cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 26/2009/TT-NHNN ngày 30/12/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định việc mua-bán ngoại tệ của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 26/2009/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 30-12-2009
  • Ngày có hiệu lực: 30-12-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 548 ngày (1 năm 6 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2011, Thông tư số 26/2009/TT-NHNN ngày 30/12/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định việc mua-bán ngoại tệ của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 13/2011/TT-NHNN ngày 31/05/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về mua, bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 26/2009/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC MUA – BÁN NGOẠI TỆ CỦA MỘT SỐ TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Căn cứ Điểm 3 văn bản số 2578/TTg-KTTH ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc bán ngoại tệ của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là NHNN) hướng dẫn thực hiện như sau:

MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1.1. Thông tư này quy định việc Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho Tổ chức tín dụng được phép và được quyền mua lại ngoại tệ trong phạm vi số ngoại tệ đã bán từ Tổ chức tín dụng được phép để phục vụ nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp pháp.

1.2. Việc mua – bán ngoại tệ theo nội dung quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2005 và không phải là Tổ chức tín dụng) có tên sau:

a) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

b) Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam

c) Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Tổng công ty Hóa chất Việt Nam)

d) Tổng Công ty Cảng Hàng không Miền Nam

đ) Tổng Công ty Lương thực Miền Nam

e) Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc

g) Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam

2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1. Tổ chức là Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2005) thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được quy định tại Khoản 1 Thông tư này.

2.2. Tổ chức tín dụng được phép là các Tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối theo quy định của pháp luật.

2.3. Nghĩa vụ bán ngoại tệ là việc Tổ chức phải bán cho Tổ chức tín dụng được phép số ngoại tệ thu được từ các nguồn thu vãng lai và số dư trên các tài khoản tiền gửi tại các Tổ chức tín dụng được phép.

2.4. Quyền mua ngoại tệ là việc Tổ chức được mua ngoại tệ tại các Tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng cho các nhu cầu thanh toán vãng lai và các giao dịch hợp pháp khác trên cơ sở xuất trình các hồ sơ, chứng từ hợp lệ có liên quan.

2.5. Nguồn thu vãng lai là nguồn thu của Tổ chức từ các giao dịch vãng lai theo quy định tại Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối.

2.6. Số dư trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Tổ chức bao gồm số dư tiền gửi không kỳ hạn và số dư tiền gửi có kỳ hạn của Tổ chức gửi tại Tổ chức tín dụng được phép.

2.7. Tài khoản “quản lý và giữ hộ” là tài khoản ngoại tệ Tổ chức tín dụng được phép mở riêng cho từng Tổ chức để thực hiện việc mua ngoại tệ trên số dư tiền gửi của Tổ chức theo quy định tại Thông tư này.

2.8. Ngoại tệ là các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi.

3. Phạm vi mua – bán ngoại tệ:

3.1. Các nguồn ngoại tệ Tổ chức phải bán cho Tổ chức tín dụng được phép:

a) Ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của Tổ chức tại Tổ chức tín dụng, được phép tại thời điểm ngày 31/12/2009.

b) Ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của Tổ chức tại Tổ chức tín dụng được phép tại thời điểm ngày 31/12/2009.

c) Nguồn thu ngoại tệ từ các giao dịch vãng lai phát sinh từ ngày 01/01/2010.

3.2. Nhu cầu ngoại tệ Tổ chức được mua lại từ Tổ chức tín dụng được phép:

Khi nhu cầu sử dụng ngoại tệ cho các mục đích hợp pháp (thanh toán, ký quỹ hay đặt cọc) trong tháng lớn hơn số dư hiện có trên tài khoản ngoại tệ của Tổ chức và nguồn thu ngoại tệ trong tháng, Tổ chức được phép mua lại số ngoại tệ còn thiếu để phục vụ nhu cầu sử dụng theo các quy định tại Thông tư này.

4. Nguyên tắc mua – bán số ngoại tệ:

4.1. Tổ chức thực hiện việc bán ngoại tệ dưới dạng tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn và không kỳ hạn tại thời điểm ngày 31/12/2009 cho chính Tổ chức Tín dụng được phép nơi Tổ chức có tài khoản tiền gửi ngoại tệ.

4.2. Tổ chức bán ngoại tệ cho Tổ chức tín dụng được phép nào thì thực hiện việc mua lại ngoại tệ từ chính Tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát đảm bảo nguyên tắc Tổ chức được mua lại số ngoại tệ tối đa bằng số ngoại tệ mà Tổ chức đã bán cho Tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại Thông tư này.

4.3. Trường hợp khi đã mua đủ số ngoại tệ mà Tổ chức đã bán cho Tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại Thông tư này, Tổ chức vẫn có nhu cầu mua ngoại tệ, việc mua – bán ngoại tệ của Tổ chức và Tổ chức tín dụng được phép được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các bên, tuân thủ quy định hiện hành có liên quan về quản lý ngoại hối.

4.4. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm tự cân đối ngoại tệ để thực hiện việc mua – bán ngoại tệ với các Tổ chức theo quy định tại Thông tư này. Tổ chức tín dụng được phép phải đảm bảo thực hiện các quy định của NHNN về việc duy trì trạng thái ngoại hối tại thời điểm thực hiện việc mua – bán ngoại tệ với các Tổ chức. Trường hợp việc mua ngoại tệ từ Tổ chức làm vượt trạng thái ngoại hối của Tổ chức tín dụng, Tổ chức tín dụng được phép thực hiện bán ngay cho NHNN số ngoại tệ vượt trạng thái theo tỷ giá NHNN niêm yết mua ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm giao dịch. NHNN sẽ bán lại số ngoại tệ này cho Tổ chức tín dụng được phép để bán cho Tổ chức khi Tổ chức yêu cầu theo tỷ giá NHNN niêm yết bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm giao dịch.

4.5. Trường hợp không đủ VNĐ để mua ngoại tệ của Tổ chức, Tổ chức tín dụng được phép thực hiện bán số ngoại tệ mà Tổ chức tín dụng được phép không đủ khả năng thu xếp tiền VNĐ để mua từ Tổ chức cho NHNN theo tỷ giá NHNN niêm yết mua ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm giao dịch. NHNN sẽ bán lại số ngoại tệ này cho Tổ chức tín dụng được phép theo tỷ giá NHNN niêm yết bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm giao dịch để Tổ chức tín dụng được phép có ngoại tệ bán cho Tổ chức khi Tổ chức yêu cầu.

4.6. Tỷ giá thực hiện mua – bán ngoại tệ của Tổ chức tín dụng được phép và Tổ chức được thực hiện theo quy định hiện hành của NHNN.

4.7. Đối với số ngoại tệ Tổ chức tín dụng được phép mua từ Tổ chức và bán cho NHNN theo nội dung điểm 4.4 và 4.5 Mục I Thông tư này, Tổ chức tín dụng được phép dùng tỷ giá bán ngoại tệ cho NHNN để thanh toán cho Tổ chức. Tương tự như vậy, đối với số ngoại tệ Tổ chức tín dụng được phép mua từ NHNN để bán cho Tổ chức khi Tổ chức yêu cầu, Tổ chức tín dụng được phép bán số ngoại tệ này cho Tổ chức với tỷ giá bằng tỷ giá đã mua ngoại tệ từ NHNN.

MỤC II. NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ TỪ SỐ DƯ TRÊN TÀI KHOẢN TIỀN GỬI

5. Số lượng ngoại tệ phải bán:

5.1. Đối với số dư tiền gửi có kỳ hạn của Tổ chức tại Tổ chức tín dụng được phép tại thời điểm 31/12/2009 (trừ các khoản ký quỹ, đặt cọc hay bảo lãnh cho nghĩa vụ nợ trong tương lai): Tổ chức thực hiện bán ngay 30% số dư tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn tại thời điểm ngày 31/12/2009. Số ngoại tệ còn lại, Tổ chức sẽ thực hiện bán cho Tổ chức tín dụng được phép trong vòng 2 tháng đầu năm 2010.

5.2. Đối với số dư tiền gửi không kỳ hạn của Tổ chức tại Tổ chức tín dụng được phép vào ngày 31/12/2009: Tổ chức giữ lại số ngoại tệ cần thiết để phục vụ nhu cầu thanh toán và số ngoại tệ hiện đang giữ cho mục đích ký quỹ, đặt cọc hay bảo lãnh cho nghĩa vụ nợ trong tương lai; số ngoại tệ còn lại Tổ chức phải bán ngay cho Tổ chức tín dụng được phép.

6. Thủ tục bán đối với số dư tiền gửi theo điểm 5 Mục II Thông tư này:

6.1. Đối với số dư tiền gửi có kỳ hạn tại ngày 31/12/2009:

a) Các Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xác định chính xác và phong tỏa số dư ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn của các Tổ chức tại Tổ chức tín dụng được phép tại thời điểm ngày 31/12/2009.

b) Tổ chức tín dụng được phép chuyển 30% số ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của Tổ chức vào Tài khoản “quản lý và giữ hộ”. Đồng thời, Tổ chức tín dụng được phép thông báo ngay cho Tổ chức muộn nhất đến ngày 06/01/2010 phải bán cho Tổ chức tín dụng được phép số ngoại tệ đã chuyển sang Tài khoản “quản lý và giữ hộ” nói trên.

c) Sau ngày 06/01/2010, Tổ chức không thực hiện việc bán số ngoại tệ đã chuyển sang Tài khoản “quản lý và giữ hộ” cho Tổ chức tín dụng được phép, Tổ chức tín dụng được phép thực hiện việc mua ngay số ngoại tệ này; đồng thời ghi Có vào tài khoản tiền đồng Việt Nam của Tổ chức mở tại Tổ chức tín dụng được phép. Trường hợp Tổ chức chưa mở tài khoản tiền đồng Việt Nam tại Tổ chức tín dụng được phép thì Tổ chức tín dụng được phép mở tài khoản tiền đồng Việt Nam cho Tổ chức để thực hiện việc mua ngay ngoại tệ và yêu cầu Tổ chức hoàn tất các thủ tục về mở tài khoản tiền VNĐ theo quy định của Tổ chức tín dụng được phép.

d) Tổ chức tín dụng được phép thống nhất kế hoạch với Tổ chức về việc mua số ngoại tệ còn lại của Tổ chức chậm nhất đến trước ngày 01/03/2010 và chủ động triển khai thực hiện kế hoạch mua ngoại tệ theo các quy định tại Thông tư này.

đ) Đối với số ngoại tệ mua từ số dư tiền gửi có kỳ hạn, tại thời điểm mua, Tổ chức tín dụng được phép thực hiện trả lãi trên số ngoại tệ Tổ chức phải bán theo lãi suất bằng mức lãi suất đã cam kết theo kỳ hạn gửi và tính trên số ngày thực tế Tổ chức đã gửi ngoại tệ tại Tổ chức tín dụng được phép. Số tiền lãi này Tổ chức tín dụng được phép thanh toán cho Tổ chức bằng ngoại tệ, là nguồn thu ngoại tệ của Tổ chức trong tháng phát sinh và được tính toán theo quy định tại Mục III Thông tư này.

6.2. Đối với số dư tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn tại ngày 31/12/2009:

a) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày 31/12/2009, Tổ chức phải xuất trình hồ sơ, tài liệu chứng minh với Tổ chức tín dụng được phép về tính hợp lý của số ngoại tệ cần giữ lại cho nhu cầu thanh toán trong tháng 1/2010 và số ngoại tệ hiện đang giữ cho mục đích ký quỹ, đặt cọc hay bảo lãnh của Tổ chức. Tổ chức tín dụng được phép căn cứ vào hồ sơ tài liệu do Tổ chức xuất trình để xác định chính xác số ngoại tệ Tổ chức cần giữ lại trên số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngày 31/12/2009 của Tổ chức.

b) Sau khi đã trừ đi số ngoại tệ được xác định cần giữ lại theo quy định tại tiết a Điểm 6.2 nêu trên, Tổ chức tín dụng được phép chuyển số ngoại tệ còn lại trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm 31/12/2009 của Tổ chức sang Tài khoản “quản lý và giữ hộ”. Đồng thời, Tổ chức tín dụng được phép thông báo ngay cho Tổ chức muộn nhất đến ngày 13/01/2010 phải bán cho Tổ chức tín dụng được phép số ngoại tệ đã chuyển sang Tài khoản “quản lý và giữ hộ” nói trên.

c) Sau ngày 13/01/2010, Tổ chức không thực hiện việc bán số ngoại tệ đã chuyển sang Tài khoản “quản lý và giữ hộ” cho Tổ chức tín dụng được phép, Tổ chức tín dụng được phép thực hiện việc mua ngay số ngoại tệ này theo cách thức quy định tại tiết c Điểm 6.1 Mục II Thông tư này.

d) Tổ chức tín dụng được phép thanh toán tiền lãi bằng ngoại tệ cho Tổ chức với mức lãi suất và số ngày thực tế Tổ chức gửi ngoại tệ tại Tổ chức tín dụng được phép. Số tiền lãi này được tính toán là nguồn thu ngoại tệ của Tổ chức trong tháng 1/2010.

MỤC III. NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ TỪ CÁC NGUỒN THU VÃNG LAI

7. Số lượng ngoại tệ phải bán:

7.1. Đối với các khoản tiền gửi ngoại tệ tại ngày 31/12/2009 thuộc tài khoản ký quỹ, đặt cọc hay bảo lãnh để thanh toán cho nghĩa vụ nợ trong tương lai, các Tổ chức không phải bán cho Tổ chức tín dụng được phép. Hết thời hạn ký quỹ, đặt cọc hay bảo lãnh; nếu không tiếp tục gia hạn thời gian ký quỹ, đặt cọc hay bảo lãnh hoặc không sử dụng hoặc không sử dụng hết để thanh toán cho nghĩa vụ nợ, số ngoại tệ này được coi là phần ngoại tệ phát sinh tăng và được tính toán như các nguồn thu ngoại tệ mới theo Mục III Thông tư này.

7.2. Đối với các nguồn thu ngoại tệ phát sinh từ ngày 01/01/2010, trên cơ sở tự cân đối với nhu cầu sử dụng ngoại tệ và các khoản ký quỹ, đặt cọc phát sinh trong tháng của Tổ chức, số còn lại bán ngay cho Tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại Thông tư này.

8. Quy trình bán:

8.1. Trong vòng 05 ngày làm việc đầu tiên của tháng, Tổ chức phải có kế hoạch về nhu cầu sử dụng ngoại tệ (cho mục đích thanh toán, ký quỹ hoặc đặt cọc) phát sinh trong tháng gửi Tổ chức tín dụng được phép kèm theo các hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp lý của nhu cầu sử dụng số ngoại tệ nói trên của Tổ chức.

8.2. Tổ chức tín dụng được phép căn cứ vào hồ sơ tài liệu do Tổ chức xuất trình, xác định chính xác số ngoại tệ Tổ chức cần giữ lại từ các nguồn thu vãng lai phát sinh trong tháng để phục vụ nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp lý của Tổ chức.

8.3. Khi nhận được nguồn thu ngoại tệ của Tổ chức, Tổ chức tín dụng được phép ghi Có vào Tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Tổ chức và phong tỏa số dư ngoại tệ của Tổ chức để thực hiện mua – bán theo quy định tại Mục III Thông tư này. Tổ chức tín dụng được phép cân đối nguồn ngoại tệ thu được và nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong tháng của Tổ chức. Trường hợp nguồn thu mới phát sinh và số dư trên tài khoản hiện có của Tổ chức vượt số ngoại tệ Tổ chức còn phải sử dụng trong tháng theo kế hoạch đã xác định trước, Tổ chức tín dụng được phép thông báo cho Tổ chức để thực hiện việc mua số ngoại tệ vượt này trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày Tổ chức tín dụng được phép thông báo cho Tổ chức. Quá 03 ngày làm việc nói trên, Tổ chức không thực hiện việc bán ngoại tệ vượt cho Tổ chức tín dụng được phép, Tổ chức tín dụng được phép mua ngay số ngoại tệ này theo cách thức nêu tại tiết c Điểm 6.1 Mục II Thông tư này.

8.4. Sau khi đã xác định về nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp lý trong tháng của Tổ chức, trường hợp phát sinh thêm nhu cầu sử dụng ngoại tệ ngay trong tháng đó, Tổ chức phải thông báo và gửi đến Tổ chức tín dụng được phép hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp lý của nhu cầu sử dụng ngoại tệ phát sinh tăng. Tổ chức tín dụng được phép kiểm tra tính hợp lý của số ngoại tệ cần sử dụng thêm trong tháng để có số liệu chính xác thực hiện việc cân đối nhu cầu sử dụng với nguồn ngoại tệ vãng lai thu được của Tổ chức trong tháng và thực hiện mua số ngoại tệ vượt theo quy định tại Điểm 8.3 Mục III Thông tư này.

MỤC IV. QUYỀN MUA NGOẠI TỆ CỦA TỔ CHỨC

9. Tổ chức được quyền giữ lại trên Tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Tổ chức số ngoại tệ từ nguồn thu vãng lai trong tháng để thực hiện nhu cầu sử dụng trên cơ sở chứng minh tính hợp lý của nhu cầu sử dụng ngoại tệ của Tổ chức trong tháng.

10. Trường hợp nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong tháng cho mục đích thanh toán và mục đích ký quỹ, đặt cọc của Tổ chức trong tháng lớn hơn số tiền thu được và số dư tài khoản ngoại tệ hiện có, Tổ chức được quyền mua số ngoại tệ còn thiếu từ Tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình các tài liệu và chứng từ hợp lệ cho Tổ chức tín dụng được phép để phục vụ nhu cầu sử dụng hợp pháp.

11. Thủ tục mua:

Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lý của nhu cầu mua ngoại tệ phục vụ mục đích sử dụng của chính các Tổ chức, thực hiện việc bán ngoại tệ cho Tổ chức theo quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành có liên quan.

MỤC V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

12. Thực hiện việc mua – bán ngoại tệ với Tổ chức:

12.1. Tự cân đối nguồn vốn để thực hiện việc mua – bán ngoại tệ với Tổ chức theo các quy định tại Thông tư này và các quy định về quản lý ngoại hối có liên quan.

12.2. Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, tài liệu do Tổ chức xuất trình để xác định chính xác số ngoại tệ cần giữ lại cho Tổ chức để thực hiện nhu cầu sử dụng hợp lý của Tổ chức; số ngoại tệ còn lại Tổ chức tín dụng được phép mua của Tổ chức theo quy định tại Thông tư này.

12.3. Mở Tài khoản “quản lý và giữ hộ” cho từng Tổ chức tại Tổ chức tín dụng được phép để thực hiện việc mua ngoại tệ từ các Tổ chức theo quy định tại Thông tư này.

12.4. Sử dụng Tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Tổ chức tại Tổ chức tín dụng được phép để thực hiện việc mua – bán ngoại tệ đối với các Tổ chức theo quy định tại Thông tư này.

13. Các Tổ chức tín dụng được phép khi mua, bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này với các Tổ chức phải:

13.1. Hướng dẫn, đôn đốc, thông báo cho các Tổ chức thực hiện việc mua – bán ngoại tệ theo quy định của NHNN tại Thông tư này;

13.2. Theo dõi, kiểm soát đảm bảo nguyên tắc về số lượng ngoại tệ mua, bán theo quy định tại Thông tư này.

13.3. Duy trì trạng thái ngoại hối theo quy định hiện hành của NHNN.

13.4. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát các chứng từ khi thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ với Tổ chức phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là nhu cầu mua ngoại tệ của Tổ chức.

13.5. Phát hiện các hành vi vi phạm của Tổ chức đối với quy định liên quan đến việc mua – bán ngoại tệ nói trên, kịp thời báo cáo NHNN để có biện pháp xử lý.

13.6. Lưu giữ các chứng từ liên quan tới việc mua, bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm toán sau này.

13.7. Thực hiện yêu cầu báo cáo NHNN theo nội dung Thông tư này.

MỤC VI. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC

14. Tổ chức có trách nhiệm và nghĩa vụ như sau:

14.1. Thực hiện nghiêm túc việc mua – bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này

14.2. Kê khai chính xác các nhu cầu chi ngoại tệ trong tháng để yêu cầu Tổ chức tín dụng được phép giữ lại số ngoại tệ thu được để tự cân đối nhu cầu thu chi ngoại tệ trong tháng của Tổ chức. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) Tổ chức phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp lý của việc tự cân đối khả năng thu, chi ngoại tệ trong tháng để thực hiện quy định mua – bán ngoại tệ cho Tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại Thông tư này.

14.3. Tuân thủ các quy định, xuất trình đầy đủ các chứng từ, tài liệu theo quy định và yêu cầu của Tổ chức tín dụng được phép khi thực hiện giao dịch mua – bán ngoại tệ.

14.4. Lưu giữ các chứng từ liên quan tới việc mua, bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm toán sau này.

14.5. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thành viên trực thuộc Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nghiêm túc triển khai thực hiện việc mua – bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này.

MỤC VII. YÊU CẦU BÁO CÁO

15. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm thực hiện yêu cầu báo cáo tình hình mua – bán ngoại tệ để NHNN tổng hợp số liệu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nội dung báo cáo như sau:

15.1. Báo cáo doanh số mua ngoại tệ theo nội dung nêu tại tiết b và tiết c điểm 6.1 Mục II Thông tư này về tổng số ngoại tệ mua được từ số dư tiền gửi có kỳ hạn của các Tổ chức. Báo cáo thực hiện theo Mẫu số 1 và gửi NHNN (Vụ Quản lý Ngoại hối và Sở giao dịch) chậm nhất vào ngày 08/01/2010.

15.2. Báo cáo doanh số mua ngoại tệ theo nội dung nêu tại tiết b và tiết c điểm 6.2. Mục II Thông tư này về tổng số ngoại tệ mua được từ số dư tiền gửi không kỳ hạn của các Tổ chức. Báo cáo thực hiện theo Mẫu số 2 và gửi NHNN (Vụ Quản lý Ngoại hối và Sở giao dịch) chậm nhất vào ngày 15/01/2010.

15.3. Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày làm việc thứ 5 của tháng tiếp theo, thực hiện báo cáo doanh số mua – bán ngoại tệ trong tháng đối với các Tổ chức gửi NHNN (Vụ Quản lý Ngoại hối và Sở Giao dịch). Báo cáo thực hiện theo Mẫu biểu số 3 đính kèm.

15.4. Trường hợp báo cáo đột xuất về số liệu, tình hình thực hiện mua – bán ngoại tệ và các nội dung khác có liên quan đến việc thực hiện mua – bán ngoại tệ với Tổ chức, Tổ chức tín dụng được phép thực hiện theo yêu cầu của NHNN.

16. Định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết, NHNN có trách nhiệm tổng hợp tình hình, số liệu mua – bán ngoại tệ của các Tổ chức tín dụng được phép đối với các Tổ chức báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

MỤC VIII. CÔNG TÁC KIỂM TRA XỬ LÝ VI PHẠM

17. Định kỳ hoặc khi cần thiết, NHNN và các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện việc mua – bán ngoại tệ của các Tổ chức với Tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại Thông tư này. Tổ chức và Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm cung cấp mọi văn bản, tài liệu cần thiết để việc kiểm tra được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

18. Trường hợp xảy ra vi phạm các quy định tại Thông tư này, tùy theo mức độ vi phạm, các Tổ chức, các Tổ chức tín dụng được phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

19. Trường hợp phát sinh những vấn đề khác có liên quan đến việc mua – bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này, Tổ chức và Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm báo cáo NHNN để được xem xét và giải quyết.

MỤC IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

20. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

21. Tổ chức thực hiện:

21.1. Mọi sửa đổi, bổ sung Thông tư này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

21.2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Giám sát Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc (Giám đốc) Tổ chức tín dụng được phép; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) Tổ chức chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.

21.3. Các Bộ, Ngành, cơ quan quản lý của Tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chỉ đạo thực hiện Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điểm 21.2 khoản 21;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng (để b/c);
- BLĐ NHNN;
- VPCP
- Công báo;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Các Bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải.
- Lưu VP, Vụ QLNH, Vụ PC;

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Văn Bình

 


MẪU SỐ 1

TÊN TỔ CHỨC TÍN DỤNG BÁO CÁO

Địa chỉ:

Số điện thoại:           Fax:

BÁO CÁO DOANH SỐ MUA NGOẠI TỆ TỪ SỐ DƯ TIỀN GỬI NGOẠI TỆ CÓ KỲ HẠN CỦA TỔ CHỨC

(Ngày 08/01/2010)

Đơn vị tính: 1.000 USD

STT

TÊN TỔ CHỨC GIAO DỊCH

DOANH SỐ MUA NGOẠI TỆ

USD

Ngoại tệ khác quy USD

I

1

2

3

Tập đoàn: ……..

Tập đoàn: ………

Công ty A

Công ty B

......

 

 

 

Cộng I

 

 

II

1

2

3

Tổng Công ty ...

Tổng Công ty....

Công ty A

Công ty B

 

 

 

Cộng II

 

 

 

……………….

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

Lập bảng
 (Ký và ghi rõ họ tên)

Kiểm soát
(Ký và ghi rõ họ tên)

……., ngày    tháng    năm 2010
TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC)
(Ký tên, đóng dấu)

 

Ghi chú:

- Tổ chức giao dịch là các Tổ chức được quy định tại Thông tư số: 26/2009/TT-NHNN ngày 30/12/2009 của Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn thực hiện văn bản số 2578/TTg-KTTH ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán ngoại tệ của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

- Báo cáo doanh số mua ngoại tệ của Tổ chức theo quy định tại điểm 6.1b và 6.1c Mục II Thông tư số: 26 nói trên.

