Thông tư số 30/2007/TT-BCA-C11 ngày 12/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn thi hành Nghị định 150/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 30/2007/TT-BCA-C11
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Công An
- Ngày ban hành: 12-12-2007
- Ngày có hiệu lực: 11-01-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2007/TT-BCA-C11 | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2007 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 150/2005/NĐ-CP NGÀY 12/12/2005 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH VÀ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI
Ngày 12/12/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (sau đây viết gọn là Nghị định số 150). Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định này như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 150 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (sau đây viết gọn là lĩnh vực an ninh, trật tự). Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 150, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự bao gồm các hành vi được quy định tại Chương II Nghị định này và các hành vi thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc có liên quan đến an ninh, trật tự được quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự chỉ được xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định số 150; các hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc có liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính như trong lĩnh vực: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, phòng cháy chữa cháy, thương mại, y tế, quốc phòng, biên giới quốc gia, hải quan, thuế, bảo vệ môi trường… thì thực hiện việc xử phạt theo quy định của Nghị định trong các lĩnh vực đó, nhưng phải áp dụng các biểu mẫu xử phạt do Bộ Công an quy định.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết gọn là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự thì bị xử phạt vi phạm hành chính, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này;
b) Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự và các quyền ưu đãi, miễn trừ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu họ có vi phạm hành chính trên lãnh thổ Việt Nam thì phải lập biên bản vi phạm hành chính và giải quyết bằng con đường ngoại giao, trừ trường hợp vi phạm nhỏ, đơn giản (như hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền dưới 100.000 đồng hoặc không có tình tiết tăng nặng) thì nhắc nhở, yêu cầu họ chấm dứt vi phạm.
3. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
a) Người dưới 14 tuổi vi phạm hành chính;
b) Người khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc khi xem xét để ra quyết định xử phạt mà mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính;
d) Hành vi vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm;
đ) Vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ.
II. XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH; THỜI HIỆU, THỜI HẠN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ NGUYÊN TẮC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Xác định hành vi vi phạm hành chính
a) Trường hợp một người cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì phải bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải xem xét người đó thực hiện một hay nhiều hành vi vi phạm. Chương II Nghị định số 150 quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, các hành vi này độc lập với nhau. Tuy nhiên, trong mỗi điểm, khoản của từng điều của Nghị định này có thể có một hoặc nhiều hành vi vi phạm. Vì vậy, khi xử phạt phải căn cứ vào cấu trúc, nội dung cụ thể của điểm, khoản, điều của Nghị định và thực tế về thời điểm, thời gian xảy ra vi phạm để xác định là một hay nhiều hành vi vi phạm, phục vụ cho việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được chính xác;
b) Đối với hành vi vi phạm phức tạp, khó xác định là vi phạm hành chính hay hình sự (có dấu hiệu tội phạm) thì phải xem xét cẩn thận về tính chất, mức độ, hậu quả, nhân thân, vi phạm lần đầu hay tái phạm. Trường hợp cần thiết thì trao đổi với Cơ quan điều tra cùng cấp để thống nhất hướng giải quyết và chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi có sự thống nhất với Cơ quan điều tra.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
a) Việc áp dụng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây viết gọn là Pháp lệnh) và Điều 5 Nghị định số 150. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, thì bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi của người đó có dấu hiệu vi phạm hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vi phạm. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính không phải lập biên bản vi phạm hành chính mà căn cứ vào hồ sơ do các cơ quan ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nêu trên chuyển đến để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với trường hợp không xử lý hình sự, nhưng phải xử phạt vi phạm hành chính thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện.
b) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 69 của Pháp lệnh mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh, Điều 3 Nghị định số 150 và cần chú ý thêm một số điểm sau đây:
a) Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi đó. Trường hợp tại cùng thời điểm, người có thẩm quyền xử phạt đã ra lệnh đình chỉ hành vi vi phạm mà người vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm này, thì áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 8 Điều 9 của Pháp lệnh; nếu họ thực hiện hành vi vi phạm khác thì phải lập biên bản vi phạm hành chính để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định chung.
b) Đối với cá nhân nhiều lần vi phạm hành chính, nay tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm này là lần cuối để làm căn cứ cho việc xem xét, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm lần cuối đó.
III. ÁP DỤNG HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ, THỦ TỤC XỬ PHẠT, THẨM QUYỀN XỬ PHẠT, TỔ CHỨC THU TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
a) Hình thức xử phạt chính
+ Phạt tiền ở mức tối thiểu của khung tiền phạt nếu vi phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ;
+ Phạt tiền ở mức tối đa của khung tiền phạt nếu vi phạm có nhiều tình tiết tăng nặng.
- Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự chỉ bị áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
- Quyết định xử phạt cảnh cáo phải bằng văn bản và chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm có quy định hình thức phạt cảnh cáo.
- Mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự đều có quy định khung tiền phạt, từ mức phạt tiền tối thiểu đến mức phạt tiền tối đa. Khi quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh để quyết định mức phạt tiền cho phù hợp, cụ thể là:
+ Phạt tiền ở mức trung bình của khung tiền phạt nếu vi phạm không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Cách tính như sau:
Mức phạt tiền tối thiểu + Mức phạt tiền tối đa |
2 |
b) Hình thức xử phạt bổ sung
- Chỉ được áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm nếu Nghị định số 150 có quy định hình thức xử phạt bổ sung.
- Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự có thể bị áp dụng một hoặc hai hình thức xử phạt bổ sung;
- Các hình thức xử phạt bổ sung không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
c) Các biện pháp khắc phục hậu quả
- Chỉ được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm nếu Nghị định số 150 có quy định biện pháp khắc phục hậu quả;
- Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả;
- Biện pháp khắc phục hậu quả không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức phạt chính, trừ trường hợp hết thời hiệu xử phạt theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh và hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Pháp lệnh.
d) Hình thức xử phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 150 và khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh, thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính khi bị phạt tiền thì mức tiền phạt đối với họ không được quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên. Quy định này phải được hiểu là Nghị định số 150 quy định khung tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính để áp dụng cho người thành niên, nhưng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì khung phạt tiền chỉ bằng một phần hai của người thành niên;
Ví dụ: hành vi gọi điện thoại đến các số máy khẩn cấp như 113, 114, 115 để trêu đùa hoặc chửi bới, đe dọa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 150 bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Khung tiền phạt này là để áp dụng đối với người thành niên, còn đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì khung tiền phạt là từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng. Việc ra quyết định phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trường hợp này được áp dụng như sau:
- Nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì bị phạt tiền 175.000 đồng;
- Nếu vi phạm lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tiền 100.000 đồng;
- Nếu tái phạm hoặc vi phạm có nhiều tình tiết tăng nặng thì bị phạt tiền 250.000 đồng.
2. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Pháp lệnh, Nghị định số 150, Thông tư này và cần chú ý một số điểm sau đây:
a) Khi quyết định xử phạt, ngoài trường hợp xử phạt tại chỗ theo thủ tục đơn giản, đối với các hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 100.000 đồng, thì sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt cũng được ra quyết định xử phạt tại chỗ đối với hành vi vi phạm xảy ra ở vùng đi lại khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính, cụ thể là:
- Đối với hành vi vi phạm mà mức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng, thì sau khi ra lệnh đình chỉ hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt theo thủ tục đơn giản;
- Đối với hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 100.000 đồng, thì sau khi ra lệnh đình chỉ hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì phải ra ngay quyết định xử phạt;
- Quyết định xử phạt theo thủ tục đơn giản, biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm nội dung đã được quy định tại các điều 54, 55 và 56 của Pháp lệnh, theo đúng mẫu do Bộ Công an quy định và phải giao cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt một bản. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt;
- Ngay sau ca làm việc cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải bàn giao hồ sơ vụ vi phạm, biên lai thu tiền phạt và tiền phạt đã thu được cho cán bộ, chiến sỹ được thủ trưởng đơn vị giao tiếp nhận thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính của đơn vị;
- Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị phải thống kê những trường hợp thu tiền phạt tại chỗ và nộp cho cán bộ được lãnh đạo đơn vị phân công tiếp nhận tiền phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 2 ngày, kể từ khi người có thẩm quyền xử phạt về đến trụ sở đơn vị để tổ chức giao nộp tiền phạt cho Kho bạc nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.
b) Đối với hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 100.000 đồng, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm có thắc mắc thì phải giải thích cụ thể; trường hợp cần thiết thì cho cá nhân, tổ chức vi phạm xem các quy định xử phạt liên quan;
Trường hợp vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; nếu thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì chậm nhất 10 ngày trước khi hết thời hạn nói trên, người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp bằng văn bản để xin gia hạn, thời hạn gia hạn cũng không được quá 30 ngày.
c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao quyết định cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải tổ chức thi hành quyết định xử phạt. Quá thời hạn nêu trên, tổ chức, cá nhân bị xử phạt mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, thì ra quyết định hoặc đề xuất người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt;
d) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt. Đối với quyết định xử phạt đã quá một năm nhưng chưa được thi hành hoặc người có thẩm quyền xử phạt không thể giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính do tổ chức, cá nhân bị xử phạt không đến nhận hoặc không xác định được địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó, thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt, nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được giao cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt đã quá một năm mà không được thi hành (kể cả đã gửi thông báo hoặc quyết định xử phạt đến tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo địa chỉ ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc trong các giấy tờ bị tạm giữ để bảo đảm việc xử phạt mà người bị xử phạt vẫn không đến nhận quyết định xử phạt), thì tổ chức, cá nhân đó được coi là cố tình trì hoãn, trốn tránh chấp hành quyết định xử phạt. Thời hạn chấp hành quyết định xử phạt được tính lại kể từ khi tổ chức, cá nhân bị xử phạt chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
đ) Trường hợp người lập biên bản vi phạm hành chính không có thẩm quyền xử phạt, thì sau khi lập biên bản phải gửi ngay biên bản và toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt;
e) Khi quyết định xử phạt tổ chức, cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó cùng một lúc có nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền quyết định hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì phải cộng các mức tiền phạt đối với từng hành vi thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt. Việc ra quyết định xử phạt được thực hiện như sau:
- Nếu các hành vi vi phạm hành chính mà thuộc thẩm quyền của mình thì ra quyết định xử phạt;
- Nếu một trong các hành vi vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền thì phải chuyển vụ vi phạm hành chính đó đến cơ quan, người có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt.
g) Trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền; nếu trước đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì người đã quyết định xử phạt phải hủy bỏ quyết định xử phạt đó;
h) Việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 29 Nghị định số 150 được thực hiện theo Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính và văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự
Điều 30 và Điều 31 Nghị định số 150 quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Khi thực hiện thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng quy định của Nghị định này và hướng dẫn sau đây:
- Chỉ những người được quy định tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định số 150 mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự;
- Chiến sỹ Công an nhân dân ở các đơn vị Công an phường, thị trấn, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu thương mại, khu kinh tế đặc biệt, Đồn, Trạm, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở Bộ Công an thuộc các lực lượng: Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy; Cảnh sát Bảo vệ và hỗ trợ tư pháp; Cảnh sát Trại giam; Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ; Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; đơn vị đặc nhiệm, cơ động; Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000 đồng. Đối với chiến sỹ Công an nhân dân đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân thì không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;
- Thủ trưởng trực tiếp của chiến sỹ Công an nhân dân là người được giao phụ trách các đội, nhóm, tổ được thủ trưởng đơn vị Công an từ cấp phòng, cấp huyện, cấp đồn, trạm và tương đương trở lên giao nhiệm vụ công tác thường xuyên, đột xuất.
b) Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự
- Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định số 150 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
- Khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ (lĩnh vực) và địa bàn quản lý. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc chức năng, nhiệm vụ hoặc địa bàn quản lý thì phải chuyển vụ vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt. Đối với những vi phạm xảy ra ở địa bàn giáp ranh, đơn vị, lực lượng nào trong Công an nhân dân phát hiện hành vi vi phạm trước thì người có thẩm quyền của đơn vị, lực lượng đó tiến hành xử phạt;
- Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều đơn vị, thì việc xử phạt do đơn vị thụ lý ban đầu thực hiện.
c) Ủy quyền xử phạt
Điều 33 Nghị định số 150 quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự có thể ủy quyền cho cấp phó của mình. Việc ủy quyền này phải bằng văn bản. Có thể ủy quyền theo vụ, việc, trong một thời gian nhất định. Người được ủy quyền xử phạt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
4. Thu và quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính
Việc thu tiền phạt và quản lý biên lai, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính phải theo đúng quy định của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với những nơi chưa có điểm thu tiền phạt, thì phải thống nhất với Kho bạc nhà nước về việc ủy quyền thu tiền phạt và phải công bố công khai điểm thu tiền phạt trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước. Chế độ quản lý biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
IV. BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, THỐNG KÊ, BÁO CÁO VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Tạm giữ và khám người theo thủ tục hành chính
a) Việc tạm giữ người vi phạm hành chính phải bảo đảm đúng đối tượng, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh, Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 và văn bản hướng dẫn thi hành. Cần chú ý:
- Trước khi tạm giữ phải chú ý phát hiện, tước vũ khí, vật nguy hiểm, tình trạng sức khỏe, thương tích của họ. Nếu họ có bệnh cấp tính, bệnh lý khác thì phải lập biên bản; nếu có thương tích thì phải đề nghị cho khám chứng thương;
- Phải có hồ sơ, sổ sách theo dõi công tác tạm giữ người theo thủ tục hành chính chặt chẽ.
b) Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được quyết định khi có căn cứ thật chính xác, khẳng định chắc chắn nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu hủy và người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, đồng thời phải báo cáo cho thủ trưởng đơn vị. Thủ tục khám người theo thủ tục hành chính phải tuân theo quy định của Pháp lệnh.
2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
a) Chỉ tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi thấy thật cần thiết để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra hoặc khi có nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ có liên quan đến tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý. Chỉ những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh mới được quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp cần thiết, thủ trưởng trực tiếp của chiến sỹ Công an nhân dân được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo thủ trưởng của mình và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó;
b) Việc quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh, Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 150, Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với các giấy tờ làm giả thì đưa vào hồ sơ vụ vi phạm hành chính để phục vụ công tác đấu tranh sau này. Đối với tang vật, phương tiện có liên quan đến vụ án hình sự hoặc sau khi xác định vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển tang vật, phương tiện đó và hồ sơ vụ vi phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
4. Thống kê, báo cáo về xử phạt vi phạm hành chính
a) Hàng ngày người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải báo cáo cấp trên trực tiếp về số vụ đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
b) Các đơn vị có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải có sổ theo dõi tình hình về xử phạt vi phạm hành chính và định kỳ hàng tháng báo cáo Công an cấp trên và Cục nghiệp vụ theo hệ quản lý dọc của mình. Định kỳ 10 ngày một lần vào các ngày 1, 10, 20 hàng tháng phải đối chiếu với cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước về tình hình thi hành quyết định xử phạt, thống kê những quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành, đề xuất biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt;
c) Việc thống kê, báo cáo tình hình về xử phạt vi phạm hành chính thực hiện như sau:
- Công an cấp xã thực hiện báo cáo tuần lên Công an cấp huyện;
- Công an cấp huyện, cấp phòng hàng tháng báo cáo Giám đốc Công an tỉnh (qua Văn phòng Công an tỉnh);
- Công an cấp tỉnh, cấp Cục báo cáo 6 tháng, năm về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát);
Thời gian làm báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo 6 tháng, báo cáo năm thực hiện theo quy định của Bộ Công an về Chế độ báo cáo, thống kê trong lực lượng Công an nhân dân.
- Công an các cấp phải phân công cán bộ theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính để báo cáo cấp trên. Nội dung báo cáo cần ghi rõ tình hình, kết quả thi hành quyết định xử phạt theo từng Điều trong Nghị định số 150 và các Nghị định khác có quy định xử phạt hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc có liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự và kiến nghị, đề xuất.
d) Trong mọi trường hợp xử phạt vi phạm hành chính thì sau khi xử phạt vi phạm hành chính phải lưu giữ các tài liệu có liên quan của vụ, việc vi phạm hành chính để phục vụ cho việc xem xét áp dụng các hình thức xử lý hành chính khác hoặc làm tài liệu chứng minh là đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với một số tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự hoặc phục vụ cho các mục đích, hoạt động khác có liên quan. Việc lưu giữ hồ sơ vụ, việc vi phạm hành chính thực hiện theo Chế độ hồ sơ của Bộ Công an.
V. HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 01/TT-BNV của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ngày 20/01/1997 hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh bố trí các hòm thư để nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và giao cho Thanh tra Công an nhân dân các cấp nghiên cứu, kiểm tra giúp lãnh đạo Công an các cấp giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật, thì phải ra quyết định hủy quyết định xử phạt trái pháp luật đó và kiểm tra làm rõ tính chất, mức độ sai phạm để có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.
3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thuộc quyền định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất tiến hành kiểm tra công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và báo cáo kết quả về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương cần báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.
| BỘ TRƯỞNG |