Thông tư số 03/2013/TT-UBDT ngày 28/10/2013 Hướng dẫn thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 03/2013/TT-UBDT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Uỷ ban Dân tộc
- Ngày ban hành: 28-10-2013
- Ngày có hiệu lực: 12-12-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-03-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1931 ngày (5 năm 3 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 27-03-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN DÂN TỘC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2013/TT-UBDT | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2013 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 29/2013/QĐ-TTG NGÀY 20/5/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT ĐẤT Ở VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG GIAI ĐOẠN 2013-2015
Căn cứ Nghị định số 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc;
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư hướng dẫn thực một số điều của Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ,
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015.
Điều 2. Đối tượng thụ hưởng chính sách
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số), đời sống khó khăn, được xác định theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 31/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, cư trú ổn định, hợp pháp tại 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý lập, xác nhận tại thời điểm điều tra xác định hộ được hưởng chính sách mà chưa có đất ở, không có đất sản xuất, chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, có nhu cầu về vốn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
1. Các hộ được cấp đất ở không được chuyển nhượng, thế chấp, mua bán cho người khác trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày được Nhà nước giao đất, nếu vi phạm thì Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi đất.
2. Ưu tiên những hộ chưa được hưởng chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những hộ khó khăn hơn được thực hiện trước.
3. Hàng năm địa phương phải thực hiện rà soát đưa những hộ chưa hưởng chính sách đã thoát nghèo và những hộ đã đi khỏi địa bàn nơi cư trú ra khỏi danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg.
Điều 4. Chính sách hỗ trợ
1. Hỗ trợ về đất ở:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tạo quỹ đất cấp cho các hộ dân thuộc đối tượng hưởng chính sách;
Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền xem xét, quyết định giao đất ở để làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phù hợp với điều kiện, tập quán của địa phương và phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai; mức hỗ trợ theo quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 4 Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg;
b) Trường hợp tổ chức san lấp mặt bằng để tạo quỹ đất ở: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu xã có đủ các điều kiện theo quy định thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã) tổ chức lập dự án, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Lập dự án và tổ chức thực hiện dự án tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng. Nguồn vốn được sử dụng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ tương ứng với số hộ được giao đất và nguồn vốn đối ứng, bổ sung từ ngân sách địa phương.
2. Hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất:
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn hưởng các chính sách vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-UBDT ngày 24/6/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Lao động đi học nghề được hưởng các chính sách quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; lao động đi làm việc ở nước ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ quy định tại Thông tư liên tịch 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 09/9/2009 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” và các chính sách khác theo quy định hiện hành, Cơ quan công tác Dân tộc cấp tỉnh tổng hợp danh sách các hộ thuộc đối tượng có nhu cầu học nghề, xuất khẩu lao động, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao cho cơ quan chức năng thực hiện đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.
Điều 5. Trình tự, thủ tục xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách
1. Hỗ trợ về đất ở:
a) Trưởng thôn, bản, ấp và tương đương (sau đây gọi chung là ấp) tổ chức họp mời đại diện tất cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của ấp có trong danh sách hộ nghèo của xã, thông báo về nội dung chính sách và chỉ đạo của xã trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chỉ đạo của xã.
