cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/05/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước

  • Số hiệu văn bản: 27/2014/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Ngày ban hành: 30-05-2014
  • Ngày có hiệu lực: 15-07-2014
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 10-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3784 ngày (10 năm 4 tháng 14 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2014/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC ĐĂNG KÝ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT, MẪU HỒ SƠ CẤP, GIA HẠN, ĐIỀU CHỈNH, CẤP LẠI GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Căn cứ Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất; mẫu đơn, mẫu giấy phép, nội dung đề án, nội dung báo cáo trong hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Công trình khai thác nước dưới đất là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m.

2. Công trình khai thác nước mặt bao gồm hồ chứa, đập dâng, đập tràn, kênh dẫn nước, cống, trạm bơm khai thác nước mặt.

3. Lưu lượng khai thác nước dưới đất của một công trình là tổng lưu lượng của các giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc công trình đó.

4. Vùng ảnh hưởng của công trình khai thác nước dưới đất là vùng có mực nước hoặc mực áp lực của tầng chứa nước bị hạ thấp lớn hơn 0,5 m do hoạt động khai thác của công trình đó gây ra.

5. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải với quy mô dưới 5 m3/ngày đêm nhưng phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước là cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

a) Dệt nhuộm; may mặc có công đoạn nhuộm, in hoa; giặt là có công đoạn giặt tẩy;

b) Luyện kim, tái chế kim loại, mạ kim loại; sản xuất linh kiện điện tử;

c) Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp; thuộc da, tái chế da;

d) Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất; lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm dầu mỏ;

đ) Sản xuất giấy và bột giấy; nhựa, cao su, chất tẩy rửa, phụ gia, phân bón, hóa chất, dược phẩm, đông dược, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật; pin, ắc quy; mây tre đan, chế biến gỗ có ngâm tẩm hóa chất; chế biến tinh bột sắn, bột ngọt;

e) Khám chữa bệnh có phát sinh nước thải y tế;

g) Thực hiện thí nghiệm có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ.

Chương II

ĐĂNG KÝ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 4. Khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

1. Khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm:

a) Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm ba (03) năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép;

b) Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu;

c) Khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ;

d) Khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn một (01) km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;

đ) Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.

2. Căn cứ đặc điểm của các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, yêu cầu quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mực nước hạ thấp cho phép, nhưng không vượt quá một nửa bề dày của tầng chứa nước đối với tầng chứa nước không áp, không vượt quá mái của tầng chứa nước và không được sâu hơn 50 m tính từ mặt đất đối với các tầng chứa nước có áp.

3. Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều này và có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.

Điều 5. Khoanh định, công bố khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

1. Khoanh định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

a) Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tài nguyên và Môi trường) tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; lập Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn.

b) Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Vị trí địa lý, diện tích, phạm vi hành chính của từng khu vực;

- Những số liệu, căn cứ chính để khoanh định từng khu vực.

2. Phê duyệt Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất sau khi có ý kiến của Cục Quản lý tài nguyên nước.

3. Công bố Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, thông báo tới Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

4. Điều chỉnh Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

Định kỳ năm (05) năm một lần hoặc khi cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

Điều 6. Đăng ký khai thác nước dưới đất

1. Cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký:

a) Căn cứ Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất được phê duyệt, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, phum, bản, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng dân phố) thực hiện rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất thuộc diện phải đăng ký trên địa bàn; thông báo và phát hai (02) tờ khai quy định tại Mẫu số 38 của Phụ lục kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân để kê khai.

Trường hợp chưa có giếng khoan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký khai thác trước khi tiến hành khoan giếng.

b) Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hoàn thành hai (02) tờ khai và nộp cho cơ quan đăng ký hoặc nộp cho tổ trưởng tổ dân phố để nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm nộp tờ khai cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường hợp cơ quan đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai của tổ chức, cá nhân, cơ quan đăng ký có trách nhiệm kiểm tra nội dung thông tin, xác nhận vào tờ khai và gửi một (01) bản cho tổ chức, cá nhân.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký khai thác nước dưới đất, nếu không tiếp tục khai thác, sử dụng thì phải thông báo và trả tờ khai cho cơ quan đăng ký hoặc tổ trưởng dân phố để báo cho cơ quan đăng ký và thực hiện việc trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định.

4. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký tới Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp cơ quan đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp xã thì gửi báo cáo kết quả đăng ký tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chương III

MẪU ĐƠN, GIẤY PHÉP, NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO TRONG HỒ SƠ CẤP PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 7. Mẫu đơn đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước

Đơn đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước được lập theo mẫu quy định tại Phần I của Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Mẫu giấy phép tài nguyên nước

Giấy phép tài nguyên nước được lập theo mẫu quy định tại Phần II của Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Nội dung đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

1. Nội dung đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất được lập theo hướng dẫn tại Phần III của Phụ lục kèm theo Thông tư này.

2. Nội dung đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển được lập theo hướng dẫn tại Phần IV của Phụ lục kèm theo Thông tư này.

3. Nội dung đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước được lập theo hướng dẫn tại Phần V của Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2014.

Thông tư này thay thế Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn được thực hiện thẩm định, xem xét cấp phép theo mẫu quy định tại Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 11. Trách nhiệm thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Thông tư này tại địa phương.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn; hằng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân cấp tỉnh và Cục Quản lý tài nguyên nước tình hình đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trước ngày 15 tháng 12.

3. Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; tổng hợp tình hình đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong phạm vi cả nước./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dán tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Website Bộ TN&MT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, PC, TNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thái Lai

 

PHỤ LỤC

MẪU ĐƠN, GIẤY PHÉP VÀ NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO TRONG HỒ SƠ CẤP PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

STT

Ký hiệu

Tên văn bản

Phần I

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP, GIA HẠN, ĐIỀU CHỈNH, CẤP LẠI GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

1

Mu 01

Đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất

2

Mu 02

Đơn đề nghị gia hạn/ điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất

3

Mu 03

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

4

Mu 04

Đơn đề nghị gia hạn/ điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

5

Mu 05

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt

6

Mu 06

Đơn đề nghị gia hạn/ điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt

7

Mu 07

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển

8

Mẫu 08

Đơn đề nghị gia hạn/ điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước biển

9

Mu 09

Đơn đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

10

Mu 10

Đơn đề nghị gia hạn/ điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

11

Mẫu 11

Đơn đề nghị cấp lại giấy phép tài nguyên nước

Phần II

MẪU GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

12

Mẫu 12

Giấy phép thăm dò nước dưới đất

13

Mẫu 13

Giấy phép thăm dò nước dưới đất (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

14

Mu 14

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

15

Mu 15

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

16

Mu 16

Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt

17

Mu 17

Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

18

Mẫu 18

Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển

19

Mu 19

Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

20

Mu 20

Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

21

Mu 21

Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (Mẫu gia hạn/điều chỉnh/cấp lại)

Phần III

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT

22

Mu 22

Đề án thăm dò nước dưới đất (đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

23

Mẫu 23

Thiết kế giếng thăm dò nước dưới đất (đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm)

24

Mẫu 24

Báo cáo tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép (trường hợp đề nghị gia hạn/điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất)

25

Mu 25

Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất (đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

26

Mu 26

Báo cáo kết quả thi công giếng khai thác (đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên)

27

Mu 27

Báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất (trường hợp công trình khai thác đang hoạt động)

28

Mu 28

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước và tình hình thực hiện giấy phép (trường hợp gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất)

Phần IV

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC MẶT, NƯỚC BIỂN

29

Mu 29

Đề án khai thác, sử dụng nước mặt (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

30

Mu 30

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt (đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

31

Mu 31

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước và tình hình thực hiện giấy phép (đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt)

32

Mu 32

Đề án khai thác, sử dụng nước biển (đối với trường hợp chưa có công trình khai thác)

33

Mu 33

Báo cáo khai thác, sử dụng nước biển (đối với trường hợp đã có công trình khai thác)

34

Mu 34

Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước và tình hình thực hiện giấy phép(đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước biển)

Phần V

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐỀ ÁN, BÁO CÁO XẢ NƯỚC THẢI VÀO NGUỒN NƯỚC

35

Mẫu 35

Đề án xả nước thải vào nguồn nước (đối với trường hợp chưa có công trình hoặc đã có công trình xả nước thải nhưng chưa có hoạt động xả nước thải)

36

Mẫu 36

Báo cáo xả nước thải vào nguồn nước (đối với trường hợp đang xả nước thải vào nguồn nước)

37

Mẫu 37

Báo cáo hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước và tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép (đối với trường hợp gia hạn, điều chỉnh giấy phép)

Phần VI

MẪU TỜ KHAI ĐĂNG KÝ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

38

Mẫu 38

Tờ khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN