cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 12/2013/TT-BVHTTDL ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hướng dẫn hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng

  • Số hiệu văn bản: 12/2013/TT-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
  • Ngày ban hành: 17-12-2013
  • Ngày có hiệu lực: 03-02-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3947 ngày (10 năm 9 tháng 27 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2013/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI CỘNG ĐỒNG

Căn cứ Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Gia đình,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan tới hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

Điều 2. Nội dung hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình và các vấn đề liên quan

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về: Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình và những vấn đề liên quan; thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, dòng họ, gia đình; xây dựng gia đình văn hóa;

b) Biên soạn các ấn phẩm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy những giá trị tiên tiến của gia đình Việt Nam.

2. Phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình

a) Phổ biến các kiến thức, kỹ năng về: Ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; phòng chống HIV/AIDS; kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển;

b) Phổ biến các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe của các thành viên gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ thời kỳ mang thai, nuôi con nhỏ;

c) Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ mới về lao động, sản xuất;

d) Giáo dục kiến thức đời sống gia đình, kỹ năng xây dựng và tổ chức cuộc sống gia đình cho đối tượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn, mới kết hôn.

3. Tư vấn, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình; phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; thực hiện việc góp ý, phê bình với người gây bạo lực gia đình; bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

4. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn để sản xuất, làm dịch vụ phát triển kinh tế gia đình theo quy định của pháp luật. Xây dựng các loại hình dịch vụ phục vụ gia đình phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của người dân.

5. Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của người dân.

6. Biểu dương các tổ chức, cá nhân, gia đình tiêu biểu trong hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.

7. Các hoạt động khác nhằm hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

Điều 3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng

1. Ban chỉ đạo công tác gia đình.

2. Các loại hình Câu lạc bộ hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.

3. Trung tâm học tập cộng đồng.

4. Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình.

5. Các tổ liên gia, tự quản.

6. Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

7. Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

8. Tổ hòa giải cơ sở.

9. Đội tuyên truyền lưu động

10. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

11. Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

12. Cơ sở bảo trợ xã hội.

13. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác thực hiện hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

Điều 4. Trách nhiệm tổ chức hoạt động

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ.

2. Vụ Gia đình và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng và hướng dẫn tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí và hướng dẫn sử dụng kinh phí cho hoạt động này trong kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình; thực hiện kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, báo cáo việc thực hiện Thông tư này.

4. Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện, xã chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

Điều 5. Kinh phí thực hiện

Kinh phí tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 02 năm 2014.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Vụ Gia đình chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Chính phủ: BTCN, các PCN, Cổng TTĐTCP;
- UBTƯMTTQVN, Cơ quan TƯ các đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án Nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- HĐND, UBND, BCĐ công tác gia đình các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo; Website Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, GĐ, BH (300).

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Tuấn Anh