Thông tư số 07/2006/TT-BNV ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 07/2006/TT-BNV
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ
- Ngày ban hành: 01-12-2006
- Ngày có hiệu lực: 30-12-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-11-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4703 ngày (12 năm 10 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-11-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2006/TT-BNV | Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2006 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức như sau:
I- VỀ MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
1- Mục tiêu xây dựng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và các kiến thức bổ trợ khác nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
2- Đối tượng được hưởng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:
a- Cán bộ, công chức hành chính đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương;
b- Cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;
c- Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
d- Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và các đối tượng khác do các cơ quan chức năng của Nhà nước quy định;
Sau đây gọi chung là cán bộ, công chức.
II- YÊU CẦU, CÁC LOẠI CHỈ TIÊU VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG, PHÂN BỔ CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
1- Yêu cầu đối với việc xây dựng, hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu:
a- Việc xây dựng, hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện theo các quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
b- Việc xây dựng, hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần đảm bảo công khai, minh bạch có sự thống nhất giữa Bộ Tài chính (TC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) và Bộ Nội vụ.
c- Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được phân bổ, sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng.
2- Các loại chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:
a- Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trong nước.
b- Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở ngoài nước.
3- Căn cứ xây dựng, phân bổ chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:
a- Chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và đặc điểm đội ngũ cán bộ, công chức của từng Bộ, ngành, địa phương;
b- Số lượng biên chế và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Bộ, ngành, địa phương;
c- Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm và dài hạn; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng (nếu có) của Bộ, ngành, địa phương;
d- Khả năng bố trí kinh phí theo dự toán ngân sách nhà nước đã được duyệt của Bộ, ngành, địa phương.
III- TRÌNH TỰ XÂY DỰNG, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Các bước | Nội dung công việc | Nhân lực | Sản phẩm đạt được | Thời gian |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) |
Bước 1 | - Tổng hợp kết quả ĐTBD - Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu - Kiến nghị, đề xuất | Vụ TCCB, Sở Nội vụ của các Bộ, ngành, địa phương | Các báo cáo được gửi về Bộ Nội vụ | Trước 31 tháng 1 hàng năm |
Bước 2 | Tổng hợp các báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương | Vụ Đào tạo – Bộ Nội vụ | Báo cáo tổng hợp | Trước 31/3 hàng năm |
Bước 3 | Nghiên cứu, phân tích đánh giá kết quả thực hiện KH của năm trước; xác định yêu cầu và nhu cầu về chỉ tiêu của năm sau | Vụ Đào tạo – Bộ Nội vụ | Bản Đề xuất chỉ tiêu ĐTBD cho năm sau
| Trước tháng 7 hàng năm |
Bước 4 | Nghiên cứu và thống nhất sơ bộ chỉ tiêu ĐTBD cho năm sau. | Vụ Đào tạo và các Vụ chức năng của Bộ TC, Bộ KH & ĐT | Thống nhất sơ Bộ Tổng chỉ tiêu ĐTBD và dự kiến phân bổ cụ thể | Trước 30/7 hàng năm |
Bước 5 | Đề xuất của Bộ Nội vụ về chỉ tiêu ĐTBD | Vụ Đào tạo | Công văn của BNV gửi Bộ TC, Bộ KH & ĐT | Trước 15/8 hàng năm |
Bước 6 | Tổng hợp, nghiên cứu ý kiến trả lời của Bộ TC, Bộ KH & ĐT. Thống nhất (lần 2) về tổng chỉ tiêu và kế hoạch phân bổ | Vụ Đào tạo và các Vụ chức năng của Bộ TC, Bộ KH & ĐT | Công văn của BNV gửi Bộ TC và Bộ KH & ĐT (kèm theo danh sách phân bổ chi tiết) | Trước 10/9 hàng năm |
Bước 7 (dự phòng) | Xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc (nếu có) | - Các Vụ chức năng - Lãnh đạo cấp Bộ của 3 Bộ: Bộ Nội vụ, Bộ TC, Bộ KH & ĐT (nếu cần) | Danh sách phân bổ chi tiết lần cuối | Trước 15/9 hàng năm |
Bước 8 | Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu ĐTBD gửi các Bộ, ngành TW, địa phương | Vụ Đào tạo | Văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các chỉ tiêu ĐTBD phân bổ | Chậm nhất 5 ngày làm việc, sau khi nhận được CV của Bộ KH & ĐT |
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các Bộ, ngành chủ động sắp xếp trong dự toán ngân sách đã được giao để thực hiện.
2- Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |