cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn quản lý đường đô thị

  • Số hiệu văn bản: 04/2008/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
  • Ngày ban hành: 20-02-2008
  • Ngày có hiệu lực: 23-03-2008
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 14-08-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6090 ngày (16 năm 8 tháng 10 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ XÂY DỰNG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 04/2008/TT-BXD

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 5/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định 17/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác quản lý đường trong các đô thị như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Thông tư này hướng dẫn hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị nhằm đem lại sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống đường trong đô thị (từ đô thị loại 5 trở lên), qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng đúng mục đích và nâng cao mỹ quan đô thị.

2. Việc quản lý và khai thác sử dụng đường trên các đường phố có chức năng đặc biệt (phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm...) được thực hiện theo các quy định riêng của chính quyền địa phương.

3. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia các hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, các quy định của thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Trong thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường đô thị (hay đường phố): là đường bộ nằm trong phạm vi địa giới hành chính đô thị, được giới hạn bởi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hè (hay vỉa hè, hè phố): là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

3. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến bao gồm các đường dây, đường ống và tuynen, hào kỹ thuật đặt dọc các tuyến đường đô thị.

4. Lòng đường là bộ phận của đường đô thị, được giới hạn bởi phía trong hai bên bó vỉa, có thể bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến khi cần thiết.

5. Phần xe chạy là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho các phương tiện tham gia hoạt động giao thông.

6. Chỉ giới đường đỏ của đường đô thị là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa, để phân định ranh giới giữa phần đất được dành cho đường giao thông đô thị, các công trình phụ trợ phục vụ giao thông đô thị với phần đất dành cho các công trình khác, không gian công cộng khác.

7. Chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên lô đất.

8. Hành lang an toàn đường đô thị là bề rộng tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Uỷ ban nhân dân các cấp:

a) Uỷ ban nhân cân cấp tỉnh: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Uỷ ban nhân dân cấp huyện: Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Uỷ ban nhân dân cấp xã: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

III. NGUYÊN TẮC CHUNG QUẢN LÝ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

1. Đường đô thị là bộ phận của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị do Nhà nước thống nhất quản lý và có phân cấp quản lý.

2. Bảo đảm hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ.

3. Khi sử dụng hoặc tạm thời sử dụng một phần đường đô thị vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

IV. CÁC HÀNH VI BỊ CẤM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC SỬ DỤNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

1. Thiết kế, xây dựng đường đô thị không tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tự ý xây dựng, đào bới đường đô thị.

3. Tự ý mở đường nhánh hoặc đấu nối trái phép vào đường chính.

4. Sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hoá, vật liệu.

5. Đổ rác, phế thải và các hành vi gây mất vệ sinh môi trường đường đô thị.

6. Lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ; gây mất mỹ quan đô thị.

7. Lắp đặt, xây dựng các công trình, biển quảng cáo, trang trí, đường dây trái phép, ảnh hưởng đến kết cấu đường đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị và gây mất mỹ quan đô thị.

8. Xây dựng các công trình trái phép vi phạm chỉ giới đường đỏ, hành lang an toàn của đường đô thị.

9. Trông, giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường không có giấy phép; để xe đạp, xe máy, đỗ ô tô không đúng nơi quy định.

Phần 2:

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

I. CÔNG TÁC QUY HOẠCH

1. Các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quỹ đất dành cho giao thông đô thị theo quy chuẩn về quy hoạch xây dựng hiện hành.

2. Quy hoạch xây dựng đô thị phải phối hợp với quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải để bảo đảm quy hoạch hệ thống đường đô thị theo đúng chức năng hoặc yêu cầu đặc thù; bảo đảm đồng bộ với quy hoạch các công trình ngầm và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

3. Quy hoạch xây dựng đô thị phải tính toán và bố trí hệ thống bến bãi đỗ xe bảo đảm phục vụ nhu cầu đỗ xe cho dân cư đô thị.

4. Mạng lưới đường đô thị phải bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, liên hoàn và bền vững; phải có giải pháp bảo đảm khớp nối với các công trình hai bên đường đô thị.

5. Khi lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, phải bố trí đủ diện tích mặt bằng cần thiết cho công trình đường đô thị và các công trình phụ trợ khác để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị; phải xác định cụ thể chiều rộng mặt cắt ngang, từng bộ phận trên mặt cắt ngang, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ của đường đô thị và phải công khai trên thực địa để mọi người biết, thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý.

6. Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan, trường học, khu vui chơi giải trí... phải bố trí đủ đất xây dựng bãi đỗ xe phù hợp với nhu cầu của từng công trình, không được sử dụng phần đường xe chạy, hè phố làm nơi đỗ xe.

7. Phải bố trí đồng bộ các bộ phận của đường đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến đường. Hè phải bảo đảm đủ rộng để bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến. Hạn chế bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến trong phần xe chạy. Ưu tiên bố trí hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến trong các tuynen, hào kỹ thuật trong đồ án quy hoạch cải tạo đô thị. Đối với các đường phố mới và đường phố trong khu đô thị mới phải thiết kế hạ ngầm đường dây, đường ống.

8. Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị phải xác định các vị trí xây dựng cầu vượt hoặc hầm dành cho người đi bộ.

II. CÔNG TÁC THIẾT KẾ, XÂY DỰNG

1. Thiết kế, xây dựng đường đô thị phải tuân thủ quy định trong các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn có liên quan.

2. Phải tuân thủ đúng chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Khi thiết kế, xây dựng cải tạo hoặc xây dựng mới đường đô thị phải bảo đảm cao độ theo quy hoạch, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước, của dân cư và các công trình xây dựng hai bên đường đô thị. Cao độ đường đô thị được cơ quan cấp phép xem xét trong quá trình cấp phép xây dựng.

4. Thiết kế, xây dựng đường đô thị phải thuận tiện cho người khuyết tật sử dụng.

5. Phải thiết kế, xây dựng hệ thống thoát nước đồng thời trên tất cả các tuyến đường đô thị theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành thoát nước (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Đồng bộ trong sử dụng vật liệu, hình dạng, kích thước, mầu sắc của bó vỉa, gạch lát hè trên một tuyến phố hoặc một đoạn tuyến phố.

7. Các công trình sử dụng phần nổi trên hè không cản trở người đi bộ và bảo đảm mỹ quan đô thị.

8. Phải bố trí các vị trí cho người đi bộ sang đường an toàn và thuận tiện, ưu tiên thiết kế, xây dựng cầu vượt, hầm chui tại các nút giao, đoạn tuyến phố có chiều dài lớn, có lưu lượng qua đường lớn (khu trung tâm, khu phố thương mại).

9. Việc sử dụng loại bó vỉa hè (loại vuông góc, loại vát góc) phải linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của các phương tiện giao thông có thể lên xuống hè được thuận tiện, tránh hiện tượng làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến giao thông.

10. Hạn chế bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến vào phần xe chạy. Đối với các đường phố mới và các đường phố trong khu đô thị mới thì phải bố trí hạ ngầm đường dây, đường ống. Hệ thống tuynen, hào kỹ thuật phải được sử dụng tối đa cho công tác hạ ngầm này.

11. Trước khi tiến hành xây dựng phải có giấy phép xây dựng theo quy định.

12. Hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, thoát nước và hệ thống tuynen, hào kỹ thuật (đã xác định trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt) bắt buộc phải được xây dựng cùng với đường đô thị.

13. Quá trình thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm sự hoạt động bình thường của người đi bộ và phương tiện giao thông; bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường trong khu vực.

III. BẢO TRÌ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

1. Đường đô thị sau khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng phải được bảo trì để khai thác lâu dài. Thời hạn bảo trì công trình được tính từ ngày nghiệm thu công trình đường đưa vào sử dụng đến khi hết thời hạn sử dụng.

2. Nội dung bảo trì đường đô thị được thực hiện theo quy trình bảo trì.

3. Đối với công trình đang khai thác, sử dụng, tùy theo quy mô, đặc điểm của công trình đường đô thị, cơ quan quản lý tự tiến hành hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực lập quy trình bảo trì. Đối với công trình đường đô thị thiết kế mới, nhà thầu thiết kế tiến hành lập quy trình bảo trì trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan.

4. Công tác bảo trì đường đô thị phải bảo đảm cao độ theo quy hoạch, cao độ hiện trạng tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước, của dân cư và các công trình xây dựng hai bên đường đô thị.

5. Chủ sở hữu, người được giao quản lý hè đường đô thị có trách nhiệm đối với công tác bảo trì như sau:

a) Tổ chức thực hiện bảo trì công trình đường đô thị theo quy trình bảo trì.

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chất lượng công trình đường đô thị bị xuống cấp do không thực hiện quy trình bảo trì theo quy định.

IV. QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC SỬ DỤNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

1. Đường đô thị phải được quản lý chặt chẽ trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cao độ nền theo quy hoạch được duyệt.

2. Công tác phân luồng, kẻ vạch sơn, lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông phải tuân thủ theo quy định của Luật giao thông đường bộ.

3. Việc đào đường đô thị phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm phải tuân thủ các quy định sau:

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào đường đô thị phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

b) Việc xây dựng các công trình ngầm dưới đường đô thị phải tuân thủ đúng quy hoạch, dự án thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

c) Khi xây dựng đường đô thị, phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, cấp ga, cấp điện ... theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh đào lên, lấp xuống nhiều lần.

d) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép đào đường đô thị cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối cấp giấy phép , cơ quan này phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

e) Khi cấp phép đào đường đô thị, cơ quan cấp phép phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi sẽ xây dựng để giám sát thực hiện.

f) Công tác xây dựng các công trình ngầm dưới đường đô thị phải bảo đảm an toàn cho công trình, cho công trình liền kề, bảo đảm an toàn và sự hoạt động bình thường của giao thông đô thị; bảo đảm vệ sinh, môi trường đô thị.

g) Chủ đầu tư công trình phải bảo đảm thực hiện đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng về việc hoàn trả lại đoạn đường đã đào.

4. Việc lắp đặt các biển hiệu, quảng cáo phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quảng cáo; các biển hiệu quảng cáo phải bảo đảm mỹ quan đô thị, không cản trở và không ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị.

5. Xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên đường đô thị

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, lắp đặt các công trình nổi gồm: hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình phục vụ công cộng trên đường đô thị phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Các công trình nổi trên đường đô thị phải bảo đảm an toàn giao thông đô thị trong khi thi công cũng như trong khai thác sử dụng; bảo đảm tĩnh không đứng và ngang theo quy định đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên đường đô thị phải thực hiện đúng theo nội dung giấy phép và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

6. Bảo đảm vệ sinh môi trường

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia giữ gìn, bảo đảm vệ sinh vỉa hè, lòng đường trước trụ sở cơ quan, nhà riêng, không vứt rác, không để người khác đưa hàng hoá vật dụng tới bày bán, đổ rác, phế thải trên đường đô thị, làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trước cửa nhà, trụ sở cơ quan.

b) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường trên vỉa hè, lòng đường sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành.

7. Sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong giấy phép.

b) Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông phải bố trí lối đi thuận tiện, an toàn cho người đi bộ và phương tiện giao thông.

8. Sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Các yêu cầu về chiều rộng lòng đường

- Đối với đường hai chiều: Lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép để xe một bên; tối thiểu là 14,0m thì cho phép để xe hai bên.

- Đối với đường một chiều: Lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho phép để xe bên phải phần xe chạy.

b) Không gây cản trở cho các phương tiện giao thông; không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, hộ gia đình hai bên đường phố.

c) Phù hợp với quy hoạch bến, bãi đỗ xe được phê duyệt; Uỷ ban nhân dân theo phân cấp quản lý có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bến, bãi đỗ xe cho các đô thị trên địa bàn quản lý, trong đó trên cơ sở chiều rộng mặt cắt đường, loại đường phố, tính chất đường phố, khả năng thông xe ... quy định rõ danh mục tuyến phố được phép để xe.

d) Khi sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe công cộng có thu phí thì ưu tiên đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đường đó trong việc thuê chỗ để xe ở vị trí liền kề với nhà, công trình cho nhu cầu của bản thân mình.

