Thông tư số 06/2008/TT-BTC ngày 15/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn sử dụng quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo của công ty mẹ-tập đoàn dầu khí Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 06/2008/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 15-01-2008
- Ngày có hiệu lực: 12-02-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2008/TT-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2008 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG QUỸ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO CỦA CÔNG TY MẸ- TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM
Căn cứ khoản 4, Điều 24, Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo (sau đây gọi tắt là Quỹ) của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG QUỸ:
1. Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được hình thành từ nguồn thu “cam kết nghĩa vụ đào tạo” trong các Hợp đồng dầu khí. Quỹ được sử dụng để duy trì, phát triển sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên và nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
2. Hàng năm căn cứ vào các Hợp đồng dầu khí có điều khoản cam kết sử dụng trực tiếp nguồn thu từ nguồn kinh phí “cam kết nghĩa vụ đào tạo” để đào tạo cho cán bộ công nhân viên dầu khí thì Quỹ được sử dụng để chi cho hoạt động đào tạo theo cam kết trong Hợp đồng dầu khí, nội dung và mức chi áp dụng theo các quy định hiện hành của Nhà nước, quy định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các quy định của Thông tư này. Phần dư Quỹ còn lại (sau khi trừ đi phần chi cho đào tạo theo cam kết trong Hợp đồng dầu khí) được tiếp tục sử dụng để chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo theo kế hoạch tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt.
3. Mức dư Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo cuối mỗi năm không được vượt quá 1% vốn điều lệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trường hợp số dư của Quỹ cuối mỗi năm vượt mức 1% vốn điều lệ thì phần vượt được kết chuyển sang Quỹ đầu tư phát triển. Phần Quỹ còn lại được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
4. Hàng năm hoặc 5 năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng kế hoạch hoặc chiến lược về đào tạo và nghiên cứu khoa học ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên cơ sở khả năng tài chính hiện có của Quỹ. Trường hợp với mức dư quỹ bằng 1% vốn điều lệ mà không đủ trang trải cho nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập phương án bổ sung Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo từ các quỹ khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ cho Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
5. Việc sử dụng Quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, các quy định tại Thông tư này và các Quy chế do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.
6. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng Quỹ, đảm bảo sử dụng Quỹ đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước trên nguyên tắc tiết kiệm hiệu quả. Trường hợp vi phạm về quản lý và sử dụng Quỹ thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ phải chịu các chế tài về xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
7. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
II. NỘI DUNG CHI CỦA QUỸ:
1. Chi cho hoạt động quản lý chung của Quỹ (nếu có);
2. Chi đào tạo:
Quỹ được sử dụng để chi cho hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bao gồm cả các cán bộ, công nhân viên làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con của Tập đoàn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ cho các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Việc sử dụng Quỹ phải tuân thủ theo kế hoạch hàng năm đã được Hội đồng quản trị của Tập đoàn phê duyệt và phù hợp với quy chế đào tạo, quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn.
Nội dung chi đào tạo bao gồm:
2.1. Chi đào tạo bồi dưỡng trong nước:
Các nội dung chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn bao gồm:
a) Chi thù lao giảng viên (trong và ngoài nước); chi phí cho việc đi lại, ăn ở của giảng viên.
b) Chi tài liệu học tập (giáo trình và các tài liệu khác, văn phòng phẩm); hỗ trợ tiền sinh hoạt cho học viên trong thời gian học tập trung.
c) Chi tổ chức lớp học:
- Thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ học tập;
- Chi mua trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo (nếu có);
- Chi mua, biên soạn chương trình, giáo trình giảng dạy; chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; biên dịch tài liệu (nếu có);
- Chi tiền điện, nước, văn phòng phẩm, chi phục vụ, trông xe;
- Chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế;
- Chi các hoạt động văn hoá, thể thao cho học viên;
- Chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên;
- Chi phí ăn ở cho cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo trong trường hợp phải tổ chức lớp ở xa cơ sở đào tạo.
- Chi khác (nếu có).
d) Hỗ trợ các hoạt động đào tạo ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng phục vụ cho công tác đào tạo của Tập đoàn.
2.2. Chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài:
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng quy chế tuyển chọn cán bộ và chế độ chi tiêu cho cán bộ công nhân viên được cử đi đào tạo, học tập ở nước ngoài phù hợp với chế độ của nhà nước và các quy chế của Tập đoàn.
Nội dung các khoản chi bao gồm:
- Chi phí dịch vụ phải trả cho tổ chức thực hiện dịch vụ đào tạo ở trong nước;
- Chi học phí và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo hoặc cơ sở dịch vụ ở nước ngoài;
- Chi phí cho công tác phiên dịch, biên dịch tài liệu;
- Chi phí mua bảo hiểm y tế trong thời gian học tập ở nước ngoài (nếu có yêu cầu bắt buộc của nước sở tại);
- Chi phí cho công tác tổ chức lớp học: Khảo sát, đàm phán, xây dựng chương trình học tập với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;
- Chi phí ăn, ở, đi lại, lệ phí sân bay;
- Chi làm thủ tục xuất, nhập cảnh (hộ chiếu, visa).
3. Chi nghiên cứu khoa học:
3.1. Nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học bao gồm:
a) Chi thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
b) Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:
- Trang bị cơ sở vật chất- kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của Tập đoàn;
- Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, ... phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của Tập đoàn;
- Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của tập đoàn (không bao gồm tiền lương quản lý chung của Quỹ);
- Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất.
c) Chi hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng phục vụ cho hoạt động của Tập đoàn.
3.2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không được sử dụng nguồn vốn của Quỹ để đầu tư cho các hoạt động khác không gắn với việc nghiên cứu khoa học của Tập đoàn.
3.3. Khi kết thúc đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án theo quy định.
III. ĐỊNH MỨC CHI CHO HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC: Tham khảo các quy định hiện hành của Nhà nước về định mức chi cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng và ban hành định mức chi cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học áp dụng cho Tập đoàn để thực hiện.
IV. CÔNG TÁC KẾ TOÁN: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tổ chức hạch toán kế toán các khoản thu, chi quỹ theo đúng quy định của pháp luật về kế toán và chế độ kế toán áp dụng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét sửa đổi cho phù hợp./.
| KT.BỘ TRƯỞNG |