- Tỷ giá quy đổi theo tỷ giá mà TCTD đã sử dụng để tính toán (yêu cầu nêu rõ) hoặc tỷ giá tính toán vào ngày làm báo cáo.

- Thông tin chi tiết (nếu cần thiết) đề nghị liên hệ số điện thoại 04 3934 3348 (Vụ Quản lý Ngoại hối).

 

MẪU SỐ 2

TÊN TỔ CHỨC TÍN DỤNG BÁO CÁO

Địa chỉ:

Số điện thoại:           Fax:

BÁO CÁO DOANH SỐ MUA NGOẠI TỆ TỪ SỐ DƯ TIỀN GỬI NGOẠI TỆ KHÔNG KỲ HẠN CỦA TỔ CHỨC

(Ngày 12/01/2010)

Đơn vị tính: 1.000 USD

 

STT

TÊN TỔ CHỨC GIAO DỊCH

DOANH SỐ MUA NGOẠI TỆ

USD

Ngoại tệ khác quy USD

I

1

2

3

Tập đoàn: ……..

Tập đoàn: ………

Công ty A

Công ty B

......

 

 

 

Cộng I

 

 

II

1

2

3

Tổng Công ty ...

Tổng Công ty....

Công ty A

Công ty B

 

 

 

Cộng II

 

 

 

……………….

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

Lập bảng
 (Ký và ghi rõ họ tên)

Kiểm soát
(Ký và ghi rõ họ tên)

……., ngày    tháng    năm 2010
TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC)
(Ký tên, đóng dấu)

 

Ghi chú:

- Tổ chức giao dịch là các Tổ chức được quy định tại Thông tư số: 26/2009/TT-NHNN ngày 30/12/2009 của Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn thực hiện văn bản số 2578/TTg-KTTH ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán ngoại tệ của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

- Báo cáo doanh số mua ngoại tệ của Tổ chức theo quy định tại điểm 6.2 b và 6.2c Mục II Thông tư số: 26 nói trên.

- Tỷ giá quy đổi theo tỷ giá mà TCTD đã sử dụng để tính toán (yêu cầu nêu rõ) hoặc tỷ giá tính toán vào ngày làm báo cáo.

- Thông tin chi tiết (nếu cần thiết) đề nghị liên hệ số điện thoại 04 3934 3348 (Vụ Quản lý Ngoại hối).

 

MẪU SỐ 3

TÊN TỔ CHỨC TÍN DỤNG BÁO CÁO

Địa chỉ:

Số điện thoại:           Fax:

BÁO CÁO DOANH SỐ MUA – BÁN NGOẠI TỆ VỚI TỔ CHỨC

(Ngày …/…/2010)

Đơn vị tính: 1.000 USD

STT

TÊN TỔ CHỨC GIAO DỊCH

DOANH SỐ MUA NGOẠI TỆ TỪ TỔ CHỨC

DOANH SỐ BÁN NGOẠI TỆ CHO TỔ CHỨC

USD

Ngoại tệ khác quy USD

USD

Ngoại tệ khác quy USD

I

1

2

3

Tập đoàn: ……..

Tập đoàn: ………

Công ty A

Công ty B

......

 

 

 

Cộng I

 

 

II

1

2

3

Tổng Công ty ...

Tổng Công ty....

Công ty A

Công ty B

 

 

 

Cộng II

 

 

 

……………….

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

Lập bảng
 (Ký và ghi rõ họ tên)

Kiểm soát
(Ký và ghi rõ họ tên)

……., ngày    tháng    năm 2010
TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC)
(Ký tên, đóng dấu)

 

Ghi chú:

- Tổ chức giao dịch là các Tổ chức được quy định tại Thông tư số: 26/2009/TT-NHNN ngày 30/12/2009 của Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn thực hiện văn bản số 2578/TTg-KTTH ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán ngoại tệ của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

- Định kỳ ngày 5 hàng tháng, Tổ chức tín dụng được phép báo cáo doanh số mua – bán ngoại tệ với Tổ chức trong tháng liền kề trước đó.

- Tỷ giá quy đổi theo tỷ giá mà TCTD đã sử dụng để tính toán (yêu cầu nêu rõ) hoặc tỷ giá tính toán vào ngày làm báo cáo.

- Thông tin chi tiết (nếu cần thiết) đề nghị liên hệ số điện thoại 04 3934 3348 (Vụ Quản lý Ngoại hối).