾ TRỌNG LƯỢNG XE QUA CẦU ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức giao thông và đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về tổ chức giao thông trên cầu đường bộ và việc đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu trên mạng lưới đường bộ Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với người tham gia giao thông và tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, khai thác cầu đường bộ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cầu đường bộ là một công trình vượt chướng ngại vật, có khẩu độ không dưới 6m tạo thành một phần của con đường.
2. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.
3. Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.
4. Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
5. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
6. Xe thân liền là xe có khoang lái và thùng chở hàng nằm trên một khung xe cứng, liền khối.
7. Xe đầu kéo sơmi rơ moóc là một tổ hợp xe, bao gồm một đầu kéo kéo theo một sơmi rơ moóc.
8. Xe thân liền kéo rơ moóc là một tổ hợp xe, bao gồm xe thân liền kéo theo một rơ moóc.
9. Tổng trọng lượng xe (khối lượng toàn bộ xe) bao gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
10. Tải trọng trục xe là tổng trọng lượng xe phân bổ trên mỗi trục xe (trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba).
11. Chiều dài cơ sở của xe là khoảng cách từ tim trục bánh xe đầu tiên đến tim trục bánh xe cuối cùng của xe hay tổ hợp xe.
12. Tải trọng khai thác của cầu là khả năng chịu tải cho phép để bảo đảm khai thác an toàn, bền vững công trình cầu. Tải trọng khai thác được xác định theo hồ sơ thiết kế và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu đặt trước cầu.
13. Chiều dài nhịp tính toán cầu là khoảng cách theo phương dọc cầu, giữa tim hai gối cầu trong cùng một nhịp hoặc khoảng cách giữa hai trụ, mố liên tiếp đối với cầu khung, cầu bản không gối.
14. Chiều dài cầu là chiều dài theo phương dọc cầu, tính từ điểm cuối của hai đuôi mố.
15. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cầu (viết tắt là Cơ quan trực tiếp quản lý cầu) gồm: các Cục Quản lý đường bộ khu vực, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Nhà đầu tư và cơ quan, đơn vị khác được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ.
16. Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT là tên viết tắt của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22 tháng 02 năm 2011 và Thông tư số 65/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Chương II
TỔ CHỨC GIAO THÔNG TRÊN CẦU ĐƯỜNG BỘ
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức giao thông trên cầu đường bộ
Trên cầu đường bộ, việc tổ chức giao thông tuân theo quy tắc giao thông đường bộ được quy định tại Chương II của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và nguyên tắc sau đây:
1. Phương tiện tham gia giao thông trên cầu đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định; tuân thủ chỉ dẫn của người điều khiển giao thông và quy định của biển báo hiệu đường bộ đặt trước cầu.
Trường hợp không có biển báo hiệu, phải tuân theo quy định tại Thông tư này và các quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về hạn chế trọng lượng xe, khổ giới hạn được phép tham gia giao thông trên đường bộ, tốc độ và khoảng cách an toàn giữa các phương tiện.
2. Không được phép dừng, đỗ, quay đầu xe (trừ phương tiện, thiết bị của đơn vị quản lý, bảo trì cầu). Trường hợp phương tiện bị hư hỏng đột xuất, người điều khiển phải khẩn trương đưa phương tiện ra khỏi phạm vi cầu hoặc đưa vào vị trí được phép dừng, đỗ.
3. Xe thô sơ, người đi bộ, súc vật có người dắt phải đi trên phần đường quy định trên cầu.
Điều 5. Tổ chức giao thông trên cầu đường bộ
1. Chế độ tổ chức giao thông trên cầu đường bộ
a) Chế độ không kiểm soát: các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thỏa mãn điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT được phép lưu thông bình thường qua cầu nếu không có biển báo hiệu đặt trước cầu (trừ biển thông tin cầu).
b) Chế độ kiểm soát: các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thỏa mãn điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT được phép lưu thông qua cầu nhưng phải tuân theo quy định của biển báo hiệu đặt trước cầu.
c) Chế độ kiểm soát đặc biệt: các phương tiện tham gia giao thông đường bộ vượt quá điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT hoặc có tổng trọng lượng, khổ giới hạn vượt quá trị số quy định trên biển báo hiệu đặt trước cầu, khi tham gia giao thông trên đường bộ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Khi đó, việc lưu thông qua cầu phải tuân thủ quy định trong giấy phép (giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ), hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc phải có giải pháp gia cố (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo an toàn công trình cầu.
2. Khi có sự cố gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình cầu, cơ quan trực tiếp quản lý cầu phải có biện pháp cấp bách để bảo đảm giao thông, an toàn giao thông, an toàn công trình. Trường hợp hạn chế hoặc cấm lưu thông qua cầu, cơ quan trực tiếp quản lý cầu phải có biện pháp hướng dẫn, phân luồng và điều tiết giao thông qua cầu cho phù hợp với tình trạng kỹ thuật của cầu nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình, an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.
3. Việc điều hành giao thông trên cầu do cơ quan trực tiếp quản lý cầu phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng khác để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 6. Biển báo hiệu cầu
1. Biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ theo quy định tại QCVN 41:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (sau đây viết tắt là QCVN 41:2012/BGTVT), bao gồm:
a) Biển số 115 “Hạn chế trọng lượng xe”, cấm các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ có tổng trọng lượng vượt quá trị số ghi trên biển;
b) Biển số 106a “Cấm ô tô tải” kèm theo Biển phụ 505b “Loại xe hạn chế qua cầu” (tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này), cấm các phương tiện tham gia giao thông có tổng trọng lượng vượt quá trị số ghi trên biển tương ứng với mỗi loại xe thân liền, xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc, xe thân liền kéo rơ moóc;
c) Biển số 106a “Cấm ô tô tải” kèm theo Biển phụ 505c “Tải trọng trục hạn chế qua cầu”, cấm các loại phương tiện tham gia giao thông có tổng trọng lượng phân bổ trên trục xe vượt quá trị số ghi trên biển tương ứng với mỗi loại trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba.
2. Biển báo hướng dẫn, tổ chức giao thông qua cầu
Trong trường hợp cần thiết, để điều tiết, hướng dẫn giao thông qua cầu, cần lắp đặt bổ sung Biển số 121 “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, Biển số 127 “Tốc độ tối đa cho phép” và các biển báo hiệu đường bộ khác theo QCVN 41:2012/BGTVT.
3. Biển thông tin cầu
a) Biển số 439 “Tên cầu” chỉ lắp đặt cho cầu có chiều dài từ 30 mét trở lên. Không lắp đặt biển tên cầu đối với cầu có biểu tượng riêng và cầu trong đô thị (nội thành phố, nội thị xã), trừ trường hợp cầu có tên gắn với địa danh văn hóa, lịch sử. Biển tên cầu đặt ở hai đầu cầu, cách đuôi mố 10 mét theo chiều xe chạy.
b) Biển “Thông tin phục vụ quản lý cầu” được gắn vào thành dầm biên (gần đường lên, xuống kiểm tra cầu). Thông tin phục vụ quản lý cầu bao gồm tên cầu, lý trình, tên hoặc số hiệu đường, tải trọng thiết kế, chiều dài cầu, năm xây dựng.
Chương III
ĐẶT BIỂN BÁO HIỆU HẠN CHẾ TRỌNG LƯỢNG XE QUA CẦU ĐƯỜNG BỘ
Điều 7. Điều kiện đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe
1. Cầu không đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe
a) Cầu được thiết kế theo tải trọng tiêu chuẩn tiên tiến (H30-XB80, HL93 hoặc tương đương trở lên), thi công đúng thiết kế, chất lượng tốt, không bị hư hỏng.
b) Cầu đang khai thác được tính toán hoặc kiểm định đáp ứng được khả năng chịu tải tương đương với tải trọng tiêu chuẩn tiên tiến nêu tại điểm a Khoản này.
2. Cầu phải đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe
a) Cầu không đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu.
b) Trị số ghi trên biển báo hiệu là kết quả tính toán hoặc kiểm định cầu, làm tròn số đến đơn vị tấn, được quyết định bởi cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 8 của Thông tư này.
3. Đồng bộ về tải trọng cầu, đường trên mạng lưới đường bộ
a) Khi đầu tư xây dựng cầu mới, phải thiết kế theo tải trọng tiêu chuẩn quy định tại Tiêu chuẩn 22TCN 272-05 (hoặc tải trọng tương đương).
b) Khi sửa chữa cải tạo, nâng cấp cầu, phải thiết kế theo hướng nâng cao tải trọng khai thác của cầu hoặc kết hợp điều tiết, tổ chức giao thông để bỏ biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu khi điều kiện cho phép (quy định tốc độ tối đa qua cầu; điều tiết xe qua cầu từng chiếc hoặc bảo đảm cự ly tối thiểu giữa các xe; xe đi đúng tim cầu; không dừng đỗ, phanh gấp trên cầu).
