Thông tư số 106/2008/TT-BTC ngày 17/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần
- Số hiệu văn bản: 106/2008/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 17-11-2008
- Ngày có hiệu lực: 20-12-2008
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5874 ngày (16 năm 1 tháng 4 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 106/2008/TT-BTC | Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2008 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN KHI CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
- Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003;
- Căn cứ Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần;
- Căn cứ Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ;
- Căn cứ Quyết định số 09/2008/QĐ-BTC ngày 31/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ;
Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần, như sau:
Phần A.
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này chỉ áp dụng cho các đối tượng thực hiện cổ phần hoá theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP.
2. Thông tư này chỉ hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần, những nội dung kế toán không hướng dẫn trong Thông tư này thì thực hiện theo chế độ kế toán hiện hành.
3. Khi nhận được quyết định cổ phần hoá của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý các vấn đề về tài chính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và lập Báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
4. Căn cứ vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh số liệu trong sổ kế toán; bảo quản và bàn giao các khoản nợ và tài sản đã loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP; lập báo cáo tài chính doanh nghiệp giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là năm trước, thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần là năm sau thì doanh nghiệp có thể chỉ lập một báo cáo tài chính của cả thời kỳ, không cần tách riêng hai báo cáo ở thời điểm ngày 31/12 và ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
5. Căn cứ quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần và ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo cổ phần hoá, doanh nghiệp điều chỉnh sổ kế toán, lập hồ sơ bàn giao và tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.
6. Khi nhận tài sản, nguồn vốn bàn giao từ doanh nghiệp cổ phần hoá, Công ty cổ phần phải mở sổ kế toán mới để phản ánh giá trị tài sản, nguồn vốn nhận bàn giao.
Phần B.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN TẠI DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC TRƯỚC KHI CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
1. Kế toán kết quả kiểm kê tài sản:
Khi nhận được thông báo hoặc quyết định cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
a).Trường hợp phát sinh thiếu:
Căn cứ vào Báo cáo kết quả kiểm kê tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, kế toán phản ánh giá trị tài sản phát hiện thiếu qua kiểm kê, ghi:
- Trường hợp thiếu tiền, vật tư, hàng hoá, ghi:
Nợ TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý
Có các TK 111, 152, 155, 156 …
- Trường hợp thiếu TSCĐ, ghi:
Nợ TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý (Giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ ( Giá trị hao mòn luỹ kế)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (Nguyên giá).
b). Trường hợp phát sinh thừa:
- Trường hợp thừa tiền: Căn cứ vào Báo cáo kết quả kiểm kê tiền tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, kế toán phản ánh giá trị tiền thừa qua kiểm kê, ghi:
Nợ các TK 111, 112 …
Có TK 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết.
- Trường hợp thừa tài sản: Kế toán ghi Nợ TK 002- Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công (Chi tiết tài sản phát hiện thừa qua kiểm kê chờ xử lý). Kế toán ghi Có TK 002 và ghi vào các tài khoản có liên quan trong Bảng Cân đối kế toán sau khi đã tìm hiểu nguyên nhân và có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
2. Kế toán xử lý tài sản thừa, thiếu trong kiểm kê:
Doanh nghiệp phải phân tích làm rõ nguyên nhân của tài sản thừa, thiếu và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường trách nhiệm vật chất theo quy định hiện hành. Giá trị tài sản thiếu sau khi trừ các khoản bồi thường được ghi nhận vào giá vốn hàng bán đối với vật tư, hàng hoá thiếu và ghi nhận vào chi phí khác đối với giá trị còn lại của TSCĐ.
- Đối với tài sản thiếu phát hiện qua kiểm kê, căn cứ vào “ Biên bản xử lý tài sản thừa, thiếu qua kiểm kê”, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (cá nhân, tổ chức nộp tiền bồi thường)
Nợ TK 1388 - Phải thu khác (cá nhân,tổ chức phải nộp tiền bồi thường)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (Nếu trừ lương của người lao động phạm lỗi)
Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán (phần hao hụt, mất mát còn lại đối với vật tư, hàng hoá phải tính vào tổn thất của doanh nghiệp)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu qua kiểm kê phải tính vào tổn thất của doanh nghiệp)
Có TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý.
- Đối với tài sản phát hiện thừa qua kiểm kê, căn cứ vào “ Biên bản xử lý tài sản thừa, thiếu qua kiểm kê”, ghi:
Nợ TK 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết
Có TK 331-Phải trả cho người bán (Nếu tài sản thừa của người bán)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388) (Tài sản thừa của đối tượng khác)
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh (Đối với tài sản thừa không xác định được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu).
Trường hợp tài sản thừa không phải là tiền thì đồng thời ghi đơn bên Có TK 002.
3. Kế toán nhượng bán, thanh lý tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý
Đối với các tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý sau khi được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quyết định cổ phần hoá, doanh nghiệp tổ chức nhượng bán, thanh lý theo quy định hiện hành. Kế toán phải theo dõi, hạch toán số thu, chi phí và ghi giảm tài sản, cụ thể như sau:
- Phản ánh số thu về nhượng bán, thanh lý TSCĐ không cần dùng, TSCĐ chờ thanh lý, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có)
Có TK 711 - Thu nhập khác.
- Phản ánh số thu về nhượng bán hàng tồn kho ứ đọng, không cần dùng, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
- Phản ánh chi phí về nhượng bán, thanh lý TSCĐ không cần dùng, TSCĐ chờ thanh lý, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 331.
- Phản ánh giảm TSCĐ đã nhượng bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (Giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
- Phản ánh giá vốn hàng tồn kho ứ đọng, không cần dùng đưa đi nhượng bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 152, 153, 154, 155, 156.
4. Kế toán chuyển giao vật tư, tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý chưa được xử lý cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập khác:
- Trường hợp doanh nghiệp chuyển giao vật tư, hàng hoá không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý chưa được xử lý cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập khác, ghi:
Nợ TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh
Có các TK 152, 153, 155.
- Trường hợp doanh nghiệp chuyển giao tài sản cố định không cần dùng, chờ thanh lý cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập khác, ghi:
Nợ TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình.
5. Kế toán chuyển giao tài sản là các công trình phúc lợi
- Trường hợp chuyển giao nhà ở cán bộ, công nhân viên đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp cho cơ quan nhà đất của địa phương để quản lý, kế toán ghi:
Nợ TK 4313 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (Giá trị còn lại)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá).
- Đối với tài sản là công trình phúc lợi được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, nếu doanh nghiệp cổ phần hoá tiếp tục sử dụng cho mục đích kinh doanh thì kế toán ghi như sau:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
6. Kế toán xử lý nợ phải thu khó đòi trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển thành Công ty cổ phần
a) Đối với các khoản nợ phải thu đã có đủ căn cứ chứng minh theo qui định là không có khả năng thu hồi được, kế toán căn cứ các chứng từ có liên quan như quyết định xóa nợ, quyết định xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải bồi thường, ghi:
Nợ các TK 111,112,331,334 (Phần tổ chức, cá nhân phải bồi thường)
Nợ TK 139 - Dự phòng phải thu khó đòi (Phần đã lập dự phòng)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (Phần được tính vào chi phí)
Có các TK 131, 138,…
b) Đối với các khoản nợ phải thu quá hạn được bán cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp theo giá thỏa thuận, tuỳ từng trường hợp thực tế, kế toán ghi nhận như sau:
- Trường hợp khoản phải thu quá hạn chưa được lập dự phòng phải thu khó đòi, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Theo giá bán thỏa thuận)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (Phần tổn thất còn lại từ việc bán nợ)
Có các TK 131, 138,…
- Trường hợp khoản phải thu quá hạn đã lập dự phòng phải thu khó đòi nhưng số đã lập dự phòng không đủ bù đắp tổn thất khi bán nợ thì số tổn thất còn lại được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Theo giá bán thỏa thuận)
Nợ TK 139 - Dự phòng phải thu khó đòi (Phần đã trích lập dự phòng cho các khoản nợ quá hạn này)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (Phần tổn thất còn lại từ việc bán nợ)
Có các TK 131, 138,…
- Trường hợp khoản phải thu quá hạn đã được lập dự phòng và số lập dự phòng cao hơn hoặc bằng với số tổn thất từ việc bán nợ, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Theo giá bán thỏa thuận)
Nợ TK 139 - Dự phòng phải thu khó đòi (Chênh lệch giá trị ghi sổ của khoản nợ và giá bán)
Có các TK 131, 138,…
7. Kế toán xử lý các khoản nợ phải trả trước khi chuyển thành Công ty cổ phần
Trước khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hoá phải xử lý các khoản nợ phải trả, tuỳ thuộc từng khoản nợ và quyết định xử lý, kế toán ghi sổ như sau:
- Đối với các khoản nợ phải trả nhưng không phải thanh toán mà được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ các TK 331, 338, ,…
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh (4111).
- Đối với các khoản nợ vay Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã quá hạn nhưng do doanh nghiệp bị lỗ, không còn vốn nhà nước, không thanh toán được, doanh nghiệp phải làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ lãi vay ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi có quyết định xoá nợ lãi vay, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả ( Lãi vay được xoá)
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (Phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí các kỳ trước nay được xoá)
Có TK 635 - Chi phí tài chính (Phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí tài chính trong kỳ này).
- Đối với khoản nợ BHXH, nợ cán bộ công nhân viên, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán dứt điểm trước khi cổ phần hóa để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi thanh toán tiền về khoản nợ BHXH, nợ cán bộ công nhân viên, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có các TK 111, 112.
8. Kế toán xử lý các khoản dự phòng trước khi doanh nghiệp chuyển thành Công ty cổ phần
- Các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn sau khi bù đắp tổn thất, nếu còn sẽ được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 129 - Dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn
Nợ TK 139 - Dự phòng phải thu khó đòi
Nợ TK 159 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Nợ TK 229 - Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
- Các khoản dự phòng trợ cấp mất việc làm, dự phòng phải trả sau khi bù đắp tổn thất, đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu còn thì hạch toán tăng vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao, ghi:
Nợ TK 351 - Dự phòng trợ cấp mất việc làm
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
9. Kế toán xử lý số dư chênh lệch tỷ giá hối đoái
Lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (giai đoạn trước hoạt động) mà công trình đầu tư vẫn chưa hoàn thành được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4132)
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
10. Kế toán xử lý vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác
a) Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá kế thừa vốn đã đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác thì đơn vị phải xác định lại giá trị vốn đầu tư dài hạn tại thời điểm chuyển giao theo quy định tại điều 32 của Nghị định 109/2007/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn.
b) Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá không kế thừa các khoản đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác và chuyển giao cho doanh nghiệp nhà nước khác làm đối tác, căn cứ vào biên bản bàn giao ghi:
Nợ TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh
Có các TK 222, 223, 228....
c) Trường hợp doanh nghiệp và đối tác liên doanh thoả thuận chấm dứt hợp đồng liên doanh, các bên góp vốn liên doanh có trách nhiệm thành lập Ban thanh lý để tiến hành thanh lý, thực hiện phương án phân chia, xử lý tài sản, tiền vốn theo đúng điều lệ và hợp đồng liên doanh.
Khi liên doanh chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam căn cứ vào giá trị tài sản nhận được do việc phân chia tài sản của liên doanh xử lý như sau:
+ Trường hợp giá trị tài sản nhận được (được chia) nhỏ hơn giá trị vốn góp liên doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 155, 156, 211, 213… (Giá trị tài sản được chia)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (Số chênh lệch giữa giá trị vốn góp liên doanh lớn hơn giá trị tài sản được chia)
Có TK 222 - Vốn góp liên doanh (Số vốn đã góp).
