Thông tư số 10/2010/TT-BVHTTDL ngày 09/09/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hướng dẫn Điều 20 Nghị định 71/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2010/TT-BVHTTDL
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Ngày ban hành: 09-09-2010
- Ngày có hiệu lực: 01-11-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-04-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2352 ngày (6 năm 5 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-04-2017
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2010 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT ĐIỀU 20 NGHỊ ĐỊNH SỐ 71/2009/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Luật Thanh tra số 22/2004/QH11 ngày 25 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 71/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 150/2007/TTLT-BTC-TTCP ngày 14 tháng 12 năm 2007 giữa Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát trang phục của thanh tra viên, cán bộ thuộc các cơ quan thanh tra nhà nước;
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết Điều 20 Nghị định số 71/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về danh mục các loại phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, trang phục, phù hiệu và biển hiệu phục vụ cho công tác thanh tra của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên cao cấp, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên thuộc hệ thống Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
2. Cán bộ, công chức làm công tác Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Điều 3. Danh mục phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật
1. Tên phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật:
a) Máy ảnh;
b) Thiết bị đo ánh sáng;
c) Thiết bị đo âm thanh;
d) Máy quay phim ( Camera);
đ) Máy vi tính có kết nối internet, máy tính xách tay, máy in;
e) Tivi, đầu đĩa;
g) Máy ghi âm;
h) Điện thoại di động;
i) Máy bộ đàm;
k) Máy Fax;
l) Máy Photocoppy;
m) Thiết bị đo độ PH, lượng Clo dư trong nước bể bơi;
n) Máy định vị GPS;
o) Xe ô tô, mô tô chuyên dùng;
p) Thiết bị kiểm tra nhanh nước thải;
q) Thiết bị đo độ bụi không khí;
r) Công cụ hỗ trợ (theo hướng dẫn của Bộ Công an).
2. Ngoài phương tiện, trang thiết bị quy định ở khoản 1, tuỳ điều kiện cụ thể của từng địa phương và sự phát triển của khoa học, công nghệ từng giai đoạn, Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch được trang bị các loại phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật khác (xe ô tô có thang làm việc trên cao, dụng cụ đo độ dài từ 50m trở lên...) cho phù hợp công tác thanh tra, kiểm tra.
Điều 4. Kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật
1. Kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch do ngân sách nhà nước cấp và nguồn kinh phí khác của cơ quan Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách và Thông tư liên tịch số 04/2008/TTLT-BTC-TTCP ngày 04 tháng 01 năm 2008 giữa Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước.
2. Việc mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.
Điều 5. Trang phục
1. Trang phục quy định tại Thông tư này bao gồm: quần áo thu đông, áo măng-tô, quần áo xuân hè, áo sơ-mi dài tay, thắt lưng da, giầy da, dép quai hậu, bít tất, caravat, quần, áo mưa, cặp tài liệu, mũ mềm, ve áo.
2. Niên hạn sử dụng trang phục được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Mục II Thông tư liên tịch số 150/2007/TTLT-BTC-TTCP ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ, hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát trang phục của thanh tra viên, cán bộ thuộc các cơ quan thanh tra nhà nước.
3. Chất liệu trang phục phải đảm bảo chất lượng cao, bền.
Điều 6. Quy cách, màu sắc trang phục nam
1. Áo thu đông, (theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này);
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Áo ký giả dài tay, cổ 2 ve, 2 túi hộp ốp ngoài ngực có nắp, bên dưới 2 túi hộp có nắp, giữa túi áo li súp nổi, áo có bốn khuy, tay 2 mang, có đường may gân cách cửa tay 10cm, vai áo có quai để cài cấp hiệu. Thân sau xẻ giữa 15cm.
2. Quần thu đông, quần xuân hè, (theo Mẫu số 07, 08, 09 và 10 ban hành kèm theo Thông tư này:
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Quần ống đứng, thân trước có 2 li, có hai túi chéo ở hai bên sườn, thân sau 1 túi bổ cơi.
3. Áo sơ-mi dài tay, (theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải thô
b) Màu sắc: Cà phê sữa
c) Kiểu dáng: Áo dài tay cổ Đức, hai túi ngực có nắp li súp, măng-séc 6cm bổ thép tay, thân sau cắt cầu vai 2 ly 2 bên, gấu áo bằng.
4. Áo xuân hè, (theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải thô
b) Màu sắc: Cà phê sữa
c) Kiểu dáng: Áo sơ-mi ngắn tay, cổ cứng 2 ve, hai túi ngực có nắp, ly súp 2,5cm, thân sau có cầu vai, 2 li, gấu áo bằng.
5. Áo măng-tô, (theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Áo cổ hai ve, thân trước có cầu ngực, có từ 3 đến 4 khuy tuỳ theo chiều cao của người mặc, 2 túi chéo bổ cơi 3cm. Thân sau cắt cầu vai, bổ giữa, xẻ sau, tay 2 mang, có đai lưng giữa thân áo 4,5cm. Vai áo có quai để cài cấp hiệu, phù hiệu trên ve áo. Áo dựng lót toàn thân.
Điều 7. Quy cách, màu sắc trang phục nữ
1. Áo thu đông, (theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Áo cổ hai ve, có 4 khuy, túi bổ cơi có nắp, tay 2 mang, thân sau xẻ giữa 15cm.
2. Quần thu đông, quần xuân hè, (theo Mẫu số 07, 08, 09 và 10 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi,
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Quần ống đứng, thân trước có 1 li, có hai túi chéo ở hai bên sườn.
Trường hợp làm việc tại văn phòng có thể mặc váy ngắn, được thiết kế thống nhất, kiểu dáng xuông, xẻ sau, có lót, phù hợp với áo. Chất liệu vải, màu sắc giống quần.
3. Áo sơ-mi dài tay, (theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải thô
b) Màu sắc: Cà phê sữa
c) Kiểu dáng: Áo tay dài cổ Đức, măng-séc 6cm, 2 túi ngực có nắp, li súp 2,5cm.
4. Áo xuân hè, (theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải thô
b) Màu sắc: Cà phê sữa
c) Kiểu dáng: Áo sơ-mi ngắn tay, có đắp cửa tay 3cm, thân trước bảy mảnh, cổ 2 ve, 4 khuy, 2 túi dưới có nắp, diễu nối, thân sau bổ giữa lưng không xẻ.
5. Áo măng-tô, (theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Áo cổ hai ve, thân trước có cầu ngực, có từ 3 đến 4 khuy tuỳ theo chiều cao của người mặc, 2 túi chéo bổ cơi 3cm. Thân sau cắt cầu vai, bổ giữa, xẻ sau, tay 2 mang, có đai lưng giữa thân áo 4,5cm. Vai áo có quai để cài cấp hiệu, có phù hiệu trên ve áo. Áo dựng lót toàn thân.
Điều 8. Các trang phục khác được trang bị chung cho nam và nữ
1. Caravat:
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Caravat có độ dài rộng vừa phải, kiểu thắt sẵn.
2. Mũ mềm, (theo Mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư này):
a) Chất liệu: Vải Tuyt xi
b) Màu sắc: Nâu tây
c) Kiểu dáng: Mũ có lưỡi trai rời bằng nhựa màu đen bóng, đỉnh mũ hình ô-van theo số đo của đầu; 2 điểm cuối của lưỡi trai có dây viền cùng màu 1,2cm, hai đầu dây được đính bằng hai cúc bọc; phía trước cầu mũ có đục ôzê chính giữa gắn phù hiệu; hai bên thành mũ có đục ba ôzê; lót trong theo màu vải.
3. Ve áo (theo Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này):
Hình bình hành, mầu vàng nhạt, ở giữa có phù hiệu của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
4. Thắt lưng da:
Mặt đồng hình chữ nhật, ở giữa dập ngôi sao nổi trong vòng tròn có đường kính 2cm, dây da màu sẫm.
5. Giầy da:
Giầy da nam màu đen, đế cao 3cm, buộc dây, thấp cổ.
Giầy da nữ màu đen, đế cao 5cm, buộc dây, thấp cổ.
6. Dép quai hậu:
Dép quai hậu nam làm bằng da, mầu đen, đế cao 3cm, có chốt cài.
Dép quai hậu nữ làm bằng da, màu sẫm ánh tím, đế cao 5cm, có chốt cài.
7. Bít tất:
Màu xanh rêu nhạt, chất liệu dệt kim co dãn.
8. Quần, áo mưa:
Áo màu cỏ úa, có mũ buộc dây, choàng rộng qua đầu gối; quần chun ống đứng cùng màu với áo.
9. Cặp tài liệu:
Cặp tài liệu làm bằng da, màu đen, có khoá số, dây đeo.
Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch khi làm việc trong văn phòng được phép mặc thường phục. Đối với Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố phía nam có thể chuyển đổi áo thu đông thành áo xuân hè để phù hợp với điều kiện thời tiết.
Điều 9. Phù hiệu
1. Phù hiệu của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch là biểu tượng của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch (còn gọi là Lô-gô) (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Phù hiệu làm bằng kim loại, hình tròn, bằng đồng mạ màu vàng.
3. Phù hiệu sử dụng để: gắn trên mũ mềm đường kính 29mm (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này); gắn trên ve áo đường kính 20 mm (theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo thông tư này); gắn trên tay áo đường kính 35 mm (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) và in trên biển hiệu (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 10. Biển hiệu
1. Biển hiệu của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này) dùng để đeo ở trên ngực áo bên trái khi làm nhiệm vụ.
2. Biển hiệu được in trên giấy cứng, hình chữ nhật, có kích thước chiều dài là 85 mm, chiều rộng là 55 mm.
Phần trên của biển hiệu: góc bên trái là biểu tượng của Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tiếp đến là dòng chữ in hoa: BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH (đối với Thanh tra Bộ) hoặc SỞ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH (đối với Thanh tra Sở).
Phần dưới của biển hiệu: phía bên trái là ảnh cỡ (2x3)cm của người mang biển hiệu; phía bên phải có 3 dòng chữ in:
- Họ và tên người mang biển hiệu;
- Chức danh của người mang biển hiệu;
- Mã số quản lý cán bộ, công chức.
Điều 11. Quản lý và sử dụng trang phục, phù hiệu, biển hiệu
1. Việc quản lý, cấp phát, sử dụng trang phục, phù hiệu, biển hiệu được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 150/2007/TTLT-BTC-TTCP ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát trang phục của thanh tra viên, cán bộ thuộc các cơ quan thanh tra nhà nước.
2. Người được cấp trang phục phải sử dụng khi thi hành công vụ hoặc vào ngày lễ, ngày truyền thống và có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản. Trường hợp bị hư hỏng, mất có lý do khách quan thì được cấp bổ sung. Trường hợp hư hỏng, mất không có lý do chính đáng thì cá nhân phải tự may sắm đảm bảo yêu cầu trang phục để sử dụng khi thi hành công vụ.
Nghiêm cấm sử dụng trang phục không đúng mục đích, để vụ lợi.
3. Trường hợp thuyên chuyển công tác, nghỉ chế độ hoặc bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mà trang phục được cấp chưa hết niên hạn thì không phải thu hồi; nếu đã hết thời hạn mà chưa được cấp phát thì không được cấp phát.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Những đối tượng đã được cấp trang phục theo các quy định trước đây được sử dụng đến hết niên hạn. Khi trang bị mới phải tuân thủ các quy định của Thông tư này.
2. Hàng năm, Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí để mua phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, trang phục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 13. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2010.
Bãi bỏ Quyết định số 21/2007/QĐ-BVHTT ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin về việc ban hành danh mục phương tiện, trang thiết bị của Thanh tra Văn hoá-Thông tin.
2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (qua Thanh tra Bộ) để nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|