c) Đối với cầu có tải trọng khai thác thấp (chỉ cho phép xe có tổng trọng lượng nhỏ hơn 13 tấn qua cầu): trên hệ thống quốc lộ phải xây dựng cầu mới để thay thế kịp thời; trên các hệ thống đường bộ khác phải có kế hoạch xây dựng cầu mới phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 8. Quản lý lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng Iượng xe
1. Lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe
a) Biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe được lắp đặt cho từng cầu, biển đặt bên phải theo chiều đi, cách hai đầu cầu từ 10 đến 30 mét ở vị trí dễ quan sát.
b) Trường hợp cầu hư hỏng đột xuất, cầu có tải trọng khai thác thấp, ngoài việc đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này, còn phải đặt bổ sung các bảng thông tin hướng dẫn ở hai đầu đoạn tuyến để thông báo cho người tham gia giao thông về vị trí và tải trọng của cầu có tải trọng khai thác thấp nhất nằm trong đoạn tuyến.
2. Thực hiện lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe
a) Cục Quản lý đường bộ thực hiện trên hệ thống quốc lộ được giao quản lý.
b) Sở Giao thông vận tải thực hiện trên hệ thống quốc lộ ủy thác, các hệ thống đường địa phương được giao quản lý.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, đơn vị khác (được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ) thực hiện trên các hệ thống đường địa phương được giao quản lý.
d) Nhà đầu tư thực hiện trên các dự án PPP, BOT hoặc đường chuyên dùng.
3. Kiểm tra, khảo sát, tính toán tải trọng khai thác và kiểm định cầu
a) Cơ quan trực tiếp quản lý cầu có trách nhiệm rà soát, xác định cầu cần lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe.
b) Cầu cần đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe, phải được tiến hành khảo sát, tính toán tải trọng khai thác hoặc kiểm định để xác định trị số ghi trên biển.
c) Việc kiểm tra, khảo sát, tính toán tải trọng khai thác và kiểm định cầu do Tổ chức tư vấn chuyên ngành có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực và kinh nghiệm về thiết kế, kiểm định cầu thực hiện; trường hợp cần thiết, có thể thuê Tư vấn độc lập tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện của Tổ chức tư vấn chuyên ngành.
4. Thẩm quyền quyết định trị số ghi trên biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe
a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định đối với cầu trên hệ thống quốc lộ (bao gồm cả dự án PPP, BOT).
b) Sở Giao thông vận tải quyết định đối với cầu trên các hệ thống đường địa phương trong địa bàn quản lý (bao gồm cả dự án PPP, BOT và đường chuyên dùng).
5. Trường hợp cầu hư hỏng đột xuất phần kết cấu chịu lực chủ yếu, cơ quan trực tiếp quản lý cầu phải chủ động kiểm tra, đánh giá để quyết định trị số và đặt biển tạm thời hoặc tổ chức điều tiết giao thông ngay; đồng thời, phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tiến hành sửa chữa cấp bách để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình cầu.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo công tác lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện trên hệ thống quốc lộ.
2. Cục Quản lý đường bộ khu vực, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, kiểm tra công tác lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe trên các hệ thống đường địa phương, đường chuyên dùng trong địa bàn quản lý.
3. Cục Quản lý đường bộ khu vực (đối với hệ thống quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với các hệ thống đường địa phương) chịu trách nhiệm cập nhật các cầu phải hạn chế trọng lượng xe, khổ giới hạn và công bố trên Trang tin điện tử của cơ quan và báo cáo ngay về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật kịp thời và công bố trong phạm vi toàn quốc.
4. Hàng năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp tình hình rà soát, điều chỉnh và công bố tải trọng cầu, đường; báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 31 tháng 3 năm sau.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.
2. Thay thế Biển số 505b “Loại xe hạn chế qua cầu” quy định tại Phụ lục F của QCVN 41:2012/BGTVT bằng Biển số 505b “Loại xe hạn chế qua cầu” quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.
3. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Thông tư này, khi có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
5. Trong quá trình thực hiện, cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời những vướng mắc phát sinh về Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
(Ban hành kèm theo Thông tư số 84/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT)
Ghi chú: Biểu tượng phương tiện vận tải cơ giới đường bộ trong hình vẽ (xe thân liền, xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc, xe thân liền kéo rơ moóc) chỉ mang tính tượng trưng.
PHỤ LỤC 2
(Ban hành kèm theo Thông tư số 84/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT)
Biển số 505b “Loại xe hạn chế qua cầu”
Ghi chú: Biểu tượng phương tiện vận tải cơ giới đường bộ trong hình vẽ (xe thân liền, xe đầu kéo kéo sơmi rơ moóc, xe thân liền kéo rơ moóc) chỉ mang tính tượng trưng.