cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 36/2005/TT-BNV ngày 06/04/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Về việc xếp hạng Ban quản lý khu công nghiệp, Ban quản lý khu kinh tế, Ban quản lý khu kinh tế mở, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu, Ban quản lý khu kinh tế-thương mại, Ban quản lý khu công nghiệp cao và các Ban quản lý có tên gọi khác

  • Số hiệu văn bản: 36/2005/TT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ
  • Ngày ban hành: 06-04-2005
  • Ngày có hiệu lực: 01-05-2005
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7204 ngày (19 năm 8 tháng 29 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2005/TT-BNV

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 36/2005/TT- BNV NGÀY 06 THÁNG 4 NĂM 2005 VỀ XẾP HẠNG BAN QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHIỆP, BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ, BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ MỞ, BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ CỬA KHẨU, BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ - THƯƠNG MẠI, BAN QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHỆ CAO VÀ CÁC BAN QUẢN LÝ CÓ TÊN GỌI KHÁC

Thi hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư về xếp hạng các Ban Quản lý để thực hiện phân cấp thẩm quyền quyết định đánh giá, xếp hạng và áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo Ban quản lý theo Nghị định nêu trên như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Về xếp hạng Ban quản lý và áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo Ban quản lý trong Thông tư này bao gồm:

1. Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu, Ban quản lý Khu Kinh tế - Thương mại, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Ban Quản lý có tên gọi khác (sau đây gọi chung các Ban quản lý là Ban quản lý Khu Công nghiệp và các loại Khu thuộc các Ban quản lý là Khu Công nghiệp).

2. Các Ban quản lý nêu trên do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động theo Quy chế Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao ban hành theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ hoặc theo Quy chế hoạt động của Khu Kinh tế, Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại và Quy chế hoạt động của các loại Khu có tên gọi khác ban hành theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

II. CÁC TIÊU CHÍ VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ XẾP HẠNG

1. Các tiêu chí để xếp hạng:

Để xếp hạng các Ban quản lý, Thông tư này quy định việc sử dụng các tiêu chí chủ yếu sau:

a. Số lượng các khu công nghiệp; trong đó có tính đến diện tích đất sử dụng theo quy hoạch của các khu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Ban quản lý để có thể cho thuê.

b. Tổng số vốn đầu tư vào các khu; Số lượng các dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư vào các khu.

c. Tỷ lệ diện tích lấp đầy các khu; Tính đồng bộ và mức độ hoàn thiện về xây dựng cơ sở kỹ thuật hạ tầng các khu để thu hút các nhà đầu tư vào các khu.

d. Đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định.

đ. Vị trí, tầm quan trọng của các khu có ý nghĩa về thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực và góp phần bảo vệ an ninh - quốc phòng; Tổng số thu nộp Ngân sách của các doanh nghiệp trong các khu; Triển vọng phát triển bền vững của các khu theo chiến lược, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước.

2. Các điều kiện để xếp hạng:

Căn cứ vào các nhóm tiêu chí nêu trên và bằng phân hạng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ gồm có: hạng I và hạng II; điều kiện đảm bảo tiêu chí để xếp hạng các Ban Quản lý Khu Công nghiệp cụ thể như sau:

a. Quản lý từ 5 Khu công nghiệp trở lên (đã được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ);

b. Tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp có giá trị từ 10.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên;

c. Tỷ lệ diện tích lấp đầy các khu công nghiệp từ 60% trở lên hoặc có số lượng từ 100 dự án đầu tư trở lên được cấp giấy phép đã đi vào hoạt động;

Ngoài các điều kiện nêu trên, có tính đến vị trí các khu có ý nghĩa quan trọng về thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và bảo vệ an ninh - quốc phòng và nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trọng điểm của Nhà nước; tổng số thu nộp Ngân sách Nhà nước hàng năm của các Khu trên địa bàn cao, có giá trị từ 500 tỷ đồng Việt Nam trở lên và tăng lên hàng năm; tình hình hoạt động của các Khu được đánh giá đạt loại khá trở lên và có triển vọng phát triển bền vững thì được xem xét thêm điều kiện để xếp hạng Ban quản lý đó vào hạng I.

3. Xếp hạng đối với các Ban Quản lý Khu Công nghiệp:

a. Các Ban quản lý xếp hạng I:

- Các Ban Quản lý Khu Công nghiệp đảm bảo đáp ứng được các điều kiện nêu trên, trong đó đạt được 3 điều kiện a, b, c thì được xếp hạng I.

- Đối với một số Khu Kinh tế, tuy chưa đảm bảo các điều kiện xếp hạng I, nhưng có vị trí quan trọng thuộc quy hoạch phát triển các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế trọng điểm của Nhà nước và đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc kết luận của Bộ Chính trị, thì Ban Quản lý đó được xếp hạng I.

b. Các Ban Quản lý xếp hạng II:

Các Ban quản lý Khu Công nghiệp còn lại không đảm bảo tiêu chí xếp hạng I, thì xếp hạng II.

III. THẨM QUYỀN XẾP HẠNG VÀ THỜI HẠN XẾP LẠI HẠNG:

Căn cứ vào các tiêu chí và các điều kiện xếp hạng nêu trên, quy định thẩm quyền xếp hạng Ban Quản lý Khu Công nghiệp như sau:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá và xếp hạng Ban Quản lý Khu Công nghiệp thuộc cấp mình quản lý.

a. Quyết định Ban Quản lý Khu Công nghiệp xếp hạng II.

b. Quyết định Ban Quản lý Khu Công nghiệp xếp hạng I sau khi có sự thống nhất với Bộ Nội vụ.

2. Bộ Nội vụ đánh giá và xếp hạng các Ban quản lý Khu Công nghiệp thuộc Trung ương quản lý (trừ các Ban Quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng ngay trong văn bản quyết định thành lập).

3. Sau 01 năm (12 tháng), đối với các Ban Quản lý Khu Công nghiệp nào có sự thay đổi và đảm bảo tiêu chí, điều kiện xếp hạng theo các hạng tương ứng, thì cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp lại hạng Ban Quản lý Khu Công nghiệp thuộc cấp mình quản lý.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đánh giá và xếp hạng Ban Quản lý Khu công nghiệp trực thuộc cấp mình quản lý trên cơ sở căn cứ vào các tiêu chí, điều kiện xếp hạng và theo thẩm quyền quy định, báo cáo về Bộ Nội vụ.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm đánh giá và xếp hạng Ban Quản lý Khu Công nghiệp thuộc Trung ương quản lý theo các tiêu chí, điều kiện xếp hạng.

3. Trên cơ sở xếp hạng Ban Quản lý Khu Công nghiệp theo các hạng tương ứng để Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nội vụ quyết định áp dụng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo mục 6 bảng phụ cấp các chức vụ lãnh đạo đối với Ban quản lý Khu Công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

V. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phản ánh về Bộ Nội vụ để nghỉên cứu, giải quyết.

 

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)