cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06/03/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Về danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2014/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Ngày ban hành: 06-03-2014
  • Ngày có hiệu lực: 01-05-2014
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-05-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1855 ngày (5 năm 1 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 30-05-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-05-2019, Thông tư số 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06/03/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Về danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 746/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/05/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đến hết ngày 25/5/2019”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 05/2014/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2014

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH DANH MỤC MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Điều 1. Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (sau đây gọi tắt là Danh mục).

2. Các Bộ có thẩm quyền quy định tại Điều 18 của Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, khi có đề nghị sửa đổi, bổ sung Danh mục thì lập hồ sơ và gửi về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Hồ sơ gồm có:

a) Công văn đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục với những nội dung chính sau:

- Tên máy, thiết bị, vật tư cần sửa đổi, bổ sung vào Danh mục, bao gồm cả tên khoa học và tên giao dịch thương mại (nếu có);

- Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung danh mục;

- Đánh giá khả năng kiểm định máy, thiết bị, vật tư đề nghị bổ sung của các tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

- Cách thức lựa chọn, chỉ định các tổ chức thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư đề nghị bổ sung.

b) Dự thảo các quy trình kiểm định hoặc đề xuất căn cứ để tiến hành kiểm định (tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được ban hành).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này; tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội các ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục của các Bộ.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư này tới các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân có sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hàng năm về tình hình thực hiện Thông tư này cùng với báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 05 năm 2014.

2. Thông tư số 32/2011/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Cục ATLĐ (30 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Hồng Lĩnh

 

DANH MỤC

CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

STT

MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG

Mục I

Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1

Nồi hơi các loại (bao gồm cả bộ quá nhiệt và bộ hâm nước) có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7bar; Nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất trên 115ºC.

2

Nồi gia nhiệt dầu.

3

Hệ thống đường ống dẫn hơi nước, nước nóng cấp I và II có đường kính ngoài từ 51mm trở lên, các đường ống dẫn cấp III và cấp IV có đường kính ngoài từ 76mm trở lên theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6158:1996 và TCVN 6159:1996.

4

Các bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức cao hơn 0,7bar (không kể áp suất thủy tĩnh) theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8366:2010.

5

Bể (xi téc) và thùng dùng để chứa, chuyên chở khí hóa lỏng hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7bar hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7bar theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8366:2010.

6

Các loại chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí hòa tan có áp suất làm việc cao hơn 0,7bar.

7

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt cố định, trừ đường ống dẫn khí đốt trên biển; Hệ thống đường ống dẫn khí y tế.

8

Hệ thống lạnh các loại theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6104:1996, trừ hệ thống lạnh có môi chất làm việc bằng nước, không khí; hệ thống lạnh có lượng môi chất nạp vào nhỏ hơn 5kg đối với môi chất làm lạnh thuộc nhóm 1, nhỏ hơn 2,5kg đối với môi chất lạnh thuộc nhóm 2, không giới hạn lượng môi chất nạp đối với môi chất lạnh thuộc nhóm 3.

9

Hệ thống điều chế, nạp khí, khí hóa lỏng, khí hòa tan; hệ thống cung cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại nơi tiêu thụ (bao gồm cả hệ thống tại nơi tiêu thụ dân dụng và công nghiệp).

10

Cần trục các loại: Cần trục ô tô, cần trục bánh hơi, cần trục bánh xích, cần trục tháp, cần trục đường sắt, cần trục chân đế.

11

Cầu trục: Cầu trục lăn, cầu trục treo.

12

Cổng trục: Cổng trục, nửa cổng trục.

13

Trục cáp chở hàng; Trục cáp chở người; Trục cáp trong các máy thi công, trục tải giếng nghiêng, trục tải giếng đứng.

14

Pa lăng điện; Pa lăng kéo tay có tải trọng từ 1.000kg trở lên.

15

Xe tời điện chạy trên ray.

16

Tời điện dùng để nâng tải, kéo tải theo phương nghiêng; bàn nâng; sàn nâng; sàn nâng dùng để nâng người; tời nâng người làm việc trên cao.

17

Tời thủ công có tải trọng từ 1.000kg trở lên.

18

Xe nâng hàng dùng động cơ có tải trọng từ 1.000kg trở lên.

19

Xe nâng người: Xe nâng người tự hành, xe nâng người sử dụng cơ cấu truyền động thủy lực, xích truyền động bằng tay nâng người lên cao quá 2m.

20

Máy vận thăng nâng hàng; máy vận thăng nâng hàng kèm người; máy vận thăng nâng người.

21

Thang máy các loại.

22

Thang cuốn; băng tải chở người.

23

Sàn biểu diễn di động.

24

Trò chơi mang theo người lên cao từ 2m trở lên, tốc độ di chuyển của người từ 3m/s so với sàn cố định (tàu lượn, đu quay, máng trượt) trừ các phương tiện thi đấu thể thao.

25

Hệ thống cáp treo vận chuyển người.

Mục II

Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng.

26

Các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại Mục I chuyên sử dụng cho mục đích quốc phòng.