cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 80/2011/TT-BQP ngày 01/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định về Quy trình kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 80/2011/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Ngày ban hành: 01-06-2011
  • Ngày có hiệu lực: 16-07-2011
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2907 ngày (7 năm 11 tháng 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2019, Thông tư số 80/2011/TT-BQP ngày 01/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định về Quy trình kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 15/2019/TT-BQP ngày 11/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Về quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/2011/TT-BQP

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TRÊN BIỂN CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát biển;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quy trình kiểm tra, kiểm soát của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu, thuyền bao gồm tàu, thuyền và cấu trúc nổi có động cơ hoặc không có động cơ hoạt động trên biển.

2. Quy trình kiểm tra, kiểm soát là các bước mà tổ kiểm tra, kiểm soát thực hiện kể từ khi có hiệu lệnh dừng tàu, thuyền cho đến khi kết thúc hoạt động kiểm tra, kiểm soát, rời khỏi tàu, thuyền bị kiểm tra, kiểm soát.

Điều 4. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát

1. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát Cảnh sát biển được tổ chức thành biên đội theo từng chuyến hoạt động; thành phần số lượng tàu Cảnh sát biển và con người trực tiếp tham gia kiểm tra, kiểm soát do Cục trưởng Cục Cảnh sát biển quy định.

2. Tổ kiểm tra, kiểm soát là một bộ phận của lực lượng kiểm tra, kiểm soát Cảnh sát biển.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động kiểm tra, kiểm soát

Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng tàu Cảnh sát biển được quy định tại Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 6. Yêu cầu cụ thể đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát

1. Khi hoạt động kiểm tra, kiểm soát, tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phải treo Cờ lệnh; cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phải mang, mặc trang phục đúng quy định.

2. Kiểm tra, kiểm soát phải tiến hành công khai, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và tàu, thuyền trong nước và nước ngoài hoạt động hợp pháp trên biển.

3. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phải có thái độ tôn trọng khi tiếp xúc với các cá nhân và tổ chức hoạt động trên biển; không gây phiền hà, sách nhiễu làm ảnh hưởng đến thời gian, hành trình của tàu, thuyền bị kiểm tra, kiểm soát; không lợi dụng vị trí công tác để tham nhũng; đối với đối tượng vi phạm phải cương quyết, đúng pháp luật.

Điều 7. Nội dung, kiểm tra, kiểm soát

1. Các loại giấy tờ chứng minh tính hợp pháp về người, tàu, thuyền, hàng hóa và hành lý trên tàu, thuyền bị kiểm tra, kiểm soát.

2. Thực tế người, tàu, thuyền, hàng hóa và hành lý hiện có trên tàu, thuyền bị kiểm tra, kiểm soát.

Điều 8. Các trường hợp được dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát

1. Lực lượng đang tuần tra, kiểm soát trực tiếp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Có tin báo của cơ quan chuyên trách thuộc Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam về hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng đang hoạt động trên biển.

3. Có tin báo, tố giác của cá nhân, tổ chức về hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng đang hoạt động trên biển.

4. Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.

5. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

THÀNH PHẦN, NHIỆM VỤ VÀ TRANG BỊ NGHIỆP VỤ CỦA TỔ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

Điều 9. Tổ kiểm tra, kiểm soát

1. Thành phần và số lượng

a) Thành phần Tổ kiểm tra, kiểm soát gồm cảnh sát viên, cán bộ, chiến sĩ được biên chế trên tàu Cảnh sát biển và cán bộ được giao nhiệm vụ công tác theo tàu Cảnh sát biển.

Cảnh sát biển là Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát.

b) Số lượng ít nhất của Tổ kiểm tra, kiểm soát là 03 (ba) người.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế và đối tượng bị kiểm tra, kiểm soát, biên đội trưởng hoặc người chỉ huy cao nhất trên tàu Cảnh sát biển có thể bổ sung thành phần, số lượng của tổ kiểm tra, kiểm soát.

Điều 10. Nhiệm vụ của Tổ kiểm tra, kiểm soát

1. Tổ kiểm tra, kiểm soát có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát có nhiệm vụ chỉ huy, điều hành các tổ viên tiến hành các hoạt động kiểm tra, kiểm soát cụ thể.

Điều 11. Trang bị nghiệp vụ của Tổ kiểm tra, kiểm soát

1. Tổ kiểm tra, kiểm soát được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ; khi sử dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

2. Kết quả sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng làm chứng cứ cho việc lập biên bản và xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

QUY TRÌNH KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

Điều 12. Hiệu lệnh dừng tàu, thuyền

1. Hiệu lệnh dừng tàu, thuyền được thể hiện bằng tín hiệu hàng hải hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

2. Căn cứ các trường hợp được dừng tàu, thuyền quy định tại Điều 8 Thông tư này, Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển phát tín hiệu yêu cầu tàu, thuyền dừng lại để kiểm tra, kiểm soát.

Điều 13. Xử lý đối với trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng tàu, thuyền

Trong trường hợp tàu, thuyền không chấp hành hiệu lệnh dừng tàu, thuyền, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy thì lực lượng kiểm tra, kiểm soát thực hiện quyền cưỡng chế, quyền truy đuổi hoặc các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 14. Hành động của cán bộ, chiến sĩ trên tàu Cảnh sát biển

1. Sau khi có hiệu lệnh dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát căn cứ vào điều kiện thực tế, Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển nhanh chóng điều động tàu hoặc xuồng Cảnh sát biển cặp mạn tàu, thuyền bị kiểm tra, kiểm soát để tổ kiểm tra, kiểm soát thực hiện nhiệm vụ.

2. Sau khi Tổ kiểm tra, kiểm soát đã lên tàu, thuyền bị kiểm tra, tàu Cảnh sát biển giữ khoảng cách an toàn đối với tàu, thuyền bị kiểm tra. Toàn tàu ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, giữ vững thông tin liên lạc, tổ chức lực lượng canh gác, giám sát chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra để đảm bảo an toàn cho Tổ kiểm tra, kiểm soát.

Điều 15. Hành động của Tổ kiểm tra, kiểm soát

1. Tổ trưởng

Khi lên tàu, thuyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kiểm tra, kiểm soát, Tổ trưởng triển khai đội hình làm nhiệm vụ theo vị trí đã phân công. Tổ trưởng thực hiện các nội dung sau:

a) Chào thuyền trưởng hoặc người đại diện tàu, thuyền, xưng danh Tổ kiểm tra, kiểm soát thuộc đơn vị nào của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;

b) Tuyên bố lý do, nội dung kiểm tra, kiểm soát cho thuyền trưởng hoặc người đại diện tàu, thuyền biết;

c) Yêu cầu thuyền trưởng và thuyền viên khác chấp hành mệnh lệnh của Tổ kiểm tra, kiểm soát.

d) Chỉ đạo các tổ viên tiến hành kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo quy định.

e) Sau khi thực hiện các nội dung kiểm tra, kiểm soát, Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát phải thông báo cho thuyền trưởng hoặc đại diện tàu, thuyền bị kiểm tra biết kết quả kiểm tra, kiểm soát.

g) Trường hợp không phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát ghi nhật ký kiểm tra, kiểm soát, tuyên bố kết thúc kiểm tra và cho tàu, thuyền tiếp tục hành trình. Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát chào thuyền trưởng hoặc đại diện tàu, thuyền bị kiểm tra, kiểm soát; chỉ huy Tổ kiểm tra, kiểm soát về tàu Cảnh sát biển.

h) Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát thông báo để người vi phạm biết, lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Cảnh sát viên

a) Tiến hành kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật;

b) Báo cáo Tổ trưởng kết quả kiểm tra, kiểm soát và phương hướng giải quyết.

c) Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khác theo lệnh của Tổ trưởng.

3. Các thành viên còn lại của Tổ kiểm tra, kiểm soát

a) Có mặt tại các vị trí được phân công; kịp thời khống chế thông tin, hàng hải, máy tàu, thuyền theo lệnh của Tổ trưởng;

b) Cảnh giới, quan sát mọi di biến động của tàu, thuyền và di biến động, thái độ của các thuyền viên, kịp thời báo cáo Tổ trưởng;

c) Sẵn sàng làm nhiệm vụ khác theo lệnh của Tổ trưởng.

Điều 16. Nhiệm vụ của biên đội khi dẫn giải tàu, thuyền vi phạm

1. Biên đội trưởng có nhiệm vụ:

a) Chỉ huy biên đội dẫn giải tàu, thuyền vi phạm về địa điểm quy định theo phương án hoặc mệnh lệnh của cấp trên.

b) Căn cứ tình hình cụ thể, Biên đội trưởng quyết định việc tăng cường lực lượng cho Tổ kiểm tra, kiểm soát; quyết định hình thức, đội hình dẫn giải, giữ vững cự ly cần thiết (trừ trường hợp trực tiếp kéo hoặc lai dắt), phân công lực lượng quan sát, giám sát cảnh giới; quy định hiệp đồng thông tin giữa Tổ dẫn giải với tàu Cảnh sát biển, sẵn sàng chi viện, xử lý các tình huống xảy ra; đảm bảo chế độ ăn uống, quản lý các đối tượng vi phạm không để xảy ra các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản hoặc để đối tượng bỏ trốn trong quá trình dẫn giải.

2. Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát có nhiệm vụ:

a) Tuyên bố lý do tạm giữ, dẫn giải và các quy định cần thiết đối với người và tàu, thuyền bị dẫn giải cho thuyền viên biết; tổ chức khống chế hàng hải, thông tin, máy tàu, thuyền và thuyền viên.

b) Quy định hiệp đồng giữa các thành viên trong tổ kiểm tra, kiểm soát.

c) Giữ vững thông tin liên lạc giữa tổ kiểm tra, kiểm soát với tàu Cảnh sát biển.

3. Tổ viên Tổ kiểm tra, kiểm soát có nhiệm vụ:

a) Khống chế thông tin, hàng hải, máy tàu, thuyền và các trang bị khác của tàu, thuyền vi phạm; xác định thời gian, tọa độ phát hiện, tọa độ tạm giữ lên trên hải đồ; yêu cầu thuyền trưởng hoặc đại diện tàu, thuyền ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận; điều khiển tàu, thuyền vi phạm về nơi quy định;

b) Vận hành máy tàu hoặc khống chế máy trưởng tàu, thuyền vi phạm vận hành máy tàu, thuyền theo quy định của Tổ kiểm tra, kiểm soát;

c) Hoàn thiện hồ sơ vụ vi phạm theo quy định; tham gia khống chế thuyền viên của tàu, thuyền vi phạm và bảo đảm an toàn cho Tổ kiểm tra, kiểm soát trong quá trình dẫn giải.

Điều 17. Công tác bàn giao

Khi có lệnh của người chỉ huy cấp trên trực tiếp về việc bàn giao tàu, thuyền, tang vật, phương tiện vi phạm cho cơ quan chức năng hoặc lực lượng tiếp nhận để chờ xử lý tiếp theo thì Biên đội kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác bàn giao theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Chế độ báo cáo trong kiểm tra, kiểm soát

Chế độ báo cáo trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải đảm bảo kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Giao cho Cục trưởng Cục Cảnh sát biển quy định chi tiết chế độ báo cáo trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Cảnh sát biển có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Lực lượng Cảnh sát biển làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Các đ/c Thủ trưởng BQP;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP;
- Cục Cảnh sát biển;
- Vụ Pháp chế;
- C20 (NCTH, ĐN);
- VPCP: Cổng TTĐT, Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản/Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT. Thà 78b

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh