Thông tư số 29/2013/TT-BTC ngày 15/03/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 29/2013/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 15-03-2013
- Ngày có hiệu lực: 01-05-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-07-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1171 ngày (3 năm 2 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-07-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2013/TT-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2013 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ PHÍ CHO VAY LẠI VÀ PHÍ BẢO LÃNH ĐƯỢC TRÍCH TẠI BỘ TÀI CHÍNH GIAI ĐOẠN 2012-2015
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 46/2012/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015 như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại phí bảo lãnh được trích tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015.
2. Phí cho vay lại là khoản phí người vay lại phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
3. Phí bảo lãnh là phần Bộ Tài chính được trích theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bộ Tài chính.
2. Đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.
3. Đơn vị phối hợp trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính.
4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng phí cho vay lại, phần trích phí bảo lãnh và có liên quan đến hoạt động quản lý nợ công.
Điều 3. Phân bổ và sử dụng kinh phí
1. Số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích, phân bổ và quản lý, sử dụng như sau:
a) Dành 40% số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư này được để lại Quỹ tích lũy trả nợ.
b) 60% còn lại được sử dụng để chi theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 46/2012/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Nguồn kinh phí quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 3 Thông tư này được phân bổ và giao dự toán đảm bảo: Chi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công theo các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tối thiểu 40%; Chi đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, tập huấn để nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân ngoài đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính tối đa 60%.
3. Nội dung sử dụng kinh phí:
a) Chi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công theo các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, gồm:
- Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nợ công.
- Chi ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nợ công, gồm: trang bị thiết bị phần cứng; xây dựng, triển khai phần mềm; xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ công và các dự án công nghệ thông tin khác phục vụ công tác quản lý nợ công.
- Chi đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, tập huấn để nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kiến thức khác có liên quan (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài) của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý nợ công; cán bộ, công chức có liên quan đến công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
b) Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân ngoài đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính có thành tích đóng góp trực tiếp cho hoạt động quản lý nợ công (ngoài khoản khen thưởng hàng năm theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng): tối đa một tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực hiện trong năm của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.
4. Số kinh phí đã được bố trí để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 3 Điều này cuối năm chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Điều 4. Tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi
Chế độ chi thực hiện đầu tư, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công từ nguồn thu phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước. Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung sau:
1. Chi đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị: thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành do nhà nước và Bộ Tài chính quy định; việc tổ chức đầu tư, mua sắm tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của Bộ Tài chính
2. Chi ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
3. Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Ngoài ra, hướng dẫn thêm như sau: Đối với trường hợp mời giảng viên nước ngoài: tuỳ theo mức độ cần thiết, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại quyết định việc mời giảng viên nước ngoài, quyết định mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài trên cơ sở thoả thuận với giảng viên, bảo đảm phù hợp với khả năng kinh phí và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Chi học tập, khảo sát tại nước ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí.
5. Đối với các khoản chi đặc thù trong công tác quản lý nợ công mà chưa được quy định chế độ chi trong các văn bản của cơ quan có thẩm quyền: Căn cứ nguồn kinh phí được sử dụng và trên cơ sở vận dụng các tiêu chuẩn, mức chi quy định hiện hành, Bộ Tài chính xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, mức chi đặc thù cho phù hợp để làm căn cứ thực hiện.
Điều 5. Sử dụng kinh phí tiết kiệm được
Kết thúc năm ngân sách, số chênh lệch giữa nguồn kinh phí quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 3 Thông tư này và số chi thực tế thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại được sử dụng cho các nội dung sau:
1. Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức tối đa 1,0 lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ (gồm: lương ngạch, bậc, chức vụ và các loại phụ cấp; trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ) do nhà nước quy định. Việc phân phối thu nhập cho cán bộ, công chức theo nguyên tắc gắn với hiệu quả, chất lượng hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức và bảo đảm hợp lý, công bằng và phải được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ.
Tổng mức chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức từ nguồn nêu trên và từ nguồn kinh phí tiết kiệm được của đơn vị khi thực hiện chế độ tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, tối đa không vượt quá 1,0 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ nhà nước quy định.
2. Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức (tối đa 03 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm (ngoài khoản chi khen thưởng hàng năm theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng), gồm: chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của cán bộ, công chức; trợ cấp khó khăn đột xuất cho cán bộ, công chức, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế.
Tổng mức chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức từ nguồn nêu trên và từ nguồn kinh phí tiết kiệm được của đơn vị khi thực hiện chế độ tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 tối đa không quá 03 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm. Mức chi, đối tượng chi cụ thể được phải được quy định cụ thể tại Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
3. Trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập: Mức trích đảm bảo số dư của quỹ tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện. Quỹ dự phòng ổn định thu nhập được sử dụng trong trường hợp kinh phí tiết kiệm được không đủ để đảm bảo ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Tổng mức chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại hàng năm từ Quỹ này và từ kinh phí tiết kiệm được của đơn vị khi thực hiện chế độ tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, tối đa không vượt quá 1,0 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ nhà nước quy định.
4. Số kinh phí tiết kiệm được còn lại (nếu có) sau khi đã sử dụng cho các nội dung quy định tại Điều này, được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
Điều 6. Lập, chấp hành dự toán và quyết toán
Việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán số phí cho vay lại và phí bảo lãnh được để lại chi, thực hiện theo quy định hiện hành, Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1. Về lập dự toán:
Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại căn cứ khả năng thu, nhu cầu chi của năm kế hoạch, xây dựng dự toán thu, chi từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh, tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của Cục, gửi về Bộ Tài chính (đơn vị dự toán cấp I) để xem xét, cân đối chung và tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Về phân bổ và giao dự toán:
Căn cứ dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính (đơn vị dự toán cấp I) thực hiện giao dự toán thu - chi đối với Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (trong đó bao gồm dự toán thu, chi từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh).
3. Điều hành thực hiện dự toán thu:
a) Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại căn cứ vào các Hợp đồng cho vay lại và cam kết bảo lãnh, tổ chức việc thu phí cho vay lại và phí bảo lãnh theo quy định, nộp vào Quỹ tích lũy trả nợ.
b) Định kỳ hàng tháng, trên cơ sở số phí cho vay lại, phí bảo lãnh thực tế thu được, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại xác định số Bộ Tài chính được trích theo quy định tại Điều 2 Thông tư này, trong đó xác định số 40% để lại Quỹ tích lũy trả nợ và số 60% được sử dụng theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 46/2012/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận và sử dụng số 60% phí cho vay lại và phí bảo lãnh được để lại Bộ Tài chính nêu trên. Kho bạc nhà nước thực hiện theo dõi và kiểm soát chi cho các hoạt động của Cục từ tài khoản này theo đúng quy định hiện hành.
4. Về quyết toán:
a) Sau khi kết thúc năm ngân sách, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại có trách nhiệm đối chiếu số liệu về phí cho vay lại và phí bảo lãnh với các cơ quan cho vay lại và các chủ dự án để xác định số phí Bộ Tài chính được trích và số được sử dụng theo quy định.
b) Việc quyết toán số phí cho vay lại và phí bảo lãnh được để lại Bộ Tài chính thực hiện theo quy định hiện hành và tổng hợp chung trong quyết toán hàng năm của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 / 05 /2013.
2. Đối với việc phân phối thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại năm 2012:
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thực hiện bổ sung thu nhập cho cán bộ công chức ngoài khoản thu nhập tăng thêm đã được tạm ứng theo chế độ chung đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đảm bảo tổng số thu nhập tăng thêm năm 2012 không vượt quá 1,0 lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định; đồng thời đảm bảo nguyên tắc gắn với hiệu quả, chất lượng hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức và bảo đảm hợp lý, công bằng và phải được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ.
3. Số tiền được để lại chi từ nguồn thu phí cho vay lại và phí bảo lãnh của năm 2012 sau khi chi thu nhập tăng thêm năm 2012 theo quy định tại khoản 2 Điều này, được chuyển sang năm 2013 sử dụng và thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.
4. Định kỳ hàng năm, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện việc quản lý và sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính; vào Quý III/2015, Bộ Tài chính chủ trì, đánh giá kết quả thực hiện cả giai đoạn 2012-2015, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế thực hiện của giai đoạn tiếp theo.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |