Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN ngày 12/04/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện gia dụng và mục đích tương tự
- Số hiệu văn bản: 11/2012/TT-BKHCN
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
- Ngày ban hành: 12-04-2012
- Ngày có hiệu lực: 01-06-2012
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-06-2013
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4615 ngày (12 năm 7 tháng 25 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ KHOA HỌC VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2012/TT-BKHCN | Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2012 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH “QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ GIA DỤNG VÀ CÁC MỤC ĐÍCH TƯƠNG TỰ”
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện gia dụng và các mục đích tương tự (QCVN 9:2012/BKHCN).
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
Điều 3. Kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2013, các thiết bị điện và điện tử từ số 1 đến số 2 của Phụ lục QCVN 9:2012/BKHCN phải áp dụng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014, các thiết bị điện và điện tử từ số 3 đến số 7 của Phụ lục QCVN 9:2012/BKHCN phải áp dụng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Điều 4. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến thời điểm quy định tại Điều 3 Thông tư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ các thiết bị điện và điện tử phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
Điều 5. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QCVN 9 : 2012/BKHCN
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ GIA DỤNG VÀ CÁC MỤC ĐÍCH TƯƠNG TỰ
National technical regulation on
electromagnetic compatibility for household and similar electrical and electronic equipment
Lời nói đầu
QCVN 9 : 2012/BKHCN do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ GIA DỤNG VÀ CÁC MỤC ĐÍCH TƯƠNG TỰ
National technical regulation on
electromagnetic compatibility for household and similar electrical and electronic appliances
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn kỹ thuật này quy định các yêu cầu kỹ thuật và các yêu cầu quản lý đối với giới hạn phát xạ nhiễu điện từ phát ra từ các thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự.
Quy chuẩn kỹ thuật này không quy định về khả năng miễn nhiễm của thiết bị điện và điện tử.
Danh mục các thiết bị điện và điện tử thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật này được quy định tại Phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật này và có thể được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với:
1.2.1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ (sau đây gọi tắt là Doanh nghiệp) các thiết bị điện và điện tử thuộc phạm vi nêu ở 1.1;
1.2.2. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích sử dụng tương tự là các thiết bị được nối trực tiếp hoặc nối qua ổ cắm hoặc nối qua thiết bị đóng cắt đến nguồn điện hạ áp, sử dụng trong gia đình, trong thương mại và ở những nơi có mục đích sử dụng tương tự
1.3.2. Tương thích điện từ (EMC) là khả năng hoạt động thoả đáng của thiết bị hoặc hệ thống trong môi trường điện từ và không tạo ra nhiễu điện từ quá mức làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng của thiết bị khác trong môi trường đó.
1.3.3. Nhiễu điện từ là hiện tượng điện từ bất kỳ có thể làm suy giảm tính năng của cơ cấu, thiết bị hoặc hệ thống. Nhiễu điện từ bao gồm nhiễu dẫn và nhiễu bức xạ.
1.3.4. Suy giảm tính năng là sự sai khác không mong muốn về tính năng làm việc của cơ cấu, thiết bị hoặc hệ thống so với tính năng mong muốn.
1.3.5. Nguồn điện hạ áp là nguồn điện xoay chiều, có tần số 50 Hz và có điện áp không vượt quá 1 000 V hoặc nguồn một chiều có điện áp không vượt quá 1 500 V.
2. YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT
2.1. Các thiết bị điện và điện tử quy định trong Phụ lục phải đảm bảo nhiễu điện từ do chúng phát ra không vượt quá các giới hạn quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng như sau:
2.1.1. Máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh, tủ đá, điều hoà không khí dùng trong gia đình, máy khoan cầm tay hoạt động bằng động cơ, dụng cụ điện đun nước nóng tức thời theo TCVN 7492-1 (CISPR 14-1), Tương thích điện từ - Yêu cầu đối với thiết bị điện gia dụng, dụng cụ điện và các thiết bị tương tự - Phần 1: Phát xạ.
2.1.2. Bóng đèn có balát lắp liền theo TCVN 7186 (CISPR 15), Giới hạn và phương pháp đo đặc tính nhiễu tần số rađiô của thiết bị chiếu sáng và thiết bị tương tự.
2.2. Phương pháp thử nghiệm để xác định các giới hạn về nhiễu điện từ cho từng thiết bị điện và điện tử phải phù hợp với các phương pháp quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng nêu trên.
3. YÊU CẦU VỀ QUẢN LÝ
3.1. Điều kiện lưu thông trên thị trường
Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá; phải thực hiện chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3.2. Chứng nhận hợp quy về EMC
3.2.1. Phương thức chứng nhận hợp quy
Các thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước, nhập khẩu và kinh doanh phải được chứng nhận hợp quy về EMC theo phương thức 1 (thử nghiệm mẫu điển hình) quy định trong Phụ lục II của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thử nghiệm phải được thực hiện bởi phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc được thừa nhận của bên thứ ba.
Hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy không quá 3 năm.
3.2.2. Tổ chức chứng nhận hợp quy
Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận thực hiện.
Việc chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy về EMC đối với thiết bị điện và điện tử được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
3.2.3. Sử dụng dấu hợp quy
Dấu hợp quy phải tuân thủ theo khoản 2 Điều 4 của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
3.3. Đăng ký
3.3.1. Doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện và điện tử sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
3.3.2. Doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị điện và điện tử sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại cơ quan kiểm tra theo quy định tại Thông tư 17/2009/TT-BKHCN ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn trình tự thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
3.3.3. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Bản đăng ký công bố hợp quy (đối với thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước) theo mẫu quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc bản đăng ký kiểm tra chất lượng (đối với thiết bị điện và điện tử nhập khẩu) theo mẫu quy định tại Thông tư 17/2009/TT-BKHCN ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bản mô tả sản phẩm (tên gọi, tính năng công dụng, các thông số kỹ thuật cơ bản, danh mục hoặc hóa đơn các nguyên vật liệu, linh kiện chính …);
- Ảnh mầu tổng thể phía ngoài, bao gồm các ảnh về: toàn cảnh, mặt trước, mặt trên và mặt bên, phích cắm điện (nếu có); nhãn hiệu hàng hóa (nếu có), nhãn hàng hóa (có các thông số kỹ thuật cơ bản);
- Hướng dẫn sử dụng;
- Bản sao giấy chứng nhận hợp quy;
- Thông báo về những thay đổi liên quan đến thiết kế, nguyên vật liệu, công nghệ chế tạo (nếu có) so với hồ sơ đã đăng ký.
4. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
4.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp
Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phải bảo đảm giới hạn nhiễu điện từ theo quy định kỹ thuật tại Điều 2, thực hiện các quy định về quản lý tại Điều 3 của Quy chuẩn kỹ thuật này.
Trước khi đưa các thiết bị điện và điện tử ra lưu thông trên thị trường, Doanh nghiệp phải có trách nhiệm gắn dấu hợp quy lên thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp các bằng chứng khi có yêu cầu hoặc được kiểm tra theo các quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp có thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận hợp quy về những thay đổi của các bộ phận thiết yếu liên quan đến EMC của các thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận.
Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ không ít hơn 10 năm kể từ ngày sản phẩm cuối cùng của kiểu, loại đã đăng ký được xuất xưởng.
4.2. Trách nhiệm của tổ chức chứng nhận hợp quy
Tổ chức chứng nhận hợp quy phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Thông tư 09/2009/TT-BKHCN ngày 8 tháng 4 năm 2009 và Thông tư số 11/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN.
Tổ chức chứng nhận hợp quy phải tiếp nhận và xử lý thông báo của doanh nghiệp về thay đổi của sản phẩm hàng hóa liên quan đến EMC.
Tổ chức chứng nhận hợp quy phải lưu hồ sơ chứng nhận không ít hơn 6 năm kể từ ngày hết hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy.
4.3. Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa chịu trách nhiệm theo quy định tại Chương IV của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định có liên quan.
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này.
5.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn, văn bản được viện dẫn trong Quy chuẩn kỹ thuật này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định trong văn bản mới.
5.3. Trong trường hợp Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương thì thực hiện theo quy định tại các hiệp định đó./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ THUỘC PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA QCVN 9:2012/BKHCN
TT | Tên thiết bị điện và điện tử |
1. | Dụng cụ điện đun nước nóng tức thời |
2. | Máy khoan cầm tay hoạt động bằng động cơ điện |
3. | Bóng đèn có balat lắp liền |
4. | Máy hút bụi |
5. | Máy giặt |
6. | Tủ lạnh, tủ đá |
7. | Điều hòa không khí |