cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 07/2005/TT-NHNN ngày 20/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn cho vay hỗ trợ giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm theo Quyết định 1318/2005/QĐ-TTg (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 07/2005/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 20-12-2005
  • Ngày có hiệu lực: 20-12-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-10-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2496 ngày (6 năm 10 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-10-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-10-2012, Thông tư số 07/2005/TT-NHNN ngày 20/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn cho vay hỗ trợ giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm theo Quyết định 1318/2005/QĐ-TTg (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 25/2012/TT-NHNN ngày 06/09/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2005/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHO VAY HỖ TRỢ GIẾT MỔ TẬP TRUNG, CHẾ BIẾN SẢN PHẨM GIA CẦM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1318/2005/QĐ-TTG NGÀY 13/12/2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ khoản 3, Điều 2 Quyết định số 1318/2005/QĐ-TTg ngày 13/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các Ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay hỗ trợ với các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm như sau:

1. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước có trách nhiệm cân đối đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thu mua, giết mổ, chế biến sản phẩm gia cầm cho các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để giúp người chăn nuôi tiêu thụ nhanh sản phẩm, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm.

2. Đối tượng áp dụng:

2.1. Các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ sở trực thuộc Bộ) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ sở trực thuộc tỉnh) chỉ định.

2.2. Các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm theo quy định tại điểm 2.1 Thông tư này phải có đủ các điều kiện:

- Đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

- Các Ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ cho vay đối với các sản phẩm gia cầm thu mua để giết mổ, chế biến đã được kiểm định không nhiễm bệnh trên cơ sở xác nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền.

3. Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay:

3.1. Đối với gia cầm giết mổ tiêu thụ tươi; giết mổ cấp đông thịt gia cầm: Mức vay 15.000.000 đ/tấn sản phẩm (mười lăm triệu đồng/tấn sản phẩm), thời hạn cho vay 3 tháng, lãi suất 0%.

3.2. Đối với chế biến sản phẩm thịt gia cầm đóng hộp: Mức vay 20.000.000 đ/tấn sản phẩm (hai mươi triệu đồng/tấn sản phẩm), thời hạn cho vay 6 tháng, lãi suất 0%.

3.3. Thời hạn hiệu lực:

- Đối với thuỷ cầm (vịt, ngan, ngỗng), các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện cho vay kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/1/2006.

- Đối với gà, các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện cho vay kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/3/2006.

4. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước có trách nhiệm xem xét thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của Thông tư này phù hợp với các quy định hiện hành về cơ chế cho vay, bảo đảm tiền vay; kiểm tra các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm gia cầm sử dụng vốn vay đúng mục đích, vừa đảm bảo an toàn vốn cho vay, vừa tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm nhanh, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi và cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm gia cầm do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm.

5. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính tình hình cho vay đối với các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm để được cấp bù phần lãi suất huy động theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Tổ chức thực hiện.

6.1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quá trình triển khai, thực hiện nếu phát sinh vướng mắc báo cáo bằng văn bản về Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, giải quyết.

6.2. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại Nhà nước và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Thủ tướng Chính phủ,
- Phó Thủ tướng-Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm,
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
- Bộ Tài chính,
- Thống đốc NHNN,
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- Các Ngân hàng thương mại Nhà nước,

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố,
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố,
- Công báo,

- Lưu VP NHNN, VP Bộ Tài chính, Vụ TD.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC


 
 
Nguyễn Đồng Tiến