Thông tư số 08/2014/TT-BKHĐT ngày 26/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn Nghị định 216/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư
- Số hiệu văn bản: 08/2014/TT-BKHĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Ngày ban hành: 26-11-2014
- Ngày có hiệu lực: 15-01-2015
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 16-09-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3657 ngày (10 năm 0 tháng 7 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2014/TT-BKHĐT | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2014 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 216/2013/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư;
Theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung về:
1. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
2. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển.
3. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu thầu.
4. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài.
5. Thanh tra chuyên ngành trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
6. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý và hoạt động đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác.
7. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
8. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
9. Chế độ thông tin, báo cáo thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư.
10. Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thống kê được hướng dẫn thực hiện theo quy định riêng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với: Cơ quan quản lý nhà nước; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Chương II
QUY ĐỊNH CHI TIẾT NỘI DUNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Điều 3. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm:
1. Việc thực hiện trình tự, thủ tục lập quy hoạch.
2. Việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
3. Việc thực hiện quy định về kinh phí cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
4. Việc thực hiện quy định về điều kiện, nội dung, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch (nếu có).
5. Việc thực hiện quy hoạch, gồm: công bố công khai quy hoạch đã phê duyệt; thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm; tiến độ thực hiện các mục tiêu và các sản phẩm chủ lực của quy hoạch; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.
Điều 4. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển
1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về lập kế hoạch, giao kế hoạch, bố trí vốn đầu tư phát triển, bao gồm:
a) Việc thực hiện quy định về điều kiện giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển;
b) Việc thực hiện quy trình lập, trình, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển;
c) Việc thực hiện quy định về thời hạn giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển.
2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển, bao gồm:
a) Việc thực hiện quy định trong phân bổ, bố trí vốn đầu tư;
b) Việc giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn đầu tư.
3. Thanh tra việc chấp hành các quy định về quản lý, thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:
a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, gồm: lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi; lập dự án đầu tư; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; quyết định đầu tư; chi phí cho công tác lập, thẩm định dự án đầu tư; điều chỉnh dự án đầu tư (nếu có);
b) Việc thực hiện dự án đầu tư, gồm: lập, thẩm định, thẩm tra và phê duyệt thiết kế, dự toán; chi phí cho công tác tư vấn thiết kế, lập dự toán, thẩm tra; công tác ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư;
c) Việc kết thúc đầu tư, đưa dự án đầu tư vào khai thác sử dụng, gồm: nghiệm thu, bàn giao dự án đầu tư; quản lý, khai thác và sử dụng dự án đầu tư theo mục tiêu đã đề ra; bảo hành, bảo trì và quyết toán vốn đầu tư;
d) Việc thực hiện quy định về giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 5. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu thầu
1. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Việc thực hiện quy định về nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư;
c) Việc thực hiện quy định về điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có).
2. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm:
a) Việc thực hiện quy định về lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Việc thực hiện quy định về đánh giá, thẩm định hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
c) Việc thực hiện quy định về thời gian thực hiện các gói thầu, dự án theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đã được phê duyệt.
Điều 6. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài
1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, bao gồm:
a) Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư, gồm: phê duyệt và công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư; thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư; lập và công bố danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương; vận động và xúc tiến đầu tư; đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư; điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư; quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư trước thời hạn (nếu có); công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về hoạt động đầu tư trên địa bàn;
b) Việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư, gồm: thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định trong văn bản đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư; thực hiện quy định về chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn đầu tư của các dự án (nếu có); thực hiện quy định về tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện, điều chỉnh dự án (nếu có); thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động đầu tư; thực hiện quy định về chấm dứt hoạt động, thanh lý, thu hồi dự án đầu tư.
2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài, bao gồm:
a) Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài, gồm: thực hiện các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; công tác tiếp nhận, thụ lý, thẩm tra hồ sơ cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; việc thực hiện quy định về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài;
b) Việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư, gồm: thực hiện các quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; thực hiện tiến độ triển khai dự án đầu tư; thực hiện quy định về chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn đầu tư của các dự án (nếu có); thực hiện quy định về tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án (nếu có); thực hiện quy định về dùng lợi nhuận của dự án để đầu tư tiếp ở nước ngoài; thực hiện quy định về báo cáo tình hình hoạt động dự án đầu tư; thực hiện các thủ tục thanh lý, chấm dứt dự án đầu tư.
Điều 7. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi chính phủ nước ngoài
1. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, dự án sử dụng ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, bao gồm:
a) Việc thực hiện quy định về hình thức quản lý chương trình, dự án;
b) Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản trong quản lý thực hiện các chương trình, dự án;
c) Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của chủ chương trình, dự án trong quản lý thực hiện các chương trình, dự án;
d) Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn Ban quản lý dự án;
đ) Việc triển khai thực hiện chương trình, dự án;
e) Việc kết thúc chương trình, dự án.
2. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án; việc thực hiện chế độ báo cáo và cung cấp thông tin đối với chương trình, dự án sử dụng ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, bao gồm:
a) Việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án của cơ quan chủ quản;
b) Việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án của chủ chương trình, dự án;
c) Việc theo dõi và đánh giá chương trình, dự án của Ban quản lý dự án;
d) Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của cơ quan chủ quản, chủ chương trình, dự án.
Điều 8. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý và hoạt động đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác
1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về thành lập, mở rộng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao, các loại hình khu kinh tế khác, gồm:
a) Việc thực hiện quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác;
b) Việc thực hiện quy định về điều kiện thành lập, mở rộng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác;
c) Việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác.
2. Thanh tra việc chấp hành các quy định trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao, các loại hình khu kinh tế khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư này.
Điều 9. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh
1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về thành lập, đăng ký kinh doanh các loại hình doanh nghiệp, các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và hộ kinh doanh, bao gồm:
a) Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: việc thực hiện quy định trong việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết hồ sơ đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; việc thực hiện quy định về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động của Chi nhánh/Văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; việc thực hiện quy định về sao lưu hồ sơ, tài liệu; việc cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp; việc tổng hợp báo cáo kết quả đăng ký doanh nghiệp; việc kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động của Chi nhánh/Văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan việc thành lập, đăng ký doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh;
b) Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và Chi nhánh/Văn phòng đại diện, gồm: việc kê khai nội dung đăng ký doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh; việc thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Chi nhánh/Văn phòng đại diện (nếu có) theo quy định; việc thực hiện quy định về người đăng ký thành lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật; việc thuê Giám đốc doanh nghiệp tư nhân.
2. Thanh tra việc chấp hành các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh, bao gồm:
a) Việc thực hiện các quy định về đăng ký trụ sở chính của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh;
b) Việc thực hiện quy định về treo biển hiệu của doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh;
c) Việc thực hiện quy định về đăng ký góp vốn của doanh nghiệp, thời hạn góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
d) Việc thực hiện quy định về lập và lưu giữ sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông;
đ) Việc thực hiện quy định về tạm ngừng kinh doanh.
3. Thanh tra việc chấp hành các quy định về tổ chức bộ máy, quản lý, điều hành hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, bao gồm:
a) Việc thực hiện chế độ lưu giữ hồ sơ, tài liệu và con dấu tại trụ sở chính của doanh nghiệp;
b) Việc thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát (nếu có);
c) Việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành họp Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;
d) Việc bổ nhiệm người giữ các chức danh quản lý, Giám đốc (Tổng Giám đốc) của doanh nghiệp.
4. Thanh tra việc chấp hành các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể các loại hình doanh nghiệp, bao gồm:
a) Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, gồm: việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đối với yêu cầu chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể các loại hình doanh nghiệp; việc thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể;
b) Đối với doanh nghiệp, gồm: việc thực hiện các trình tự, thủ tục tiến hành giải thể doanh nghiệp; việc thông báo về việc chấm dứt tồn tại đối với doanh nghiệp bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
5. Thanh tra việc chấp hành các quy định về cung cấp, công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
a) Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: việc phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia, Hệ thống thông tin về hộ kinh doanh trên địa bàn; việc cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi có yêu cầu;
b) Đối với doanh nghiệp, gồm: việc thực hiện quy định về cung cấp thông tin nội dung đăng ký kinh doanh cho Phòng đăng ký kinh doanh theo quy định; việc thực hiện các quy định về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; việc thực hiện các quy định về tạm ngừng kinh doanh, giải thể doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động đối với chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; việc thực hiện thông báo khi cho thuê doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
Điều 10. Quy định chi tiết nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Thanh tra việc chấp hành các quy định về góp vốn, thành lập, đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm:
a) Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, gồm: việc thực hiện quy định trong việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc thực hiện quy định về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc sao lưu hồ sơ, tài liệu; việc cung cấp thông tin đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc tổng hợp báo cáo kết quả đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc đăng ký Văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (nếu có);
b) Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, gồm: việc thực hiện kê khai nội dung đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc thực hiện quy định về đặt tên, biểu tượng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc thực hiện quy định về kê khai nội dung đăng ký Văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc kê khai thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (nếu có); việc công khai thông tin về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh.
2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm:
a) Việc thực hiện quy định về kết nạp, chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;
b) Việc thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát;
c) Việc thực hiện trình tự, thủ tục tiến hành Đại hội thành viên.
3. Thanh tra việc chấp hành các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm:
a) Đối với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, gồm: việc tiếp nhận, hướng dẫn, xử lý, giải quyết đối với yêu cầu chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể;
b) Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, gồm: việc thực hiện các trình tự, thủ tục tiến hành giải thể; việc thông báo về việc chấm dứt tồn tại đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
Điều 11. Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo
Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo thực hiện theo Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương III
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Điều 12. Quy định về việc gửi kết luận thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư
1. Kết luận thanh tra của cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành phải được gửi cho Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
2. Kết luận thanh tra của cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành phải được gửi cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
3. Kết luận thanh tra của cuộc thanh tra chuyên ngành do Tổng cục Thống kê tiến hành phải được gửi cho Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
4. Kết luận thanh tra của cuộc thanh tra chuyên ngành do Cục Thống kê tiến hành phải được gửi cho Tổng cục Thống kê, đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 13. Quy định về báo cáo thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư
1. Trách nhiệm báo cáo:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình và kết quả thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư;
b) Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng thanh tra Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư.
2. Các loại báo cáo, thời kỳ lấy số liệu và thời hạn gửi báo cáo:
a) Báo cáo Quý I cho thời kỳ từ ngày 10 tháng 12 của năm trước đến ngày 09 tháng 3 của năm báo cáo; gửi về Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 3 của năm báo cáo;
b) Báo cáo sơ kết 6 tháng cho thời kỳ từ ngày 10 tháng 12 của năm trước đến ngày 09 tháng 6 của năm báo cáo; gửi về Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 6 của năm báo cáo;
c) Báo cáo 9 tháng cho thời kỳ từ ngày 10 tháng 12 của năm trước đến ngày 09 tháng 9 của năm báo cáo; gửi về Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 9 của năm báo cáo;
d) Báo cáo tổng kết năm cho thời kỳ từ ngày 10 tháng 12 của năm trước đến ngày 09 tháng 12 của năm báo cáo; gửi về Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo.
3. Đề cương, biểu mẫu báo cáo định kỳ về thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo Phụ lục số II và Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 14. Quy định về báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng
Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ về chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, đơn vị, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Phụ lục I: Mẫu đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo kèm theo Thông tư số 08/2014/TT-BKHĐT ngày 26/11/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
BÁO CÁO(1)
Về việc(2)…………
I. KHÁI QUÁT CHUNG
- Tổng quan về đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý, diện tích, dân số; thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương (nếu đối tượng thanh tra là Ủy ban nhân dân các cấp);
- Khái quát chung về mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thuận lợi và khó khăn trong hoạt động (nếu đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, đơn vị).
II. NỘI DUNG
Báo cáo thực trạng tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
(Tùy thuộc nội dung của từng cuộc thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư để yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo nội dung tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Thông tư số …./2014/TT-BKHĐT ngày ... tháng ... năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư).(2)
III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn, tồn tại, vướng mắc.
2. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
| THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ |
_________
(1): Thể thức trình bày thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/11//2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính;
(2): Việc chấp hành quy định trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Ví dụ: Báo cáo về việc chấp hành quy định trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch hoặc Báo cáo về việc chấp hành quy định trong lĩnh vực phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển... v.v.
Phụ lục II: Đề cương báo cáo công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư kèm theo Thông tư số 08/2014/TT-BKHĐT ngày 26/11/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
BÁO CÁO (1)
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư (2)………
Khái quát tình hình chung của đơn vị có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thanh tra; tóm tắt chương trình, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.
I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
1. Tình hình triển khai các cuộc thanh tra chuyên ngành:
- Tổng số cuộc thanh tra đang thực hiện (bao gồm: Số cuộc theo kế hoạch; Số cuộc đột xuất; Số cuộc thường xuyên);
- Lĩnh vực thanh tra (Số cuộc thanh tra trong lĩnh vực quy hoạch; Số cuộc thanh tra trong lĩnh vực phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển; Số cuộc thanh tra trong lĩnh vực đấu thầu; Số cuộc thanh tra trong lĩnh vực đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài; Số cuộc thanh tra trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; Số cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý và hoạt động đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác; Số cuộc thanh tra trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; Số cuộc thanh tra trong lĩnh vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã);
- Số đối tượng được thanh tra (tổ chức, đơn vị, cá nhân được thanh tra theo từng lĩnh vực thanh tra chuyên ngành nêu trên);
- Về tiến độ (Số cuộc đang tiến hành thanh tra tại cơ sở; Số cuộc đã kết thúc thanh tra tại cơ sở nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra; Số cuộc đã ban hành kết luận thanh tra).
2. Kết quả thanh tra
- Số đối tượng vi phạm;
- Những vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra;
- Số tiền, tài sản thu hồi, xử lý; Số văn bản không phù hợp quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan cấp trên bị sửa đổi, thu hồi, bãi bỏ; Số giấy phép thu hồi, bãi bỏ;...;
- Kiến nghị xử lý vi phạm:
+ Số đối tượng kiến nghị xử lý trách nhiệm kinh tế;
+ Số đối tượng kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính;
+ Số đối tượng kiến nghị xử lý về hình sự (chuyển cơ quan điều tra).
- Xử phạt vi phạm hành chính:
+ Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
+ Số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính;
+ Số tiền xử phạt.
Phụ lục III: Biểu tổng hợp kết quả thanh tra chuyên ngành kế hoạch và đầu tư ban hành kèm theo Thông tư số 08/2014/TT-BKHĐT ngày 26/11/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp
Tên cơ quan báo cáo
TỔNG HỢP KẾT QUẢ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
(Số liệu tính từ ngày …/…/201… đến ngày ..../..../201…)
TT | Lĩnh vực thanh tra | Số cuộc thanh tra | Số đối tượng thanh tra | Tiến độ thanh tra | Kết quả thanh tra | Xử phạt vi phạm hành chính | Ghi chú | ||||||||||||||
Tổng số | Theo KH | Đột xuất | Th. xuyên | Đang tiến hành | Kết thúc tại cơ sở | Đã có kết luận | Số đối tượng vi phạm | Số tiền, tài sản quy thành tiền kiến nghị thu hồi (triệu đồng) | Số tiền, tài sản quy thành tiền kiến nghị giảm trừ khi thanh toán, quyết toán (triệu đồng) | Số v/b bị thu hồi, hủy bỏ | Số giấy phép thu hồi, bãi bỏ | Kiến nghị xử lý trách nhiệm kinh tế (đối tượng) | Kiến nghị xử lý trách nhiệm kỷ luật (đối tượng) | Kiến nghị xử lý hình sự (đối tượng) | Tổng số quyết định xử phạt | Số đối tượng bị xử phạt | Số tiền phạt (triệu đồng | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
| 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
1 | Quy hoạch, kế hoạch |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Đấu thầu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 | Quản lý và sử dụng ODA, viện trợ PCPNN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 | Khu công nghiệp, khu kinh tế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 | Doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8 | Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng số |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Cột 3 = cột 4 + cột 5 + cột 6 | …, ngày… tháng… năm 201… |