9. Sử dụng hè phố vào việc để xe phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Không được cản trở giao thông của người đi bộ; phải bảo đảm bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m.

b) Phải ngăn nắp, gọn gàng bảo đảm mỹ quan đô thị.

c) Không để xe trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở; trên các tuyến phố tại trung tâm chính trị, văn hoá, du lịch.

d) Các điểm trông giữ xe công cộng trên hè phố có thu phí phải theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm thuận lợi cho người đi bộ, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ dân, chủ công trình trên tuyến phố.

10. Việc bố trí lối vào các công trình hai bên đường đô thị phải được xác định trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500. Đối với các khu phố hiện trạng, việc bố trí lối vào các công trình hai bên đường đô thị phải bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

11. Việc chiếm chỗ, sử dụng hè phố để xây dựng cửa hàng, lắp đặt mái che

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng các cửa hàng, kiốt trên hè phố phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

b) Việc xây dựng các cửa hàng, kiốt trên hè phố đối với các đô thị mới, đường phố mới phải được xác định ngay trong quy hoạch chi tiết, đối với các khu phố hiện trạng, chỉ được phép lắp đặt tạm thời các cửa hàng, kiốt phục vụ cho các dịp lễ hội, và phải tháo dỡ sau khi kết thúc lễ hội theo quy định của chính quyền địa phương.

c) Việc xây dựng, lắp đặt mái che mưa, che nắng phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng và được xem xét đồng thời khi cấp phép xây dựng.

d) Chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng cửa hàng nhỏ, lắp đặt mái che mưa, che nắng ; tổ chức dỡ bỏ của hàng, mái che mưa, che nắng không theo đúng quy định.

12. Quản lý cây xanh trên đường phố: Hệ thống cây xanh trên đường phố được quản lý và khai thác tuân theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về quản lý cây xanh đô thị.

13. Sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang

a) Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang phải xin phép chính quyền địa phương nơi cư trú.

b) Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra và cho phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang.

c) Thời gian sử dụng tạm thời không quá 48 giờ và phải bố trí lối đi cho người đi bộ, chiều rộng tối thiểu của lối đi cho người đi bộ là 1,5m.

14. Sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa

Chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m;

b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố;

c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.

Phần 3:

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

I. SỞ XÂY DỰNG CÁC TỈNH VÀ SỞ GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH CÁC THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Sở Xây dựng các tỉnh, Sở Giao thông công chính các thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước hệ thống đường đô thị trên địa bàn:

1. Đầu mối tổng hợp, hướng dẫn lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp cải tạo, bảo trì và phát triển đường đô thị.

2. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định phân công, phân cấp quản lý hệ thống đường đô thị.

3. Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị.

4. Trực tiếp quản lý đường đô thị theo phân công của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

II. UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

a) Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống đường đô thị thuộc địa phương mình quản lý.

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp để tăng cường trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại địa phương mình quản lý.

c) Phân công, phân cấp quản lý cho các cơ quan chuyên môn và cho chính quyền địa phương cấp dưới trong công tác quản lý nhà nước đối với đường đô thị.

d) Phân công cơ quan đầu mối thực hiện quản lý công tác xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác khi xây dựng đường đô thị.

e) Chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các lực lượng thanh tra chuyên ngành theo quy định hiện hành.

f) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới trong công tác quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị theo phân cấp.

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện

a) Thực hiện công tác quản lý đường đô thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Chịu trách nhiệm quản lý hành chính trong việc sử dụng hè phố, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn, có biện pháp chống lấn chiếm hè phố, lòng đường bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

c) Chỉ đạo các phòng, ban và Uỷ ban nhân dân cấp dưới thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền và tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đường đô thị trên địa bàn theo phân cấp.

b) Quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang trên địa bàn mình quản lý.

c) Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng đường đô thị trên địa bàn mình quản lý theo quy định của pháp luật.

Phần 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Xây dựng để hướng dẫn và giải quyết theo thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng trung ương Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan trung ương các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp)
- Các Sở GTCC, KT-QH, XD các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ;
- Lưu VP, HTĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Liên