Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Hướng dẫn chế độ ăn giữa ca trong các Công ty nhà nước
- Số hiệu văn bản: 22/2008/TT-BLĐTBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Ngày ban hành: 15-10-2008
- Ngày có hiệu lực: 13-11-2008
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 22-05-2010
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5791 ngày (15 năm 10 tháng 16 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2008 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĂN GIỮA CA TRONG CÁC CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Thực hiện Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 6526/BTC-TCDN ngày 06 tháng 06 năm 2008, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại công văn số 917/TLĐ ngày 30 tháng 5 năm 2008 và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong các công ty nhà nước như sau:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Phạm vi áp dụng:
a) Công ty nhà nước được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:
- Tổng công ty nhà nước;
- Công ty nhà nước độc lập;
- Công ty mẹ là công ty nhà nước trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc phê duyệt đề án thành lập và giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
- Công ty mẹ là công ty nhà nước trong Tổng công ty hoặc công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;
- Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập 100% vốn Nhà nước thuộc Tập đoàn kinh tế trong thời gian chưa chuyển đổi và đăng ký lại theo quy định tại Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp;
- Công ty thành viên hạch toán độc lập 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.
b) Tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể, các hội quần chúng tự trang trải về tài chính.
Các công ty, tổ chức, đơn vị nêu trên gọi chung là công ty.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động trong các công ty;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, thành viên Hội đồng quản lý, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng:
c) Cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể làm việc trong các công ty.
Các đối tượng nêu trên gọi chung là người lao động.
Riêng đối với người lao động làm việc ở một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước đang áp dụng chế độ ăn định lượng và phụ cấp đi biển quy định tại khoản 1 và khoản 4, điều 1 Quyết định 234/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các doanh nghiệp nhà nước, khoản 1 và khoản 3, điều 1 Quyết định số 72/2008/QĐ-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg nêu trên và Thông tư liên tịch số 35/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2005, Thông tư liên tịch số 16/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2008 của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thì không áp dụng chế độ ăn giữa ca theo quy định tại Thông tư này.
II. MỨC ĂN GIỮA CA
1. Căn cứ khẩu phần ăn để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, chỉ số giá sinh hoạt và khả năng chi trả của công ty, Giám đốc công ty sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định mức ăn cho một bữa ăn giữa ca nhưng tối đa tiền chi cho bữa ăn giữa ca tính theo ngày làm việc trong tháng cho một người không quá 450.000 đồng/tháng.
2. Khi chỉ số giá lương thực, thực phẩm do Tổng cục thống kê công bố tăng từ 15% trở lên so với lần điều chỉnh gần nhất thì sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn điều chỉnh mức ăn giữa ca cho phù hợp.
III. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĂN GIỮA CA.
1. Ăn theo ngày thực tế làm việc, kể cả ngày làm thêm (đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn trong ngày do công ty lựa chọn nhưng tối đa không quá 8 giờ/ngày theo quy định tại khoản 1, điều 3, chương II Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi);
2. Ngày không làm việc, kể cả ngày nghỉ ốm đau, thai sản, nghỉ phép, nghỉ không hưởng lương thì không ăn giữa ca và không được thanh toán tiền.
3. Những ngày làm việc không đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn (dưới 50% số giờ tiêu chuẩn) thì không ăn giữa ca;
4. Ngoài những nguyên tắc nêu trên, công ty có thể quy định thêm các nguyên tắc khác, nếu xét thấy có lợi cho việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
5. Đối với những công ty sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn không thể đưa chi phí ăn giữa ca vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh thì công ty phải tìm mọi biện pháp giảm các chi phí khác để có nguồn tổ chức ăn giữa ca. Trường hợp công ty đã tìm mọi biện pháp để tiết kiệm các chi phí khác nhưng vẫn không đủ nguồn thì Giám đốc công ty trao đổi, thống nhất với Ban chấp hành công đoàn cơ sở tạm thời chưa thực hiện chế độ ăn giữa ca theo quy định tại Thông tư này.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào mức ăn giữa ca quy định, công ty có trách nhiệm phải tổ chức ăn giữa ca cho người lao động, không được phát tiền. Trường hợp đặc biệt không thể tổ chức ăn giữa ca được thì sau khi đã thống nhất ý kiến với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, công ty cấp tiền cho người lao động tự lo ăn ca.
2. Chi phí ăn giữa ca được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.
3. Căn cứ nội dung hướng dẫn của Thông tư này, các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đặc biệt chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ ăn giữa ca tại các công ty thuộc quyền quản lý nhằm bảo đảm chế độ ăn giữa ca có tác dụng tích cực đến việc thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
4. Đối với các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Nhà nước chỉ định thầu, căn cứ vào đặc điểm, quy mô, điều kiện thực tế của từng công trình, sau khi trao đổi ý kiến với các nhà thầu, chủ đầu tư đề nghị Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Tài chính giải quyết mức ăn giữa ca đối với người lao động cho phù hợp với từng công trình.
5. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ áp dụng các quy định tại Thông tư này.
6. Các công ty nhà nước đã chuyển đổi theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp và công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, được vận dụng các quy định tại Thông tư này.
7. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Bãi bỏ Thông tư số 15/1999/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 6 năm 1999 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca đối với công nhân, viên chức làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công ty phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |