Thông tư số 10/2003/TT-BCA(C11) ngày 03/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn thi hành Nghị định 15/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2003/TT-BCA(C11)
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Công An
- Ngày ban hành: 03-07-2003
- Ngày có hiệu lực: 02-08-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-08-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4023 ngày (11 năm 0 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-08-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG AN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2003/TT-BCA(C11) | Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2003 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 10/2003/TT-BCA(C11) NGÀY 3 THÁNG 7 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 15/2003/NĐ-CP NGÀY 19/2/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Ngày 19/2/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2003/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, để thống nhất thực hiện, Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành một số nội dung cụ thể sau:
1. Về đánh dấu số lần vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe:
a) Việc đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe chỉ được áp dụng đối với những hành vi mà Nghị định số 15/2003/NĐ-CP có quy định đánh dấu số lần vi phạm và thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLB-CA-GTVT ngày 27/01/2003 của liên Bộ Công an - Giao thông vận tải về hướng dẫn việc đánh dấu số lần vi phạm luật giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe;
b) Khi đánh dấu lần thứ hai trên giấy phép lái xe, cơ quan cảnh sát giao thông phải thông báo bằng văn bản về người vi phạm và số giấy phép lái xe đã bị đánh dấu lần thứ 2 đến cơ quan quản lý giấy phép lái xe để biết và thực hiện theo quy định;
c) Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ không phải là cảnh sát giao thông, nếu phát hiện hành vi vi phạm mà theo quy định của Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngoài việc bị xử phạt còn bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe thì không ra quyết định xử phạt mà phải lập biên bản và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan cảnh sát giao thông có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt và thực hiện số lần vi phạm trên giấy phép lái xe theo quy định.
2. Về hành vi chạy quá tốc độ quy định:
Hành vi "chạy quá tốc độ quy định đến 20%" quy định tại điểm a khoản 6 Điều 90 và điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định số 15/2003/NĐ-CP được hiểu là chạy quá tốc độ từ trên 0% đến 20% so với quy định về tốc độ của xe cơ giới chạy trên đường bộ, ví dụ: trên đường có qui định tốc độ tối đa của xe ô tô tải là 50 km/h; nếu xe này chạy từ trên 50 km/h đến 60 km/h đều được coi là chạy quá tốc độ quy định đến 20%.
3. Về hành vi vi phạm quy định về xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông:
a) Xe ô tô tải trở hàng vượt quá kích thước giới hạn cho phép của xe (điểm a khoản 3 Điều 29) được hiểu là xe ô tô trở hàng mà xếp hàng vượt phía trước hoặc phía sau thùng xe trên 10% chiều dài toàn bộ xe; xếp hàng quá bề rộng thùng xe, quá giới hạn chiều cao cho phép của từng loại xe theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Xe ô tô khách trở hàng vượt quá kích thước bao ngoài của xe (điểm e khoản 4 Điều 28) được hiểu là xe ô tô trở khách xếp hàng hoá, hành lý nhô ra quá mặt ngoài của vỏ xe hoặc nhô quá chiều cao, chiều rộng, chiều dài của khung xếp hàng hoá, hành lý trên nóc xe (nếu loại xe có khung để hành lý trên nóc xe);
c) Xe mô tô, xe gắn máy trở vật cồng kềnh (điểm e khoản 1 Điều 10) được hiểu là xe mô tô, xe gắn máy xếp hàng hoá, hành lý vượt quá bề rộng đèo hàng về mỗi bên 0,3m, vượt quá quá chiều cao tính từ mặt đất là 2m, vượt quá phía sau đèo hàng là 0,50m;
d) Xe thô sơ xếp hàng hoá không đảm bảo an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển (điểm n khoản 1 Điều 12) và xếp hàng trên xe vượt quá giới hạn quy định (điểm a khoản 3 Điều 14) được hiểu là xe thô sơ xếp hàng hoá vượt phía trước hoặc phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe, xếp vượt quá bề rộng thân xe. Riêng xe thồ (xe đạp thồ) chở hàng hoá, hành lý quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, vượt phía trước hoặc phía sau quá 1m.
4. Về hành vi cản trở, chống đối hoặc chống người thi hành công vụ:
Hành vi cản trở, chống đối hoặc chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 9 Điều 9; khoản 9 Điều10; khoản 2 Điều 38; điểm a khoản 4 Điều 38; điểm a khoản 1 Điều 39 được hiểu là hành vi của người vi phạm hành chính khi phát hiện hoặc bị xử lý nhưng không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ về: xuất trình giấy tờ, yêu cầu về trụ sở giải quyết, tự ý bỏ phương tiện vi phạm đi nơi khác hoặc có hành vi đe doạ, uy hiếp về tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi lăng mạ bằng lời nói, xúc phạm danh dự của người thi hành công vụ, lôi kéo, kích động, xúi dục người khác gây khó khăn, cản trở cho việc kiểm tra, kiểm soát hoặc các hành vi khác chống đối người thi hành công vụ.
5. Về hành vi điều kiển xe mô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu:
Hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu quy định tại điểma khoản 1 Điều 21 là trường hợp không có gương chiếu hậu phía bên trái tay lái hoặc không có cả hai gương chiếu hậu.
6. Tạm giữ các loại giấy tờ có liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về giao thông đường bộ:
a) Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền tạm giữ giấy phép lái xe, đăng ký xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho tới khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có các giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ phương tiện. Ví dụ, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, không có đăng ký xe hoặc sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng kí xe có công chứng nhà nước và xác nhận của cơ quan tổ chức tín dụng về việc dùng đăng ký xe để cầm cố, thế chấp mà thời hạn sử dụng đã hết để điều khiển phương tiện, trong trường hợp này được coi là hành vi không có giấy tờ và được tạm giữ phương tiện;
b) Khi bị tạm giữ giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe phải lập biên bản và hẹn ngày đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chỉ trả giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe bị tạm giam giữ sau khi đã thực hiện xong quyết định xử phạt;
c) Trường hợp ngoài việc áp dụng hình thức phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc bị đánh dấu số lần vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe, thì tạm giữ giấy phép lái xe để buộc người vi phạm thi hành hình thức xử phạt và đánh dấu số lần vi phạm.
7. Tạm giữ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:
a) Việc tạm giữ phương tiện vi phạm chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Những hành vi vi phạm mà Nghị định số 15/2003/NĐ-CP có quy định tạm giữ phương tiện;
- Để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, ví dụ: khi kiểm tra giấy tờ của phương tiện mà có căn cứ nghi vấn giấy từ đó không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy tờ cấp không đúng thẩm quyền, giấy tờ đã hết hạn sử dụng; phương tiện không có biển số (trừ phương tiện trên đường đi đăng ký) hoặc có nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp, biển số xe không trùng với biển số trong đăng ký xe; trường hợp lạng lách, đánh võng; đua xe trái phép hoặc sử dụng xe từ 175 cm 3 trở lên (không đúng đối tượng được sử dụng) và các trường hợp khác cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính;
b) Việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm.
8. Về các loại xe có kết cấu tương tự:
Các loại xe có kết cấu tương tự, được hiểu là các loại xe có cấu tạo, tính năng và công dụng gần giống với các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cụ thể như sau:
a) Xe có kết cấu tương tự như xe ô tô là xe chạy bằng động cơ có bốn bánh hoặc nhiều hơn bốn bánh, không chạy trên đường ray và được dùng để chở người hoặc chở hàng hoá;
b) Xe có kết cấu tương tự như xe gắn máy là xe có hai bánh di chuyển bằng động cơ và khi tắt máy thì đạp xe đi được;
c) Xe có kết cấu tượng tự như xe môtô hai bánh là xe có hai bánh, di chuyển bằng động cơ, có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và tổng trọng lượng toàn xe không vượt quá 400 kilôgam;
d) Xe có kết cấu tương tự như xe môtô ba bánh là xe di chuyển bằng động cơ, có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, có sức chở từ 350 kilôgam đến 500 kilôgam.
9. Về xe quá tải, xe quá khổ của cầu, đường:
a) Xe quá tải là xe có tổng trọng lượng bao gồm trọng lượng của xe và hàng vượt quá năng lực chịu tải của cầu hoặc xe có tải trọng trục đơn vượt quá năng lực chịu tải của mặt đường;
b) Xe quá khổ là xe có kích thước chiều cao hoặc chiều rộng bao gồm cả hàng hoá xếp trên xe vượt quá khổ giới hạn an toàn của đường hoặc cầu.
10. Việc thu, nộp tiền phạt tại chỗ:
a) Để thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quản lý chặt chẽ việc thu nộp tiền xử phạt tại chỗ, Công an các đơn vị, địa phương phải có bộ phận thu, nộp tiền phạt chung của đơn vị, để tiếp nhận tiền phạt từ cán bộ, chiến sỹ xử phạt tại chỗ và nộp tiền phạt vào kho bạc nhà nước;
b) Người có thẩm quyền thu tiền phạt tại chỗ sau khi hết ca công tác (kể cả trong và ngoài giờ hành chính) phải nộp lại số tiền phạt thu được kèm theo quyết định xử phạt và chứng từ biên lai thu tiền phạt cho bộ phận thu tiền phạt của đơn vị. Trong thời hạn 02 ngày, Thủ trưởng đơn vị phải chỉ đạo thực hiện việc nộp tiền phạt thu được vào Kho bạc Nhà nước theo quy định.
11. Tổ chức thực hiện:
a) Các Tổng cục, Bộ tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến quán triệt nội dung Nghị định số 15/2003/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ và Thông tư này đến từng cán bộ, chiến sỹ, chú trọng là cán bộ chiến sỹ trực tiếp thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đảm bảo việc thi hành nghiêm và thống nhất các quy định của Chính phủ và của Bộ;
b) Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, các Phòng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đặt các hòm thư để nhận đơn, thư góp ý, khiếu nại, tố cáo của nhân dân về xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ theo Quyết định số 729/1998/QĐ ngày 9/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành các quy chế thực hiện dân chủ trong lực lượng Công an nhân dân. Mọi khiếu nại, tố cáo của công dân đều phải được giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hàng ngày phải thực hiện chế độ hồ sơ, thống kê, báo cáo xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ theo quy định của Bộ, đồng thời phải có nhật lý kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính, sổ theo dõi tình hình quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.
c) Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này;
d) Thông tư này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký; bãi bỏ Thông tư số 02/1999/TT-BCA (C11) ngày 10/2/1999 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, cần báo cáo về Bộ (qua Tổng cục II) để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.
| Lê Thế Tiệm (Đã ký) |