cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29/06/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy kèm theo Thông tư 09/2012/TT-BGDĐT (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 24/2012/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Ngày ban hành: 29-06-2012
  • Ngày có hiệu lực: 29-06-2012
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 05-04-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-04-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1018 ngày (2 năm 9 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 13-04-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 13-04-2015, Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29/06/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy kèm theo Thông tư 09/2012/TT-BGDĐT (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về Quy chế tuyển sinh Đại học, cao đẳng hệ chính quy (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2012/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2012

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HỆ CHÍNH QUY BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 09/2012/TT-BGDĐT NGÀY 05 THÁNG 3 NĂM 2012 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

1. Điểm d, Khoản 3, Điều 9 được bổ sung như sau:

"Tổ chức việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kì thi theo điều 36a"

2. Điểm d, Khoản 3, Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

đ) Không được hút thuốc trong phòng thi”.

3. Sửa tên Chương V thành:

Chương V

XỬ LÝ THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ TIÊU CỰC TRONG KỲ THI VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, LƯU TRỮ

4. Bổ sung Điều 36a trước Điều 37 như sau:

"Điều 36a:

1. Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm qui chế tuyển sinh:

a) Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Hội đồng tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng.

c) Thanh tra tuyển sinh và Thanh tra giáo dục các cấp.

2. Các bằng chứng vi phạm quy chế sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.

3. Cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh:

a) Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh.

b) Người phát hiện những hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận qui định tại khoản 1 của điều này để có biện pháp xử lý.

c) Người có bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận qui định tại khoản 1 của điều này trong vòng 7 ngày từ khi kết thúc ngày thi để xử lý.

d) Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.

4. Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh:

a) Tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bằng chứng theo quy định; bảo vệ nguyên trạng bằng chứng; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng.

b) Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm qui chế tuyển sinh theo thông tin đã được cung cấp.

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh.

d) Bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin."

5. Khoản 1 Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng:

a) Những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;

b) Những người có nhiều thành tích đóng góp cho kỳ thi.”

6. Điểm b, Khoản 3, Điều 41 được sửa đổi như sau:

“b) Mang vật dụng trái phép theo qui định tại điểm d, khoản 3, Điều 25 vào phòng thi”

Điều 2. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ; (Để báo cáo)
- Uỷ ban VHGD TNTNNĐ của QH;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ trưởng (Để báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Bộ có trường ĐH, CĐ (Để thực hiện);
- Các UBND tỉnh, TP trực thuộc TW (Để thực hiện);
- Như Điều 2;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ GDĐT;
- Lưu VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga