Thông tư số 52/2011/TT-BGDĐT ngày 11/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp
- Số hiệu văn bản: 52/2011/TT-BGDĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Ngày ban hành: 11-11-2011
- Ngày có hiệu lực: 26-12-2011
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 16-06-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-02-2022
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3704 ngày (10 năm 1 tháng 24 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-02-2022
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2011/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2011 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, QUY TRÌNH MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO, ĐÌNH CHỈ TUYỂN SINH, THU HỒI QUYẾT ĐỊNH MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 43/2008/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (sau đây viết tắt là TCCN).
2. Văn bản này áp dụng đối với trường TCCN, cơ sở giáo dục đào tạo trình độ TCCN (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo trình độ TCCN
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định mở ngành đào tạo trình độ TCCN đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ sở đào tạo trực thuộc các doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện một số quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu đối với doanh nghiệp đó theo quy định của pháp luật.
2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định mở ngành đào tạo trình độ TCCN đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc tỉnh.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định mở ngành đào tạo trình độ TCCN đối với các cơ sở đào tạo thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, trường chính trị, trường quân sự tỉnh và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN.
Điều 3. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ TCCN
Cơ sở đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ TCCN khi đảm bảo các điều kiện sau đây:
1. Có đủ tư cách pháp nhân và đảm bảo các quy định hiện hành về đào tạo TCCN.
2. Ngành đào tạo đăng ký mở phải phù hợp với yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ, quy hoạch và chiến lược phát triển của nhà trường, quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương và của ngành. Đảm bảo không có sự chồng chéo ngành đào tạo giữa các trường trên cùng một địa bàn.
3. Ngành đào tạo đăng ký mở có trong danh mục ngành đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Trường hợp ngành đăng ký mở chưa có tên trong danh mục ngành đào tạo, cơ sở đào tạo phải trình bày được những luận chứng khoa học về ngành đào tạo này, nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương và của ngành, kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới (nếu có) và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận bằng văn bản đối với ngành đào tạo này trước khi gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành.
4. Có đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình đào tạo, cụ thể:
a) Giáo viên tham gia giảng dạy đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ trường TCCN; có trình độ và kinh nghiệm thực tế phù hợp với yêu cầu của học phần mà họ sẽ giảng dạy trong chương trình đào tạo;
b) Có đội ngũ giáo viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo tương ứng với mỗi khối kiến thức, kỹ năng của ngành đăng ký mở, trong đó ít nhất 3 giáo viên có trình độ đại học trở lên đúng ngành với ngành đăng ký mở.
5. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu của ngành đăng ký mở, cụ thể:
a) Có đủ phòng học đáp ứng quy mô đào tạo theo quy định. Các phòng học phải đảm bảo về ánh sáng, thông gió, an toàn vệ sinh, cháy nổ và các trang thiết bị cơ bản phục vụ cho dạy-học;
b) Phòng thí nghiệm, thực hành, thực tập đáp ứng các yêu cầu thực hành, thực tập cơ bản của chương trình đào tạo. Các trang thiết bị trong phòng đảm bảo số lượng, chất lượng, bố trí phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, quy mô học sinh, phương pháp tổ chức dạy học, quy định về an toàn lao động và trình độ công nghệ của sản xuất hiện tại;
Đối với các cơ sở thực tập bên ngoài trường, cơ sở đào tạo phải được sự đồng ý của cơ sở thực tập bên ngoài trường thể hiện bằng văn bản ký kết giữa hai bên;
c) Thư viện có phòng tra cứu thông tin và các trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu tài liệu; có đủ giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập và sách tham khảo cho học sinh và giáo viên theo yêu cầu của ngành đăng ký mở;
d) Website của trường được cập nhật thường xuyên, công bố cam kết chất lượng giáo dục, công khai chất lượng giáo dục thực tế, các điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai thu chi tài chính.
6. Có chương trình đào tạo và chương trình chi tiết các học phần trong chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Chương trình phải đảm bảo các quy định hiện hành về đào tạo TCCN, trong đó kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo phải thể hiện phân bổ thời gian cho các hoạt động, các học phần và thời lượng học tập phù hợp với đối tượng đào tạo, đảm bảo tải trọng học tập dàn đều trong suốt khóa học. Chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định tại mẫu 1 của Phụ lục II kèm Thông tư này.
b) Chương trình chi tiết của từng học phần được xây dựng theo quy định tại mẫu 2 của Phụ lục II, trong đó:
- Tên gọi các học phần, thời lượng học phần, thời điểm thực hiện chương trình học phần phải thống nhất với chương trình đào tạo;
- Mục tiêu của học phần phải khẳng định theo chuẩn đầu ra của học phần (yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi mà học sinh phải đạt được sau khi kết thúc học phần) và nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo;
- Chương trình chi tiết học phần phải quy định điều kiện tiên quyết (nếu có) để yêu cầu học sinh cần phải đáp ứng trước khi vào học học phần;
- Phương pháp dạy và học các học phần phải sử dụng các phương pháp phát huy được tính tích cực, chủ động của người học và phù hợp với tính chất của học phần;
- Đánh giá kết quả học tập phải phù hợp với quy chế hiện hành về đào tạo TCCN và mục tiêu, tính chất của học phần;
- Nội dung chi tiết của học phần gồm các nội dung về kiến thức, kỹ năng cụ thể của học phần được cụ thể hóa thành các phần, chương hoặc bài học và các nội dung chính cho từng chương, bài học. Các nội dung này phải đáp ứng được mục tiêu của học phần, phù hợp với thời lượng học phần và tải trọng dạy, học của giáo viên và học sinh. Nội dung các học phần chung phải phù hợp với những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định;
- Đối với bài thực hành tại phòng thí nghiệm hoặc đi thực tập tại cơ sở bên ngoài trường phải ghi rõ mục tiêu, nội dung thực hành, thực tập, kế hoạch, thời gian, các điều kiện đảm bảo chất lượng thực hành, thực tập và các yêu cầu khác đối với học sinh trong quá trình thực hành, thực tập.
- Trang thiết bị dạy học phải ghi rõ tên, số lượng trang thiết bị, phương tiện, vật tư chính phục vụ cho việc dạy và học (lý thuyết và thực hành);
- Yêu cầu đối với giáo viên giảng dạy học phần phải ghi rõ yêu cầu về trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp;
- Nguồn tài liệu tham khảo dùng cho học phần phải ghi rõ tên tài liệu, tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản. Nếu nguồn tài liệu tham khảo từ Internet thì phải ghi rõ địa chỉ truy cập vào Website. Tài liệu tham khảo phải là những tài liệu cập nhật, gắn với nội dung học phần (có thể là tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài).
c) Hội đồng xây dựng chương trình gồm các giảng viên, giáo viên có kinh nghiệm về những nội dung liên quan trong chương trình và kinh nghiệm giảng dạy TCCN; nhà quản lý giáo dục; chuyên gia về xây dựng chương trình; đại diện các đơn vị có sử dụng lao động thuộc ngành đào tạo. Tổng số giáo viên, giảng viên của cơ sở đào tạo tham gia Hội đồng không vượt quá 2/3 tổng số thành viên trong Hội đồng;
d) Chương trình đào tạo và chương trình chi tiết các học phần phải được thông qua bởi Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo (đối với cơ sở đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo) hoặc của một cơ sở đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành chỉ định (đối với cơ sở đào tạo không được phép tự thẩm định chương trình đào tạo) hoặc có văn bản chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường hợp cá biệt được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4).
7. Có bộ máy quản lý và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường đảm bảo triển khai ngành đào tạo.
8. Không vi phạm các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và các quy định liên quan khác của pháp luật trong thời hạn 3 năm liên tiếp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo.
9. Đối với một số ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đặc biệt (Sức khỏe; Thể dục thể thao; Nghệ thuật; Đào tạo giáo viên), ngoài những điều kiện mở ngành được quy định tại Văn bản này, cơ sở đào tạo còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ, ngành chủ quản lĩnh vực này.
Điều 4. Thẩm định chương trình đào tạo
1. Cơ sở đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đã thành lập và tổ chức đào tạo được trên 3 năm;
b) Có ít nhất 5 giáo viên cơ hữu có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đúng ngành với ngành đăng ký mở, trong đó ít nhất 1 giáo viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên;
c) Ngành đào tạo đăng ký mở có trong danh mục ngành đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
d) Không có vi phạm trong quá trình tự thẩm định các chương trình đào tạo trước đó hoặc thẩm định chương trình đào tạo cho cơ sở đào tạo khác.
2. Cơ sở đào tạo được cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành chỉ định thẩm định chương trình đào tạo trình độ TCCN cho cơ sở đào tạo khác khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có ít nhất 5 giáo viên cơ hữu có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đúng ngành với ngành đăng ký mở, trong đó ít nhất 1 giáo viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên;
b) Đang triển khai đào tạo trình độ TCCN ngành cần thẩm định và có ít nhất 3 khóa học sinh của ngành cần thẩm định đã tốt nghiệp;
c) Không có vi phạm trong quá trình tự thẩm định chương trình đào tạo hoặc thẩm định chương trình đào tạo cho cơ sở đào tạo khác;
d) Không vi phạm các quy định hiện hành về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và các quy định liên quan khác của pháp luật trong thời hạn 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm được chỉ định thẩm định chương trình đào tạo trình độ TCCN cho cơ sở đào tạo có ngành đăng ký mở.
3. Quy trình thẩm định chương trình đào tạo
a) Trước khi nộp hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo, cơ sở đào tạo gửi công văn đến cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành đề nghị cho phép tự thẩm định chương trình đào tạo (Phụ lục VII) hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín thẩm định chương trình đào tạo. Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ sở đào tạo đề nghị tự thẩm định chương trình đào tạo hoặc chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín thẩm định, cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành phải có văn bản trả lời.
Trường hợp ngành cần thẩm định chưa có trong danh mục ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương không có cơ sở đào tạo nào có đủ điều kiện theo quy định để thẩm định chương trình đào tạo của ngành đăng ký mở và các trường hợp đặc thù khác, cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành gửi văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết cá biệt.
b) Sau khi nhận được ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cho phép tự tổ chức thẩm định chương trình đào tạo hoặc chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín để thẩm định chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo tiến hành thực hiện các công việc sau:
- Nếu cơ sở đào tạo được phép tự tổ chức thẩm định chương trình đào tạo, Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức họp Hội đồng thẩm định để thẩm định chương trình đào tạo của cơ sở mình.
- Nếu cơ sở đào tạo không được phép tự tổ chức thẩm định chương trình đào tạo, sau khi nhận được ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành, cơ sở đào tạo gửi chương trình đào tạo đến cơ sở đào tạo do cơ quan có thẩm quyền chỉ định để thẩm định. Thủ trưởng cơ sở đào tạo được chỉ định làm nhiệm vụ thẩm định ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức họp Hội đồng để thẩm định chương trình đào tạo trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành gửi công văn chỉ định cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ thẩm định và đã nhận được chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo đề nghị thẩm định.
- Thành phần Hội đồng thẩm định, nội dung và cách thức tiến hành phiên họp của Hội đồng được thực hiện theo quy định về thẩm định chương trình giáo dục TCCN hiện hành. Sau khi thẩm định xong chương trình đào tạo, Thủ trưởng cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ thẩm định xác nhận vào biên bản của Hội đồng thẩm định (Phụ lục VI) và vào chương trình đào tạo.
- Đối với những chương trình đào tạo giải quyết theo trường hợp cá biệt, cơ sở đào tạo gửi chương trình đào tạo đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành và chương trình của cơ sở đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản trả lời.
4. Kinh phí tổ chức thẩm định chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo chi trả theo quy định hiện hành.
Điều 5. Hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ TCCN
Hồ sơ đăng ký mở ngành do cơ sở đào tạo xây dựng, được đóng thành quyển và có đóng dấu giáp lai, bao gồm:
1. Tờ trình đăng ký mở ngành đào tạo (Phụ lục I).
2. Đề án đăng ký mở ngành đào tạo, bao gồm các nội dung:
a) Chương trình đào tạo và chương trình chi tiết các học phần;
b) Năng lực của cơ sở đào tạo:
- Danh sách giáo viên giảng dạy (mẫu 1 Phụ lục III);
- Bảng kê cở sở vật chất (mẫu 2 Phụ lục III);
c) Các tài liệu và minh chứng kèm theo:
- Quyết định thành lập Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo;
- Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định kèm Biên bản thẩm định chương trình đào tạo của Hội đồng thẩm định do cơ sở đào tạo thành lập (đối với cơ sở đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo) hoặc của cơ sở đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành chỉ định (đối với cơ sở đào tạo không được phép tự thẩm định chương trình đào tạo), hoặc các văn bản về việc thẩm định chương trình đào tạo (đối với trường hợp cá biệt).
- Hồ sơ trích ngang các giáo viên của ngành đăng ký mở (Phụ lục IV);
- Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn kèm theo chữ ký của người sở hữu văn bằng, chứng chỉ sư phạm của các giáo viên (trừ giáo viên đã tốt nghiệp đại học sư phạm);
- Minh chứng cho điều kiện quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 3 của Văn bản này;
- Biên bản xác nhận các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo kèm ý kiến bằng văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi trường đặt trụ sở về nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn (trừ các cơ sở đào tạo trực thuộc tỉnh).
Điều 6. Quy trình mở ngành đào tạo trình độ TCCN
1. Đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc tỉnh
a) Cơ sở đào tạo lập 05 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 của Văn bản này và gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Nếu hồ sơ đăng ký mở ngành của cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện và đạt yêu cầu theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế tại cơ sở đào tạo.
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo về tình trạng hồ sơ và đề nghị cơ sở đào tạo tiếp tục chuẩn bị các điều kiện.
- Thời hạn kiểm tra hồ sơ không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mở ngành của cơ sở đào tạo.
b) Kiểm tra thực tế tại cơ sở đào tạo
- Thành phần đoàn kiểm tra gồm đại diện Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (Trưởng đoàn), 01 đại diện đơn vị trực tiếp quản lý về TCCN của Sở (Thư ký), 01 đại diện của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, 01 đại diện của sở ngành địa phương liên quan, 01 chuyên gia có hiểu biết và kinh nghiệm về ngành đào tạo.
- Nội dung kiểm tra gồm: Sự cần thiết của việc mở ngành; đối chiếu nội dung kê khai trong hồ sơ với các quy định hiện hành và các điều kiện thực tế như kế hoạch phân công giáo viên giảng dạy trong khóa học, bảng lương của trường, sổ bảo hiểm của giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực tế, dữ liệu của cơ sở đào tạo đã công bố công khai trên Website và các tài liệu minh chứng khác.
- Biên bản kiểm tra (mẫu 1, Phụ lục V) phải ghi đầy đủ trung thực ý kiến của các thành viên có mặt trong buổi kiểm tra về tình trạng thực tế, khả năng đáp ứng các điều kiện cho phép đào tạo, ý kiến của lãnh đạo cơ sở đào tạo và cùng ký tên vào biên bản. Kết luận của Biên bản phải đảm bảo đủ cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định: Thống nhất việc phê duyệt mở ngành; chưa cho phép mở ngành, cần phải bổ sung các điều kiện còn thiếu; không thống nhất việc mở ngành.
- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quyết định mở ngành phải hoàn tất việc kiểm tra thực tế tại trường.
c) Quyết định cho phép mở ngành đào tạo
Nếu cơ sở đào tạo đảm bảo được các điều kiện mở ngành theo quy định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký quyết định phê duyệt mở ngành đào tạo trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra thực tế.
Trường hợp cơ sở đào tạo chưa đảm bảo được các điều kiện mở ngành theo quy định thì được phép bổ sung trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm tra thực tế. Sau khi hoàn thiện, cơ sở đào tạo gửi báo cáo bằng văn bản về các nội dung đã bổ sung kèm minh chứng và 02 bộ hồ sơ hoàn thiện tới cơ quan quyết định mở ngành:
- Nếu cơ sở đào tạo đã đảm bảo các điều kiện và đạt yêu cầu theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ sở đào tạo, cơ quan có thẩm quyền phải có quyết định cho phép mở ngành đào tạo;
- Nếu sau 30 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm tra thực tế, cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện mở ngành theo quy định thì phải sau 3 tháng kể từ ngày có kết quả kiểm tra, cơ sở đào tạo mới được phép nộp lại hồ sơ đăng ký mở ngành và phải thực hiện quy trình theo đúng các quy định tại khoản 1 Điều này.
d) Quyết định cho phép mở ngành kèm hồ sơ đăng ký mở ngành hoàn thiện và Biên bản kiểm tra các điều kiện phải được cơ quan quyết định mở ngành gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi quản lý trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ký.
2. Đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, ngành và các cơ sở đào tạo khác
a) Trước khi nộp hồ sơ tới cơ quan quyết định mở ngành, cơ sở đào tạo lập hồ sơ theo quy định tại Điều 5 và gửi 02 bộ tới Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở chính kèm theo văn bản đề nghị kiểm tra xác nhận điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo.
b) Kiểm tra, xác nhận điều kiện mở ngành
- Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra. Thành phần đoàn kiểm tra gồm đại diện Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (Trưởng đoàn), đại diện đơn vị trực tiếp quản lý về TCCN của Sở (Thư ký), 01 đại diện của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, 01 đại diện của sở ngành địa phương liên quan, 01 chuyên gia có hiểu biết và kinh nghiệm về ngành đào tạo.
- Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối chiếu các nội dung kê khai trong hồ sơ với các điều kiện thực tế như: Bảng lương của trường, sổ bảo hiểm của giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực tế và các tài liệu minh chứng khác đồng thời lập biên bản kiểm tra (mẫu 2 Phụ lục V).
- Thời hạn hoàn tất việc kiểm tra không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Kinh phí để Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm tra do cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành chi trả theo quy định hiện hành.
c) Cơ sở đào tạo gửi 02 bộ hồ sơ đăng ký mở ngành kèm theo biên bản kiểm tra thực tế và ý kiến bằng văn bản về nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn của Sở Giáo dục và Đào tạo tới cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành:
- Nếu hồ sơ đăng ký mở ngành của cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện và đạt yêu cầu theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định cho phép mở ngành đào tạo trình TCCN.
- Nếu hồ sơ đăng ký mở ngành của cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện theo quy định, nhưng vẫn còn một số nội dung cần phải hoàn thiện, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quyết định mở ngành thông báo bằng văn bản cho cơ sở đào tạo những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đã hoàn thiện của cơ sở đào tạo, nếu cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện theo quy định, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định mở ngành đào tạo trình độ TCCN.
- Nếu hồ sơ đăng ký mở ngành của cơ sở đào tạo chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quyết định mở ngành thông báo bằng văn bản tình trạng hồ sơ và đề nghị cơ sở đào tạo tiếp tục chuẩn bị các điều kiện. Trường hợp này phải sau 3 tháng kể từ ngày cơ quan quyết định mở ngành gửi văn bản thông báo, cơ sở đào tạo mới được phép nộp lại hồ sơ đăng ký mở ngành và phải thực hiện quy trình theo đúng các quy định tại khoản 2 Điều này.
d) Quyết định cho phép mở ngành kèm hồ sơ đăng ký mở ngành hoàn thiện và Biên bản kiểm tra các điều kiện phải được cơ quan quyết định mở ngành gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi quản lý trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ký (trừ các cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định mở ngành đào tạo).
Điều 7. Đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo trình độ TCCN
1. Cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo trong những trường hợp sau:
a) Không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo trình độ TCCN quy định tại Điều 3 của Văn bản này;
b) Tổ chức đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo;
c) Không thực hiện theo đúng quy trình mở ngành được quy định tại Điều 6;
d) Người cho phép mở ngành không đúng thẩm quyền;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo thì có thẩm quyền quyết định đình chỉ.
3. Quyết định đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo phải xác định rõ lý do đình chỉ tuyển sinh, quy định rõ thời gian đình chỉ, các biện pháp bảo đảm quyền lợi của học sinh và giáo viên. Quyết định đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Trình tự, thủ tục đình chỉ tuyển sinh hoặc cho phép tuyển sinh trở lại:
a) Khi phát hiện cơ sở đào tạo vi phạm một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quyết định mở ngành tổ chức kiểm tra để đánh giá mức độ vi phạm;
b) Căn cứ vào mức độ vi phạm của cơ sở đào tạo, cơ quan quyết định mở ngành ra quyết định đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo;
c) Sau thời hạn đình chỉ tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh được khắc phục và cơ sở đào tạo có hồ sơ đề nghị được tuyển sinh trở lại thì cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ tuyển sinh ra quyết định cho phép cơ sở đào tạo được tuyển sinh trở lại.
Hồ sơ đề nghị được phép tuyển sinh trở lại gồm: Tờ trình cho phép tuyển sinh trở lại; báo cáo giải trình việc khắc phục các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh kèm theo các minh chứng.
5. Các quyết định đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo, cho phép tuyển sinh trở lại phải được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày ký (trừ các cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định mở ngành đào tạo).
Điều 8. Thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ TCCN
1. Cơ sở đào tạo bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trong những trường hợp sau:
a) Có hành vi, bằng chứng gian lận trong kê khai các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hoặc sao chép toàn bộ chương trình đào tạo của một cơ sở đào tạo khác;
b) Vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức, đào tạo tại cơ sở đào tạo;
c) Hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh;
d) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải thu hồi;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo thì có thẩm quyền thu hồi quyết định này.
3. Quyết định thu hồi quyết định mở ngành đào tạo phải xác định rõ lý do thu hồi, các biện pháp cụ thể đảm bảo quyền lợi của học sinh và giáo viên. Quyết định thu hồi phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày ký (trừ các cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định mở ngành đào tạo).
4. Trình tự, thủ tục thu hồi quyết định mở ngành đào tạo
a) Khi cơ sở đào tạo vi phạm một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quyết định mở ngành đào tạo tổ chức kiểm tra để đánh giá mức độ vi phạm;
b) Căn cứ vào mức độ vi phạm, cơ quan quyết định mở ngành đào tạo ra quyết định thu hồi quyết định mở ngành đào tạo.
5. Trường hợp cơ sở đào tạo vi phạm các quy định về mở ngành đào tạo mà vẫn tuyển sinh đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản đề nghị cơ quan quyết định mở ngành ra quyết định đình chỉ tuyển sinh hoặc thu hồi quyết định mở ngành đào tạo tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi cơ quan quyết định mở ngành về việc vi phạm này, cơ quan quyết định mở ngành chỉ được phép ra quyết định mở ngành đào tạo mới sau khi có ý kiến thoản thuận bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Vụ Giáo dục chuyên nghiệp chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng trong việc:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ TCCN.
2. Tổ chức xem xét hồ sơ và các điều kiện đăng ký mở ngành đào tạo trình độ TCCN đối với các cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định mở ngành.
3. Hàng năm, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng về tình hình mở ngành đào tạo ở các trường thuộc Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục khác.
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ có cơ sở đào tạo TCCN
1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xem xét hồ sơ và các điều kiện đăng ký mở ngành đào tạo trình độ TCCN đối với các cơ sở đào tạo do Bộ, cơ quan ngang Bộ quyết định mở ngành theo đúng các quy định của Văn bản này.
2. Theo dõi quá trình thực hiện tổ chức đào tạo của cơ sở đào tạo đối với ngành đăng ký mở.
3. Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cơ sở đào tạo có những thay đổi về đối tượng tuyển sinh, thời gian đào tạo, địa điểm tuyển sinh và những thay đổi khác.
4. Gửi các quyết định cho phép mở ngành đào tạo trình độ TCCN, đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo cho các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, nơi trường đặt trụ sở để theo dõi.
5. Công khai các quyết định cho phép mở ngành đào tạo trình độ TCCN, đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trên Website của đơn vị.
6. Rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với những ngành đào tạo của các cơ sở đào tạo trực thuộc mà đã được phép tuyển sinh đào tạo trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành. Ra quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với những ngành đào tạo mà hiện tại không còn đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xem xét hồ sơ và các điều kiện đăng ký mở ngành đào tạo trình độ TCCN đối với các cơ sở đào tạo do Sở quyết định mở ngành theo đúng các quy định của Văn bản này.
2. Theo dõi quá trình thực hiện tổ chức đào tạo của cơ sở đào tạo đối với ngành đăng ký mở.
3. Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cơ sở đào tạo có những thay đổi về đối tượng tuyển sinh, thời gian đào tạo, địa điểm tuyển sinh và những thay đổi khác.
4. Công khai các quyết định cho phép mở ngành đào tạo trình độ TCCN, đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo, danh sách đoàn kiểm tra kèm Biên bản kiểm tra các điều kiện mở ngành (của tất cả các cơ sở đào tạo trên địa bàn) trên Website của đơn vị.
5. Tổ chức kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho các cơ sở đào tạo không thuộc thẩm quyền quyết định mở ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo khi cơ sở đào tạo đề nghị.
6. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định, sự trung thực và tính chính xác của các kết quả kiểm tra thực tế tại cơ sở đào tạo.
7. Rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với những ngành đào tạo của các cơ sở đào tạo trực thuộc mà đã được phép tuyển sinh đào tạo trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành. Ra quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với những ngành đào tạo mà hiện tại không còn đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm và quyền của cơ sở đào tạo được chỉ định thẩm định chương trình đào tạo
1. Thẩm định chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo theo quy định tại Văn bản này và quy định hiện hành về thẩm định chương trình giáo dục TCCN khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành chỉ định.
2. Được quyền xem xét các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xây dựng chương trình đào tạo và được quyền yêu cầu cơ sở đào tạo cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan.
3. Thực hiện thẩm định khách quan, trung thực. Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định chương trình đào tạo.
4. Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành và các cơ quan chức năng có thẩm quyền về kết quả thẩm định chương trình đào tạo.
5. Nếu trong quá trình thẩm định, cơ sở đào tạo được chỉ định thẩm định chương trình đào tạo của cơ sở khác vi phạm các quy định tại Văn bản này thì sẽ bị dừng việc giao nhiệm vụ thẩm định chương trình đào tạo và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo
1. Thực hiện đúng các quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình đăng ký mở ngành đào tạo trình độ TCCN.
2. Đảm bảo tính trung thực, chính xác của hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo.
3. Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu và các minh chứng khi đoàn kiểm tra hoặc Hội đồng thẩm định yêu cầu.
4. Công khai danh sách giáo viên, cơ sở vật chất của ngành đăng ký mở trên Website của đơn vị trước ngày nộp hồ sơ đăng ký mở ngành.
5. Thực hiện đúng nội dung chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như đã cam kết trong hồ sơ đăng ký mở ngành sau khi được phê duyệt mở ngành và phải có sự điều chỉnh phù hợp cho các khóa học sau để đảm bảo các quy định hiện hành về đào tạo TCCN.
6. Trong quá trình tổ chức đào tạo, nếu có nhu cầu bổ sung thêm đối tượng tuyển sinh (thay đổi thời gian đào tạo) hoặc tuyển sinh và đào tạo tại chi nhánh (phân hiệu) mới, cơ sở đào tạo phải điều chỉnh lại chương trình đào tạo, chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo chuẩn đầu ra của ngành đào tạo và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành. Cơ sở đào tạo chỉ được phép tuyển sinh, đào tạo đối với các trường hợp này khi không vi phạm các quy định hiện hành về đào tạo TCCN tại thời điểm đăng ký điều chỉnh bổ sung và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
7. Đối với những ngành đào tạo mà cơ sở đào tạo 5 năm liên tiếp không tuyển sinh, trước khi tuyển sinh trở lại cơ sở đào tạo phải có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành về các điều kiện đảm bảo chất lượng cho ngành đào tạo này.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2011.
Các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Bộ, ngành có trường trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị khác có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị khác có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: | KT.BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|