cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 12/2007/TT-BLĐTBXH ngày 02/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Hướng dẫn chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng các công trình thuỷ điện (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/2007/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Ngày ban hành: 02-08-2007
  • Ngày có hiệu lực: 06-09-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-06-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2827 ngày (7 năm 9 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-06-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-06-2015, Thông tư số 12/2007/TT-BLĐTBXH ngày 02/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Hướng dẫn chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng các công trình thuỷ điện (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 764/QĐ-LĐTBXH ngày 03/06/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2007/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2007 

 

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN, VIÊN CHỨC XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ ĐIỆN

Căn cứ Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước và văn bản số 107/TB-VPCP ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành có tiên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tiền tương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng các công trình thuỷ điện như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

1. Phạm vi áp dụng:

Phạm vi áp dụng là công nhân, nhân viên, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng các công trình thuỷ điện sau:

a. Công trình thuỷ điện Huội Quảng thuộc tỉnh Sơn La và tỉnh Lai Châu;

b. Công trình thuỷ điện Bản Chát thuộc tỉnh Lai Châu;

c. Công trình thuỷ điện Sê San 4 và An Khê - Ka Nak thuộc tỉnh Gia Lai;

d. Công trình thuỷ điện Đồng Nai 3 thuộc tỉnh Đak Nông;

e. Công trình thuỷ điện Sông Ba Hạ thuộc tỉnh Phú Yên và tỉnh Gia Lai;

g. Công trình thuỷ điện Sông Tranh II thuộc tỉnh Quảng Nam.

2. Đối tượng áp dụng:

a. Công nhân, nhân viên, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng công trình;

b. Công nhân, nhân viên, viên chức thuộc Ban quản lý dự án trực tiếp tham gia xây dựng công trình;

c. Công nhân, nhân viên, viên chức tư vấn, thiết kế trực tiếp làm việc tại công trình;

d. Công nhân, nhân viên, viên chức trực tiếp tham gia khảo sát để phục vụ thực hiện thiết kế kỹ thuật công trình.

Các đối tượng quy định tại điểm c và điểm d nêu trên không áp dụng đối với những người hưởng các chế độ phụ cấp thu hút và phụ cấp độc hại, nguy hiểm đã được thoả thuận tại văn bản số 3608/LĐTBXH-TL ngày 25 tháng 10 năm 2004 và 2807/LĐTBXH-TL ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chế độ phụ cấp đối với công nhân viên kháo sát các công trình điện.

II. CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG

1. Chế độ tiền lương và phụ cấp lương:

a. Lương tối thiểu:

- Thời gian trước ngày 01 tháng 10 năm 2005, áp dụng mức tiền lương tối thiểu chung 290.000 đồng/tháng quy định tai Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ;

- Từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến 30 tháng 9 năm 2006, áp dụng mức lương tối thiểu 350.000 đồng/tháng quy định tại Nghị định 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 Chính phủ;

Từ ngày 01 tháng 10 năm 2006, áp dụng mức lương tối thiểu 450.000 đồng/tháng quy định tại Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ.

b. Lương cấp bậc công việc:

- Cấp bậc công việc: xác định đối với từng công việc cụ thể theo định mức dự toán xây dựng cơ bản của Bộ Xây dựng ban hành;

- Lương cấp bậc công việc: được tính theo hệ số lương tương ứng cấp bậc công việc của từng công việc cụ thể theo định mức dự toán nêu trên.

c. Chế độ phụ cấp lương:

Phụ cấp khu vực: Công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng nằm trên địa bàn (huyện, xã) nào thì được tính mức phụ cấp khu vực quy định cho địa ban đó.

- Phụ cấp thu hút, áp dụng mức 30% lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ.

- Phụ cấp lưu động, áp dụng mức 0,4 tính trên mức lương tối thiểu chung.

d. Lương cấp bậc công việc và các khoản phụ cấp lương tại điểm b và điểm 2 nêu trên được tính như sau:

- Đối với khối lượng xây lắp đã thực hiện trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 kể cả tiền lương, phụ cấp lương của công nhân, nhân viên, viên chức khảo sát, thiết kế, tư vấn, áp dụng theo thang lương A6, nhóm IV ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993; các chế độ phụ cấp lương theo Thông tư Liên tịch số 03/2001/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBĐTMN ngày 18 tháng 01 năm 2001 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực; Thông tư số 16/LĐTBXH-TT và 19/LĐTBXH-TT ngày 02 tháng 6 năm 1993 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thu hút và phụ cấp lưu động.

Đối với khối lượng xây lắp thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở về sau kể cả tiền lương, phụ cấp lương của công nhân, nhân viên, viên chức khảo sát, thiết kế, tư vấn, áp dụng theo thang lương A1.8, nhóm III ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004; các chế độ phụ cấp lương theo Thông tư Liên tịch số 10/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thu hút và phụ cấp khu vực; Thông tư số 05/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động trong các công ty nhà nước.

2. Hệ số không ổn định sản xuất, áp dụng mức 15% lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Chế độ ăn giữa ca, áp dung mức ăn giữa ca là 5.000 đồng/người/ngày. Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức chế độ ăn giữa ca đối với công nhân, viên chức làm việc tại công trình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Nguồn kinh phí thực hiện:

a. Chế độ quy định tại điểm 1, điểm 2 và điểm 3, mục II Thông tư này áp dụng đối với công nhân, nhân viên, viên chức trực tiếp xây lắp, được tính vào dự toán khối lượng xây lắp của toàn bộ công trình, riêng chế độ ăn ca không tính trong chi phí nhân công. Đối với công nhân, nhân viên, viên chức thuộc Ban quản lý dự án tính vào chi phí của Ban quản lý dự án.

b. Nguồn kinh phí tăng thêm để thực hiện các chế độ quy định tại điểm 1, điểm 2 và điểm 3, mục II Thông tư này được lấy từ nguồn kinh phí dự phòng của công trình. Trường hợp không đủ thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư (trường hợp tổng mức đầu tư đã được phê duyệt) hoặc cho phép tính vào tổng dự toán công trình (trường hợp tổng mức dầu tư chưa được phê duyệt).

c. Chế độ quy định tại điểm 1 và điểm 2, mục II Thông tư này áp dụng đối với công nhân, nhân viên, viên chức khảo sát, thiết kế, tư vấn trực tiếp làm việc tại công trình được tính vào chi phí nhân công trong dự toán chi phí tư vấn thiết kế;

2. Trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Chủ đầu tư):

a. Căn cứ vào khối lượng xác định theo thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công hoặc yêu cầu công việc cần thực hiện của công trình; các chế độ áp dụng quy định tại mục II, Thông tư này và Thông tư hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình để tính chi phí nhân công trong dự toán công trình.

b. Căn cứ vào khối lượng công việc thực hiện đã được nghiệm thu và đơn giá tiền lương, bữa ăn giữa ca tính trong dự toán để tạm ứng và thanh toán cho đơn vị thi công công trình.

3. Các đơn vị thi công công trình, căn cứ khối lượng công việc hoàn thành, đơn giá tiền lương và bữa ăn giữa ca tính trong dự toán công trình đã được chủ đầu tư tạm ứng hoặc thanh toán, tổ chức chi trả đúng, đủ cho người lao động gắn với năng suất lao động, khối lượng, chất lượng công việc và tiến độ công trình.

4. Bộ Công nghiệp kiểm tra Chủ đầu tư tính các chế độ được áp dụng theo quy định mục II, Thông tư này vào đơn giá, dự toán công trình.

5. Bộ Xây dựng kiểm tra các đơn vị thi công công trình thực hiện các chế độ quy định tại Thông tư này.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ và doanh nghiệp phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết./.

 

 

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

Nguyễn Thị Hằng