cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 11/2007/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
  • Ngày ban hành: 11-12-2007
  • Ngày có hiệu lực: 11-01-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3094 ngày (8 năm 5 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2016, Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 22/2016/TT-BXD ngày 01/07/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc liên tịch ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ XÂY DỰNG
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 11/2007/TT-BXD

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 124/2007/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 07 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 06 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
Nhằm góp phần quản lý tốt sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, cảnh quan, trật tự giao thông, an toàn xã hội, Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, như sau
:

I. VỀ KHOẢN 3 ĐIỀU 30: BỘ MÁY NHÂN LỰC VẬN HÀNH THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ VÀ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

1. Đối với doanh nghiệp

1.1. Có bộ máy nhân lực vận hành thiết bị công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm theo dự án đầu tư được phê duyệt.

1.2. Người phụ trách quản lý kỹ thuật sản xuất :

a) Có trình độ cao đẳng trở lên theo ít nhất một trong các chuyên ngành đào tạo : công nghệ vật liệu xây dựng, công nghệ hoá chất, khai thác mỏ, cơ khí, điện, tự động hoá ;

b) Có biên chế hoặc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia, có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong sản xuất vật liệu xây dựng;

c) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc.

1.3. Quản đốc, phó quản đốc phân xưởng sản xuất, tổ trưởng sản xuất, trưởng ca sản xuất hoặc tương đương :

a) Có trình độ trung cấp kỹ thuật trở lên theo ít nhất một trong các chuyên ngành đào tạo : công nghệ vật liệu xây dựng, công nghệ hoá chất, khai thác mỏ, cơ khí, điện, tự động hoá. Nếu trái nghề phải có chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật sản xuất được phân công phụ trách. Nếu là công nhân thì phải là công nhân bậc 5/7 trở lên của chuyên ngành sản xuất ;

b) Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia, có ít nhất một (01) năm kinh nghiệm trong sản xuất vật liệu xây dựng ;

c) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

d) Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

1.4. Người lao động trực tiếp vận hành thiết bị sản xuất :

a) Có chứng chỉ đào tạo theo chuyên ngành sản xuất, vận hành thiết bị ;

b) Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia ;

c) Có đủ sức khoẻ tham gia sản xuất trực tiếp ;

d) Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

1.5. Người phụ trách phòng phân tích, kiểm nghiệm :

a) Có trình độ cao đẳng trở lên theo ngành đào tạo đối với lĩnh vực phân tích, kiểm nghiệm hoặc một trong các chuyên môn của phòng phân tích, kiểm nghiệm ;

b) Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia ;

c) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

d) Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

1.6. Nhân viên thí nghiệm :

a) Có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành phân tích, kiểm nghiệm ;

b) Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyên gia ;

c) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

d) Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi được đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Đối với hộ kinh doanh, tổ hợp tác (có sản xuất vật liệu xây dựng)

2.1. Người phụ trách kỹ thuật sản xuất:

a)  Có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên theo ít nhất một trong các chuyên ngành đào tạo : công nghệ vật liệu xây dựng, công nghệ hoá chất, khai thác mỏ, cơ khí, điện, tự động hoá. Nếu là công nhân thì phải là thợ bậc 3/7 trở lên được đào tạo theo chuyên ngành sản xuất ;

b) Có hợp đồng lao động (nếu không phải là chủ hộ kinh doanh hoặc không phải là thành viên tổ hợp tác) ;

c) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc ;

d) Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

2.2. Người lao động trực tiếp vận hành thiết bị sản xuất :

a) Được đào tạo tay nghề trong lĩnh vực sản xuất ;

b) Có hợp đồng lao động ;

c) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận công việc;

d) Có chứng chỉ về an toàn lao động được cấp sau khi qua đào tạo và kiểm tra theo quy định của pháp luật về lao động.

II. VỀ KHOẢN 2 ĐIỀU 31: KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG

1. Những sản phẩm vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện không phải cấp giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định tại  khoản 4 Điều 7 và điểm 10, mục 2, phụ lục III của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, gồm các nhóm sau :

a) Vật liệu xây dựng cồng kềnh, khối lượng lớn, dễ gây bụi gồm : gạch xây, cát, đá, sỏi, vôi cục, vôi tôi, tấm lợp, kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre, nứa, lá, đà giáo, cốp pha, cừ tràm, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt, mài cạnh ;

b) Các loại vật liệu xây dựng dễ cháy gồm : gỗ xây dựng, tre, nứa, lá, vật liệu nhựa, các loại sơn dầu, giấy dầu, cót, cót ép ;

c) Vật liệu xây dựng có mùi, hoá chất độc hại, gây bụi : sơn dầu, giấy dầu, cót ép, hắc ín, vôi tôi, vôi cục, vôi tôi trong bể.

2. Hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện quy định tại khoản 1, mục II Thông tư này phải đáp ứng các quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ; Điều 32, Điều 35 của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng. Ngoài ra còn phải tuân thủ các quy định tại khoản 3, 4, 5 mục II của Thông tư này.

3. Đối với cửa hàng, siêu thị kinh doanh vật liệu xây dựng, kho, bãi chứa vật liệu xây dựng :

a) Địa điểm kinh doanh phù hợp với quy định của chính quyền địa phương ;

b) Có đủ diện tích cho việc xuất, nhập hàng hoá, đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây ùn tắc giao thông ;

c) Vật liệu xây dựng thuộc nhóm a khoản 1 mục II của Thông tư này không cho phép bày bán tại các phố trung tâm của thành phố, thị xã ;

d) Có biển ghi rõ tên cửa hàng, tên doanh nghiệp, tên tổ hợp tác hoặc tên hộ kinh doanh. Hàng hoá phải có xuất xứ, có đăng ký chất lượng, hướng dẫn sử dụng cho người tiêu dùng ;

đ) Phải có đủ phương tiện, thiết bị để chữa cháy, biển báo an toàn tại nơi bán hàng vật liệu xây dựng thuộc nhóm b, khoản 1 mục II của Thông tư này ;

e) Phải có ngăn cách đảm bảo an toàn cho người tại nơi bán hàng vật liệu xây dựng thuộc nhóm c khoản 1 mục II Thông tư này. Hố, bể vôi tôi phải có rào che chắn và biển báo nguy hiểm. Không được cắt, mài cạnh đá ốp lát ở vỉa hè, đường phố; không để nước, bụi bẩn bắn vương vãi ra nơi công cộng.

4. Đối với cửa hàng giới thiệu sản phẩm vật liệu xây dựng thì cửa hàng và sản phẩm vật liệu xây dựng trưng bày phải phù hợp với các yêu cầu tại điểm a, c, d, đ, khoản 3 mục II của Thông tư này.

5. Các loại vật liệu xây dựng bị hư hỏng, kém phẩm chất, phế thải trong quá trình vận chuyển, lưu chứa, kinh doanh phải được chở về nơi sản xuất hoặc đổ đúng nơi quy định của chính quyền địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân các cấp theo sự phân cấp của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định khu vực, đường phố, địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, nơi đổ phế thải vật liệu xây dựng phù hợp với quy hoạch của địa phương ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này, tuỳ theo mức độ và hậu quả sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường vật chất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Thông tư này thay thế Thông tư số 04/1999/TT-BXD ngày 15 tháng 7 năm 1999 của Bộ Xây dựng và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, doanh nghiệp và hộ kinh doanh phản ánh kịp thời về Uỷ ban Nhân dân các cấp hoặc Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết ./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó TTg CP;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tổng công ty nhà nước;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Website Chính phủ;
- Công báo;
- Lưu VP, PC, VLXD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trần Nam