Thông tư số 24/2009/TT-BKHCN ngày 31/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn Nghị định 54/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 24/2009/TT-BKHCN
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
- Ngày ban hành: 31-12-2009
- Ngày có hiệu lực: 14-02-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-08-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1643 ngày (4 năm 6 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-08-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2009/TT-BKHCN | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 54/2009/NĐ-CP NGÀY 05/6/2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra và Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Thông tư này hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Chương II và áp dụng một số điều của Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 54).
2. Nguyên tắc xử phạt
2.1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định trong Nghị định 54 là 30.000.000 đồng (ba mươi triệu).
2.2. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Nghị định 54 phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và xử phạt theo quy định.
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản đó phải được chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Nghị định 54 để xử phạt theo quy định của pháp luật.
2.3. Trường hợp hành vi vi phạm phải áp dụng hình thức phạt tiền với mức tiền phạt lớn hơn 200.000 đồng thì phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Nếu mức phạt tiền đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt thực hiện xử phạt theo thủ tục đơn giản, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Việc lập biên bản vi phạm hành chính, thủ tục phạt tiền cần tuân thủ quy định tại Điều 54, Điều 55, Điều 57 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
II. HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ ĐO LƯỜNG
1. Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong sản xuất phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định (Điều 4 Nghị định 54).
1.1. Hành vi không ghi, khắc đơn vị đo theo đơn vị đo lường chính thức khi sản xuất phương tiện đo được hiểu là tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo đã ghi, khắc đơn vị đo không theo đơn vị đo lường chính thức quy định tại Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định về đơn vị đo lường chính thức. Ví dụ:
1.1.1. Đại lượng khối lượng, tên đơn vị là kilôgam, ký hiệu là: kg. Nếu đại lượng khối lượng ta ký hiệu KG hoặc ghi khắc đơn vị đo lường khối lượng là “pound – cân Anh” là không đúng.
1.1.2. Đại lượng lực, tên đơn vị là Newton, ký hiệu là: N. Nếu ghi, khắc là KG lực là không đúng.
1.1.3. Đại lượng áp suất, tên đơn vị là Pascan, ký hiệu là Pa. Nếu ghi, khắc là KG/đơn vị diện tích là không đúng.
1.2. Hành vi sản xuất phương tiện đo không đúng với mẫu phương tiện đo đã được phê duyệt là việc tổ chức, cá nhân đã, đang sản xuất phương tiện đo có một hoặc nhiều chi tiết bị thay đổi so với hồ sơ của mẫu đã được phê duyệt lưu tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc tại tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo.
1.3. Hành vi sản xuất phương tiện đo khi chưa được phê duyệt mẫu là việc tổ chức, cá nhân đã, đang sản xuất phương tiện đo nhưng phương tiện đo này chưa có quyết định phê duyệt mẫu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
1.4. Tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo đến 90 ngày đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 4 được hiểu là việc người có thẩm quyền quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Nghị định 54 ra quyết định tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt mẫu với thời gian đến 90 ngày để tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện sửa chữa phương tiện đo phù hợp với mẫu phương tiện đo được phê duyệt. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người có thẩm quyền xử phạt quyết định số ngày cần phải tước quyền sử dụng.
2. Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong nhập khẩu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định (Điều 5 Nghị định 54).
2.1. Hành vi nhập khẩu phương tiện đo chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mẫu là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định, khi nhập khẩu vào Việt Nam (lưu giữ ở kho của Hải quan hoặc đưa lưu thông trên thị trường hoặc đã lắp đặt để sử dụng) nhưng không có quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
2.2. Hành vi nhập khẩu phương tiện đo không đúng với mẫu đã được phê duyệt là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo không đúng với hồ sơ của mẫu đã được phê duyệt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc tại tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo.
3. Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong kinh doanh phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định (Điều 6 Nghị định 54) là việc tổ chức, cá nhân buôn bán các phương tiện đo nằm trong Danh mục phương tiện đo phải kiểm định, nhưng không có hoặc không xuất trình với cơ quan chức năng giấy chứng nhận kiểm định hoặc tem kiểm định hoặc dấu kiểm định, các tài liệu về nguồn gốc, xuất xứ của phương tiện đo hoặc phương tiện đo không ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc ghi, khắc đơn vị đo lường không theo đơn vị đo lường chính thức quy định tại Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định về đơn vị đo lường chính thức.
4. Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong hoạt động thương mại bán lẻ (Điều 7 Nghị định 54).
4.1. Vi phạm quy định về đo lường trong hoạt động bán lẻ là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm một trong các nội dung sau:
4.1.1. Thực hiện phép đo khối lượng (cân) hoặc phép đo thể tích (đong) có lượng thiếu vượt quá giới hạn thiếu cho phép theo quy định về đo lường đối với phép đo trong thương mại bán lẻ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
4.1.2. Sử dụng phương tiện đo để thực hiện phép đo trong hoạt động thương mại bán lẻ mà phương tiện đo chưa được kiểm định; giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực; phương tiện đo không bảo đảm về đo lường;
4.2. Việc kết luận về sai số phương tiện đo hoặc sai số phép đo chỉ bảo đảm tính pháp lý khi được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức sau: Kiểm định viên đo lường được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận và cấp thẻ hoặc Thanh tra viên chuyên ngành Khoa học và Công nghệ hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.
5. Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong sử dụng phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định (Điều 8 Nghị định 54).
5.1. Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền nếu tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định mà không thực hiện kiểm định hoặc không xuất trình được dấu kiểm định hoặc tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định hoặc xuất trình dấu kiểm định hoặc tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực thì bị áp dụng quy định tại khoản 1 (đối với phương tiện đo có giá trị nhỏ hơn 500.000 đồng) hoặc khoản 2 (đối với phương tiện đo có giá trị từ 500.000 đồng trở lên) Điều 8 Nghị định 54 để xử phạt.
Việc xác định giá trị của phương tiện đo dùng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Tùy theo loại phương tiện đo cụ thể, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tụ ưu tiên: giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; giá thị trường đối với phương tiện đo tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính (theo thông báo giá của cơ quan tài chính địa phương hoặc theo giá trung bình của báo giá thuộc ít nhất 03 cơ sở khác nhau); giá thành của phương tiện đo nếu là hàng hóa còn lưu kho của cơ sở sản xuất và chưa xuất bán hoặc là giá thị trường của phương tiện đo có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính (theo thông báo giá của cơ quan tài chính địa phương hoặc theo giá trung bình của báo giá thuộc ít nhất 03 cơ sở khác nhau).
Ví dụ: Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo thông dụng như: ca đong, cốc đong, bình đong, cân treo đến 100kg, cân đồng hồ đến 100kg, cân bàn thông dụng dưới 200kg hoặc các phương tiện đo là áp kế thông thường, nhiệt kế, huyết áp kế dùng trong y tế.v.v..
Khi kiểm tra, nếu tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo nêu ở ví dụ trên không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực hoặc các phương tiện đo này không đạt yêu cầu về đo lường. Tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm hành chính, đoàn thanh tra, kiểm tra đã xác định giá trị phương tiện đo của tổ chức, cá nhân đang sử dụng so với phương tiện đo mới cùng chủng loại, tương đương đặc tính kỹ thuật (theo cách xác định giá nêu trên) thì thấy các phương tiện đo đang sử dụng có giá trị nhỏ hơn 500.000 đồng. Người có thẩm quyền áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 54 để xử phạt.
5.2. Phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường là phương tiện đo có một trong các vi phạm sau:
5.2.1. Phương tiện đo đang sử dụng không bảo đảm tính pháp lý theo quy định;
5.2.2. Phạm vi đo hoặc cấp chính xác không phù hợp với mục đích sử dụng;
5.2.3. Sai số phương tiện đo không phù hợp quy định;
5.2.4. Phương tiện đo chưa được phê duyệt mẫu hoặc không đúng mẫu đã được phê duyệt.
Hành vi sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường nhưng phương tiện đo có giá trị nhỏ hơn 500.000 đồng thì áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 54 để xử phạt.
Hành vi sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường nhưng phương tiện đo có giá trị từ 500.000 đồng trở lên thì áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 54 để xử phạt.
5.3. Nếu tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo nằm trong Danh mục phương tiện đo phải kiểm định biết hoặc không biết phương tiện đo bị sai, hỏng nhưng vẫn sử dụng phương tiện đo này vào mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán và thanh toán hoặc phương tiện đo liên quan đến bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường thì áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 54 để xử phạt.
5.4. Khi áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 54 cần lưu ý như sau:
5.4.1. Hành vi gian lận trong việc sử dụng giấy chứng nhận kiểm định hoặc dấu, tem kiểm định được thể hiện một trong các dấu hiệu sau:
5.4.1.1. Sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định không phải của tổ chức kiểm định có đủ điều kiện theo quy định;
5.4.1.2. Sử dụng dấu kẹp chì, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã bị tẩy xóa hoặc sửa chữa nội dung;
5.4.1.3. Tự ý tháo, dỡ dấu kẹp chì, tem kiểm định;
5.4.1.4. Tự ý tháo, dỡ sau đó gắn hoặc dán lại dấu, tem kiểm định mà không thông báo ngay với cơ quan có thẩm quyền.
5.4.2 Hành vi làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo như: điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đo được thể hiện một trong các dấu hiệu sau:
5.4.2.1. Phương tiện đo đang sử dụng, có dấu kiểm định hoặc tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định còn hiệu lực nhưng tổ chức, cá nhân sử dụng tự ý sửa chữa hoặc tự ý thay thế, lắp thêm, rút bớt chi tiết, thiết bị;
5.4.2.2. Phương tiện đo đang sử dụng, có dấu kiểm định hoặc tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định còn hiệu lực nhưng tổ chức, cá nhân tự ý điều chỉnh một hoặc nhiều chi tiết;
5.4.2.3. Phương tiện đo đang sử dụng có chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực nhưng tổ chức, cá nhân đã có tác động vào một trong các chi tiết của phương tiện đo làm ảnh hưởng đến sai số của phương tiện đo mặc dù khi kiểm tra sai số phương tiện đo vẫn nằm trong giới hạn sai số cho phép.
Người có thẩm quyền xử phạt chỉ xử lý hành vi vi phạm làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo gây thiệt hại cho người tiêu dùng, an toàn, môi trường hoặc ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội của quốc gia.
Ví dụ: trường hợp cột đo xăng dầu của tổ chức, cá nhân đang hoạt động bình thường khi kiểm tra đột xuất về sai số cột đo theo quy trình ĐLVN 10:2003, kết quả cho sai số từ lớn hơn 0,5% đến 8% và tại cột đo vừa cho sai số nêu trên, khi tắt nguồn điện và tiến hành kiểm tra lại sai số cột đo theo quy trình ĐLVN 10:2003 thì lại đạt sai số cho phép ±0,5%. Việc làm nêu trên đã chứng tỏ tổ chức, cá nhân sử dụng cột đo này có hành vi tác động (thông qua việc đóng, ngắt nguồn điện cung cấp cho cột đo) để làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của cột đo (xóa sai số của cột đo đã được phát hiện). Như vậy, Người có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 54 để xử phạt.
5.5. Khi áp dụng quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định 54 lần lưu ý như sau:
5.5.1. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện đo đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 8 được hiểu là:
Tịch thu tang vật vi phạm: là người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu chứng chỉ kiểm định giả (tem, dấu, giấy chứng nhận kiểm định) được tạo ra để che đậy hành vi tự ý điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đã bị tác động hoặc là các chi tiết, thiết bị được tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo tự ý điều chỉnh hoặc thay thế chi tiết so với hồ sơ lưu của phương tiện đo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tịch thu phương tiện đo: là người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện đo đang được tổ chức, cá nhân sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8.
5.5.2. Thủ tục xử lý phương tiện đo vi phạm hành chính bị tịch thu thực hiện theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.
5.6. Việc buộc tiêu hủy dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 54 được tổ chức tiêu hủy ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực. Việc thực hiện tiêu hủy chứng chỉ kiểm định do cá nhân, tổ chức vi phạm tự tổ chức dưới sự giám sát, chứng kiến của cơ quan ban hành quyết định xử phạt. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự tổ chức thực hiện việc tiêu hủy chứng chỉ kiểm định vi phạm thì cơ quan ra quyết định xử phạt tổ chức cưỡng chế việc tiêu hủy (có quyết định cưỡng chế và thực hiện tiêu hủy xong phải có biên bản theo quy định). Tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm chi phí cho việc tổ chức cưỡng chế hoặc hoàn trả chi phí ứng trước của nhà nước cho việc tổ chức cưỡng chế tiêu hủy.
5.7. Thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp quy định tại điểm c khoản 6 Điều 8 Nghị định 54 được xác định như sau:
5.7.1. Nguyên tắc chung để xác định:
5.7.1.1. Thời gian vi phạm (TGVP):
5.7.1.1.1. Thời điểm vi phạm: là thời điểm tổ chức, cá nhân bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có bằng chứng pháp lý (như: hợp đồng; hóa đơn tài chính) chứng minh được thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm thì xác định thời điểm bắt đầu vi phạm theo bằng chứng pháp lý đó. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không có bằng chứng pháp lý chứng minh được thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm thì thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm xác định từ thời điểm kiểm định gần nhất hoặc lần kiểm tra sai số phương tiện đo gần nhất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
5.7.1.1.2. Xác định thời gian vi phạm: là khoảng thời gian tổ chức, cá nhân bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện có hành vi vi phạm về đo lường. Đơn vị thời gian để tính thời gian vi phạm là ngày. Nếu thời gian vi phạm được xác định là tháng thì 01 (một) tháng được quy đổi thành 30 (ba mươi) ngày.
Ví dụ 1: Ngày 17/8/2009 Cửa hàng Xăng dầu A bị Đoàn thanh tra về đo lường của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh X phát hiện Cửa hàng có 01 cột đo xăng dầu bán xăng RON 92 lắp thêm một bộ vi mạch điện tử ở bộ phận hiển thị. Hành vi này làm cột đo xăng cho sai số là 0,85%. Cửa hàng đã xuất trình được Hợp đồng lắp đặt với cơ sở sửa chữa Z và giấy tờ hợp lệ xác định ngày lắp đặt từ ngày 12/5/2009. Như vậy sẽ xác định được thời gian vi phạm là 03 tháng (từ 12/5/2009 đến 12/8/2009) và 05 ngày (từ ngày 13/8/2009 đến 17/8/2009). Thời gian vi phạm quy đổi theo đơn vị tính (ngày) là: 03 tháng x 30 ngày + 05 ngày = 95 ngày.
Ví dụ 2: Ngày 17/8/2009 Cửa hàng Xăng dầu B bị Đoàn Thanh tra về đo lường của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh X phát hiện Cửa hàng có 01/03 cột đo xăng dầu bán xăng RON 92 có lắp thêm một bộ vi mạch điện tử ở bộ phận hiển thị. Qua kiểm tra và xác định được sai số cột đo này là 0,85%; hai cột đo còn lại có sai số nằm trong giới hạn sai số cho phép ± 0,5%. Cửa hàng không có bằng chứng pháp lý chứng minh được thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm. Kiểm tra tại Cửa hàng, Đoàn Thanh tra thu được các thông tin sau:
Thời điểm kiểm định gần nhất do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh X thực hiện và cấp Giấy kiểm định ngày 09/3/2009, Giấy kiểm định các cột đo có hiệu lực đến ngày 09/3/2010. Cửa hàng B đã xuất trình được sổ theo dõi nhập – xuất loại xăng RON 92 từ ngày 01/01/2009 đến hết ngày 31/7/2009 (là 07 tháng) cho thấy: Lượng xăng RON 92 nhập về là 900.000 lít; đã bán là 630.000 lít. Từ 09/3/2009 đến 17/8/2009 Liên bộ Tài chính và Công Thương đã có 03 lần cho phép tăng giá xăng dầu, trong đó có tăng giá xăng RON 92 cụ thể như sau: ngày 12/4/2009 là 13.700 đồng/lít, ngày 15/5/2009 là 14.200 đồng/lít và ngày 20/7/2009 là 14.700 đồng/lít.
Căn cứ kết quả kiểm tra sai số cột đo, Đoàn thanh tra kết luận Cửa hàng B đã có hành vi vi phạm hành chính. Hành vi này được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 54.
Theo ví dụ này thì Đoàn thanh tra đã xác định được thời gian vi phạm của Cửa hàng B là 05 tháng (từ 09/3/2009 đến 09/8/2009) và 08 ngày (từ ngày 10/8/2009 đến 17/8/2009). Thời gian vi phạm quy đổi theo đơn vị tính (ngày) là: 05 tháng x 30 ngày + 08 ngày = 158 ngày.
5.7.1.2. Sai số để xác định vi phạm (SSVP): là hiệu của giá trị sai số thực tế của phương tiện đo được phát hiện với sai số cho phép theo quy định của phương tiện đo.
Tại ví dụ 2 nêu trên, xác định sai số để xác định vi phạm là: 0,85% - 0,5% = 0,35%.
5.7.1.3. Lượng hàng hóa đã bán do sử dụng phương tiện đo để vi phạm trong thời gian vi phạm (HHĐB): Là lượng hàng hóa đã bán do sử dụng phương tiện đo để vi phạm trong thời gian vi phạm được quy đổi theo đơn vị thời gian tính vi phạm.
Xác định lượng hàng hóa do sử dụng phương tiện đo để vi phạm đã bán trong thời gian vi phạm được xác định theo một trong các nguyên tắc sau:
- Xác định theo số ghi lượng xăng đã bán trên cột đo: Nếu xác định được số ghi tổng lượng xăng đã bán tại thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm (thời điểm kiểm định gần nhất) và số ghi tổng lượng xăng đã bán tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm do sử dụng phương tiện đo để vi phạm và sau khi kiểm tra thấy tình trạng của bộ phận hiển thị này vẫn hoạt động bình thường, thì xác định lượng hàng hóa đã thực bán trong thời gian vi phạm do sử dụng phương tiện đo để vi phạm là hiệu của số ghi tổng xăng đã bán tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm với số ghi tổng lượng xăng đã bán tại thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm.
- Xác định theo sổ sách theo dõi bán hàng của cơ sở: Nếu cơ sở vi phạm có hệ thống sổ sách kế toán theo dõi chi tiết nghiệp vụ xuất, nhập hàng thì sẽ căn cứ vào sổ sách để xác định lượng hàng bán trung bình 01 tháng về chủng loại hàng do sử dụng phương tiện đo để vi phạm đã bán (lấy lượng trung bình thấp nhất giữa kỳ bán hàng hiện tại và số đã quyết toán của năm trước liền kề). Sau đó xác định lượng hàng đã bán trung bình trong 01 ngày (đơn vị thời gian tính vi phạm) do sử dụng phương tiện đo để vi phạm. Xác định lượng hàng hóa đã bán trong thời gian vi phạm do sử dụng phương tiện đo để vi phạm là tích của lượng hàng đã bán trung bình trong 01 ngày (đơn vị thời gian tính vi phạm) do sử dụng phương tiện đo để vi phạm với số ngày vi phạm.
Tại ví dụ 2 nêu trên, Cửa hàng B đã xuất trình được sổ theo dõi nhập – xuất loại xăng RON 92 từ ngày 01/01/2009 đến hết ngày 31/7/2009 (là 07 tháng) cho thấy: Lượng xăng RON 92 nhập về là 900.000 lít; đã bán là 630.000 lít. Đoàn thanh tra cần phải xác định các thông số sau:
Xác định lượng hàng đã bán trung bình trong 01 tháng là: 630.000 lít : 07 tháng = 90.000 lít/tháng.
(theo số quyết toán năm 2008 thì lượng xăng RON 92 bán trung bình trong một tháng của Cửa hàng là 97.000 lít cao hơn số trong kỳ nêu trên là 90.000 lít. Do đó lấy số trong kỳ 90.000 lít là số để tính).
Xác định lượng hàng đã bán trung bình trong tháng của 01 phương tiện đo là:
90.000 lít/tháng : 03 cột đo xăng (bán loại RON 92) = 30.000 lít/tháng.
Xác định lượng hàng đã bán trung bình trong ngày của 01 phương tiện đo là: 30.000 lít/tháng : 30 ngày = 1.000 lít/ngày.
Xác định lượng hàng hóa đã bán trong thời gian vi phạm do sử dụng phương tiện đo để vi phạm là: 1.000 lít/ngày x 158 ngày = 158.000 lít.
- Xác định theo cột đo tương đương trong khu vực kinh doanh: Nếu không xác định được theo 02 phương pháp nêu trên thì xác định lượng hàng hóa do sử dụng phương tiện đo để vi phạm đã bán trong thời gian vi phạm theo phương pháp tương đương. Cụ thể: lượng hàng hóa do sử dụng phương tiện đo để vi phạm đã bán trong thời gian vi phạm là tích của lượng hàng cùng loại đã bán trung bình trong 01 ngày của 01 phương tiện đo được sử dụng không vi phạm tại 01 cửa hàng lân cận trong cùng địa bàn kinh doanh với số ngày sử dụng phương tiện đo để vi phạm. Cách tính lượng hàng cùng loại đã bán trung bình trong 01 ngày của 01 phương tiện đo được sử dụng không vi phạm tại 01 cửa hàng lân cận trong cùng địa bàn kinh doanh theo hai phương pháp nêu trên.
5.7.1.4. Lượng hàng hóa vi phạm (HHVP): là lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân có được do sử dụng phương tiện đo có sai số cho phép để bán hàng hóa cho người tiêu dùng trong thời gian vi phạm. Lượng hàng hóa vi phạm là tích của lượng hàng hóa do sử dụng phương tiện đo để vi phạm đã bán trong thời gian vi phạm (HHĐB) với sai số vi phạm (SSVP).
5.7.1.5. Đơn giá hàng hóa để tính giá trị hàng hóa đã vi phạm (ĐGTB): là đơn giá trung bình của các đơn giá do cơ quan có thẩm quyền công bố trong thời gian vi phạm.
Ví dụ: Tại Cửa hàng B trong ví dụ 2 nêu trên, từ 09/3/2009 đến 17/8/2009 Liên bộ Tài chính và Công Thương đã có 03 lần cho phép tăng giá xăng dầu, trong đó có tăng giá xăng RON 92 cụ thể như sau: ngày 12/4/2009 là 13.700 đồng/lít, ngày 15/5/2009 là 14.200 đồng/lít và ngày 20/7/2009 là 14.700 đồng/lít.
Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt cần xác định đơn giá trung bình của loại xăng RON 92 trong thời gian vi phạm của Cửa hàng B làm cơ sở để tính số tiền thu lợi bất hợp pháp để quyết định thu hồi cho ngân sách nhà nước. Cụ thể tính đơn giá trung bình là: (13.700 + 14.200 + 14.700) đồng/lít : 3 = 14.200 đồng/lít.
5.7.2. Số tiền thu lợi bất hợp pháp (TLBHP): là số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được do thực hiện hành vi vi phạm trong thời gian vi phạm (sử dụng phương tiện đo có sai số vượt sai số cho phép để bán hàng hóa cho người tiêu dùng trong thời gian vi phạm).
