Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng
- Số hiệu văn bản: 18/2010/TT-BXD
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
- Ngày ban hành: 15-10-2010
- Ngày có hiệu lực: 15-12-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-08-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3896 ngày (10 năm 8 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-08-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2010/TT-BXD | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2010 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình,
Bộ Xây dựng quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài (sau đây gọi chung là quy chuẩn, tiêu chuẩn) trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn vào hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải tuân thủ theo các quy định của Thông tư này.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng
1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng trong các hoạt động xây dựng, bao gồm: khảo sát và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng; thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.
2. Tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài được áp dụng trong hoạt động xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, ngoại trừ các tiêu chuẩn được trích dẫn trong quy chuẩn hoặc văn bản quy phạm pháp luật. Việc áp dụng tiêu chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Đảm bảo tính đồng bộ và tính khả thi của hệ thống các tiêu chuẩn được áp dụng cho dự án trong toàn bộ quá trình khảo sát, thí nghiệm, thiết kế, sản xuất và chế tạo, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng;
b) Phải phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
c) Trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu được nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc áp dụng do các bộ, ngành quy định.
3. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn quốc gia. Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, người quyết định đầu tư có thể xem xét, chấp thuận tiêu chuẩn nước ngoài.
Điều 4. Phương thức áp dụng tiêu chuẩn
1. Tiêu chuẩn được áp dụng trực tiếp trong các hoạt động xây dựng. Khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn với phiên bản mới nhất.
2. Có thể áp dụng tiêu chuẩn một cách gián tiếp thông qua việc thực hiện các quy định trong các tài liệu và hướng dẫn kỹ thuật, trong đó có viện dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung tiêu chuẩn đó.
Điều 5. Điều kiện áp dụng tiêu chuẩn xây dựng
Các tiêu chuẩn được lựa chọn và áp dụng trong các hoạt động xây dựng ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đảm bảo các nguyên tắc đã nêu ở Điều 3;
2. Phải được người quyết định đầu tư xem xét, lựa chọn và chấp thuận trong dự án đầu tư xây dựng công trình.
Chương II
THẨM QUYỀN CHẤP THUẬN, ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG
Điều 6. Thẩm quyền chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn
Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở hoặc hệ thống tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài cho các hoạt động xây dựng do mình quản lý.
Điều 7. Nội dung xem xét, chấp thuận tiêu chuẩn xây dựng
1. Người quyết định đầu tư tổ chức xem xét và chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn theo thẩm quyền đã nêu tại Điều 6 của Thông tư này trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.
2. Trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng, hệ thống các tiêu chuẩn xây dựng kiến nghị áp dụng phải bao gồm:
a) Danh mục mã số hiệu và tên các tiêu chuẩn;
b) Đối với tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn của nước ngoài, cần có toàn văn tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn dưới dạng bản mềm (files) hoặc bản in, kèm theo bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh cho phần nội dung sử dụng;
c) Thuyết minh sự đáp ứng của các tiêu chuẩn so với các yêu cầu đã nêu tại khoản 2 và 3 Điều 3 của Thông tư này. Đối với các chỉ dẫn kỹ thuật (technical guidelines) hoặc các tài liệu hướng dẫn (recommendations) của các tổ chức nước ngoài cho các giải pháp công nghệ mới khi chưa được ban hành thành các tiêu chuẩn, cần phải giải trình về: tên giải pháp kỹ thuật - công nghệ; các kết quả nghiên cứu và thực nghiệm; các công trình đã áp dụng các chỉ dẫn kỹ thuật hoặc tài liệu hướng dẫn; bản quyền tác giả về giải pháp kỹ thuật - công nghệ; tính khả thi trong điều kiện kinh tế - kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam.
3. Nội dung xem xét, chấp thuận tiêu chuẩn nêu tại khoản 2 Điều này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý
1. Bộ Xây dựng, Bộ quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các dự án đầu tư xây dựng do mình quản lý.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng tại địa phương; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các hoạt động xây dựng tại địa phương.
Điều 9. Thanh tra, kiểm tra việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn
Công tác thanh tra, kiểm tra việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các hoạt động xây dựng tại các địa phương được tiến hành theo quy định của pháp luật. Nội dung thanh tra, kiểm tra bao gồm: sự tuân thủ các quy định của Thông tư này; sự tuân thủ các quy định của quy chuẩn và nội dung của tiêu chuẩn xây dựng đã được chấp thuận áp dụng.
Khi phát hiện vi phạm các quy định tại Thông tư này, cơ quan thanh tra, kiểm tra của địa phương có trách nhiệm lập biên bản tạm thời đình chỉ hoạt động xây dựng và yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp khắc phục, tiến hành xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Xử lý chuyển tiếp
1. Các hoạt động xây dựng phải tuân thủ các quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kể từ khi quy chuẩn đó có hiệu lực thi hành. Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời gian hiệu lực của quy chuẩn thì được áp dụng theo các quy định trước đó.
2. Đối với các dự án đã được chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo văn bản đó. Đối với các dự án mới, dự án bổ sung, việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2010.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 40/2009/TT-BXD ngày 09/12/2009 của Bộ Xây dựng Quy định việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |