cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 12/2003/TT-NHNN ngày 23/12/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Sửa đổi Thông tư 03/2000/TT-NHNN5 hướng dẫn thi hành Nghị định 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/2003/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 23-12-2003
  • Ngày có hiệu lực: 14-01-2004
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-05-2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 855 ngày (2 năm 4 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 18-05-2006
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 18-05-2006, Thông tư số 12/2003/TT-NHNN ngày 23/12/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Sửa đổi Thông tư 03/2000/TT-NHNN5 hướng dẫn thi hành Nghị định 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 03/2006/TT-NHNN ngày 25/04/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn Nghị định 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi và Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/1999/NĐ-CP (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2003/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNH NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 12/2003/TT-NHNN NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 03/2000/TT-NHNN5 NGÀY 16/3/2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 89/1999/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 09 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Căn cứ Điều 23 của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 03/2000/TT-NHNN5 ngày 16/3/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định trên như sau:

I. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỂM 6 MỤC V THÔNG TƯ 03/2000/TT-NHNN5 NGÀY 16/3/2000 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Tiết a và Tiết b Điểm 6 Mục V được sửa đổi như sau:

"a. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm cung cấp cho Thanh tra Ngân hàng Nhà nước các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm:

- Thông tin về việc chấp hành các qui định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ quý.

- Thông tin về việc hỗ trợ tài chính và việc chi trả tiền bảo hiểm đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ 6 tháng.

- Kế hoạch kiểm tra các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ 6 tháng.

- Kết quả phân loại đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ năm.

- Thông tin đột xuất khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc có thất thoát lớn về vốn, tài sản và có tác động xấu nghiêm trọng tới các tổ chức tín dụng khác.

- Các thông tin khác về hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi thấy cần thiết.

b. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam các thông tin liên quan đến các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền như sau:

- Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp kết quả thanh tra, giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm:

+ Thông báo về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng theo định kỳ quý.

+ Kết quả phân loại hàng năm đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

+ Thông báo về quyết định chấm dứt một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (chậm nhất 10 ngày sau khi có quyết định).

+ Thông tin đột xuất về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả, có tỷ lệ nợ quá hạn cao hoặc có thất thoát lớn về vốn, tài sản và có tác động xấu nghiêm trọng tới các tổ chức tín dụng khác, chậm nhất 10 ngày sau khi có kết luận của Thanh tra và được Thống đốc cho phép.

Việc cung cấp thực hiện theo phân cấp trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với trụ sở chính của tổ chức tín dụng được qui định tại Thông tư 04/2000/TT-NHNN3 ngày 28/3/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định 91/1999/NĐ-CP.

- Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm thông báo về tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, gồm:

+ Quyết định đặt các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, gia hạn và kết thúc thời hạn kiểm soát đặc biệt, chậm nhất 10 ngày sau khi có quyết định.

+ Phương án củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chậm nhất 10 ngày sau khi có phương án và được Thống đốc cho phép.

+ Kết quả thực hiện phương án củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong thời hạn kiểm soát đặc biệt và khả năng tổ chức và hoạt động của tổ chức đó sau khi kết thúc thời hạn kiểm soát đặc biệt theo định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào 10 ngày sau."

II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành Thông tư này cần phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước.

4. Việc bổ sung, sửa đổi Thông tư này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

 

Trần Minh Tuấn

(Đã ký)