Các hộ không có đất ở đăng ký với trưởng ấp nhu cầu hưởng chính sách hỗ trợ; trưởng ấp lập danh sách các hộ đăng ký. Thời gian hoàn thành trong 03 ngày làm việc kể từ ngày ấp tổ chức họp thông báo về nội dung chính sách và chỉ đạo của xã;
b) Trưởng ấp phối hợp với đại diện các tổ chức chính trị - xã hội ấp, cán bộ địa chính xã kiểm tra thực trạng đất ở của các hộ đăng ký, lập biên bản kiểm tra và tổ chức họp bình xét. Trưởng ấp cử người ghi biên bản họp, có chữ ký xác nhận của trưởng ấp, của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội ấp, kèm theo danh sách hộ đã được bình xét theo thứ tự ưu tiên; lập tài liệu (gồm biên bản họp bình xét và danh sách) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Thời gian hoàn thành trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn đăng ký;
c) Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, tổng hợp tài liệu của các ấp và đối chiếu với các tiêu chí về đối tượng thụ hưởng quy định tại Điều 2 Thông tư này, lập danh sách theo thứ tự ưu tiên tại xã có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; lập 02 bộ tài liệu (gồm văn bản đề nghị kèm theo danh sách) gửi 01 bộ cho cơ quan công tác Dân tộc cấp huyện và 01 bộ niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Thời gian hoàn thành trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ tài liệu hợp lệ của các ấp;
d) Cơ quan công tác Dân tộc cấp huyện rà soát, tổng hợp hồ sơ của các xã, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở theo thứ tự ưu tiên trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các xã;
Hồ sơ 01 bộ bao gồm:
- Văn bản đề nghị phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách;
- Bảng tổng hợp danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách do cơ quan công tác Dân tộc cấp huyện lập;
2. Vay vốn để chuộc lại đất sản xuất đã chuyển nhượng, thế chấp theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg; trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
a) Trưởng ấp tổ chức họp mời đại diện tất cả các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của ấp, thông báo về nội dung chính sách và chỉ đạo của xã trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chỉ đạo của xã.
Hộ có nhu cầu vay vốn làm đơn gửi trưởng ấp và trình bày rõ việc đã chuyển nhượng, thế chấp đất trước đây, nguyện vọng tiếp tục có đất để sản xuất, nêu rõ sẽ chuộc lại đất hoặc được bà con thân tộc nhượng bán, số tiền cần vay và cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích. Thời gian nhận đơn là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của trưởng ấp;
b) Trưởng ấp tiếp nhận đơn, tổng hợp danh sách các hộ có đơn đăng ký, chủ trì tổ chức họp ấp có sự tham gia của cán bộ địa chính xã, các tổ chức chính trị - xã hội ấp. Hộ được xét cho vay vốn phải được trên 1/2 số người dự họp biểu quyết nhất trí. Trưởng ấp cử người ghi biên bản có ký xác nhận của trưởng ấp, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội ấp; lập tài liệu (gồm biên bản họp kèm danh sách và đơn của các hộ được xét cho vay vốn) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Thời gian hoàn thành trong 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn nộp đơn đăng ký của các hộ;
c) Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp hồ sơ của các ấp, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức kiểm tra thực tế và họp bình xét từng trường hợp; lập biên bản họp bình xét và danh sách hộ được thụ hưởng chính sách, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội xã; lập 02 bộ tài liệu (gồm văn bản đề nghị, biên bản họp bình xét và danh sách) gửi 01 bộ cho cơ quan công tác Dân tộc cấp huyện và 01 bộ niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Thời gian hoàn thành trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ tài liệu hợp lệ của các ấp;
d) Cơ quan công tác Dân tộc cấp huyện rà soát, tổng hợp hồ sơ của các xã, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định phê duyệt danh sách các hộ được vay vốn. Thời gian hoàn thành trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các xã;
Hồ sơ 01 bộ bao gồm:
- Văn bản đề nghị phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách;
- Bảng tổng hợp danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách do cơ quan công tác Dân tộc cấp huyện lập;
đ) Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện căn cứ hồ sơ của Ủy ban nhân dân huyện, hướng dẫn thủ tục vay vốn cho các hộ trong danh sách và thực hiện cho vay theo quy định.
Điều 6. Quản lý, sử dụng vốn
1. Công tác quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Quy trình, thủ tục cho vay, thu hồi nợ thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Điều 7. Công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nội dung chính sách theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg hướng dẫn tại Thông tư này tổ chức triển khai việc rà soát, xác định đối tượng và nhu cầu vốn của giai đoạn 2013-2015 của địa phương gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp xây dựng kế hoạch chung.
2. Hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện chính sách tại Quyết định 29/2013/QĐ-TTg gửi Ủy ban Dân tộc cùng thời điểm lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
3. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách tại địa phương gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp kết quả chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2013.
2. Các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này nếu có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh kịp thời về Ủy ban Dân tộc để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |