Thông tư số 29/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/09/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sửa đổi Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT về công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Số hiệu văn bản: 29/2014/TT-BNNPTNT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Ngày ban hành: 05-09-2014
- Ngày có hiệu lực: 20-10-2014
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3637 ngày (9 năm 11 tháng 22 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2014 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 7 THÔNG TƯ SỐ 23/2010/TT-BNNPTNT NGÀY 07/4/2010 VỀ CÔNG NHẬN TIẾN BỘ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ SINH HỌC CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen;
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020";
Căn cứ Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BNNPTNT ngày 07/4/2010 về công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 3, 4, 5, 6 Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BNNPTNT về công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
“Điều 7. Công nhận đặc cách
2. Đối với tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học đăng ký là giống cây trồng đã nằm trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là giống nền) có chứa một hoặc tổ hợp một số sự kiện chuyển gen đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (sau đây gọi là giống cây trồng biến đổi gen) được xem xét công nhận đặc cách khi giống cây trồng biến đổi gen đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư này;
b) Giống cây trồng biến đổi gen tương đồng với giống nền về các tính trạng hình thái đặc trưng chủ yếu, trừ những tính trạng bị tác động bởi sự kiện chuyển gen.
3. Trường hợp giống cây trồng biến đổi gen đã được khảo nghiệm so sánh với giống nền đồng thời với quá trình khảo nghiệm đánh giá rủi ro: Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen lập hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách theo quy định tại khoản 5 Điều này.
4. Trường hợp giống cây trồng biến đổi gen chưa được khảo nghiệm so sánh với giống nền:
a) Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen xây dựng kế hoạch khảo nghiệm so sánh, bao gồm khảo nghiệm so sánh diện hẹp và diện rộng theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Cục Trồng trọt;
b) Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm được chỉ định để thực hiện khảo nghiệm so sánh diện hẹp ít nhất 01 vụ sản xuất tại 02 địa điểm;
c) Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen thực hiện khảo nghiệm so sánh diện rộng tại các vùng sinh thái nông nghiệp khuyến cáo sử dụng giống, mỗi vùng ít nhất 01 vụ, tại 01 địa điểm, quy mô tối thiểu 01 hecta/01 điểm;
d) Khảo nghiệm so sánh diện hẹp có thể tiến hành trước hoặc đồng thời với khảo nghiệm so sánh diện rộng;
đ) Trong quá trình khảo nghiệm so sánh, Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra và lập biên bản tại địa điểm khảo nghiệm;
e) Kết thúc khảo nghiệm, tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen lập hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách theo quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách
Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Cục Trồng trọt 01 bộ hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đăng ký công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Báo cáo kết quả khảo nghiệm so sánh giống cây trồng biến đổi gen và giống nền theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Các tài liệu khác liên quan (nếu có).
6. Trình tự, thời gian công nhận đặc cách:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Trồng trọt xem xét hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký về việc chấp nhận hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian xem xét hồ sơ hợp lệ;
b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, thành lập Hội đồng đánh giá công nhận đặc cách tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học là giống cây trồng biến đổi gen.
Thành phần Hội đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này. Thành viên Hội đồng đánh giá hồ sơ đăng ký theo biểu mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tu này và gửi về Cục Trồng trọt muộn nhất là 01 ngày trước phiên họp của Hội đồng. Quy trình làm việc của Hội đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này. Cục Trồng trọt xem xét ý kiến của Hội đồng; trường hợp chưa đủ điều kiện công nhận, phải có văn bản trả lời cho tổ chức đăng ký, nêu rõ lý do;
c) Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ đăng ký đã được hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng, Cục Trồng trọt gửi Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hồ sơ trình Bộ trưởng cho ý kiến về việc công nhận đặc cách tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học là giống cây trồng biến đổi gen. Hồ sơ gồm: Tờ trình Bộ trưởng, trong đó nêu rõ: sự cần thiết, quá trình thực hiện, tóm tắt kết quả khảo nghiệm, đánh giá, đề xuất công nhận đặc cách; Biên bản họp Hội đồng; Báo cáo thẩm định của Cục Trồng trọt; Hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách; Dự thảo Quyết định công nhận đặc cách tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học là giống cây trồng biến đổi gen;
d) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể, từ ngày nhận được hồ sơ trình Bộ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế thẩm tra, thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; việc thực hiện trình tự, thời gian công nhận đặc cách. Trường hợp, đáp ứng theo quy định, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng cho ý kiến đến chấp thuận công nhận đặc cách tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học là giống cây trồng biến đổi gen;
đ) Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ trưởng có ý kiến chấp thuận, Cục Trồng trọt ban hành Quyết định công nhận đặc cách tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học là giống cây trồng biến đổi gen; trường hợp chưa đủ điều kiện công nhận, phải có văn bản trả lời cho tổ chức đăng ký, nêu rõ lý do.”
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2014.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt) để được kịp thời phối hợp xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 7
MẪU KẾ HOẠCH KHẢO NGHIỆM SO SÁNH GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN VÀ GIỐNG NỀN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
KẾ HOẠCH KHẢO NGHIỆM SO SÁNH GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN VÀ GIỐNG GEN
Kính gửi: Cục Trồng trọt
Tên tổ chức đăng ký:.................................................................................................
Tên người đứng đầu tổ chức:....................................................................................
Địa chỉ liên hệ: ..........................................................................................................
Điện thoại: ……….. Fax:……………. Email:……………. Website:...........................
Căn cứ Thông tư số……., ngày….tháng….năm ……của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BNNPTNT ngày 07/4/2010 về công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, (tổ chức đăng ký………..) lập kế hoạch khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen như sau:
1. Tên giống cây trồng biến đổi gen:..........................................................................
2. Nguồn gốc:
- Giống nền (Tên, số Quyết định công nhận, số Quyết định hoặc Thông tư ban hành Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam);
- Sự kiện chuyển gen (Tên gen được chuyển, tác giả của tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học).
3. Nội dung khảo nghiệm:
3.1. Khảo nghiệm so sánh diện hẹp:
a) Đơn vị khảo nghiệm được chỉ định;
b) Địa điểm, thời vụ dự kiến;
c) Bố trí khảo nghiệm (gồm giống nền và giống cây trồng chuyển gen, 03 (ba) lần nhắc lại, diện tích ô: 20 m2);
d) Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi:
- Về sự tương đồng các tính trạng hình thái đặc trưng chủ yếu giữa giống nền và giống chuyển gen: Đánh giá các tính trạng đặc trưng chủ yếu, trừ những tính trạng bị tác động bởi sự kiện chuyển gen theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng;
- Về giá trị sử dụng và canh tác: Đánh giá năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng, giá trị ưu việt của giống cây trồng biến đổi gen so với giống nền theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khảo nghiệm giá trị sử dụng và canh tác giống cây trồng hoặc theo các phương pháp thí nghiệm đồng ruộng phổ biến, phù hợp khác.
3.2. Khảo nghiệm so sánh diện rộng:
a) Cơ sở sản xuất, địa điểm, thời vụ, quy mô;
b) Bố trí khảo nghiệm: giống chuyển gen và giống nền trồng liền kề, không nhắc lại, diện tích giống nền chiếm 1/4 tổng diện tích khảo nghiệm;
c) Các chỉ tiêu và phương pháp theo dõi: thời gian sinh trưởng, năng suất (thu hoạch toàn ô hoặc theo đường chéo 05 (năm) điểm, mỗi điểm 20m2); nhận xét ưu việt của giống cây trồng biến đổi gen so với giống nền về khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi.
| ………,ngày….tháng….năm…. |
PHỤ LỤC 8
MẪU ĐĂNG KÝ CÔNG NHẬN ĐẶC CÁCH GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐĂNG KÝ CÔNG NHẬN ĐẶC CÁCH GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN
Kính gửi: Cục Trồng trọt
Tổ chức đăng ký: .....................................................................................................
Tên người đứng đầu tổ chức:..................................................................................
Địa chỉ liên hệ:..........................................................................................................
Điện thoại: ……….. Fax:…….. E-mail:……………… Website: ………………………
Căn cứ Thông tư số……., ngày….tháng….năm ……của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BNNPTNT ngày 07/4/2010 về công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, (tổ chức đăng ký………..) lập kế hoạch khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen như sau:
1. Tên giống cây trồng biến đổi gen:
2. Nguồn gốc:
- Giống cây trồng là giống nền (Tên, số Quyết định công nhận, số Quyết định hoặc Thông tư ban hành Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam);
- Sự kiện chuyển gen (Tên gen được chuyển, tác giả của tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học).
- Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (số, ngày tháng năm, cơ quan ban hành).
3. Địa bàn và thời vụ đề nghị áp dụng:
4. Hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen bao gồm (kê khai theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của Thông tư này).
5. Cam kết các thông tin, tài liệu có trong hồ sơ đăng ký là đúng sự thực.
Đề nghị Cục Trồng trọt làm các thủ tục công nhận đặc cách đối với giống cây trồng biến đổi gen để được áp dụng vào sản xuất./.
| ………,ngày….tháng….năm…. |
PHỤ LỤC 9
MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM SO SÁNH GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN VÀ GIỐNG NỀN
(Ban hành kèm theo Thông tư 29/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM SO SÁNH GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN VÀ GIỐNG NỀN
1. Thông tin chung
1.1. Tên giống cây trồng biến đổi gen:.............................................................................
1.2. Nguồn gốc:
- Giống nền (Tên, số Quyết định công nhận, số Quyết định hoặc Thông tư ban hành Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam);
- Sự kiện chuyển gen (Tên gen được chuyển, tác giả của tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học).
- Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (số, ngày tháng năm, cơ quan ban hành).
1.3. Tổ chức đăng ký:
- Địa chỉ:...................................................................................................................
- Điện thoại:…………..Fax:…………………E-mail:..................................................
2. Tóm tắt quá trình nghiên cứu, phát triển của giống cây trồng biến đổi gen.
3. Bố trí khảo nghiệm so sánh diện hẹp và diện rộng (cơ sở khảo nghiệm, địa điểm, thời gian, quy mô diện tích khảo nghiệm...)
4. Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi.
5. Kết quả khảo nghiệm:
5.1. Kết quả khảo nghiệm so sánh diện hẹp:
- Về sự tương đồng giữa giống cây trồng biến đổi gen so với giống nền về các tính trạng hình thái đặc trưng chủ yếu;
- Về giá trị sử dụng (năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng, giá trị ưu việt của giống cây trồng biến đổi gen so với giống nền).
5.2. Kết quả khảo nghiệm so sánh diện rộng (thời gian sinh trưởng, năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh bất lợi);
5.3. Hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường của giống chuyển gen;
5.4. Khả năng mở rộng giống ra sản xuất: vùng sinh thái, vụ sản xuất;
5.5. Quy trình sản xuất giống cây trồng biến đổi gen.
6. Kết luận và đề nghị.
7. Phụ lục:
7.1. Quyết định thành lập Hội đồng khoa học công nghệ cấp cơ sở; Biên bản họp Hội đồng khoa học công nghệ cấp cơ sở;
7.2. Biên bản kiểm tra đối với trường hợp quy định tại điểm đ, khoản 4 Điều 7 Thông tư này;
7.3. Hình ảnh về khảo nghiệm so sánh;
7.4. Nhận xét đánh giá của cơ sở khảo nghiệm, tài liệu khác (nếu có).
| ………,ngày….tháng….năm…. |