Số tiền thu lợi bất hợp pháp để thu về ngân sách Nhà nước được xác định theo công thức sau:
Số tiền thu lợi bất hợp pháp (TLBHP) = Lượng hàng hóa vi phạm (HHVP) x Đơn giá hàng hóa trung bình (ĐGTB), trong đó:
Lượng hàng hóa vi phạm (HHVP) = Lượng hàng hóa do sử dụng phương tiện đo để vi phạm đã bán trong thời gian vi phạm (HHĐB) x Sai số vi phạm (SSVP).
Ví dụ: Để tính số tiền thu lợi bất hợp pháp của Cửa hàng B tại ví dụ 2 nêu trên như sau:
TLBHP = HHVP x ĐGTB
= HHĐB x SSVP x ĐGTB
= 158.000 lít x 0,35% x 14.200 đồng/lít = 7.852.600 đồng.
Như vậy, số tiền thu lợi bất hợp pháp phải bị thu hồi về ngân sách nhà nước của cột đo xăng của Cửa hàng B là 7.852.600 đồng.
Lưu ý: Nếu tổ chức, cá nhân có sử dụng nhiều phương tiện đo cùng vi phạm, khi tính số tiền thu lợi bất hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gian lận đo lường để thu hồi về ngân sách nhà nước thì phải tính tiền thu lợi bất hợp pháp cho từng phương tiện đo, sau đó tính tổng số tiền thu lợi bất hợp pháp phải thu nộp ngân sách bằng tổng số tiền thu lợi bất hợp pháp của từng phương tiện đo được sử dụng để vi phạm.
6. Hành vi vi phạm quy định về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn trong sản xuất, nhập khẩu thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường (Điều 10 Nghị định 54) bao gồm hành vi sau:
6.1. Hành vi không ghi định lượng trên nhãn hàng hóa theo quy định là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng đóng gói sẵn không ghi khối lượng tịnh, thể tích tịnh hoặc số đếm chiều dài thực, diện tích thực trên bao bì hoặc nhãn hàng hóa. Ghi không đúng đơn vị đo lường theo quy định là hành vi ghi không đúng hướng dẫn tại điểm 1.1 Mục II Thông tư này.
6.2. Hành vi đóng gói hàng hóa không đủ định lượng được hiểu là hàng hóa có lượng chứa thực nhỏ hơn lượng chứa tối thiểu cho phép hoặc giá trị trung bình lượng chứa thực của lô hàng đóng gói sẵn nhỏ hơn lượng định mức.
6.3. Hành vi không đạt yêu cầu về đo lường, có sai số vượt quá mức giới hạn cho phép được hiểu là lô hàng đóng gói sẵn không đạt yêu cầu vượt quá giới hạn thiếu cho phép; giá trị trung bình lượng chứa thực của lô hàng đóng gói sẵn nhỏ hơn lượng định mức và có số đơn vị không phù hợp vượt quá mức quy định.
Hành vi đóng gói hàng hóa không đủ định lượng, không đạt yêu cầu về đo lường theo quy định Điều 10 Nghị định 54 là hàng đóng gói sẵn không đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 02/2008/QĐ-BKHCN ngày 25/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy định về việc kiểm tra đo lường đối với hàng đóng gói sẵn theo định lượng.
7. Hành vi vi phạm quy định về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn trong buôn bán thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường (Điều 11 Nghị định 54) khi áp dụng cần lưu ý nội dung sau:
7.1. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 54 là hành vi của tổ chức, cá nhân buôn bán hàng hóa vi phạm nội dung được hướng dẫn tại điểm 6.1 Mục II của Thông tư này.
7.2. Hành vi quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 54 là hành vi của tổ chức, cá nhân buôn bán hàng hóa vi phạm nội dung được hướng dẫn tại điểm 6.2, điểm 6.3 Mục II của Thông tư này.
7.3. Nội dung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 được hiểu là tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục đưa lưu thông hàng không đủ định lượng buộc phải bổ sung định lượng hoặc ghi lại định lượng trên nhãn hàng hóa đúng với định lượng thực tế đã công bố trên nhãn hàng đóng gói sẵn.
III. HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
1. Hành vi vi phạm các quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng (Điều 12 Nghị định 54) khi áp dụng cần lưu ý nội dung sau:
Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa áp dụng tiêu chuẩn phải công bố tiêu chuẩn áp dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa. Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không thực hiện quy định này là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 54.
2. Khi áp dụng điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 54 cần lưu ý nội dung sau:
Hành vi không gắn dấu hợp quy theo quy định khi đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường chỉ áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy. Khi đã công bố hợp quy thì sản phẩm, hàng hóa đó phải được gắn dấu hợp quy trước khi đưa lưu thông. Trong thực tế, có một số sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy nhưng khi đưa lưu thông không có khả năng gắn dấu hợp quy, ví dụ như sản phẩm xăng, nhiên liệu điêzen … Vì vậy, khi gặp các sản phẩm, hàng hóa đặc thù thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 54 để xử phạt.
