cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 05/2002/TT-NHNN ngày 27/09/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn cho vay vốn đối với người sản xuất, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2002/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 27-09-2002
  • Ngày có hiệu lực: 12-10-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-08-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6145 ngày (16 năm 10 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-08-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-08-2019, Thông tư số 05/2002/TT-NHNN ngày 27/09/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn cho vay vốn đối với người sản xuất, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 05/2019/TT-NHNN ngày 24/06/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, liên tịch ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2002/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 05/2002/TT-NHNN NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC CHO VAY VỐN ĐỐI VỚI NGƯỜI SẢN XUẤT, DOANH NGHIỆP KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TIÊU THỤ NÔNG SẢN HÀNG HOÁ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 80/2002/QĐ-TTG NGÀY 24/6/2002 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 và Khoản 4 Điều 8 Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay, áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, bằng tín chấp và lãi suất cho vay đối với người sản xuất, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa như sau:

1. Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn ở trong nước, tranh thủ nguồn vốn tài trợ của nước ngoài, đảm bảo cân đối đủ vốn để cho vay đối với người sản xuất, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa theo các hình thức quy định tại Điều 2 Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

- Người sản xuất, gồm: các hợp tác xã, hộ nông dân, chủ trang trại, đại diện hộ nông dân sản xuất nông sản, lâm sản, thủy sản và muối đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hàng hoá;

- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá và muối với người sản xuất.

2. Các ngân hàng thương mại cho vay vốn đối với người sản xuất, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá theo cơ chế tín dụng thương mại và thực hiện một số biện pháp sau đây:

a. Chủ động tiếp cận và thẩm định các nhu cầu vay vốn của người sản xuất và doanh nghiệp; đối với các phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư khả thi, có hiệu quả thì khẩn trương ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn vay theo tiến độ thực hiện hợp đồng phù hợp với tính chất mùa vụ và nhu cầu của người sản xuất, doanh nghiệp.

b. Thủ tục, hồ sơ vay vốn cần được đảm bảo tính pháp lý và đơn giản hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, doanh nghiệp vay vốn sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết.

c. Việc cầm cố, thế chấp bằng tài sản của người sản xuất, doanh nghiệp, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba đối với người sản xuất, doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế hiện hành áp dụng tại thời điểm cho vay. Trường hợp người sản xuất, doanh nghiệp vay vốn không có bảo đảm bằng tài sản (vay vốn bằng tín chấp) và bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay được áp dụng như sau:

- Đối với hộ nông dân, chủ trang trại, đại diện hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối vay vốn đến 20 triệu đồng để sản xuất nông sản hàng hoá, hoặc vay dưới 50 triệu đồng để sản xuất giống thủy sản không phải thế chấp tài sản; hợp tác xã, doanh nghiệp vay dưới 50 triệu đồng để sản xuất giống thủy sản không phải thế chấp tài sản. Việc cho vay này thực hiện theo quy định tại các văn bản: Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31/7/2000, Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000, Thông tư số 10/2000/IT-NHNN1 ngày 31/8/2000 và văn bản số 934/CV-NHNN1 ngày 25/9/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Các ngân hàng thương mại xem xét lựa chọn cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với người sản xuất, doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả theo các quy định tại Điều 20 Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 và khoản 6 Mục III Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31/7/2000, mục I Chương IV Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04/4/2000 và khoản 2 Mục I Thông tư số 10/2000/TT-NHNN1 ngày 31/8/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Đối với người sản xuất là hộ nghèo được vay vốn của Ngân hàng Phục vụ người nghèo không phải thế chấp tài sản và vay vốn các ngân hàng thương mại có bảo lãnh bằng tín chấp của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định tại Mục III Chương IV Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999.

- Người sản xuất, doanh nghiệp được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 để vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nếu tài sản đó đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định.

3- Về lãi suất cho vay

a- Các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất cho vay đối với người sản xuất, doanh nghiệp theo lãi suất thoả thuận, phù hợp với cung - cầu vốn thị trường và chính sách khách hàng của mình.

b- Giảm lãi suất cho vay đối với người sản xuất, doanh nghiệp theo quy định hiện hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Người sản xuất, doanh nghiệp ở khu vực III miền núi, hải đảo, vùng đồng bào Khơ me sống tập trung vay vốn của các Ngân hàng thương mại Nhà nước được giảm 30% so với lãi suất cho vay thông thường.

- Người sản xuất, doanh nghiệp ở khu vực II miền núi vay vốn của các Ngân hàng thương mại Nhà nước được giảm 15% so với lãi suất cho vay thông thường.

- Người sản xuất, doanh nghiệp ở khu vực II miền núi thuộc phạm vi Chương trình các xã đặc biệt khó khăn ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng quy định tại Quyết định số 1232/1999/QĐ-TTg ngày 24/12/1999 và Quyết định số 42/2001/QĐ-TTg ngày 26/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ vay vốn của các Ngân hàng thương mại Nhà nước được giảm 30% so với lãi suất cho vay thông thường.

4. Các ngân hàng thương mại nắm bắt kịp thời các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá được Ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất theo hướng đẫn của Bộ Tài chính để có cơ sở thẩm định khả năng hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay, tạo điếu kiện thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp vay vốn thực hiện hợp đồng đã ký kết.

5. Tổ chức thực hiện

a. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

b. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân háng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Phùng Khắc Kế

(Đã ký)