cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 01/2002/TT-NHNN ngày 30/01/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn Quyết định 146/2001/QĐ-TTg về việc xử lý nợ tồn đọng của hợp tác xã nông nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/2002/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 30-01-2002
  • Ngày có hiệu lực: 30-01-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-10-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3916 ngày (10 năm 8 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-10-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-10-2012, Thông tư số 01/2002/TT-NHNN ngày 30/01/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn Quyết định 146/2001/QĐ-TTg về việc xử lý nợ tồn đọng của hợp tác xã nông nghiệp (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 25/2012/TT-NHNN ngày 06/09/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2002/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 1 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 01/2002/TT-NHNN NGÀY 30 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 146/2001/QĐ-TTG NGÀY 02-10-2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC XỬ LÝ NỢ TỒN ĐỌNG CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Để triển khai thực hiện Quyết định số 146/2001/QĐ-TTg ngày 02-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ "về việc xử lý nợ tồn đọng của Hợp tác xã nông nghiệp"; sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc xử lý các khoản nợ vay Ngân hàng của Hợp tác xã nông nghiệp phát sinh từ năm 1996 trở về trước như sau:

1- PHẠM VI XỬ LÝ NỢ:

Các khoản nợ của Hợp tác xã nông nghiệp phát sinh từ 31-12-1996 trở về trước (thời điểm trước khi thực hiện Luật hợp tác xã) tại các Ngân hàng thương mại mà vẫn còn dư nợ đến 31-12-2001.

2- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Thông tư này áp dụng đối với Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, sau đây gọi tắt là Ngân hàng.

3- NGUYÊN TẮC XỬ LÝ NỢ:

3.1- Xoá nợ đối với các khoản nợ phải trả Ngân hàng của Hợp tác xã nông nghiệp đã giải thể hoặc tự giải thể.

3.2- Xoá nợ đối với các khoản nợ phải trả Ngân hàng của Hợp tác xã nông nghiệp đã được chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 16/CP ngày 12-02-1997 của Chính phủ về chuyển đổi, đăng ký hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã (gọi tắt là Hợp tác xã chuyển đổi) mà các Hợp tác xã này quá khó khăn về tài chính (kinh doanh thua lỗ) không có khả năng trả nợ.

3.3- Xoá nợ đối với các khoản nợ phải trả Ngân hàng của Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động (kinh doanh có lãi), mà số tiền vay này được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng nay các cơ sở hạ tầng đó đã bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai, bão lụt tàn phá.

3.4- Xoá nợ đối với các khoản phải trả Ngân hàng của Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động nhưng có khó khăn trong việc trả nợ, nguyên nhân do các khoản nợ phải thu có liên quan đến xã viên của Hợp tác xã mà xã viên đó quá khó khăn thuộc diện nghèo, gia đình thuộc diện chính sách không có khả năng trả nợ (theo mức chuẩn quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 01-11-2000 của Bộ Lao động và Thương binh xã hội). Khi Hợp tác xã được Ngân hàng xoá nợ thì đồng thời Hợp tác xã phải xoá nợ cho xã viên Hợp tác xã thuộc diện nghèo, gia đình thuộc diện chính sách tương ứng.

Đối với những hộ xã viên có khả năng trả nợ (không thuộc diện nghèo theo mức chuẩn quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 01-11-2000 của Bộ Lao động và Thương binh xã hội) nhưng chây ỳ không thanh toán nợ thì chủ nợ phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ.

3.5- Trường hợp các Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng các khoản tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuỷ lợi phí, tiền điện... đã thu được của xã viên để chi tiêu không đúng quy định gây lãng phí, thất thoát thì xác định rõ trách nhiệm cá nhân, yêu cầu bồi thường vật chất để hoàn trả cho các chủ nợ. Trường hợp không thể quy được trách nhiệm thì cho xoá nợ.

3.6- Những Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động, có khả năng trả nợ (kinh doanh có lãi) nhưng cố tình dây dưa không trả nợ, Ngân hàng cho vay phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ theo các quy định của pháp luật.

4- HỒ SƠ PHÁP LÝ, THỦ TỤC XỬ LÝ XOÁ NỢ:

4.1- Đối với Hợp tác xã nông nghiệp đã giải thể hoặc tự giải thể:

- Bản sao quyết định giải thể Hợp tác xã, nếu tự giải thể phải có biên bản của Uỷ ban nhân dân cấp ra quyết định thành lập Hợp tác xã xác lập.

- Bản sao báo cáo tài chính và phương án xử lý tài sản đến ngày có quyết định giải thể hoặc tự giải thể, và báo cáo thuyết minh rõ nguyên nhân không trả được nợ vay Ngân hàng, được Uỷ ban nhân dân cấp ra quyết định thành lập Hợp tác xã, cơ quan tài chính quận, huyện, Ngân hàng cho vay xác nhận.

- Bản sao khế ước có rút số dư đến ngày sao y do Ngân hàng cho vay lập, ký tên và đóng dấu.

- Biểu tổng hợp đề nghị xoá nợ do Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập và phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân, Sở tài chính, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4.2- Đối với Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động và Hợp tác xã chuyển đổi:

- Đơn đề nghị xoá nợ của Hợp tác xã vay vốn Ngân hàng.

- Báo cáo tài chính đến ngày 31-12-2001 có thuyết minh rõ nguyên nhân không trả được nợ vay Ngân hàng; trường hợp Hợp tác xã làm ăn có lãi nhưng số tiền vay được sử dụng đầu tư vào cơ sở hạ tầng (trường học, đường giao thông nông thôn, trạm xá, công trình thuỷ lợi nội đồng, lưới điện thôn xã) đến nay các cơ sở hạ tầng đó đã bị hư hỏng do nguyên nhân khách quan (thiên tai, bão lụt) thì phải có bản sao các văn bản, hồ sơ, chứng từ, biên bản xác định thiệt hại để chứng minh số vốn đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã bị thiệt hại được Uỷ ban nhân dân cấp ra quyết định thành lập Hợp tác xã , cơ quan tài chính quận, huyện, Ngân hàng cho vay xác nhận.

Trường hợp Hợp tác xã có khó khăn trong việc trả nợ Ngân hàng, nguyên nhân do các khoản nợ phải thu có liên quan đến xã viên của Hợp tác xã mà xã viên đó quá khó khăn thuộc diện nghèo, gia đình thuộc diện chính sách (theo mức chuẩn quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 01-11-2000 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội) không có khả năng trả nợ Hợp tác xã nông nghiệp thì phải lập danh sách có xác nhận của Uỷ ban nhân dân, cơ quan tài chính, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và Ngân hàng cho vay xác nhận.

Trường hợp Hợp tác xã có khó khăn trong việc trả nợ Ngân hàng mà nguyên nhân do chủ quan về phía Hợp tác xã, phải có văn bản xác định rõ trách nhiệm cá nhân, mức độ bồi thường vật chất để hoàn trả các khoản nợ Hợp tác xã nông nghiệp hoặc văn bản xác nhận không thể quy được trách nhiệm có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp ra quyết định thành lập Hợp tác xã, Ngân hàng cho vay xác nhận; trường hợp cá nhân sau khi bị quy trách nhiệm nhưng không có khả năng trả nợ Hợp tác xã nông nghiệp do các nguyên nhân bất khả kháng như chết, trốn, mất tích phải có xác nhận của cơ quan công an tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp ra quyết định thành lập Hợp tác xã, cơ quan tài chính quận, huyện, Ngân hàng cho vay.

- Bản sao khế ước có rút số dư đến ngày sao y do Ngân hàng cho vay lập, ký tên và đóng dấu.

- Biểu tổng hợp đề nghị xoá nợ do Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập và phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân, Sở tài chính, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5- NGUỒN TÀI CHÍNH ĐỂ XỬ LÝ XOÁ NỢ:

Các Ngân hàng thương mại sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản xoá nợ (nợ gốc) cho Hợp tác xã nông nghiệp. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro không đủ để bù đắp số nợ (nợ gốc) được phép xoá cho các Hợp tác xã nông nghiệp thì Ngân hàng thương mại báo cáo để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

6.1- Trên cơ sở phạm vi, đối tượng của thông tư này, các Ngân hàng thương mại có trách nhiệm chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng thương mại cho vay lập hồ sơ, hướng dẫn các khách hàng lập hồ sơ đề nghị xoá nợ, đảm bảo đúng quy định; tổng hợp báo cáo có xác nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở tài chính, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (biểu 1);

6.2- Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xoá nợ, Tổng giám đốc (giám đốc) Ngân hàng thương mại tổ chức kiểm tra đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý hồ sơ của các khoản nợ đề nghị xoá đồng thời tổng hợp số liệu toàn hệ thống gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính trước ngày 28-02-2002 (biểu 2).

6.3- Trên cơ sở báo cáo tổng hợp đề nghị xử lý nợ do Ngân hàng thương mại gửi tới, Liên bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính sẽ tiến hành phúc tra hồ sơ đề nghị xoá nợ của các Ngân hàng thương mại. Căn cứ kết quả số liệu phúc tra, Đoàn công tác Liên bộ tổng hợp báo cáo trình lên Bộ quyết định cho các Ngân hàng thương mại xoá nợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định xoá nợ và thông báo cho các Ngân hàng thương mại thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc phản ánh báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét, giải quyết.

 

Nguyễn Văn Giàu

(Đã ký)