cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 94/2001/TT-BNN-TCCB ngày 21/09/2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn Quyết định 245/1998/QĐ-TTg đối với các cơ quan thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở cấp tỉnh, huyện (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 94/2001/TT-BNN-TCCB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Ngày ban hành: 21-09-2001
  • Ngày có hiệu lực: 06-10-2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94/2001/TT-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2001 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 245/1998/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 12 NĂM 1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN THUỘC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Ở CẤP TỈNH, HUYỆN

Ngày 21 tháng 12 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh); huyện, thị xã, thành phố, quận trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) và cán bộ phụ trách lâm nghiệp, công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn như sau:

I- NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ LÂM NGHIỆP THUỘC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CẤP TỈNH.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan giúp Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý rừng, sử dụng rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ:

a. Tổ chức điều tra, phân loại, thống kê diện tích và trữ lượng của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); lập bản đồ, xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa thuộc địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham gia theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và sử dụng đất lâm nghiệp.

b. Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh lập và xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn về phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của địa phương để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thẩm định và trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở địa phương theo quy định hiện hành của Nhà nước.

c. Hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân cấp huyện lập quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng rừng, phát triển rừng, quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy; là cơ quan thẩm định, tổng hợp các quy hoạch, kế hoạch do Uỷ ban Nhân dân huyện trình để trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt; chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

d. Tổ chức hội đồng xét duyệt và tổng hợp thiết kế khai thác rừng tự nhiên của các chủ rừng để trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xét duyệt và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sau khi có ý kiến thẩm định và quyết định mở cửa rừng khai thác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định cấp giấy phép khai thác rừng tự nhiên cho các chủ rừng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra tiến độ và hoạt động khai thác của các chủ rừng; ra quyết định đóng cửa rừng sau khai thác; giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh xây dựng phương án quy hoạch phát triển và quản lý lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh.

đ. Xây dựng trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hoặc trực tiếp ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân huyện, xã, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước về quản lý, sử dụng và phát triển rừng.

e. Quản lý chỉ đạo công tác giống trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác khuyến lâm trên toàn tỉnh.

g. Định kỳ hàng năm kiểm tra thực hiện quy trình, quy phạm và các quy định trong khai thác gỗ, lâm sản và sử dụng rừng.

h. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các dự án phát triển rừng sản xuất, rừng phòng hộ, dự án lâm nghiệp xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn miền núi.

i. Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh giải quyết các tranh chấp về quản lý, sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

2. Chi cục Kiểm lâm.

Chi cục Kiểm lâm giúp Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng ở địa phương, đồng thời là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Chi cục Kiểm lâm có nhiệm vụ:

a. Thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính, hình sự đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật.

b. Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách và các phương án bảo vệ rừng ở địa phương, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, chính sách và các phương án đã được phê duyệt; tổ chức theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và sử dụng đất lâm nghiệp hàng năm trên toàn tỉnh để báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c. Quản lý và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Hạt Kiểm lâm, Hạt phúc kiểm lâm sản, Đội Kiểm lâm cơ động) trong việc thừa hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

d. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn, chỉ đạo việc xây dựng lực lượng và các hoạt động của lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở.

đ. Phát hiện, đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với những văn bản của các cấp chính quyền và các cơ quan trong tỉnh có nội dung trái với quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

e. Chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; kiểm tra, giám sát hoạt động của các khu rừng này theo đúng Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

g. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ rừng trong việc xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng ở địa phương; giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, xây dựng hoạt động của các Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng ở ba cấp tỉnh, huyện, xã; trong trường hợp khẩn cấp, thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm được đề nghị chính quyền các cấp huy động mọi lực lượng, phương tiện tại chỗ để chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

h. Hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân cấp huyện xây dựng dự án, phương án, kế hoạch bảo vệ rừng trên địa bàn huyện và kiểm tra việc thực hiện các dự án, phương án đã được phê duyệt.

i. Phối hợp với các cơ quan chức năng như: Quân đội, Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường v.v... trên địa bàn để tổ chức truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã.

k. Tham gia giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng rừng, đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

l. Lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện Hạt phúc kiểm lâm sản thực hiện nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Kiểm soát việc vận chuyển gỗ, lâm đặc sản, động vật hoang dã trên tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, trung tâm chế biến lâm sản trên địa bàn được phân công; phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

- Phối hợp với Hạt Kiểm lâm trên địa bàn huyện xây dựng và thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ rừng; hướng dẫn các chủ rừng và cộng đồng dân cư xây dựng phương án, quy ước bảo vệ và phát triển rừng; trực tiếp tham gia và tổ chức lực lượng quần chúng tham gia tuần tra bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng... ở nơi không có Hạt Kiểm lâm thì Hạt phúc kiểm lâm sản kiêm cả nhiệm vụ của Hạt Kiểm lâm.

- Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, kiểm soát lâm sản và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

II- NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ LÂM NGHIỆP THUỘC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CẤP HUYỆN.

1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan giúp Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng rừng và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ:

a. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh, giúp Uỷ ban Nhân dân huyện lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng và phát triển rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

b. Hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân cấp xã lập quy hoạch, kế hoạch quản lý và phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời là cơ quan thẩm định quy hoạch, kế hoạch đó để trình Uỷ ban Nhân dân huyện ra quyết định phê duyệt; chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; phối hợp theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

c. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân huyện giao, cho thuê, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy; hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban Nhân dân cấp xã thực hiện các công việc trên theo đúng quy định của pháp luật.

d. Giúp Uỷ ban Nhân dân huyện ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để chỉ đạo việc thực hiện chính sách, chế độ thể lệ của Nhà nước về quản lý, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên phạm vi huyện.

đ. Quản lý chỉ đạo công tác giống trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác khuyến lâm trên địa bàn huyện.

e. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các dự án phát triển rừng sản xuất, rừng phòng hộ, các dự án lâm nghiệp xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn miền núi trên địa bàn huyện.

g. Giúp Uỷ ban Nhân dân huyện giải quyết các tranh chấp về quản lý, sử dụng rừng trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

2. Hạt Kiểm lâm.

Hạt Kiểm lâm là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, chịu sự lãnh đạo, quản lý toàn diện của Chi cục Kiểm lâm, là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn huyện, đồng thời giúp Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ:

a. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, xử lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn huyện.

b. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục, phổ cập pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng; chống chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng.

c. Giúp Uỷ ban Nhân dân huyện tổ chức thực hiện việc bảo vệ rừng ở địa phương; bố trí và chỉ đạo, kiểm tra công chức Kiểm lâm của Hạt phụ trách địa bàn xã; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và biến động đất lâm nghiệp hàng năm trên địa bàn huyện.

d. Phát hiện và đề xuất với Uỷ ban Nhân dân huyện, với Chi cục Kiểm lâm xử lý hoặc đình chỉ thi hành những văn bản của các cơ quan trong huyện có nội dung trái với các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

đ. Hướng dẫn các chủ rừng, cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, quy ước bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương; kiểm tra việc thực hiện các phương án, kế hoạch đã được phê duyệt; tham gia chỉ huy chữa cháy rừng khi xảy ra cháy rừng ở địa phương.

e. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như Quân đội, Công an, Quản lý thị trường v.v... thực hiện tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã trên địa bàn huyện.

g. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ đóng trên địa bàn huyện trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

h. Tham gia giúp Uỷ ban Nhân dân huyện giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật.

III- NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ LÂM NGHIỆP XÃ CÔNG CHỨC KIỂM LÂM HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN XÃ.

1. Cán bộ phụ trách lâm nghiệp hoặc Ban lâm nghiệp xã (nếu có) giúp Uỷ ban Nhân dân xã thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã; tham mưu giúp Uỷ ban Nhân dân xã chỉ đạo thôn bản xây dựng và thực hiện kế hoạch về quản lý rừng, sử dụng rừng trên địa bàn; nắm diện tích, ranh giới các khu rừng, các hợp đồng giao nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng của các chủ rừng, xác định ranh giới rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng trên thực địa.

2. Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn là công chức Kiểm lâm được Hạt Kiểm lâm phân công phụ trách địa bàn xã hoặc liên xã có chức năng hướng dẫn, giúp Uỷ ban Nhân dân xã trong việc bảo vệ và phát triển rừng, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn có nhiệm vụ sau:

a. Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp hàng năm trên địa bàn được phân công, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của các chủ rừng.

b. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

c. Giúp Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã về tổ chức, xây dựng phương án, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án, kế hoạch đã được phê duyệt.

d. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và đoàn thể xã hội có liên quan tuyên truyền phổ cập các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, hướng dẫn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, bản; giúp Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã xây dựng các tổ chức quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng, hướng dẫn các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

đ. Tổ chức kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng, xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền và giúp Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Căn cứ quy định tại Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, huyện và xã giúp Uỷ ban Nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp ở địa phương; chỉ đạo, kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Các cơ quan tiếp nhận và chuyển giao nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg và Thông tư này phải thực hiện nguyên tắc kế thừa kết quả các công việc đã làm, tránh lãng phí, phiền hà, bảo đảm việc quản lý điều hành được liên tục; tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan liên quan để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động lập kế hoạch thực hiện Thông tư này, trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Thông tư này có hiệu lực 15 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ.
- PTT Nguyễn Công Tạn.
- VP Chính phủ, Ban TC-CB CP.
- TAND, Viện KSND tối cao.
- Các Bộ Công an, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư; TC Địa chính.
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ.
- Các Sở NN& PTNT, Chi cục KL.
- Các Vụ, Cục, VP, Thanh tra Bộ.
- Công báo, Lưu VT.

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG
 



Nguyễn Văn Đẳng