cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 01/2009/TT-BNV ngày 19/03/2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân

  • Số hiệu văn bản: 01/2009/TT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ
  • Ngày ban hành: 19-03-2009
  • Ngày có hiệu lực: 01-04-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-12-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4646 ngày (12 năm 8 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-12-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-12-2021, Thông tư số 01/2009/TT-BNV ngày 19/03/2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 6/2021/TT-BNV ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Năm 2021 về bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 01/2009/TT-BNV

Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CÁCH CHỨC CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH, ỦY VIÊN ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG NƠI KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp; Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
Sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (sau đây gọi chung là nơi thực hiện thí điểm) như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm.

2. Người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường.

4. Việc bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm, về thời hạn bổ nhiệm được áp dụng theo quy định hiện hành.

Trong trường hợp Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm, thì quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm cũng chấm dứt hiệu lực.

5. Trường hợp Bí thư cấp ủy nơi thí điểm Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường cũng thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm

1. Bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường

a) Căn cứ thông báo bằng văn bản về chủ trương của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường đương nhiệm giới thiệu nhân sự Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp;

b) Các cơ quan chức năng làm công tác tổ chức cán bộ tham mưu giúp cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ tiến hành quy trình nhân sự theo quy định hiện hành;

c) Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, kết luận và có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

d) Căn cứ thông báo bằng văn bản của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, Sở Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận; Phòng Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

2. Bổ nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường

a) Căn cứ Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp; Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp và thông báo bằng văn bản về chủ trương của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường xem xét giới thiệu nhân sự Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp;

b) Các cơ quan chức năng làm công tác tổ chức cán bộ tham mưu giúp cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ tiến hành quy trình nhân sự theo quy định hiện hành;

c) Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, kết luận và có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

d) Căn cứ thông báo bằng văn bản của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, Sở Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận; Phòng Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

3. Bổ nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường.

a) Căn cứ Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp; Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường giới thiệu nhân sự Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường;

b) Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, kết luận và có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

c) Căn cứ thông báo bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, Sở Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận; Phòng Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân phường.

4. Hồ sơ trình đề nghị bổ nhiệm

Hồ sơ trình đề nghị bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, đồng thời gửi Sở Nội vụ (đối với huyện, quận), Phòng Nội vụ (đối với phường). Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp có cán bộ được bổ nhiệm;

b) Văn bản thông báo ý kiến đồng ý của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ;

c) Lý lịch cán bộ (Mẫu 2C – TCTW);

d) Bản kê khai tài sản theo quy định của Chính phủ.

Điều 3. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm

1. Các trường hợp miễn nhiệm

Miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm trong các trường hợp sau đây:

a) Không đủ sức khỏe;

b) Không đủ năng lực và uy tín để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

c) Theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền;

d) Vì lý do cá nhân khác.

2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm

a) Căn cứ thông báo bằng văn bản về chủ trương của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường đề xuất việc miễn nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường đề xuất việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.

b) Sở Nội vụ (đối với miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận), Phòng Nội vụ (đối với miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân phường) phối hợp với các cơ quan chức năng làm công tác tổ chức cán bộ, tiến hành:

- Tiếp xúc với cán bộ miễn nhiệm;

- Tổng hợp ý kiến các cơ quan có liên quan;

- Hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ.

c) Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, kết luận và có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

d) Căn cứ thông báo bằng văn bản của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, Sở Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận; Phòng Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân phường.

3. Hồ sơ miễn nhiệm

Hồ sơ trình miễn nhiệm cán bộ, bao gồm:

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp có cán bộ miễn nhiệm;

b) Đơn xin miễn nhiệm của cán bộ trong trường hợp miễn nhiệm vì lý do cá nhân;

c) Thông báo kết luận bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

Điều 4. Trình tự, thủ tục cách chức

1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm có hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật nghiêm trọng không thể đảm nhiệm chức vụ được giao thì phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.

2. Quy trình, thủ tục cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2009.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm báo cáo về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ;
- Lưu VT, Vụ CQĐP.

BỘ TRƯỞNG




Trần Văn Tuấn