cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 26/2006/TT-BNG ngày 02/08/2006 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hướng dẫn gửi và nhận túi ngoại giao, túi lãnh sự của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam vận chuyển bằng đường hàng không

  • Số hiệu văn bản: 26/2006/TT-BNG
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Ngoại giao
  • Ngày ban hành: 02-08-2006
  • Ngày có hiệu lực: 20-08-2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6670 ngày (18 năm 3 tháng 10 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NGOẠI GIAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2006/TT-BNG

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC GỬI VÀ NHẬN TÚI NGOẠI GIAO, TÚI LÃNH SỰ CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ VÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM VẬN CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG 

Căn cứ Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ban hành 23-8-1993 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh 1993) và Nghị định 73/CP ngày 30-7-1994 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh 1993;
Căn cứ Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10-3-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Sau khi thống nhất ý kiến vớ các Bộ Công an, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc gửi và nhận túi ngoại giao, túi lãnh sự của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bằng đường hàng không như sau:

Phần 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tế và tổ chức liên Chính phủ có trụ sở tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện) được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo Pháp lệnh 1993 được quyền gửi và nhận túi ngoại giao, túi lãnh sự bằng đường hàng không theo các quy định tại Thông tư này.

2. Người gửi và người nhận túi ngoại giao, túi lãnh sự phải là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, hoặc viên chức của tổ chức quốc tế được Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao cấp Chứng minh thư ngoại giao, Chứng minh thư lãnh sự hoặc có giấy tờ chính thức khác xác nhận cương vị của mình.

3. Giao thông viên chuyên nghiệp phải có hộ chiếu và giấy tờ chính thức xác nhận cương vị của mình và xác nhận số kiện hợp thành túi ngoại giao, túi lãnh sự được giao nhiệm vụ vận chuyển. Giao thông viên chuyên nghiệp được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị bắt hoặc giam giữ dưới bất cứ hình thức nào khi làm nhiệm vụ được Nhà nước Việt Nam bảo vệ.

4. Giao thông viên tạm thời chỉ được hưởng các ưu đãi, miễn trừ nêu ở khoản 3 trên trong thời gian làm nhiệm vụ giao thông, và phải có hộ chiếu và giấy tờ chính thức xác nhận nhiệm vụ giao thông của mình và xác nhận số kiện tạo thành túi ngoại giao, túi lãnh sự được giao nhiệm vụ vận chuyển.

5. Túi ngoại giao, túi lãnh sự được hiểu là một hoặc nhiều kiện tạo thành túi và chỉ chứa đựng tài liệu ngoại giao, tài liệu lãnh sự và những đồ vật để sử dụng vào công việc chính thức của cơ quan đại diện. Những đồ vật để sử dụng vào công việc chính thức của cơ quan đại diện được hiểu không phải là các loại hàng cấm nhập, cấm xuất, vũ khí hoặc chất nổ và các thiết bị phụ trợ cho các đồ vật đó, hoặc là hàng hạn chế nhập, xuất khẩu, v.v… hàng không được phép vận chuyển trên tầu bay theo quy định của luật pháp  Việt Nam.

6. Túi ngoại giao, túi lãnh sự phải có giấy tờ chính thức xác nhận ngày gửi, nơi gửi; số lượng kiện tạo thành túi, nơi nhận, được niêm phong và có dấu hiệu rõ ràng bên ngoài mỗi kiện tạo thành túi xác nhận tính chất là túi ngoại giao, túi lãnh sự.

7. Các hàng hóa khác của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam gửi bằng đường hàng không được giao, nhận theo các quy định hiện hành.

Phần 2:

CÁC QUY ĐỊNH GỬI VÀ NHẬN TÚI NGOẠI GIAO, TÚI LÃNH SỰ

1. Phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và để thuận tiện cho việc giao, nhận, vận chuyển hàng không thì mỗi kiện tạo thành túi ngoại giao, túi lãnh sự được quy định không vượt quá kích thước 60cm x 30cm x 40cm hoặc tương đương, trường hợp vượt kích thước trên thì phải được thông báo và thỏa thuận trước với cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát và cơ quan vận chuyển tại cảng hàng không.

2. Túi ngoại giao, túi lãnh sự không bị mở hoặc giữ lại, được miễn thủ tục kê khai và kiểm tra hải quan.

Đối với túi lãnh sự, nếu có cơ sở xác đáng để khẳng định túi này chứa đựng những thứ khác ngoài thư tín, tài liệu và đồ vật sử dụng vào công việc chính thức của cơ quan lãnh sự, Nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam có thể gửi trả về nơi xuất phát hoặc yêu cầu người đại diện được uỷ quyền của cơ quan lãnh sự mở túi lãnh sự.

3. Túi ngoại giao, túi lãnh sự khi vận chuyển bằng tầu bay dân dụng phải được giao, nhận, hoặc làm thủ tục xuất, nhập theo giao thông viên tại quầy riêng trong nhà ga do Giám đốc Cảng hàng không quy định. Khi làm thủ tục giao, nhận, hoặc vận chuyển, giao thông viên phải xuất trình cho nhà chức trách Việt Nam:

- Chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư lãnh sự do Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao cấp, hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ chính thức khác (ví dụ: giấy thông hành của Liên hợp quốc…);

- Giấy tờ chính thức xác nhận chức năng giao thông viên, và xác nhận tên cơ quan chuyển đi, tên cơ quan nhận, số kiện tạo thành túi ngoại giao, túi lãnh sự.

4. Người chỉ huy tầu bay có thể được uỷ nhiệm chuyển túi ngoại giao, túi lãnh sự. Thủ tục giao, nhận trực tiếp giữa người chỉ huy tầu bay và người đại diện của cơ quan nước ngoài được giao nhiệm vụ vận chuyển phải được tiến hành tại quầy riêng trong nhà ga do Giám đốc cảng hàng không quy định.

5. Nếu túi ngoại giao, túi lãnh sự được chuyển bằng tầu bay riêng thì thủ tục giao, nhận được tiến hành như quy định đối với chuyển bằng tầu bay thương mại.

Phần 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện theo Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu nảy sinh những vấn đề phức tạp liên quan tới chính sách đối ngoại, các cơ quan cần thông báo kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao.

 


Nơi nhận:

- Thủ tướng CP (để báo cáo)
- VP Quốc hội (để báo cáo)
- VP Chính phủ (để báo cáo)
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Tòa án NDTC, Viện KSNDTC
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp
- Công báo
- Lưu HC, LT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 
 
 
 
Lê Văn Bàng