Thông tư số 14/2011/TT-BYT ngày 01/04/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
- Số hiệu văn bản: 14/2011/TT-BYT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 01-04-2011
- Ngày có hiệu lực: 01-06-2011
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4926 ngày (13 năm 6 tháng 1 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2011/TT-BYT | Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2011 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHUNG VỀ LẤY MẪU THỰC PHẨM PHỤC VỤ THANH TRA, KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Bộ Y tế hướng dẫn lấy mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn nguyên tắc chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động lấy mẫu thực phẩm trong quá trình thanh tra, kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lấy mẫu thực phẩm là các thao tác kỹ thuật nhằm thu được một lượng thực phẩm nhất định đại diện và đồng nhất phục vụ cho việc phân tích, đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Lô sản phẩm thực phẩm là một số lượng xác định của một loại sản phẩm cùng tên, chất lượng, nguyên liệu, thời hạn sử dụng và được sản xuất tại cùng một cơ sở.
3. Mẫu kiểm nghiệm là mẫu chung dùng để kiểm nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu tại phòng kiểm nghiệm.
4. Mẫu lưu là mẫu có cùng đặc tính của mẫu kiểm nghiệm và được lưu tại cơ sở kiểm nghiệm, cơ sở được lấy mẫu hoặc cơ sở do trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ định.
Điều 3. Yêu cầu đối với người lấy mẫu
1. Là thành viên của đoàn thanh tra, kiểm tra.
2. Được đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm.
3. Phải trực tiếp lấy mẫu tại cơ sở hoặc theo chỉ định của đoàn thanh tra.
4. Phải tiến hành lập Biên bản lấy mẫu, Biên bản bàn giao mẫu và dán tem niêm phong theo mẫu được quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV, Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Trách nhiệm của người lấy mẫu
1. Phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục, dụng cụ, thiết bị lấy mẫu và bảo quản mẫu.
2. Thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển và bàn giao mẫu cho đơn vị kiểm nghiệm.
Điều 5. Quá trình lấy mẫu
1. Quá trình lấy mẫu phải được giám sát và ghi chép đầy đủ. Tất cả các dấu hiệu không đồng nhất, hư hỏng của sản phẩm và bao bì bảo quản đều phải ghi chép lại.
2. Sau khi kết thúc quá trình lấy mẫu, mẫu kiểm nghiệm phải được bàn giao ngay cho đơn vị kiểm nghiệm trong thời gian sớm nhất.
Điều 6. Chi phí lấy mẫu
Chi phí lấy mẫu được thực hiện theo quy định tại Điều 41 và Điều 58 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và các quy định khác của pháp luật.
Điều 7. Lượng mẫu được lấy và phương pháp lấy mẫu
1. Đối với từng sản phẩm, lượng mẫu tối thiểu và tối đa được lấy quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Phương pháp lấy mẫu đối với các nhóm sản phẩm được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Điều kiện bảo quản và thời gian lưu mẫu
1. Điều kiện bảo quản trong suốt quá trình lấy mẫu, vận chuyển, bàn giao và lưu mẫu phải phù hợp với các yêu cầu về bảo quản do nhà sản xuất công bố.
2. Căn cứ vào tình hình thực tế, trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra quyết định thời gian lưu mẫu đối với mẫu lưu và mẫu kiểm nghiệm.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2011.
Điều 10. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|