cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 03/2007/TT-UBDT ngày 08/06/2007 Hướng dẫn chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 03/2007/TT-UBDT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Ngày ban hành: 08-06-2007
  • Ngày có hiệu lực: 20-07-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-02-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2397 ngày (6 năm 6 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-02-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-02-2014, Thông tư số 03/2007/TT-UBDT ngày 08/06/2007 Hướng dẫn chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27/12/2013 giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN DÂN TỘC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2007/TT-UBDT

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2007 

 

THÔNG TƯ 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN THỰC HIỆN ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2007-2010

Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc.
Căn cứ Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010.
Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chính sách như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG:

I. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010 theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là chính sách hỗ trợ thực hiện ĐCĐC); được áp dụng trên địa bàn các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn ban hành theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ có các hộ dân tộc thiểu số du canh, du cư.

II. Đối tượng áp dụng: Là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư, có đủ 3 tiêu chí sau:

1. Không có đất sản xuất ổn định thuộc quyền sử dụng của hộ theo quy định của Nhà nước.

2. Nơi ở không ổn định, di chuyển chỗ ở theo nương rẫy hoặc đang sinh sống tách biệt, rải rác thành các nhóm nhỏ, xa các điểm dân cư tập trung; thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sinh hoạt (đường giao thông, điện, nước…).

3. Chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ tương tự của Nhà nước theo các Quyết định: Số 190/2003/QĐ-TTg ngày 16/9/2003, số 120/QĐ-TTg ngày 11/6/2003, số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp các hộ đã được thụ hưởng chính sách theo các Quyết định nêu trên, nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về đất ở, đất sản xuất (theo mức tối thiểu quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg) buộc phải tổ chức ĐCĐC thì chuyển sang đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện ĐCĐC, đảm bảo nguyên tắc không được trùng lắp đối tượng và nội dung thụ hưởng chính sách.

III. Hình thức tổ chức định canh định cư, gồm:

1. Tổ chức định canh định cư tập trung: Tổ chức ĐCĐC cho các hộ về sinh sống tại các điểm ĐCĐC mới (gọi là điểm ĐCĐCtập trung) phù hợp với Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy mô của một điểm ĐCĐC tập trung phải đảm bảo:

- Có ít nhất 20 hộ áp dụng đối với điểm thuộc các xã vùng cao biên giới Việt Nam – Trung Quốc;

- Có ít nhất 35 hộ áp dụng đối với điểm thuộc các huyện biên giới của các tỉnh miền núi phía Bắc đặc biệt khó khăn;

- Có ít nhất 45 hộ áp dụng đối với điểm thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và Bắc Kon Tum;

- Có ít nhất 60 hộ áp dụng đối với các tỉnh còn lại.

2. Tổ chức định canh định cư xen ghép: Tổ chức ĐCĐC cho các hộ về sinh sống xen ghép với dân sở tại ở các thôn, bản đã có (gọi là các điểm ĐCĐCxen ghép).

B. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

I. Khung chính sách hỗ trợ: Ngân sách Trung ương (NSTW) đảm bảo hỗ trợ các nội dung sau:

1. Hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng:

1.1. Đối với điểm ĐCĐC tập trung: Hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, bao gồm:

- Bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất ở, đất sản xuất.

- San gạt đất ở (tạo nền nhà) cho các hộ đến ĐCĐC.

- Khai hoang tạo quỹ đất sản xuất.

- Đường giao thông tới điểm ĐCĐC là đường loại B giao thông nông thôn, và đường dân sinh nội vùng điểm ĐCĐC (đảm bảo xe máy đi được).

- Công trình điện sinh hoạt tới điểm ĐCĐC tập trung.

- Công trình thuỷ lợi nhỏ phục vụ sản xuất.

- Công trình nước sinh hoạt tập trung.

- Lớp học, nhà mẫu giáo; đầu tư đồng bộ trang bị bàn ghế học tập, điện, nước sinh hoạt, phòng ở giáo viên.

- Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản.

- Một số công trình thiết yếu khác theo yêu cầu thực tế.

Căn cứ điều kiện thực tế, các quy định và đơn giá hiện hành tại địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện lập các dự án ĐCĐC: Xác định rõ nội dung đầu tư; lựa chọn loại công trình, quy mô công trình cần thiết phải đầu tư trong số các công trình trên cho từng dự án.

1.2. Đối với điểm ĐCĐC xen ghép: Hỗ trợ một khoản kinh phí cho ngân sách xã tiếp nhận các hộ du canh, du cư đến định cư xen ghép theo kế hoạch do UBND tỉnh giao; mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Sử dụng vào các việc: Bồi thường đất ở, đất sản xuất cho hộ dân sở tại bị thu hồi đất theo quy định hiện hành của địa phương để giao cho hộ ĐCĐC, phần còn lại đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã. UBND tỉnh quy định cụ thể mức hỗ trợ, cách thức quản lý, tổ chức thực hiện nội dung này cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

1.3. Hỗ trợ cán bộ phát triển cộng đồng tại các điểm ĐCĐC tập trung, gồm: 01 cán bộ y tế và 01 cán bộ khuyến nông, khuyến nông thôn, bản. Nếu không có cán bộ biên chế thì được sử dụng hình thức hợp đồng lao động với những người có chuyên môn về y tế, về khuyến nông, khuyến lâm ngoài biên chế Nhà nước:

- Mức hỗ trợ hàng tháng cho một người tương đương mức lương bậc 01 của ngạch cán bộ, công chức quy định tại các Nghị định: Số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, số 94/2006/NĐ-TTg ngày 07/9/2006 của Chính phủ.

- Thời gian hỗ trợ: 03 năm, tính từ khi đã tổ chức các hộ về điểm ĐCĐC tập trung.

- Nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ (hoặc của người được hợp đồng) do UBND tỉnh quy định.

1.4. Hỗ trợ kinh phí áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới đưa vào sản xuất cho các điểm ĐCĐC tập trung:

- Mức hỗ trợ: 30 triệu đồng/điểm ĐCĐC tập trung/năm.

- Thời gian hỗ trợ 03 năm, tính từ khi đã tổ chức các hộ về điểm ĐCĐC tập trung.

- UBND tỉnh quy định cụ thể mức hỗ trợ, cách thức quản lý, tổ chức thực hiện nội dung này cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; trong đó cần tập trung vào hỗ trợ giống mới và tập huấn khuyến nông, khuyến lâm.

2. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ du canh, du cư thực hiện ĐCĐC:

2.1. Các hộ du canh du cư thực hiện ĐCĐC (gồm cả ĐCĐC tập trung và xen ghép) được giao đất ở, đất sản xuất; diện tích giao thực hiện theo mức quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định hướng dẫn thực hiện của các cơ quan Trung ương và của địa phương. Trường hợp số hộ đang ở và sản xuất ngay tại điểm tổ chức ĐCĐC có thể được thu hồi và bố trí lại diện tích đất ở và đất sản xuất theo quy hoạch của dự án được duyệt.

2.2. Hỗ trợ bình quân 15 triệu đồng/hộ khi được tổ chức về điểm ĐCĐC để làm các việc: Làm nhà ở và hỗ trợ mắc điện sinh hoạt, nước sinh hoạt (mắc đường nước hoặc xây bể chứa), mua lương thực 6 tháng đầu tính từ khi về ở điểm tổ chức ĐCĐC và hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuỳ theo điều kiện thực tế tại vùng có dự án ĐCĐC, UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể cho từng nội dung nêu trên.

2.3. Đối với hộ được tổ chức ĐCĐC cư xen ghép theo kế hoạch của tỉnh hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ để tạo nền nhà.

2.4. Hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi ĐCĐC; mức hỗ trợ xác định theo quãng đường thực tế và đơn giá phổ biến của loại phương tiện phổ thông tại địa phương.

- Phương thức thực hiện: Giao Ban quản lý dự án tổ chức di chuyển dân, hoặc giao trực tiếp cho hộ tự di chuyển. Tuỳ theo điều kiện thực tế, UBND tỉnh quy định cách thức tổ chức thực hiện di chuyển dân đạt hiệu quả.

2.5. Sau khi về ở nơi tổ chức ĐCĐC, các hộ được hưởng các chính sách hiện hành như người dân tại chỗ; trong đó đặc biệt ưu tiên cho vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

II. Nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn:

1. Ngân sách Trung ương đảm bảo nguồn vốn thực hiện khung chính sách hỗ trợ quy định tại mục I phần B của thông tư này.

2. Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện các việc: Điều tra, khảo sát, lập các dự án ĐCĐC trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các hộ thuộc đối tượng của chính sách tự nguyện thực hiện ĐCĐC; quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đã được tổ chức ĐCĐC; bổ sung kinh phí hỗ trợ (nếu có) cho các hộ dân, giúp họ sớm ổn định đời sống.

3. Huy động, lồng ghép nguồn vốn của Chương trình 135 và các chính sách, chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh.

III. Cơ chế quản lý:

1. Nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ ĐCĐC và được ghi thành cột mục riêng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, kể từ năm 2007 đến năm 2010.

2. Việc lập dự toán, phân loại nguồn vốn (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp), phân bổ và quản lý vốn (cấp phát, thanh, quyết toán) thực hiện theo luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng của các dự án định canh định cư thực hiện theo cơ chế quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 quy định tại Thông tư số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 08/8/2006 của liên Bộ: Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT. Riêng khâu Lập kế hoạch và giám sát công trình (giám sát kỹ thuật, khối lượng, chất lượng…) thực hiện theo quy định hiện hành.

IV. Quy trình thực hiện xây dựng, giao và báo cáo kế hoạch:

1. Xây dựng kế hoạch, các dự án ĐCĐC: Trên cơ sở kết quả rà soát, điều chỉnh Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện:

- Điều tra, khảo sát, lập các dự án ĐCĐC theo quy định hiện hành; mỗi điểm tổ chức ĐCĐC tập trung là một dự án; mỗi huyện có các đối tượng thuộc diện tổ chức ĐCĐC lập một Báo cáo tổng hợp về Kế hoạch thực hiện chính sách ĐCĐC trên địa bàn (gồm hai phần: Tổ chức ĐCĐC tập trung và tổ chức ĐCĐCxen ghép).

- Tổ chức thẩm tra về số lượng các hộ và các điều kiện đảm bảo quỹ đất ở, đất sản xuất….cho các hộ được tổ chức ĐCĐC đối với từng dự án.

- Tổ chức thẩm định các dự án ĐCĐC theo quy định.

- Tổng hợp, xây dựng Kế hoạch thực hiện chính sách ĐCĐC cho từng năm và cả giai đoạn 2007-2010. Riêng năm 2007, việc xây dựng Kế hoạch và danh mục các dự án ĐCĐC gửi Uỷ ban Dân tộc phải hoàn thành trước ngày 15/7/2007.

2. Thẩm định, Quyết định phê duyệt các dự án:

UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc thẩm định và Quyết định phê duyệt đầu tư các dự án ĐCĐC trên địa bàn theo quy định hiện hành.

3. Xây dựng, tổng hợp, báo cáo và giao kế hoạch:

3.1. Quy trình xây dựng, tổng hợp và báo cáo kế hoạch hàng năm được tiến hành đồng thời với quy trình chung theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nhưng được báo cáo và giao thành cột mục riêng.

3.2. Căn cứ các Quyết định đầu tư các dự án ĐCĐC, UBND tỉnh hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện chính sách ĐCĐC cho từng năm và cả giai đoạn 2007-2010 gửi Uỷ ban Dân tộc.

3.3. Hàng năm, theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và tiến độ thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo lập kế hoạch và dự toán ngân sách chi thực hiện các dự án ĐCĐC gửi Uỷ ban Dân tộc.

3.4. Uỷ ban Dân tộc xét xem, tổng hợp Kế hoạch thực hiện chính sách ĐCĐC của các địa phương, xây dựng Kế hoạch thực hiện chính sách trên phạm vi toàn quốc, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các Bộ ngành liên quan: Có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. UBND tỉnh: Căn cứ Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao, cụ thể hoá các quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách có hiệu quả.

2.1. Giao cơ quan làm công tác Dân tộc của tỉnh chủ trì, phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan của tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh có nhiệm vụ:

a). Hướng dẫn các huyện xây dựng Kế hoạch và các dự án ĐCĐC trên địa bàn, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch hàng năm.

b). Tổng hợp, xây dựng Kế hoạch dự toán Ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách ĐCĐC trên địa bàn, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

c). Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các dự án định canh đinh cư theo kế hoạch, đảm bảo hiệu quả và bền vững, không để thất thoát; tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, báo cáo UBND tỉnh.

d). Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh ban hành các quy định về huy động, lồng ghép các nguồn lực…, hướng dẫn thực hiện chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2.2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình du canh du cư, kết quả thực hiện Kế hoạch và các dự án định canh định cư, phản ánh và đề xuất giải pháp giải quyết các các vướng mắc về Uỷ ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Giao cấp huyện làm chủ đầu tư các dự án ĐCĐC trên địa bàn.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Uỷ ban Dân tộc để nghiên cứu, giải quyết.

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
 
 
 
 
Ksor Phước