3. Khi áp dụng Điều 17 Nghị định 54 cần lưu ý nội dung sau:
3.1. Khi áp dụng quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này, mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm không vượt quá 30.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 62 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý.
3.2. Cách xác định tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm về chất lượng tại thời điểm vi phạm được thực hiện như sau:
Giá trị hàng hóa vi phạm chất lượng = lượng hàng hóa vi phạm chất lượng x giá bán.
Ví dụ: Công ty Đông Đô được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Y cấp Giấy đăng ký kinh doanh, với ngành nghề: kinh doanh nhiên liệu động cơ đốt trong. Cửa hàng của Công ty có một cột đo xăng đang sử dụng để bán xăng RON 92. Cột đo của Công ty Đông Đo được Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng tỉnh Y kiểm định cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.
Ngày 15/8/2009, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Y tiến hành thanh tra đột xuất Cửa hàng của Công ty Đông Đô có địa chỉ tại Đường Nguyễn Văn A, quận B, tỉnh Y vì có dấu hiệu gian lận chất lượng bán xăng RON 92, gây thiệt hại cho người tiêu dùng bằng việc pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng xăng, dầu so với quy định của pháp luật. Đoàn thanh tra lấy mẫu xăng, dầu cho lô xăng RON 92 là 15.000 lít để gửi đi thử nghiệm tại Phòng VILAS 5 Trung tâm kỹ thuật D. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm so sánh với quy định thì các mẫu xăng nêu trên có chất lượng không phù hợp tại QCVN 1:2007/BKHCN.
Đoàn thanh tra kết luận Cửa hàng thuộc Công ty Đông Đô có hành vi bán xăng RON 92 có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 1:2007/BKHCN, vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 54.
Đoàn thanh tra xác định tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm về chất lượng tại thời điểm vi phạm (15/8/2009) được thực hiện như sau:
- Giá bán xăng RON 92 tại thời điểm thanh tra: là đơn giá trung bình của các đơn giá do cơ quan có thẩm quyền công bố trong thời gian vi phạm được tính theo nguyên tắc hướng dẫn tại điểm 5.7.1.đ của Thông tư này và xác định được giá xăng RON 92 là 13.500 đồng/lít.
- Lượng hàng hóa vi phạm chất lượng là lô hàng hóa có mẫu đại diện được gửi đi thử nghiệm là: xăng RON 92 = 15.000 lít.
- Giá trị hàng hóa vi phạm chất lượng: xăng RON 92 = 15.000 lít x 13.500 đồng/lít = 202.500.000 đồng.
Vậy, Đoàn thanh tra đã xác định được tổng giá trị hàng hóa vi phạm chất lượng của Cửa hàng thuộc Công ty Đông Đô là: 202.500.000 đồng.
Khi ban hành quyết định xử phạt đối với Cửa hàng thuộc Công ty Đông Đô về hành vi nêu trên, người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Nghị định 54 chỉ được xử phạt mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm không quá 30.000.000 đồng.
4. Khi áp dụng khoản 1 Điều 21 Nghị định 54 cần thực hiện như sau:
Một trong những biểu hiện dưới đây được coi là hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, thiếu trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:
4.1. Thông tin trên nhãn hàng hóa không phù hợp với chất lượng thực tế của sản phẩm, hàng hóa;
4.2. Cung cấp thông tin sai sự thật, thiếu trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc cơ quan có thẩm quyền;
4.3. Sản phẩm, hàng hóa không thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy nhưng trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoặc các đại lý bán sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân đó có thông tin nhằm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là sản phẩm, hàng hóa đó đã được công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy;
4.4. Thông tin sai sự thật, thiếu trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Khi áp dụng Điều 22 Nghị định 54 cần lưu ý:
Tổ chức được chỉ định kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại Điều này được hiểu là tổ chức quy định tại Điều 45 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng có thu phí, lệ phí kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Điều 37 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
IV. HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ NHÃN HÀNG HÓA VÀ MÃ SỐ MÃ VẠCH
1. Khi áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 54 cần lưu ý:
Đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, chế biến, lắp ráp, đóng gói sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam nhưng không ghi nhãn theo quy định (trừ định lượng) thì bị xử phạt trong trường hợp hàng hóa đó chỉ để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, chế biến, lắp ráp, đóng gói sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, nhãn hàng hóa ghi theo hợp đồng xuất khẩu hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu hàng hóa, nhưng nhãn không ghi đầy đủ nội dung theo quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (trừ định lượng) thì vẫn bị xử phạt theo quy định tại khoản này.
2. Khi áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định 54 cần lưu ý:
2.1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 được hiểu là: sản xuất, nhập khẩu hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi nhưng không ghi một trong các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Nếu nhãn hàng hóa nêu tại điểm này ghi đầy đủ nội dung (trừ định lượng) theo quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ, nhưng hàng hóa đó lại thuộc Danh mục hàng hóa đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường thì áp dụng quy định tại Điều 10 (đối với sản xuất, nhập khẩu), Điều 11 (đối với buôn bán) của Nghị định 54 để xử phạt.
2.2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 là hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi có ghi hạn sử dụng nhưng không phân biệt được hạn sử dụng hoặc hạn sử dụng bị tẩy xóa, sửa chữa.
2.3. Hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 25 là hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng với nhãn hàng hóa hoặc nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu khác mà không được phép tổ chức, cá nhân đó.
3. Khi áp dụng Điều 26 Nghị định 54 cần lưu ý:
3.1. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 54 là hành vi không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch hoặc Giấy chứng nhận sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng hoặc không gửi danh mục các Mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN) và Mã số địa điểm toàn cầu (GLN) được sử dụng cho cơ quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch có thẩm quyền hoặc không thông báo bằng văn bản, kèm tài liệu chứng minh việc được sử dụng mã số nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền khi sử dụng mã số nước ngoài cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là việc tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa khi có sự thay đổi nêu tại điểm này mà không thông báo bằng văn bản đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
3.2. Sử dụng trái phép mã số mã vạch quốc gia được hiểu là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự ý gắn dãy số 893 lên trước mã số mã vạch in trên nhãn hàng hóa mà chưa được phép của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
3.3. Sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác được hiểu là tổ chức, cá nhân đã tự ý gắn lên nhãn sản phẩm, hàng hóa mã số mã vạch của tổ chức, cá nhân khác đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
3.4. Hành vi vi phạm điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 54 được hiểu là: tổ chức, cá nhân đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp quyền sử dụng mã số mã vạch, nhưng không thực hiện nghĩa vụ để duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc không thực hiện đúng quy định về mã số mã vạch dẫn đến bị tước quyền hoặc bị thu hồi quyền sử dụng. Sau khi hết quyền sử dụng nhưng tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục sử dụng mã số mã vạch trên nhãn hàng hóa.
3.5. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 54 được hiểu là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa để xuất khẩu theo hợp đồng hoặc yêu cầu của khách hàng nước ngoài đã thực hiện đúng việc ghi nhãn hàng hóa, trên nhãn có gắn mã số mã vạch của tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng không được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hoặc không được tổ chức nước ngoài là chủ sở hữu cho phép, không thực hiện việc đăng ký với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
4. Khi áp dụng Điều 27 Nghị định 54 cần lưu ý:
4.1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 là hành vi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch nhưng đã gian lận, đánh lừa người tiêu dùng hiểu nhầm tổ chức, cá nhân đó đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.
4.2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 là hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch do cơ quan không có thẩm quyền cấp (không phải do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp)
V. HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA
1. Khi áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Nghị định 54 cần lưu ý:
Tổ chức, cá nhân có một trong những hành vi sau thì được coi là hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28:
1.1. Cố tình không hiểu hoặc hiểu sai các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra khi người có thẩm quyền trong đoàn thanh tra, kiểm tra phổ biến, hướng dẫn bằng văn bản;
1.2. Cử người không đủ thẩm quyền để làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc không ủy quyền người làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra (trừ trường hợp bất khả kháng);
1.3. Thực hiện việc khác nhằm cản trở, gây khó khăn trong thanh tra, kiểm tra.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi sau thì được coi là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 54: sản phẩm, hàng hóa hoặc tang vật có dấu hiệu vi phạm hành chính đang bị cơ quan thanh tra tạm giữ hoặc niêm phong sau đó lập biên bản bàn giao cho tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm quản lý, bảo quản trong khi chờ quyết định của người có thẩm quyền, nếu trong thời gian này, tổ chức, cá nhân tự ý làm thay đổi vị trí, cách thức và dấu vết đã được niêm phong.
VI. HƯỚNG DẪN VỀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT
1. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ (Điều 29 Nghị định 54).
Khi áp dụng Điều 29 Nghị định 54 cần lưu ý những vấn đề sau:
1.1. Thanh tra viên chuyên ngành Khoa học và Công nghệ (khoản 1 Điều 29) bao gồm: Thanh tra viên đang công tác tại Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ.
1.2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm các chức danh được quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Nghị định 54.
2. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa: theo quy định tại Điều 50 Luật Thanh tra và Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 thì những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thanh tra viên chuyên ngành Khoa học và Công nghệ và các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định 54.
Trường hợp người lập biên bản vi phạm hành chính không có thẩm quyền xử phạt thì thủ trưởng của người đó là người có thẩm quyền xử phạt phải ký tên vào biên bản vi phạm hành chính.
3. Thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tuân theo quy định tại Điều 46 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24/02/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |