cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 20/2007/TT-BTC ngày 14/03/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn lập dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng chi phí thăm dò, khai quật khảo cổ khi cải tạo, xây dựng công trình

  • Số hiệu văn bản: 20/2007/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 14-03-2007
  • Ngày có hiệu lực: 25-04-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6410 ngày (17 năm 6 tháng 25 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHI PHÍ THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ KHI CẢI TẠO,XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/12000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sưng một số điều Nghị định số 16/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Sau khi thống nhất với Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, cấp phát chi phí thăm dò, khai quật khảo cổ khi cải tạo, xây dựng công trình như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng cho các dự án đầu tư khi cải tạo, xây dựng công trình phát hiện thấy di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cần tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ.

2. Việc thăm đò, khai quật khảo cổ khi cải tạo, xây dựng công trình ược thực hiện theo Quy chế Thăm dò, khai quật khảo cổ do Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành và do cơ quan quản lý văn hoá, khảo cổ thực hiện.

3. Nguồn vốn cho công việc thăm dò, khai quật khảo cổ:

3.1. Đối với công trình xây dựng bằng vốn của nhà nước (vốn ngân sách nhà nước-sau đây viết tắt là NSNN) thì kinh phí thăm dò, khai quật khảo cổ được tính vào tổng mức đầu tư của dự án).

3.2: Đối với Công trình xây dựng không bằng vốn của Nhà nước (vốn ngoài NSNN) thì kinh phí thăm dò, khai quật khảo cổ do NSNN đảm bảo.

4. Việc lập, phê duyệt dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán chi phí thăm dò, khai quật khảo cổ khi cải tạo, xây dựng công trình được thực hiện theo các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng và theo quy định tại Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Lập và duyệt dự án thăm dò, khai quật khảo cổ:

1.1. Căn cứ lập dự án:

Khi thực hiện việc cải tạo, xây dựng công trình, nếu phát hiện di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, chủ đầu tư phải báo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thăm dò khai quật khảo cổ.

Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về việc cần thiết phải thăm dò, khai quật khảo cổ, chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý văn hoá, khảo cổ tiến hành việc lập dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại mục 1.2 dưới đây.

1.2. Lập và phê duyệt dự án:

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSNN, công tác thăm dò, khai quật khảo cổ là một hạng mục của dự án do cơ quan quản lý văn hoá, khảo cổ lập, chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình người có thẩn quyền theo quy định quản lý đầu tư xây dựng phê duyệt.

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài NSNN, công tác thăm dò, khai quật khảo cổ là một tiểu dự án riêng do cơ quan lý văn hoá, khảo cổ (ở trung ương và địa phương) là chủ đầu tư. Chủ đầu tư lập và trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định quản lý đầu tư xây dựng hiện hành.

Trường hợp công tác thăm dò, khai quật khảo cổ có phạm vi và quy mô lớn cần phải thực hiện như một dự án riêng, chủ dần tư báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

(Sau đây hạng mục, tiểu dự án, dự án thăm dò, khai quật, khảo cổ nêu trên gọi chung là dự án thăm dò, khai quật khảo cổ).

2. Lập và duyệt dự toán thăm đò, khai quật khảo cổ:

2.1. Căn cứ lập dự toán:

- Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp quy đối với công tác thăm dò khai quật, nghiên cứu các di tích, di vật khảo cổ.

- Phương pháp lập dự toán, định mức, đơn giá XDCB của Bộ Xây dựng và theo chế độ tài chinh hiện hành đối với công tác thăm dò, khai quật khảo cổ.

- Khối lượng công việc thăm dò, khai quật khảo cổ theo dự án được duyệt.

- Định mức, đơn giá chi tiêu theo chế độ hiện hành.

2.2. Nội dung chi phí cho việc thăm dò, khai quật khảo cổ bao gồm:

- Chi phí thăm dò và nghiên cứu khu vực nơi xây dựng công trình nhằm xác định việc khai quật khảo cổ.

- Chi phí cho công việc khai quật, khảo cổ tại công trường.

- Chi phí nghiên cứu, chỉnh lý, phân loại di tích, di vật.

- Chi phí cho công tác di dời di tích, di vật.

- Chi phí bảo quản, bàn giao di tích, di vật.

- Chi phí báo cáo, nghiệm thu kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ.

- Chi phí cần thiết khác cho việc thăm dò, khai quật khảo cổ.

Tuỳ theo tính chất công việc, nội dung các chi phí trên có thể bao gồm các chi phí: thuê chuyên gia khoa học, chuyên gia kỹ thuật; thuê nhân công; thuê máy thi công; mua sắm trang thiết bị máy móc cần thiết, nguyên, nhiên vật liệu, dụng cụ khảo cổ và các chi phí khác.

2.3. Lập, thẩm định phê duyệt dự toán:

- Dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN:

Cơ quan quản lý văn hoá, khảo cổ lập dự toán, chủ đầu tư dự án thẩm định và phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình người có thẩm quyền theo quy định quản lý đầu tư xây dựng thẩm định, phê duyệt.

- Dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài NSNN:

Chủ đầu tư tiểu dự án (cơ quan quản lý văn hoá, khảo cổ) lập dự toán và thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định quản lý đầu tư xây dựng hiện hành.

3. Nguồn vốn và bố trí vốn cho dự án thăm dò, khai quật khảo cổ:

3.1. Đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN:

- Nguồn vốn cho dự án thăm dò, khai quật khảo cổ được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

- Chủ đầu tư dự án báo cáo người quyết định đầu tư sử dụng nguồn vốn dự phòng của dự án. Nếu nguồn dự phòng không đủ thì tiến hành trình duyệt, điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư của dự án để đảm bảo vốn cho dự án thăm dò, khai quật khảo cổ.

3.2. Đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài NSNN:

- Nguồn vốn cho dự án thăm dò, khai quật khảo cổ do NSNN cấp. Dự án thuộc các cơ quan trung ương quản lý do ngân sách trung ương cấp, dự án thuộc các địa phương quản lý do ngân sách địa phương cấp.

Trường hợp dự án thăm dò, khai quật khảo cổ có tổng mức đầu tư lớn, vượt quá khả năng cân đối vốn của ngân sách địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

- Chủ đầu tư báo cáo cơ quan kế hoạch và đầu tư, cơ quan tài chính trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn cho dự án theo quy định phân cấp NSNN hiện hành.

4. Cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn :

Việc cấp phát thanh toán, quyết toán vốn cho dự án thăm dò, khai quật khảo cổ được thực hiện theo quy định hiện hành đối với vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN.

5. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan:

5.1. Chủ đầu tư các dự án đầu tư có thăm dò, khai quật khảo cổ:

- Thực hiện theo trách nhiệm và quyền hạn đã được quy định của Luật Di sản văn hoá về công tác khảo cổ học và công tác bảo tồn di sản văn hoá, các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng và Thông tư này.

- Phối hợp với cơ quan chuyên môn về khảo cổ trong việc lập dự án thăm dò, khai quật khảo cổ, duyệt hoặc trình người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo vốn, thanh toán và quyết toán vốn cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định.

- Phối hợp và tạo điều kiện để cơ quan chuyên môn về khảo cổ thực hiện dự án thăm dò, khai quật khảo cổ động theo quy định.

5.2. Chủ đầu tư các dự án thăm dò, khai quặt khảo cổ:

- Thực hiện theo trách nhiệm và quyền hạn đã được quy định của Luật Di sản văn hoá về công tác khảo cổ học và công tác bảo tồn di sản văn hoá, các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng và Thông tư này.

- Lập dự án và dự toán, quản lý, thanh toán và quyết toán vốn cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định.

- Thực hiện dự án thăm dò, khai quật khảo cổ đúng tiến độ để không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đầu tư.

5.3. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, khảo cổ:

- Thực hiện theo trách nhiệm và quyền hạn đã được quy định của Luật Di sản văn hóa về công tác khảo cổ học và công tác bảo tồn di sản văn hoá, các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, các quy định tại Thông tư này.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vực hiện công tác thăm dò, khai quật khỏa cổ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Việc bố trí vốn, quản lý, cấp phát thanh toán kinh phí cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ đối với các đối tượng ngoài phạm vi của Thông tư này được thực hiện theo quy định hiện hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư cần kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp