cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 39/2011/TT-BCA ngày 21/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

  • Số hiệu văn bản: 39/2011/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công An
  • Ngày ban hành: 21-06-2011
  • Ngày có hiệu lực: 05-08-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4859 ngày (13 năm 3 tháng 24 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2011/TT-BCA

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH LỰC LƯỢNG CÔNG AN KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Bộ Công an quy định lực lượng Công an kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung và phương pháp kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân thuộc các lực lượng: Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động và Trưởng Công an cấp xã.

Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Mọi hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được phát hiện, xử lý kịp thời, chính xác, khách quan; mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải do người có thẩm quyền quy định tại Điều 3 Thông tư này tiến hành.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát hiện và thông báo kịp thời đến Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý đường bộ hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất về hành vi vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan Công an khi nhận được tin báo về hành vi vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Nhiệm vụ

a) Thông qua tuần tra, kiểm tra và các biện pháp nghiệp vụ khác để phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

c) Áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, khoa học - kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, nghiệp vụ, vũ trang để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

d) Bảo vệ an toàn, bí mật cho cá nhân, tổ chức cung cấp, báo tin về vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

e) Yêu cầu cơ quan quản lý đường bộ khắc phục các bất hợp lý về tổ chức an toàn giao thông đường bộ.

2. Quyền hạn

a) Lập biên bản các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và xử lý theo thẩm quyền;

b) Kiểm tra giấy tờ tùy thân của người có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khác để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

d) Trong trường hợp cần thiết, được ra quyết định hoặc kiến nghị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây nguy hại đến an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

e) Yêu cầu cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương, tổ chức có liên quan phối hợp xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 7. Nội dung và phương pháp kiểm tra vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Nội dung kiểm tra

a) Kiểm tra công trình đường bộ, phát hiện kịp thời các vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được quy định tại Điều 15, Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác;

b) Kiểm tra phần đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ, phát hiện các vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4, khoản 5, Điều 18 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn giao thông đường bộ, được xác định theo Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Kiểm tra việc khắc phục hậu quả của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Phương pháp kiểm tra

a) Lực lượng Cảnh sát giao thông thông qua tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; điều khiển giao thông và dẫn đoàn; thường xuyên hoặc đột xuất kiểm tra tổ chức an toàn giao thông đường bộ phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Công an xã thông qua chức năng, nhiệm vụ hoặc khi được huy động làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông và các hoạt động nghiệp vụ khác để kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 8. Xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Việc xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008), Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Cục Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết, bảo đảm kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ (để th/hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát PCCC tp Hồ Chí Minh (để th/hiện);
- Lưu: VT, V19, C61(C67).

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh