Thông tư số 34/2013/TT-BGTVT ngày 15/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam
- Số hiệu văn bản: 34/2013/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Ngày ban hành: 15-10-2013
- Ngày có hiệu lực: 01-12-2013
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4010 ngày (10 năm 12 tháng 0 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2013/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA THANH TRA CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;
Căn cứ Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam.
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam (sau đây gọi là Thanh tra Cục Hàng hải); nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam (sau đây gọi là Chánh Thanh tra Cục Hàng hải); công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng hải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hàng hải.
Chương 2.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA THANH TRA CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
Điều 3. Vị trí, chức năng của Thanh tra Cục Hàng hải
1. Thanh tra Cục Hàng hải là cơ quan của Cục Hàng hải Việt Nam, giúp Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (sau đây gọi là Cục trưởng) thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên.
Thanh tra Cục Hàng hải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi là Thanh tra Bộ).
Thanh tra Cục Hàng hải có tên giao dịch quốc tế viết bằng tiếng Anh là Vietnam Maritime Inspectorate, viết tắt là VMI.
2. Thanh tra Cục Hàng hải có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; được sử dụng con dấu của Cục Hàng hải Việt Nam theo quy định của pháp luật về sử dụng con dấu.
3. Thanh tra Cục Hàng hải được bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện để phục vụ hoạt động thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 4. Tổ chức và biên chế của Thanh tra Cục Hàng hải
1. Thanh tra Cục Hàng hải có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức.
Chánh Thanh tra Cục Hàng hải do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi là Chánh Thanh tra Bộ). Phó Chánh Thanh tra Cục Hàng hải do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Cục Hàng hải.
2. Biên chế của Thanh tra Cục Hàng hải thuộc biên chế hành chính của Cục Hàng hải Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Cục Hàng hải
1. Giúp Cục trưởng xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; hướng dẫn xây dựng, tổng hợp và trình Cục trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra của các Cảng vụ Hàng hải.
2. Thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành hàng hải, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên, trong các lĩnh vực sau đây:
a) Bảo đảm an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong xây dựng cảng biển; quản lý, khai thác cảng biển;
b) An toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài khi hoạt động tại vùng nước cảng biển, thủy nội địa và lãnh hải Việt Nam;
c) Quản lý, khai thác luồng hàng hải, hệ thống trợ giúp hàng hải; thông báo hàng hải;
d) Hoạt động thông tin bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải;
đ) Hoạt động kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải;
e) Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển;
g) Hoạt động của hoa tiêu hàng hải;
h) Đào tạo, huấn luyện, thi, sát hạch, cấp chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên và hoa tiêu hàng hải;
i) Hoạt động đăng ký tàu biển và bố trí thuyền viên;
k) Hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng hải;
l) Hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm ở biển và trong vùng nước cảng biển.
3. Phát hiện, lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính.
5. Kiến nghị hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chuyên ngành hàng hải; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc hủy bỏ những quy định trái pháp luật được phát hiện qua hoạt động thanh tra; kiến nghị áp dụng các biện pháp xử lý và khắc phục những vi phạm trong hoạt động hàng hải.
6. Giúp Cục trưởng tổ chức tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng theo quy định.
7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về: công tác thanh tra; xử phạt vi phạm hành chính; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng.
8. Giúp Chánh Thanh tra Bộ tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính; nghiệp vụ kiểm tra Nhà nước cảng biển (Port State Control) cho công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính tại Cục Hàng hải Việt Nam và các Cảng vụ Hàng hải.
9. Tổng hợp, báo cáo Thanh tra Bộ kết quả về: công tác thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác kiểm tra Nhà nước cảng biển; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam.
10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ giao theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Cục Hàng hải
1. Tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của Thanh tra Cục Hàng hải thực hiện theo quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Giúp Cục trưởng chỉ đạo, kiểm tra đối với Cảng vụ Hàng hải về thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra của các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.
3. Quyết định thành lập đoàn thanh tra theo chương trình, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt hoặc phân công thanh tra viên, công chức thuộc Thanh tra Cục Hàng hải thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải theo thẩm quyền.
4. Trình Cục trưởng thanh tra lại đối với vụ việc đã được Giám đốc Cảng vụ Hàng hải kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hàng hải hoặc theo yêu cầu của Chánh Thanh tra Bộ.
5. Kiến nghị Cục trưởng tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra của Cảng vụ Hàng hải.
6. Quyết định đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi trái pháp luật chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có đủ căn cứ xác định hành vi đó gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc gây trở ngại cho quá trình thanh tra.
7. Kiến nghị với Cục trưởng hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và bảo vệ môi trường theo quy định.
8. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Cục trưởng hoặc Chánh Thanh tra Bộ giao theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH HÀNG HẢI
Điều 7. Chỉ đạo, điều hành
1. Thanh tra Bộ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành hàng hải; hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho thanh tra viên, công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
2. Cục trưởng chỉ đạo Chánh Thanh tra Cục Hàng hải, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải khảo sát, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra chuyên ngành hàng hải; chỉ đạo công tác phối hợp giữa Thanh tra Cục Hàng hải, các phòng chuyên môn của Cục Hàng hải Việt Nam và các Cảng vụ Hàng hải trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành hàng hải.
Điều 8. Phối hợp hoạt động
1. Thanh tra Cục Hàng hải có trách nhiệm:
a) Phối hợp, quản lý, theo dõi và xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ trong nước và ở nước ngoài cho các thanh tra viên, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;
b) Phối hợp với các Cảng vụ Hàng hải trong việc xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải;
c) Phối hợp với cơ quan thanh tra chuyên ngành khác thuộc Bộ Giao thông vận tải, thuộc các Bộ, ngành và chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng hải; với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Thủ trưởng các cơ quan của Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Cục Hàng hải trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; bố trí và tạo điều kiện cho công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc quyền quản lý của mình tham gia thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải.
3. Các Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Cục Hàng hải trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành hàng hải.
Điều 9. Trách nhiệm phối hợp của các tổ chức, cá nhân
1. Các cơ quan trong ngành Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo đề nghị của Thanh tra Cục Hàng hải khi liên quan đến nội dung thanh tra.
2. Các tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp, hợp tác với thành viên đoàn thanh tra, thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập và thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013.
2. Thông tư này thay thế Quyết định số 70/2005/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra hàng hải.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chánh Thanh tra Cục Hàng hải, Giám đốc các Cảng vụ hàng hải, Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |