Thông tư số 11/2003/TT-BTC ngày 11/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn việc bàn giao nhiệm vụ cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT từ Kho bạc nhà nước sang Ngân hàng chính sách xã hội
- Số hiệu văn bản: 11/2003/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 11-02-2003
- Ngày có hiệu lực: 04-04-2003
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7906 ngày (21 năm 8 tháng 1 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2003/TT-BTC | Hà Nội, ngày 11 tháng 2 năm 2003 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 11/2003/TT-BTC NGÀY 11 THÁNG 02 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC BÀN GIAO NHIỆM VỤ CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 120/HĐBT NGÀY 11/4/1992 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG (NAY LÀ CHÍNH PHỦ) TỪ KHO BẠC NHÀ NƯỚC SANG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội;
Sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Chính sách xã hội; Bộ Tài chính hướng dẫn việc bàn giao nhiệm vụ cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước sang Ngân hàng Chính sách xã hội như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi bàn giao: là toàn bộ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có nguồn gốc từ ngân sách Trung ương, số dư nợ vay kèm theo hồ sơ dự án cho vay của Kho bạc nhà nước. Các phương tiện làm việc và các tài sản khác của Kho bạc Nhà nước phục vụ công tác cho vay giải quyết việc làm không thuộc phạm vi bàn giao tại Thông tư này.
2. Thời điểm bàn giao: bắt đầu thực hiện từ ngày 01/4/2003 và phải hoàn thành trước ngày 30/6/2003.
Đối với các Kho bạc Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách địa phương đang cho vay các mục tiêu chỉ định của chính quyền địa phương như: giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo,... tiếp tục cho vay theo các quy định hiện hành. Thời gian chuyển giao nhiệm vụ cho vay các nguồn vốn nói trên sang Ngân hàng Chính sách xã hội do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo quy định tại khoản 5, Điều 25 Nghị định số 78/2002/NĐ-CCP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
3. Kể từ ngày 01/03/2003, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Uỷ ban nhân dân cấp huyện (nếu được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền); cơ quan Trung ương của các đoàn thể, hội quần chúng và Bộ Quốc phòng chấm dứt việc ra quyết định duyệt cho vay; quyết định giảm, miễn lãi hoặc khoanh nợ đối với các dự án bị rủi ro bất khả kháng. Đồng thời, ngừng việc thẩm định cho vay các dự án qua Kho bạc Nhà nước và ngừng gửi các hồ sơ dự án đề nghị xoá nợ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với nguồn vốn cấp bổ sung mới cho Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, kể từ năm 2003 Bộ Tài chính sẽ chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.
4. Để đảm bảo việc bàn giao được chủ động, kể từ ngày 01/4/2003, hệ thống Kho bạc Nhà nước chấm dứt việc cho vay, thu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi, khoanh nợ hoặc xoá nợ đối với các dự án. Đồng thời tiến hành kiểm kê nguồn vốn, số dư nợ vay để bàn giao sang Ngân hàng Chính sách xã hội.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Công tác chuẩn bị trước khi bàn giao: Trên cơ sở số vốn cho vay, thu nợ các dự án triển khai trên địa bàn (kể cả các dự án do cơ quan Trung ương của các đoàn thể, hội quần chúng và Bộ Quốc phòng ra quyết định cho vay) các Kho bạc Nhà nước tiến hành kiểm kê, đối chiếu, đánh giá các khoản nợ vay và lập danh sách các đối tượng vay vốn theo hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước Trung ương.
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định cho vay, Kho bạc Nhà nước thông báo cho chủ dự án khẩn trương làm thủ tục vay vốn đảm bảo trong thời gian bàn giao không còn dự án đã được phê duyệt nhưng chưa cho vay. Đến cuối ngày 31/3/2003 nếu vẫn chưa cho vay được, Kho bạc Nhà nước bàn giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tiếp việc cho vay theo các quy định hiện hành về cho vay từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm.
Đối với các dự án đến hạn trả nợ hoặc đang trong thời hạn trả nợ, Kho bạc Nhà nước đôn đốc người vay hoàn trả xong nợ vay trước này 31/3/2003; sau thời điểm này các Kho bạc Nhà nước không được thu nợ các dự án.
2. Nội dung bàn giao:
- Toàn bộ nguồn vốn cho vay, bao gồm: tổng số nguồn vốn đã nhận, nguồn vốn đã cho vay, nguồn vốn chưa cho vay.
- Toàn bộ số dư nợ cho vay, bao gồm: nợ trong hạn, nợ quá hạn, khoanh nợ để Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục theo dõi và quản lý.
- Nguyên trạng các hồ sơ dự án còn dư nợ vay hoặc chưa cho vay đến ngày bàn giao, bao gồm: dự án vay vốn; quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền; hợp đồng tín dụng; hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản, hoặc bảo lãnh vay vốn (nếu có); các loại giấy tờ cần thiết khác theo quy định.
3. Cách thức bàn giao: Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thực hiện việc bàn giao giữa các bên, lập biên bản bàn giao có chữ ký xác nhận của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Số liệu bàn giao ghi trong biên bản bàn giao đã được các bên ký nhận là căn cứ đề các bên ghi chép, phản ánh, đối chiếu sổ sách, số liệu kế toán.
4. Đối với các dự án bị rủi ro bất khả kháng phát sinh đến ngày bàn giao nhưng chưa được xử lý, Kho bạc Nhà nước tổng hợp, bàn giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội để xử lý theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
5. Đối với số lãi đã thu đến ngày bàn giao, Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định việc phân phối cho các đơn vị được hưởng theo các quy định hiện hành. Các đơn vị có trách nhiệm chi tiêu và quyết toán theo quy định tại Quyết định số 97/2001/QĐ-BTC ngày 02/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
6. Đối với quỹ dự phòng rủi ro ở Trung ương, Kho bạc Nhà nước Trung ương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo quyết toán theo các quy định hiện hành; số dư quỹ được bàn giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục thực hiện xử lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Kho bạc Nhà nước Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo hệ thống trực thuộc thực hiện bàn giao đảm bảo chính xác, đúng thời gian quy định, đồng thời tổng hợp kết quả bàn giao báo cáo liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong quá trình thực hiện bàn giao nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để giải quyết.
| Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |