cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 97/2007/TT-BTC ngày 08/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 97/2007/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 08-08-2007
  • Ngày có hiệu lực: 13-09-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-05-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1335 ngày (3 năm 8 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 10-05-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-05-2011, Thông tư số 97/2007/TT-BTC ngày 08/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 37/2011/TT-BTC ngày 16/03/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 97/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2007 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 36/2007/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

 

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP  ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số điều của Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này áp dụng đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Nghị định số 36/2007/NĐ-CP  ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (dưới đây viết tắt là Nghị định số 36/2007/NĐ-CP).

1.2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 36/2007/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính

2.1. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2.2. Người ra quyết định xử phạt phải căn cứ vào hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hình thức và mức xử phạt quy định tại chương II của Nghị định số 36/2007/NĐ-CP và các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 6 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP để quyết định áp dụng hình thức xử phạt, mức phạt, kể cả hình thức phạt bổ sung hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đó.

2.3. Việc áp dụng mức phạt tiền, kể cả khi vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, đều không được thấp hơn hoặc vượt quá khung phạt tiền đã quy định. Việc xác định mức trung bình của khung tiền phạt được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2.4. Đối với một hành vi vi phạm hành chính, chỉ được áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Các hình thức xử phạt bổ sung không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

3. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

3.1. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 6 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP.

3.2. Một số tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Đối với một số tình tiết giảm nhẹ như: chủ động ngăn chặn vi phạm tiếp diễn, làm giảm bớt thiệt hại; tự nguyện khắc phục hậu quả; tự nguyện bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính của mình gây ra sẽ do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định; vi phạm do thiếu hiểu biết; do bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần; do bị xúi giục, lôi kéo, ép buộc thì phải có cơ sở bằng chứng để chứng minh.

b) Đối với tình tiết tăng nặng như: vi phạm nhiều lần là trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nhưng trước đó chưa bị xử phạt hành chính; tái phạm là trường hợp trước đó đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa đến thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó.

II. HÀNH VI VI PHẠM

1. Một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 36/2007/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

1.1. Khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 9: “Lập hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin sai lệch, gây hiểu lầm hoặc  không có đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật”, là việc tổ chức phát hành, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người có liên quan của tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn phát hành lập hồ sơ, cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc che giấu sự thật về những nội dung quan trọng liên quan đến Giấy đăng ký chào bán, bản cáo bạch, điều lệ, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành hoặc Quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành, cam kết bảo lãnh (nếu có) và các tài liệu liên quan khác.

1.2. Điểm b khoản 2 Điều 9: “Sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch để thăm dò thị trường trước khi được phép phát hành chứng khoán ra công chúng”, là việc tổ chức phát hành, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người có liên quan của tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn phát hành sử dụng những thông tin không chính xác so với nội dung trong bản cáo bạch để quảng cáo, chào mời về chứng khoán trước khi được phép phát hành ra công chúng, ảnh hưởng đến giá chứng khoán và quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

1.3. Khoản 3 Điều 9: “Tổ chức phát hành, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người khác có liên quan của tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán và các tổ chức cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có sự giả mạo trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng”, là việc cố ý tạo ra những tài liệu không đúng về những nội dung quan trọng liên quan đến Giấy đăng ký chào bán, bản cáo bạch, điều lệ, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành hoặc Quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành, cam kết bảo lãnh (nếu có) và các tài liệu liên quan khác. Những tài liệu này gây hiểu lầm, có ảnh hưởng đến quyết định cấp giấy chứng nhận phát hành chứng khoán ra công chúng của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

1.4. Điểm a khoản 2 Điều 10: “Không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày trở thành công ty đại chúng”, là việc công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ thực góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên không nộp hồ sơ công ty đại chúng cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày trở thành công ty đại chúng.

1.5. Điểm b khoản 2 Điều 10: “Hồ sơ công ty đại chúng đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có những thông tin sai lệch hoặc không có đủ thông tin cần thiết”, là việc công ty đại chúng cố ý hoặc vô ý lập hồ sơ, cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc che dấu sự thật về những nội dung quan trọng liên quan đến điều lệ công ty; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thông tin tóm tắt về mô hình tổ chức kinh doanh, bộ máy quản lý, cơ cấu cổ đông và báo cáo tài chính năm gần nhất.