+ Trường hợp giá trị tài sản nhận được (được chia) lớn hơn giá trị vốn góp liên doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 155, 156, 211, 213... (Giá trị tài sản được chia)
Có TK 222 - Vốn góp liên doanh (Số vốn đã góp)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (Số chênh lệch giữa giá trị tài sản được chia lớn hơn giá trị vốn góp).
11. Kế toán xử lý số dư quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trước khi xác định giá trị doanh nghiệp
- Khi chuyển số dư quỹ khen thưởng và phúc lợi chia cho người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa, ghi:
Nợ TK 431 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
Khi chi tiền “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có các TK 111, 112.
- Trường hợp doanh nghiệp đã chi quá nguồn “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” (Tài khoản 431 có số dư Nợ) thì xử lý như sau:
+ Đối với khoản đã chi trực tiếp cho người lao động có tên trong danh sách thường xuyên tại thời điểm có quyết định cổ phần hoá phải thu hồi trước khi bán cổ phần ưu đãi, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 431 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi.
+ Đối với các khoản bị xuất toán, chi biếu tặng, chi cho người lao động đã nghỉ mất việc, thôi việc trước thời điểm quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp và được cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp xử lý như khoản phải thu không có khả năng thu hồi, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 334 (Phần tổ chức, cá nhân phải bồi thường)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 431- Quỹ khen thưởng, phúc lợi.
12. Kế toán giá trị TSCĐ hữu hình được đánh giá lại khi xác định giá trị doanh nghiệp
Căn cứ vào hồ sơ xác định lại giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp điều chỉnh lại giá trị TSCĐ hữu hình theo nguyên tắc sau: Chênh lệch tăng giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản; Chênh lệch giảm giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Nợ của TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản và phải chi tiết khoản chênh lệch này theo từng TSCĐ.Cụ thể cho từng trường hợp ghi sổ như sau:
- Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị cao hơn giá trị ghi sổ kế toán và nguyên giá TSCĐ, hao mòn luỹ kế đánh giá lại tăng so với giá trị ghi sổ, kế toán ghi:
Nợ TK 211 – Nguyên giá TSCĐ (Phần đánh giá tăng)
Có TK 214 – Hao mòn tài sản cố định (Phần đánh giá tăng)
Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (Phần giá trị TSCĐ tăng thêm).
- Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ kế toán và nguyên giá TSCĐ, hao mòn luỹ kế đánh giá lại giảm so với giá trị ghi sổ, kế toán ghi:
Nợ TK 214 – Hao mòn tài sản cố định (Phần đánh giá giảm)
Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (Phần giá trị TSCĐ giảm đi)
Có TK 211 – Nguyên giá TSCĐ (Phần đánh giá giảm).
Doanh nghiệp trích khấu hao TSCĐ theo nguyên giá mới sau khi đã điều chỉnh giá trị do đánh giá lại.
13. Kế toán khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế và giá trị ghi sổ của vốn Nhà nước:
Chênh lệch của vốn Nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ kế toán được hạch toán như là một khoản lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, được ghi nhận như sau:
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
14. Kế toán chênh lệch tiền thuê đất trả trước
Trường hợp đơn vị đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất hoặc đã nộp trước tiền thuê đất cho nhiều năm trước ngày 01/07/2004 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành) mà có chênh lệch tăng do xác định lại đơn giá thuê đất tại thời điểm định giá đối với thời gian còn lại của Hợp đồng thuê đất hoặc thời gian còn lại đã trả tiền thuê đất thì kế toán ghi nhận như sau:
- Trường hợp tiền thuê đất trả trước đã đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình, số chênh lệch tăng ghi:
Nợ TK 213 – Tài sản cố định vô hình
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
- Trường hợp tiền thuê đất trả trước không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình, số chênh lệch tăng ghi:
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
15. Kế toán chi phí cổ phần hóa
- Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện cổ phần hóa DNNN, ghi:
Nợ TK 1385 - Phải thu về cổ phần hóa (Chi tiết chi phí cổ phần hóa)
Có các TK 111, 112, 152, 331…
- Khi kết thúc quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp phải báo cáo và thực hiện quyết toán chi phí cổ phần hóa với cơ quan quyết định cổ phần hóa. Tổng số chi phí cổ phần hóa được trừ (-) vào tiền thu từ bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, kế toán kết chuyển chi phí cổ phần hóa đã được duyệt, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa (Chi tiết phần tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước)
Có TK 1385 - Phải thu về cổ phần hóa (Chi tiết phần chi phí cổ phần hóa).
16. Kế toán chi phí lãi vay phải trả cho nhà đầu tư mua cổ phần
Trong trường hợp thời gian tính từ khi nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần đến thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên 3 tháng thì doanh nghiệp được tính lãi vay để trả cho các nhà đầu tư, kế toán phản ánh theo các trường hợp cụ thể sau:
- Trường hợp nếu tiền thu bán cổ phần để huy động thêm vốn thuộc tài khoản của đơn vị và đơn vị được sử dụng, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK 335 – Chi phí phải trả.
Khi trả tiền cho các nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
Có các TK 111, 112.
- Trường hợp nếu tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước, đơn vị không được sử dụng tiền thu bán cổ phần thì khoản lãi phải trả này phải trừ vào số phải nộp về thu cổ phần hoá mà không ghi nhận vào chi phí tài chính, kế toán ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hoá
Có TK 335 – Chi phí phải trả.
Khi trả tiền cho các nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
Có các TK 111, 112.
17. Kế toán khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm DNNN chuyển sang Công ty cổ phần so với giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp
a) Trường hợp giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển thành Công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì số chênh lệch tăng (lãi) phải nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận chưa phân phối
Có TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa.
Khi nộp tiền vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ, hoặc vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có các TK 111, 112.
b) Trường hợp giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang Công ty cổ phần nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, thì số chênh lệch giảm (lỗ), phản ánh như sau:
- Trường hợp tập thể, cá nhân phải bồi thường, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 421 - Lợi nhuận chưa phân phối.
Khi nhận tiền của tập thể, cá nhân nộp tiền bồi thường, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 138 - Phải thu khác (1388).
- Trường hợp chênh lệch giảm do nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan nhưng vì lý do bất khả kháng mà người có trách nhiệm bồi thường không có khả năng thực hiện việc bồi thường và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sử dụng số tiền thu từ bán cổ phần này để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi phần được bảo hiểm bồi thường (nếu có) ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có TK 421 - Lợi nhuận chưa phân phối.
18. Kế toán chuyển các nguồn vốn, quỹ thuộc nguồn vốn chủ sở hữu thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần
Tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, kế toán chuyển toàn bộ số dư Có Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng tài chính, Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, Lợi nhuận chưa phân phối, Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Chênh lệch đánh giá lại tài sản và Chênh lệch tỷ giá hối đoái sang nguồn vốn kinh doanh, ghi:
Nợ các TK 412, 413, 414, 415, 418, 421, 441
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
II. KẾ TOÁN TIỀN THU TỪ CỔ PHẦN HOÁ
1. Kế toán tiền thu bán cổ phần
- Khi thu tiền từ bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112....
Có TK 3385- Phải trả về cổ phần hoá
- Khi thu tiền từ phát hành thêm cổ phần để tăng vốn kinh doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Giá phát hành)
Có TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (TK 4111: Phần mệnh giá và TK 4112: Phần chênh lệch lớn hơn giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu).
2. Kế toán các khoản chính sách đối với người lao động dôi dư tại doanh nghiệp
a) Căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xác định khoản tiền phải sử dụng từ tiền thu bán cổ phần để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư tại thời điểm quyết định cổ phần hoá, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hoá
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
Khi thực tế trả tiền cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có các TK 111, 112.
b) Trường hợp tiền thu từ cổ phần hoá không đủ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách với người lao động, căn cứ vào quyết định phê duyệt số tiền bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, ghi:
Nợ các TK 136, 138
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
Khi nhận được tiền, ghi:
Nợ TK 111, 112
Có TK 136, 138.
Khi chi tiền thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư, ghi:
Nợ TK 334- Phải trả người lao động.
Có TK 111, 112.
3. Quyết toán chi phí cổ phần hoá
Khi kết thúc quá trình cổ phần hoá, doanh nghiệp phải báo cáo và thực hiện quyết toán chi phí cổ phần hoá với cơ quan quyết định cổ phần hoá. Chi phí cổ phần hoá được trừ vào tiền thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hoá
Có TK 1385 - Phải thu về cổ phần hoá (chi tiết chi phí cổ phần hoá).
Khi nộp tiền thu từ cổ phần hoá (sau khi trừ số chi phí cổ phần hoá) về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hoá
Có các TK 111, 112.
III. LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH TẠI THỜI ĐIỂM CÔNG TY CỔ PHẦN ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH
1. Trường hợp cổ phần hoá doanh nghiệp độc lập
Tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cổ phần hoá phải khoá sổ kế toán. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cổ phần hoá phải lập báo cáo tài chính cho kỳ kế toán tính từ ngày xác định giá trị doanh nghiệp đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gửi cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp và cơ quan quản lý tài chính cùng cấp để phối hợp kiểm tra xác định giá trị doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính cho kỳ kế toán kể từ ngày xác định giá trị doanh nghiệp đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải được lập theo các quy định như Báo cáo tài chính năm trong Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành và các hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Trường hợp cổ phần hoá đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Nhà nước độc lập, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ, Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty
Tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đơn vị hạch toán phụ thuộc được cổ phần hoá phải khoá sổ kế toán, lập báo cáo tài chính cho kỳ kế toán từ ngày xác định giá trị doanh nghiệp đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Công ty nhà nước độc lập, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ hoặc Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty có đơn vị hạch toán phụ thuộc được cổ phần hoá không phải lập báo cáo tài chính của Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà chỉ lập Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định.
IV. BÀN GIAO TÀI SẢN,VỐN CHO CÔNG TY CỔ PHẦN
1. Trường hợp cổ phần hoá doanh nghiệp độc lập
Trường hợp cổ phần hoá doanh nghiệp độc lập, kế toán thực hiện các thủ tục bàn giao theo đúng quy định hiện hành về bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn cho công ty cổ phần. Toàn bộ chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp cổ phần hoá thuộc diện phải lưu trữ được chuyển giao cho Công ty cổ phần để lưu trữ tiếp tục.
2. Trường hợp cổ phần hoá đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Nhà nước độc lập, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ, Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty
Khi bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn cho Công ty cổ phần, căn cứ vào biên bản bàn giao tài sản, các phụ lục chi tiết về tài sản bàn giao cho Công ty cổ phần và các chứng từ, sổ kế toán có liên quan, kế toán phản ánh giảm giá trị tài sản bàn giao cho Công ty cổ phần, ghi:
Nợ TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (Phần đã hao mòn)
Nợ các TK 311, 331, 335, 338, 341....
Có các TK 111, 112, 121, 131, 152, 153, 154, 155, 156, 211, 213, 221, 222, 241,…
V. KẾ TOÁN TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI TỪ DNNN
1. Mở sổ kế toán mới
Khi nhận tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn và hồ sơ kèm theo, Công ty cổ phần phải mở sổ kế toán mới (Bao gồm các sổ kế toán tổng hợp và các sổ kế toán chi tiết) để phản ánh giá trị tài sản và nguồn vốn nhận bàn giao.
2. Kế toán nhận bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn ở Công ty cổ phần
Khi nhận bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn, căn cứ vào hồ sơ, biên bản bàn giao, kế toán ghi:
Nợ các TK 111, 112, 121, 131, 133, 138, 141, 152, 153, 154, 155, 156, 157, 211, 221, 241…
Có các TK 311, 315, 331, 333, 334, 335, 338, 341, 342…
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
3. Kế toán đối với trường hợp nhận giữ hộ tài sản: Đối với tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý mà công ty cổ phần nhận giữ hộ cho Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Công ty mẹ, Công ty Nhà nước độc lập, kế toán ghi:
Nợ TK 002 - Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công.
VI. KẾ TOÁN TẠI TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY, CÔNG TY CÓ ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC ĐƯỢC CỔ PHẦN HOÁ
1. Kế toán tại Công ty mẹ của Tập đoàn có Công ty con được cổ phần hoá
Khi doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đã được cổ phần hoá, Công ty mẹ căn cứ vào giá trị phần vốn nhà nước bán ra ngoài ghi giảm giá trị khoản đầu tư và giảm nguồn vốn kinh doanh, ghi:
Nợ TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh
Có TK 221 - Đầu tư vào Công ty con .
2. Kế toán tại Tổng công ty, công ty có các đơn vị trực thuộc được cổ phần hoá
Khi đơn vị trực thuộc của Tổng công ty, Công ty đã được cổ phần hoá, Tổng công ty, Công ty căn cứ vào giá trị phần vốn nhà nước bán ra ngoài ghi giảm vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc, ghi:
Nợ TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh
Có TK 1361- Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc.
3. Kế toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty mẹ
a) Bổ sung thêm Tài khoản 417 “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp”
TK 417 “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” được dùng để hạch toán tình hình trích lập và sử dụng “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp”.
Các khoản thu từ cổ phần hoá, bán doanh nghiệp đã sử dụng để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư tại doanh nghiệp thành viên, công ty con được xác định là các khoản thu, chi của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo và quyết toán với cơ quan quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
TK 417 “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” chỉ được áp dụng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con được quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
b) Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 417
Bên Nợ:
- Hỗ trợ các nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư do sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp, gồm:
+ Giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư theo quy định;
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có giá trị tài sản thấp hơn nợ phải trả khi thực hiện giao, bán, giải thể, phá sản để thanh toán chi phí chuyển đổi và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.
- Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động dôi dư có nguyện vọng học nghề theo quy định;
- Điều chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Bổ sung vốn điều lệ cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;
- Đầu tư cho các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên Có:
- Khoản thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ;
- Khoản thu từ bán, giải thể, phá sản đối với các doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ theo quy định của Chính phủ;
- Kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Tăng khác (nếu có).
Số dư bên Có:
Phản ánh số “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” hiện có cuối kỳ.
c) Phương pháp hạch toán các nghiệp vụ liên quan trên TK 417
- Kế toán tại Công ty mẹ, Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phản ánh số thu về cổ phần hoá:
Nợ TK 1385 - Phải thu về cổ phần hoá
Có TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
- Căn cứ vào báo cáo quyết toán các khoản chi thực hiện chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp cổ phần hoá và chi phí cổ phần hoá do doanh nghiệp cổ phần hoá lập, kế toán tại Công ty mẹ, Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phản ánh số thu từ chênh lệch thu, chi cổ phần hoá doanh nghiệp và phản ánh số đã chi trả cho người lao động, số chi phí cổ phần hoá, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Nợ TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
Có TK 1385 - Phải thu về cổ phần hoá.
- Khi chi tiền từ “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” để hỗ trợ cho người lao động dôi dư, căn cứ vào quyết định cấp kinh phí thuộc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp cho đơn vị, kế toán ghi:
Nợ TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
Có các TK 111, 112.
- Khi chi tiền từ “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” để hỗ trợ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có giá trị tài sản thấp hơn nợ phải trả khi thực hiện giao, bán, giải thể, phá sản để thanh toán chi phí chuyển đổi và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, khi chi tiền kế toán ghi:
Nợ TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
Có các TK 111, 112.
- Khi có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ, kế toán ghi:
Nợ TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
Có TK 411 - Nguồn vốn kinh doanh.
Phần C.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư số 40/2004/TT-BTC ngày 13/5/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần. Các qui định trước đây về kế toán khi chuyển DNNN thành Công ty cổ phần trái với qui định trong Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Giám đốc Sở Tài chính và Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng qui định của Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |