cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 23/2010/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Ngày ban hành: 29-12-2010
  • Ngày có hiệu lực: 12-02-2011
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-10-2015
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-07-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3075 ngày (8 năm 5 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-07-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-07-2019, Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 01/2019/TT-BKHCN ngày 30/05/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 23/2010/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ kín và Pu-239 được sử dụng như nguồn phóng xạ có hoạt độ trên mức nhiễm trừ khai báo, cấp phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5 : 2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Miễn trừ khai báo, cấp giấy phép ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BKHCN ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến nguồn phóng xạ được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hành động tiếp cận bất hợp pháp, đánh cắp, chiếm đoạt, phá hoại và chuyển giao trái phép nguồn phóng xạ; bảo mật thông tin liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ.

2. Nguồn phóng xạ kín (sau đây gọi là nguồn phóng xạ) là chất phóng xạ được bao kín bằng lớp vỏ bọc có cấu trúc đặc biệt hoặc được chế tạo dưới dạng một khối rắn bảo đảm không cho chất phóng xạ thoát ra môi trường trong điều kiện bình thường và trong các trường hợp sự cố được dự báo trước.

3. Khóa an ninh là loại được thiết kế với độ tin cậy cao đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

4. Khu vực kiểm soát an ninh là vùng được kiểm soát ngăn chặn người không có nhiệm vụ đi vào khu vực này nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng khóa an ninh, thiết bị phát hiện và báo động xâm nhập, thiết bị quan sát bằng hình ảnh và các biện pháp kiểm soát hành chính.

5. Kiểm đếm là việc kiểm tra xác nhận sự tồn tại của nguồn phóng xạ tại nơi đặt nguồn bằng mắt thường hoặc bằng cách sử dụng thiết bị đo bức xạ thích hợp hoặc bằng biện pháp kiểm tra gián tiếp khác có thể khẳng định một cách chắc chắn sự tồn tại nguồn phóng xạ và biện pháp kiểm tra này phải được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận khi thẩm định cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ

1. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

2. Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ.

Điều 4. Mức an ninh nguồn phóng xạ

1. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của các nguồn phóng xạ và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho con người, môi trường, yêu cầu bảo đảm an ninh được chia thành 4 mức an ninh A, B, C và D, trong đó mức an ninh A tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn cao nhất, mức an ninh D tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn thấp nhất.

2. Các mức an ninh A, B, C và D tương ứng với các nhóm nguồn phóng xạ được phân nhóm theo quy định tại của quy chuẩn khai thác quốc gia về phân nhóm nguồn phóng xạ như sau:

a) Mức an ninh A áp dụng đối với nguồn phóng xạ nhóm 1.

b) Mức an ninh B áp dụng đối với nguồn phóng xạ nhóm 2.

c) Mức an ninh C áp dụng đối với nguồn phóng xạ nhóm 3.

d) Mức an ninh D áp dụng đối với nguồn phóng xạ nhóm 4, nhóm 5.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG, LƯU GIỮ, VẬN CHUYỂN NGUỒN PHÓNG XẠ

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thuốc mức an ninh A

1. Thiết lập khu vực kiểm soát an ninh;

2. Lắp đặt thiết bị để phát hiện, báo động sự tiếp cận trái phép vào khu vực kiểm soát an ninh và phòng đặt nguồn phóng xạ. Tại phòng đặt nguồn phóng xạ, các thiết bị phát hiện, báo động phải được lắp đặt tại các lối ra vào và cả bên trong phòng;

3. Đặt các thiết bị quan sát, ghi nhận, lưu giữ hình ảnh bảo đảm quan sát được cả bên trong, bên ngoài phòng đặt nguồn phóng xạ và toàn bộ khu vực kiểm soát an ninh nhằm giám sát liên tục nguồn phóng xạ hoặc thiết bị chứa nguồn phóng xạ;

4. Lắp khóa cho các cửa lối ra vào khu vực kiểm soát an ninh; lắp khóa an ninh cho các cửa ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ;

5. Kiểm đếm nguồn phóng xạ hằng ngày; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm;

6. Xây dựng và thực hiện quy định chuyển giao nguồn phóng xạ trong nội bộ cơ sở, bảo đảm việc chuyển giao phải có văn bản cho phép người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và phải có biên bản giao nhận; xây dựng và thực hiện quy định về bảo dưỡng thiết bị an ninh;

7. Tổ chức lực lượng bảo vệ để giám sát các thiết bị quan sát, phát hiện, báo động trong khu vực kiểm soát an ninh và tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ;

8. Thực hiện việc kiểm tra lý lịch đối với các nhân viên tham gia lực lượng bảo vệ và làm việc trong khu vực đặt nguồn phóng xạ;

9. Trang bị các phương tiện thông tin liên lạc cho lực lượng bảo vệ để bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng ứng phó khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

10. Xây dựng và thực hiện các quy trình sau đây:

a) Quy trình thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong và ngoài giờ làm việc;

b) Quy trình hoạt động của lực lượng bảo vệ;

c) Quy trình ứng phó sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

d) Quy trình bảo mật thông tin về: nguồn phóng xạ; thiết bị chứa nguồn phóng xạ; kế hoạch di chuyển nguồn phóng xạ; kế hoạch bảo đảm an ninh; người được quyền tiếp cận và thời gian tiếp cận khu vực kiểm soát an ninh; sự phân công và bố trí lực lượng bảo vệ; mã PIN và mã số bí mật của khóa cửa, hộp đựng chìa khóa, thiết bị an ninh;

đ) Quy trình kiểm soát người ra vào khu vực kiểm soát an ninh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc ra vào trái phép;

e) Quy trình quản lý khóa và chìa khóa.

11. Quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng đơn vị, cá nhân liên quan tới việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; tổ chức đào tạo về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ cho các cá nhân liên quan;

12. Khi xảy ra các trường hợp có sự tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc hành động có ý định đánh cắp, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự việc phải gửi báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi xảy ra sự việc, làm rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả các biện pháp được đề ra để tránh xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A

1. Thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều 5 của Thông tư này;

2. Sử dụng kho riêng biệt để lưu giữ nguồn phóng xạ;

3. Cất giữ nguồn phóng xạ trong thiết bị chứa nguồn hoặc bình bảo vệ có khóa và áp dụng các biện pháp để hạn chế khả năng di dời nguồn phóng xạ;

4. Lập sổ kho kiểm soát việc nhập và xuất nguồn phóng xạ từ kho.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh B

1. Trường hợp nguồn phóng xạ đặt cố định và nguồn phóng xạ sử dụng trong xạ trị áp sát liều cao:

a) Thực hiện các yêu cầu quy định tại các khoản 1, 4, 6, 8, 9, 11, 12 và các điểm a, c, d, đ, e khoản 10 Điều 5 của Thông tư này;

b) Tổ chức lực lượng bảo vệ để giám sát việc tiếp cận trái phép khu vực kiểm soát an ninh và tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ;

c) Kiểm đếm nguồn phóng xạ hàng tuần, lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm.

2. Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng di động:

a) Lập rào chắn và bố trí người giám sát liên tục khu vực tiến hành công việc;

b) Bố trí nơi cất giữ nguồn phóng xạ tại công trường trong thời gian không sử dụng, lắp khóa an ninh tại các điểm có thể tiếp cận vào nơi đặt nguồn; xây dựng và thực hiện quy trình quản lý khóa và chìa khóa; bố trí nhân viên bảo vệ;

c) Tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ khi sử dụng cũng như khi cất giữ tại công trường;

d) Thực hiện việc kiểm tra lý lịch đối với các nhân viên sử dụng nguồn phóng xạ và nhân viên bảo vệ;

đ) Trang bị các phương tiện thông tin liên lạc cho các nhân viên sử dụng nguồn và nhân viên bảo vệ để bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng ứng phó khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

e) Lập nhật ký sử dụng nguồn phóng xạ, bao gồm thông tin về mục đích sử dụng, địa điểm sử dụng, người sử dụng và thời gian sử dụng nguồn phóng xạ;

g) Xây dựng và thực hiện quy định chuyển giao nguồn phóng xạ giữa các bộ phận trong đơn vị, bảo đảm việc chuyển giao phải có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và phải có biên bản giao nhận; quy trình bảo mật thông tin về nguồn phóng xạ, thiết bị chứa nguồn phóng xạ; kế hoạch di chuyển nguồn phóng xạ, kế hoạch bảo đảm an ninh;

h) Phân công người chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ khi sử dụng tại công trường;

i) Kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc và định kỳ hàng tuần; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm;

k) Khi xảy ra các trường hợp có sự tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc hành động có ý định đánh cắp, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự việc phải gửi báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi xảy ra sự việc, làm rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả và các biện pháp được đề ra để tránh xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh B

1. Thực hiện các yêu cầu quy định tại các khoản 6, 8, 9, 11, 12 và các điểm a, c, d, đ, e khoản 10 Điều 5, các khoản 2, 3 và 4 Điều 6, điểm c khoản 1 Điều 7 của Thông tư này.

2. Lắp khóa an ninh cho các cửa ra vào kho lưu trữ nguồn phóng xạ; xây dựng và thực hiện quy trình quản lý khóa và chìa khóa;

3. Tổ chức lực lượng bảo vệ để giám sát việc tiếp cận trái phép khu vực kho lưu trữ nguồn phóng xạ và tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh C

1. Trường hợp nguồn phóng xạ lắp đặt sử dụng cố định:

a) Thiết lập khu vực kiểm soát an ninh xung quanh nơi đặt nguồn phóng xạ, lập rào chắn;

b) Làm lồng bằng kim loại có khóa bảo vệ hộp chứa nguồn phóng xạ;

c) Kiểm đếm nguồn phóng xạ hằng tháng; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm;

d) Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm soát ra vào khu vực kiểm soát an ninh;

đ) Thực hiện quy định tại các khoản 6, 12 và điểm c khoản 10 Điều 5 của Thông tư này.

2. Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng di động:

a) Thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này;

b) Kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc và định kỳ hằng tháng; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm.

3. Trường hợp lưu giữ nguồn phóng xạ:

Thực hiện các yêu cầu quy định tại các khoản 6, 8, 9, 11, 12 và điểm d khoản 10 Điều 5, các khoản 2, 3 và r Điều 6, các khoản 2 và 3 Điều 8 và điểm c khoản 1 Điều 9 của Thông tư này.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh D

Kiểm đếm nguồn phóng xạ định kỳ hằng năm; lập hồ sơ kiểm đếm, ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm.

Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc các mức an ninh A và B bằng đường bộ

1. Bên gửi nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Phối hợp với bên vận chuyển đóng gói kiện hàng phóng xạ và sử dụng phương tiện vận chuyển bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật về vận chuyển an toàn chất phóng xạ;

b) Phối hợp với bên vận chuyển lựa chọn tuyến đường vận chuyển thích hợp bảo đảm ít bị ùn tắc giao thông, ít rủi ro về an toàn giao thông, tránh những khu có vấn đề về mặt an ninh, bảo đảm thời gian vận chuyển tối thiểu, xác định rõ các điểm dừng đỗ trên tuyến đường vận chuyển; lập phương án và tuyến đường vận chuyển dự phòng cho trường hợp tuyến đường vận chuyển chính không thể đi được;

c) Bảo mật thông tin liên quan đến tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển, địa điểm giao nhận, nhân viên trực tiếp tham gia vận chuyển, nội dung kiện hàng, biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ được áp dụng;

d) Thống nhất kế hoạch vận chuyển, thời gian và địa điểm giao nhận nguồn phóng xạ với bên vận chuyển và bên nhận;

đ) Tổ chức phổ biến các yêu cầu bảo đảm an ninh, trách nhiệm và quy trình ứng phó cho mọi thành viên tham gia trong vận chuyển.

2. Bên vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Áp dụng các biện pháp an ninh đã được hướng dẫn;

b) Bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật về vận chuyển an toàn chất phóng xạ và sử dụng thùng để chứa kiện hàng vận chuyển có khóa, niêm phóng; áp dụng biện pháp để gắn chặn kiện hàng với phương tiện vận chuyển;

c) Bảo đảm tất cả nhân viên tham gia vào quá trình vận chuyển nguồn phóng xạ có nhân thân đáng tin cậy và đã hiểu rõ nhiệm vụ, kế hoạch vận chuyển, các quy trình liên quan trong quá trình vận chuyển; chỉ định trong nhóm vận chuyển một người chịu trách nhiệm giám sát kiện hàng trong suốt quá trình vận chuyển;

d) Bảo đảm các điều kiện thông tin, liên lạc kịp thời giữa người tham gia vận chuyển với tổ chức vận chuyển, cơ quan công an và cơ quan hỗ trợ khác trong trường hợp khẩn cấp;

đ) Trường hợp vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A, phải có lực lượng công an tham gia đi cùng chuyến hàng để có được quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường và sẵn sàng ứng phó với các trường hợp mất an ninh đối với kiện hàng vận chuyển;

e) Bảo mật thông tin liên quan đến kế hoạch vận chuyển;

g) Kiểm tra và xác nhận lại về thời gian giao nhận, địa điểm giao nhận kiện hàng với bên nhận trước khi bắt đầu kế hoạch vận chuyển;

h) Trước khi bắt đầu vận chuyển, kiểm tra các địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp để chắc chắn các số điện thoại vẫn còn liên lạc được và người cần liên lạc có thể sẵn sàng hỗ trợ khi được yêu cầu;

i) Trước khi bắt đầu vận chuyển, kiểm tra sự nguyên vẹn của kiện hàng, các biện pháp bảo đảm an ninh đã được áp dụng, điều kiện an toàn của phương tiện vận chuyển;

k) Kiểm tra thông tin của lộ trình tuyến đường trước khi bắt đầu vận chuyển để khẳng định tuyến đường vận chuyển không có vấn đề về ùn tắt giao thông hoặc các vấn đề gây cản trở khác;

l) Cử người giám sát liên tục phương tiện và kiện hàng vận chuyển tại các điểm dừng đỗ dọc tuyến đường vận chuyển;

m) Hỗ trợ kịp thời khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

n) Kiểm tra khóa dấu niêm phong của kiện hàng chứa nguồn phóng xạ trước khi bàn giao cho bên nhận;

o) Khi xảy ra các trường hợp có sự tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc hành động có ý định đánh cắp, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự việc phải gửi báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi xảy ra sự việc, làm rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả và các biện pháp được đề ra để tránh xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

3. Bên nhận nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Bảo đảm trách nhiệm tiếp nhận nguồn phóng xạ theo đúng kế hoạch vận chuyển đã được báo trước;

b) Phối hợp với bên gửi, bên vận chuyển kiểm tra chính xác thông tin nguồn phóng xạ tiếp nhận;

c) Áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định tại Thông tư này khi tiếp nhận.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc các mức an ninh C và D bằng đường bộ

1. Bên gửi nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các quy định tại điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 11 của Thông tư này và xây dựng quy trình ứng phó khi mất an ninh trên đường vận chuyển.

2. Bên vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 2 trừ các điểm đ và k của Điều 11 Thông tư này.

3. Bên nhận nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường sắt

1. Bên gửi nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Đóng gói kiện hàng phóng xạ bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật về vận chuyển an toàn chất phóng xạ;

b) Bảo mật thông tin liên quan đến tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng, nhân viên trực tiếp tham gia vận chuyển, nội dung kiện hàng, biện pháp an ninh được áp dụng;

c) Thống nhất kế hoạch vận chuyển, thời gian và địa điểm giao nhận kiện hàng với bên vận chuyển và bên nhận;

d) Tổ chức phổ biến các yêu cầu bảo đảm an ninh, bao gồm trách nhiệm và quy trình ứng phó cho mọi thành viên tham gia trong vận chuyển;

đ) Vận chuyển kiện hàng phóng xạ đến nơi chất hàng lên tàu và vận chuyển kiện hàng phóng xạ tại ga đến về địa điểm giao hàng cho bên nhận.

2. Bên vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Kiểm tra điều kiện đóng gói và dấu niêm phong của kiện hàng phóng xạ trước khi xếp hàng lên tàu;

b) Sử dụng toa chở hàng có khóa để vận chuyển và áp dụng biện pháp để gắn chặt kiện hàng phóng xạ với toa tàu;

c) Cử một người chịu trách nhiệm giám sát toa chở kiện hàng phóng xạ; bảo đảm người này nắm rõ kế hoạch bảo đảm an ninh hoặc quy trình ứng phó sự cố đã được xây dựng;

b) Bảo mật thông tin liên quan đến kế hoạch vận chuyển;

đ) Kiểm tra và xác nhận lại về thời gian giao nhận, địa điểm giao nhận kiện hàng với bên gửi;

e) Có kế hoạch hỗ trợ kịp thời khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

g) Kiểm tra khóa và dấu niêm phong của kiện hàng chứa nguồn phóng xạ khi bàn giao cho bên gửi hàng;

h) Trường hợp xảy ra sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ, trong vòng 24 giờ phải gửi báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

3. Bên nhận nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường biển và đường không.

Tổ chức, cá nhân vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường biển và đường hàng không phải tuân theo các quy định về vận chuyển an toàn hàng hóa nguy hiểm bằng đường biển và đường hàng không theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam làm thành viên.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân làm đầu mối tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ trên địa bàn thực hiện Thông tư này.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét sửa đổi, bổ sung.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, ATBXHN, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Tiến