1.6. Khoản 2 Điều 13: “Tổ chức niêm yết, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người khác có liên quan của tổ chức niêm yết, tổ chức tư vấn niêm yết, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán, tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ niêm yết có sự giả tạo trong hồ sơ niêm yết, gây hiểu lầm nghiêm trọng” là việc cố ý tạo ra những tài liệu không đúng về Giấy đăng ký niêm yết, bản cáo bạch, điều lệ, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết, hợp đồng tư vấn (nếu có) và các tài liệu liên quan khác. Những tài liệu này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định cấp phép niêm yết của Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán và sự đánh giá, quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

1.7. Khoản 1 và khoản 2 Điều 14 quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán được hiểu là ngoài Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán.

1.8. Khoản 2 Điều 18 quy định việc tổ chức giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán là việc tổ chức giao dịch chứng khoán niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán phải tuân thủ đúng Quy chế giao dịch của Trung tâm giao dịch chứng khoán.

1.9. Khoản 1 Điều 26: Gian lận hoặc lừa đảo trong giao dịch chứng khoán trên thị trường là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức thực hiện các hành vi cụ thể về các khoản giao dịch như sau:

a) Trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các hoạt động tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót các thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và các dịch vụ chứng khoán;

b) Trực tiếp tham gia vào việc công bố những thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ các thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường;

c) Trực tiếp hay gián tiếp tham gia giao dịch thao túng giá, giao dịch tạo ra giá chứng khoán giả tạo, giao dịch giả tạo; cố ý cung cấp tài liệu giả, làm giả, làm sai lệch tài liệu hoặc tiêu huỷ tài liệu giao dịch để lừa đảo, dụ dỗ khách hàng mua, bán chứng khoán.

1.10. Khoản 1 Điều 27: Giao dịch nội bộ trong giao dịch chứng khoán là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức có được thông tin nội bộ có giá trị và sử dụng thông tin đó trước khi thông tin được công bố ra công chúng để mua, bán cho chính mình hoặc cung cấp cho bên thứ ba để hưởng hoa hồng với khoản thu trái pháp luật lớn từ thông tin nội bộ có giá trị mà có được.

1.11. Khoản 1 Điều 28: Giao dịch thao túng thị trường chứng khoán là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức thực hiện các hành vi giao dịch để làm cho mọi nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường, cụ thể về các khoản giao dịch như sau:

a) Tạo ra giao dịch vòng tròn, tức là người này bán cho người kia, sau một vòng giao dịch trở về người bán ban đầu, nhưng giữa các người bán và người mua đều không thu được lợi nhuận, chỉ nhằm tạo ra cho loại chứng khoán đó thường xuyên có giao dịch mua bán trên thị trường;

b) Tạo ra giao dịch giữa người bán và người mua nhưng không hưởng lợi nhuận, các chi phí về giao dịch đó đều do người thứ ba chi trả;

c) Giao dịch để tạo cho mức giá của loại chứng khoán đó được duy trì ổn định (không tăng, không giảm trên thị trường) được coi đó là giao dịch nhằm duy trì ổn định giá trên thị trường;

d) Giao dịch để nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

1.12. Điểm b khoản 2 Điều 33: “Không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời khi xảy ra các sự kiện bất thường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tài chính và hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán”, là việc Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời các sự kiện bất thường về sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng tài chính, hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ chứng khoán của tổ chức mình dẫn đến ảnh hưởng biến động giá chứng khoán trên thị trường.

1.13. Khoản 1 Điều 34: “Hành vi trì hoãn, trốn tránh, không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử theo yêu cầu của Đoàn thanh tra và thanh tra viên”, là việc không cung cấp hoặc cố tình kéo dài thời gian cung cấp các hồ sơ tài liệu, dữ liệu điện tử theo yêu cầu của Đoàn thanh tra, thanh tra viên; không bố trí, bố trí không kịp thời hoặc bố trí người không có trách nhiệm làm việc với Đoàn thanh tra; không cung cấp đúng thực tế các thông tin báo cáo, chứng từ sổ kế toán và những hồ sơ tài liệu khác theo yêu cầu của Đoàn thanh tra; và các hành vi trì hoãn, trốn trách khác theo quy định của pháp luật.

2. Các hành vi vi phạm khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 36/2007/NĐ-CP

III. THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1.1. Chánh Thanh tra chứng khoán có quyền

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đến 70.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm mà không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả.

1.2. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyền

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đến 70.000.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định 36/2007/NĐ-CP;

d) Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 9 và khoản 2 Điều 14 Nghị định 36/2007/NĐ-CP.

1.3. Uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính

Trong trường hợp những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm 1.1 và 1.2 khoản này vắng mặt thì được uỷ quyền cho cấp phó trực tiếp bằng văn bản để xử phạt vi phạm hành chính. Việc uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 36 Nghị định 36/2007/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Quyết định xử phạt

2.1. Quyết định xử phạt phải do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ký và đóng dấu.

2.2. Trong trường hợp một tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều loại hành vi vi phạm khác nhau, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ ra một quyết định xử phạt. Trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của từng tổ chức, cá nhân để ra quyết định xử phạt riêng đối với từng đối tượng này.

2.3. Trong trường hợp hình thức, mức xử phạt vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu về hành vi vi phạm lên người có thẩm quyền xử phạt cao hơn trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất hồ sơ vi phạm.

Hồ sơ vi phạm bao gồm:

- Biên bản về vi phạm hành chính (bản gốc);

- Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính (bản gốc);

- Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm đó;

- Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có);

- Các tài liệu cần thiết khác.

2.4. Quyết định xử phạt được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và đăng công khai trên trang điện tử của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

3. Đình chỉ hành vi vi phạm

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện có hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thì Trưởng đoàn Thanh tra phải có văn bản ra lệnh tạm đình chỉ hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP Trưởng đoàn Thanh tra, kiểm tra phải báo cáo ngay bằng văn bản cho Chánh Thanh tra hoặc Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm.

4. Chuyển giao vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

4.1. Cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các cá nhân, tổ chức nếu phát hiện có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và đề xuất xử lý bằng văn bản tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để giải quyết.

Hồ sơ bao gồm: Biên bản về việc vi phạm hành chính (bản gốc), các chứng từ tài liệu, dữ liệu, tang vật… có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thu thập được trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra.

4.2. Trong trường hợp các vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do các cơ quan quản lý Nhà nước chuyển đến, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ hồ sơ tài liệu về vụ việc vi phạm hành chính đó và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ tài liệu, biên bản vụ việc vi phạm hành chính chuyển đến không đúng thủ tục quy định tại Điều 38 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn này thì chuyển trả lại hồ sơ, tài liệu cho cơ quan lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu sửa đổi, bổ sung đầy đủ. Thời hạn chuyển trả hồ sơ đối với những hồ sơ phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung là 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký công văn chuyển hồ sơ.

b) Trường hợp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính thì thanh tra, kiểm tra xác minh, bổ sung chứng cứ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu thấy có đủ cơ sở chứng minh, kết luận về hành vi vi phạm hành chính.

5. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để theo dõi việc chấp hành quyết định xử phạt

Sau khi Chánh Thanh tra, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc thanh tra viên phải chuyển quyết định xử phạt, hồ sơ vi phạm và các tài liệu có liên quan khác cho bộ phận có chức năng để theo dõi việc chấp hành quyết định xử phạt.

6. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2007 và các hướng dẫn trong Thông tư này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra chứng khoán quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:

- Các Bộ,  cơ quan ngang Bộ, cơ

 quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố

Trực thuộc trung ương;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm soát nhân dân tối cao;

- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

- Công báo;

- Website Chính phủ; website Bộ Tài chính;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

- Trung tâm giao dịch chứng khoán;

- Tổ chức phát hành, niêm yết chứng khoán;

- Tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán;

- Các đơn vị thuộc UBCKNN;

- Lưu: VT, UBCK.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

Trần Xuân Hà